Những năm qua, ngành
Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết để các cấp chính quyền,
các ban, ngành trong tỉnh Yên Bái hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục như: Nghị
quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển, nâng
cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009 - 2015; Nghị quyết về xây
dựng trường phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2010 - 2015; Nghị quyết về việc
phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục Mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015;
Nghị quyết về việc phê duyệt Đề án Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn
2011 - 2015; Quyết định số 1208/QĐ-UBND,
hỗ trợ học bổng cho học sinh là người dân tộc thiểu số học
THPT và bổ túc THPT tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải
cùng nhiều nghị quyết, đề án, chỉ thị của Tỉnh ủy và Ủy ban
nhân dân tỉnh được ban hành, nhằm hỗ trợ cho giáo dục dân tộc có những bước đi
cơ bản, tiến tới từng bước nâng cao chất lượng theo hướng bền vững. Với mục
tiêu chung là “Phấn đấu đến năm 2015,
đẩy mạnh phát triển giáo dục vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Tập trung đầu tư
xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú. Tiếp tục củng cố, phát
triển trường phổ thông dân tộc nội trú ở huyện. Huy động tối đa học sinh dân
tộc thiểu số trong độ tuổi đến lớp”, “Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú
nhằm huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, góp phần nâng cao chất lượng
giáo dục toàn diện cho học sinh, tạo nền móng vững chắc cho phổ cập giáo dục
tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa
của tỉnh…”.
Năm học 2014 - 2015,
toàn tỉnh có 567 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; giáo dục vùng đồng bào dân
tộc, vùng cao tiếp tục được phát triển. Hiện có: 112.447/186.995 (chiếm 60,1%) học sinh là người dân tộc thiểu
số học ở các cấp học, trong đó học sinh người dân tộc thiểu số học tại các
trường phổ thông dân tộc nội trú: 2740/2814 em chiếm tỷ lệ 97,37%. Riêng cấp
THPT học sinh dân tộc thiểu số:
8.365/18.363 em (chiếm tỷ lệ 45,5%).
Với đặc thù của một tỉnh miền núi có 30 dân tộc chung
sống trên địa bàn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54%, 2 huyện Trạm
Tấu và Mù Cang Chải thuộc diện 62 huyện nghèo nhất cả nước. Trong bối cảnh khó
khăn chung, phải đối mặt với không ít thách thức, ngành Giáo dục và đào tạo Yên
Bái đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên
truyền chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác giáo dục dân tộc;
quan tâm tuyên truyền để triển khai các chính sách giáo dục, phổ cập giáo dục
đến từng thôn bản nhằm huy động các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể xã hội
tại địa phương vào cuộc tích cực, huy động học sinh theo độ tuổi ra lớp, ngăn
chặn tình trạng bỏ học, tạo môi trường giáo dục tốt hơn. Đồng thời, ngành giáo
dục huy động toàn bộ cán bộ giáo viên đang công tác tại các trường vùng cao,
vùng dân tộc thiểu số vận đồng quần chúng nhân dân ủng hộ chính sách giáo dục
và làm tốt công tác huy động trẻ em đến lớp, tránh tình trạng học sinh bỏ học,
nhất là không để tình trạng học sinh bỏ học do thiếu ăn...
Nhằm
hỗ trợ những học sinh không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo
Quyết định số 85, Quyết định số 36, Quyết định số 12,
tỉnh chỉ đạo thực hiện phong trào xây dựng “kho thóc khuyến học”; ban hành chính sách hỗ trợ tiền ăn bằng 20% mức lương cơ sở chung hiện hành
cho đối tượng học sinh thuộc diện chính sách không thuộc đối tượng được hưởng chế độ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, hỗ
trợ học bổng cho học sinh là người dân
tộc thiểu số học THPT và bổ túc THPT tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải… Đây
là tiền đề để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục học sinh người dân tộc
thiểu số tại tỉnh.
Bữa ăn cho học sinh
người dân tộc thiểu số ngày càng được tỉnh quan tâm cải thiện
Với hệ thống các trường Phổ thông
dân tộc nội trú, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái đã tham mưu với Ủy ban
nhân dân tỉnh từng bước củng cố, hoàn thiện, mở rộng quy mô, nâng cao chất
lượng dạy và học theo Quyết định số 179/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo
bằng việc ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai Quyết định số 1640/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố và phát triển các trường phổ thông
dân tộc nội trú. Toàn tỉnh tập trung mọi nguồn lực để tăng cường chất lượng các
trường trong mô hình này. Hiện
tại 100% các trường phổ thông DTNT, DTBT và các trường có học sinh bán trú ở
trong trường đã tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh. Một số trường PTDTBT đã tổ chức nấu ăn cho cả những học
sinh ở trọ ngoài trường hoặc nấu bữa trưa cho học sinh không đủ điều kiện hưởng
chính sách hỗ trợ của Nhà nước bằng nguồn kho thóc khuyến học của xã và nguồn
gạo học sinh được cấp theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính
phủ. Các trường cũng đã chú trọng đến công tác rèn kỹ
năng sống cho học sinh; hướng dẫn cách tự học, tự rèn luyện; tổ chức các hoạt
động giáo dục đặc thù và lao
động sản xuất cho học sinh.
Do tính chất chuyên biệt, hoạt động của trường PTDTNT và PTDTBT tạo điều kiện cho các nhà trường
tổ chức học 2 buổi/ngày từ đó công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học
sinh yếu kém được quan tâm. So
với năm học 2009 - 2010 (năm học trước khi
thực hiện Nghị quyết của HĐND về xây dựng trường PTDTBT giai đoạn 2010 - 2015), chất lượng giáo dục của các trường phổ thông DTBT có sự chuyển biến tích cực: tỷ lệ học sinh khá, giỏi cấp THCS tăng 9,7%; tỷ lệ học lực yếu, kém giảm 8%.
Học sinh khá giỏi môn Toán cấp Tiểu học tăng 8,2%, học lực yếu giảm 10,7%; môn
Tiếng Việt học lực khá, giỏi tăng 8% , học lực yếu giảm 8,6%. Tỷ lệ học sinh bỏ
học giảm đáng kể: Cấp tiểu học còn 0,1%, cấp THCS chỉ còn 1%.
Chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT đạt được những
kết quả đáng khích lệ: Tỷ lệ học sinh giỏi của trường PTDTNT THPT tỉnh đạt 5,2%
(cao hơn tỷ lệ toàn tỉnh 1,1%); điểm bình quân thi ĐH, CĐ của học sinh 2 trường
PTDTNT THPT xếp thứ 3, 4 toàn tỉnh (sau THPT Chuyên NTT và THPT Nguyễn Huệ). Tỷ
lệ học sinh xếp loại học lực Khá, Giỏi của các trường PTDTNT THCS cao hơn so
với tỷ lệ chung toàn tỉnh 10,5%, không có học sinh xếp loại học lực kém.
Ông
Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Phát huy những kết
quả đạt được, thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái sẽ tập
trung thực hiện nghiêm túc chế độ chính sách nhằm đảm bảo quyền
lợi và nghĩa vụ của học sinh dân tộc cũng như quan tâm, giúp đỡ những học sinh
nghèo, học sinh dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, làm tốt công
tác tuyên truyền, vận động con em đồng bào dân tộc ra lớp, không bỏ học. Thường
xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chế độ chính sách đảm bảo tính khả thi,
hiệu quả, không lãng phí, không thiếu sót, bất cập. Đồng thời nâng cao chất
lượng học sinh dân tộc, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh dân tộc được học
tiếng Kinh song song với học bằng tiếng dân tộc, đảm bảo duy trì số học sinh ra
lớp, phân luồng có hiệu quả học sinh dân tộc cuối bậc học THCS, định hướng nghề
nghiệp cho học sinh dân tộc cuối bậc học THPT, hỗ trợ thường xuyên và kịp thời
cho học sinh dân tộc học các trường Trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
Ngành cũng sẽ quan tâm nâng cao hơn nữa về chất lượng đội ngũ
cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên vùng đồng bào dân tộc và tăng cường đầu tư
các nguồn lực cho giáo dục dân tộc, góp phần
chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phát triển giáo dục trẻ em vùng cao”.
Có thể thấy rằng,
chất lượng giáo dục cho học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong
những năm qua được nâng lên đã đáp ứng được một phần nguồn nhân lực phục vụ tại
địa phương và vùng dân tộc miền núi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã
hội trên địa bàn./.