Đặc biệt, trước tình trạng mẫu rau tồn dư
thuốc bảo vệ thực vật; mẫu thịt nhiễm vi sinh, hóa chất vượt mức cho phép
khá cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tác động xấu đến sản xuất và
làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm nông nghiệp… thì việc nâng
cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người quản lý; nhận thức, ý thức
trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong công tác bảo đảm an
toàn thực phẩm (ATTP), nhất là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu hàng ngày trở
nên thực sự cấp thiết.
Tháng hành động vì ATTP năm 2015 với chủ
đề: “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” không chỉ hướng đến
việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng các thực phẩm an toàn thiết yếu mà đưa nó
đến tận bàn ăn của mỗi gia đình, mỗi thực khách. Công tác truyền thông với sự
vào cuộc mạnh tay của các ngành chức năng được tăng cường, bước đầu đã tạo ra
sự thay đổi trong nhận thức và hành động của người dân đối với vấn đề ATTP.
Với một chủ đề rất rõ ràng, cụ thể ngay
trong Tháng hành động vì ATTP đoàn thanh tra liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh (gồm
y tế, quản lý thị trường, công an, thú y) đã trực tiếp tiến hành thanh tra,
kiểm tra hàng loạt các quy định về sử dụng nguyên liệu thực phẩm, sử dụng phụ
gia, hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm; quy định về điều kiện bảo đảm
ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm động vật, sản phẩm động vật tươi
sống; tiêu chuẩn về sức khỏe trong sản xuất, chế biến thực phẩm; các quy định
đảm bảo ATTP trong kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống tại các căng tin, bếp
ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng; điều kiện bảo đảm an toàn
trong kinh doanh thức ăn đường phố… tại 35 cơ sở trên địa bàn thành phố Yên Bái
và các huyện: Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ.
Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở chế biến
thực phẩm đã chấp hành khá tốt các quy định bảo đảm VSATTP; có khu vực chế biến
thực phẩm sạch sẽ; nguồn nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng,
được kiểm dịch thú y trước khi giết mổ... Nhiều cơ sở đã khám sức khỏe và xác
nhận kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho những người liên quan trực tiếp;
ý thức chấp hành về bảo đảm chất lượng VSATTP của các cơ sở dịch vụ ăn uống và
kinh doanh thực phẩm ngày một được nâng cao, nhất là các cơ sở kinh doanh lớn.
Song, bên cạnh đó lực lượng chức năng cũng đã tiến hành xử phạt đối với 12 cơ sở
vi phạm khi không thực hiện khám sức khỏe định kỳ, không bảo đảm quy định về
địa điểm an toàn khi chế biến thực phẩm, không thực hiện việc lưu mẫu thực phẩm
theo quy định; nhắc nhở đối với một số cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ
điều kiện về VSATTP, yêu cầu tạm đóng cửa để hoàn thiện các thủ tục pháp lý
kinh doanh…
Được biết, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh
có gần 5.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có trên 540 cơ sở
chế biến, trên 3.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm và gần 2.000 cơ sở dịch vụ ăn
uống. Trong 3 tháng đầu năm 2015, Ban chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
tỉnh đã thành lập được 128 đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến tỉnh, huyện, xã đồng
loạt thanh tra, kiểm tra VSATTP tại 2.117 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh
thực phẩm, chiếm 81,2% số cơ sở trong toàn tỉnh được kiểm tra, trong đó có gần
1.700 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và trên 400 cơ sở dịch vụ ăn uống.
Qua kiểm tra, phát hiện gần 400 cơ sở không đạt. Lực lượng chức năng đã tiến
hành xử lý trên 100 cơ sở vi phạm, phạt tiền trên 100 triệu đồng; cảnh cáo 22
cơ sở; gần 40 cơ sở bị tiêu hủy trên 560 sản phẩm, trị giá hàng hóa khoảng 120
triệu đồng; nhắc nhở đối với 292 cơ sở vi phạm các lỗi nhỏ.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh
tăng cường kiểm tra việc kinh doanh thực phẩm tươi sống tại các chợ lớn trên
địa bàn các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Nhìn lại gần chục vụ ngộ độc trong những
tháng đầu năm 2015 cho thấy, tuy chưa gây hậu quả chết người nhưng số người ngộ
độc luôn nhiều. Trong đó có một số vụ lên đến vài chục người như: vụ ngộ độc
kẹo có xuất xứ từ Trung Quốc do học sinh mang từ nhà đến xảy ra tại Trường THCS
xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn khiến 19 học sinh bị mắc; vụ ngộ độc thực phẩm ngày
28/3 tại thôn Cây Thọ, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình có tới hơn mười người mắc.
Đáng báo động như vụ ngộ độc rượu ngâm cây rừng xảy ra đầu tháng 5 năm 2015 tại
thôn 7, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên khiến 1 trong số 2 người uống tử vong trong
thời gian ngắn…
Điều đáng nói là mặc dù đã được cảnh báo
nhưng những vụ ngộ độc chết người do ăn thịt cóc; ngộ độc vi sinh vật do ăn
tiết canh lợn, ngựa; ngộ độc thực phẩm đông lạnh tẩm ướp hóa chất; ngộ độc sắn,
nấm, rượu ngâm cây củ rừng... vẫn xảy ra mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ
việc thiếu ý thức và kiến thức về sử dụng, bảo quản thực phẩm bảo đảm an toàn
vệ sinh của người dân và sự vô cảm của người kinh doanh.
Đã đến lúc cần nhìn nhận vấn đề VSATTP
không chỉ còn là trách nhiệm của riêng một ngành, cấp nào mà nó cần được xem là
quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người tiêu dùng, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Nhận thức đúng đắn quyền lợi và ý thức trách nhiệm trước cuộc sống của cộng
đồng thì những sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm VSATTP sẽ không
còn đất sống, đồng nghĩa với việc quyền của người tiêu dùng được bảo vệ và
chính chúng ta sẽ không tự biến mình trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của thực
phẩm “bẩn”.