Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Lễ hội truyền thống >> Văn hóa - Xã hội

Lễ hội đình Làng Xóa, xã An Phú, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái

11/09/2019 07:17:43 Xem cỡ chữ Google
Đình Làng Xóa thuộc Làng Xóa, xã An Phú, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Theo phong tục truyền thống của địa phương, hàng năm nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã tổ chức lễ cầu đình để tưởng nhớ công ơn của các Thành Hoàng đã gây dựng thành làng, xã An Phú từ xa xưa, lễ cầu đình với mong muốn mưa thuận, gió hòa, cây cối, mùa màng tươi tốt, người dân có sức khỏe dồi dào.

Phần nghi lễ tại Lễ hội đình Làng Xóa

1. Nguồn gốc lễ hội

Đình Làng Xóa được xây dựng khoảng cuối thế kỷ thứ XVIII khi đồng bào đến định cư và gắn với địa danh Làng Xóa. Theo quan niệm của người Tày nói chung, người Tày Làng Xóa, xã An Phú nói riêng “đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”, ở đâu có sự sống của con người thì ở đó có Thổ Công cai quản và họ cho rằng Thổ Công (hay còn gọi là ông Địa) là một vị thần có công đức, có công lao với dân làng, mỗi khi dân đến định cư thành lập làng bản mới là có một vị thần Thổ Công cai quản, bảo vệ, phù hộ cho cả bản. Chính vì thế dân Làng Xóa lập đình thờ thần Thổ Công.

Đình Làng Xóa xây dựng cuối thế kỷ XVIII (khoảng năm 1878), từ khi người Tày đến định cư vùng đất An Phú và lập Làng Xóa nên tên đình được gắn với địa danh gọi là đình Làng Xóa. Theo các cụ khi xây dựng, trong lúc lợp mái, bất ngờ một cơn cuồng phong, sấm chớp ầm ầm, bụi bay mù mịt, dân làng hoảng sợ, tất cả lá cọ lợp trên mái bị giật tung bay ra một bãi đất trống giữa cánh đồng cách đó khoảng 300m. Dân làng thấy lạ cho đây là điềm báo, cần phải thay đổi vị trí đình mới hợp với ý thần, nên dân làng chuyển địa điểm xây dựng đình đến bãi đất nơi cọ bay đến. Từ đó đến năm 1960, khi đình bị hỏng không thay đổi vị trí.

Đình xây dựng hình chữ Nhất []; quay hướng Nam; đình gồm 3 gian nhà đất, hai chái, chiều dài khoảng 12m; chiều rộng 6m; cột gỗ to; mái lợp cọ; chỉ có hai đầu hồi đình lịa ván ghép tường.

Hai bên đầu hồi nhà có ban làm bằng gỗ, trên mặt tre đan, cao khoảng 1,3-1,6m; rộng 3,5m; mỗi ban thờ có 3 bát nhang; xung  quanh phía trên gần xà ngang có giàn tre đan tạo thành ban thờ. Gian chính giữa cửa ra vào, phía trong có ban thờ gồm 3 bát nhang; ở giữa gian có một sàn nhỏ làm bằng tre, cột gỗ.

Xung quanh đình là đồng ruộng của làng, có một đường vào nhỏ; trong khuôn viên đình có trồng 1 cây đa, 2 cây trám; xung quanh khuôn viên đình có nhiều cây cọ, sân rộng để tổ chức lễ hội hàng năm.

Ngoài thờ thần Thổ Công, dân Làng Xóa còn thờ Thành Hoàng người có công đầu tiên có công khai sơn lập làng, bản và thờ người sống lâu nhất trong bản có công giúp đỡ, bảo vệ dân làng, làm cho bản làng ngày càng phát triển. Sau khi hai người đó qua đời dân làng gọi là hai vị “Phúc Thần” và thờ tại đình làng. Từ đó dân Làng Xóa xây dựng đình để thờ thần Thổ Công và Thành Hoàng làng hay còn gọi là “Phúc Thần” người có công đầu tiên đưa dân đến lập bản mường và người già có công với làng bản để dân có cuộc sống yên lành.

2. Thời gian tổ chức lễ hội

Đã thành thông lệ, mỗi năm 2 lần vào ngày 5 tháng Giêng và ngày 15 tháng 7 âm lịch, UBND xã An Phú đều tổ chức lễ cầu đình với mong muốn mưa thuận, gió hòa, cây cối, mùa màng tươi tốt, người dân có sức khỏe dồi dào.

3. Địa điểm tổ chức Lễ hội

Đình Làng Xóa thuộc Làng Xóa, xã An Phú, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

4.  Phần lễ hội

Hàng năm tại đình Làng Xóa diễn ra nhiều lễ hội. Tuy nhiên chỉ có 3 lễ hội chính.

* Lễ đầu năm mới

Ngày 5 tháng Giêng, ngày này người dân coi là ngày thiêng liêng nhất đầu năm mới, vì vậy dân làng tổ chức rất to, chuẩn bị mâm cỗ rất nhiều món từ mặn đến chay để cúng gia tiên và mang lên đình cúng thần làng mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy; sức khỏe, vạn vật sinh sôi nảy nở, cầu cho mùa màng bội thu, cầu cho quốc thái dân an.

Lễ vật cúng thường là bánh trôi, bánh mật, bánh trưng, bỏng… thịt lợn, thịt gà, thịt vịt, cá, hoa quả… các lễ vật chủ yếu do người dân tự chăn nuôi, trồng trong vườn thể hiện lòng thành và dâng lên cảm tạ thần làng đã bảo vệ, che chở, cho dân làng một năm được mùa.

Sau các nghi lễ cúng thần, dân làng thường tổ chức các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian như hát then, hát cọi, khắp luông, đánh quay, đánh yến, ném còn, đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền, bắn nỏ…

*  Lễ Tết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy)

Người Tày An Phú cũng như các dân tộc khác ở Việt Nam, Tết Trung nguyên cũng rất quan trọng, tết này có hai ý nghĩa: Đó là lễ “Vong nhân xá tội” và lễ “Vu lan báo hiếu”. Đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất - một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện tấm lòng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và cúng chúng sinh.

Trong ngày này dân làng chuẩn bị hai mâm cỗ; một mâm cúng gia tiên, một mâm cúng chúng sinh. Mâm cúng gia tiên thường là đồ mặn như thịt lợn, thịt gà, đồ hàng mã… Còn mâm cúng chúng sinh gồm loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, cháo, tiền vàng… Cũng trong ngày lễ Trung nguyên người dân Làng Xóa mang các lễ vật lên đình cúng các thần linh, cầu mong mọi sự tốt lành.

Kết thúc lễ cúng tế tại đình dân làng tổ chức các hoạt động vui chơi như hát then, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền.

*  Lễ tết Trung thu (Rằm tháng Tám)

Vào ngày này, dân Làng Xóa chuẩn bị các lễ vật mang lên đình cúng các thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống của nhân dân an lành.

Vào ngày tết này, trong các nhà tổ chức bày cỗ, trông trăng. Mọi người ra đình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ.

Ở phần hội, UBND xã tổ chức giải bóng chuyền lộc đình với sự tham gia của các đội bóng đến từ các đơn vị, các xã trong huyện. Lễ hội đã được tổ chức thành công theo nghi lễ, phong tục truyền thống, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, tăng cường sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trong xã và du khách thập phương, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Đình Làng Xóa tuy không còn hiện hữu, nhưng với giá trị lịch sử, văn hóa, đình đã trở thành biểu tượng linh thiêng của nhân dân Làng Xóa, xã An Phú. Cùng với các ngôi đình khác trên khắp của đất nước, đình Làng Xóa đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây bằng hình ảnh “Cây đa, bến nước, sân đình”. Đình là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng cộng đồng; là nơi giáo dục truyền thống văn hóa cho các thế hệ, nơi trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất và gia đình.

Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau đình Làng Xóa, xã An Phú không còn, nhưng giá trị về văn hóa - tín ngưỡng vẫn còn đọng lại trong tâm thức nhân dân địa phương và góp phần hình thành nhân cách, tâm hồn, lối sống, nếp sống tốt đẹp trong mỗi người dân nơi đây. Từ nhận thức đó, sau hơn nửa thế kỷ ngôi đình bị hỏng, chỉ còn lại đất đình nhưng nhân dân xã An Phú không có ai xâm hại đến đất đình, luôn coi trọng không gian xưa của đình và mong muốn được phục dựng lại đình để làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng. Năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận đình Làng Xóa, xã An Phú, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Lễ đón bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Đình làng Xóa

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

- Liên hệ đơn vị tổ chức lễ hội: UBND xã An Phú, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái - Số điện thoại: 0292.212.289.

- Liên hệ Công ty Lữ hành: Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Yên Bái - Điện thoại: 0216.3893.985; Giám đốc Công Ty: Ông Đặng Minh Khôi - điện thoại: 0919.855.220 -  0976.079.266.

* Cơ sở Lưu trú:

NHÀ NGHỈ:

1. Khách sạn 1 sao Hồng Ngọc, 20 phòng, ĐT: 0216.3845.176.

2. Khách sạn 1 sao Ánh Nguyệt, 19 phòng, ĐT: 0216.3845.588.

3. Khách sạn 1 sao Nắng Vàng, 16 phòng, ĐT: 0216.3845.809.

4. Khách sạn 1 sao Ánh Dương, 11 phòng, ĐT: 0216.3845.771.

NHÀ HÀNG:

1. Giỏi Liên, 6 phòng ăn và 1 hội trường, ĐT: 0216.3845458.

2. Đông Hồ, 4 phòng ăn, ĐT: 0216.3845.612.

3. Hùng Liên, 2 phòng ăn và 2 hội trường, ĐT: 0216.3845.476.

3607 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h