Thế nhưng, đến nay “cây triệu đô” này vẫn
chưa được xác định chỗ đứng đúng mức, từ đó thiếu chính sách hỗ trợ phát triển
cụ thể. Điều này khiến cả doanh nghiệp cũng như người nông dân trồng sắn phải
chịu cảnh thiệt thòi, bấp bênh.
Nói đến cây sắn, đến công nghiệp chế biến
sắn Yên Bái, người ta nghĩ ngay đến Văn Yên. Với gần 8.000ha, sản lượng hàng
năm đạt từ 160.000 đến 180.000 tấn sắn củ tươi, từ lâu Văn Yên đã được coi là
“thủ phủ” của sắn. Mỗi năm, nông dân Văn Yên thu về trên 200 tỷ đồng, trong đó
sản phẩm tinh bột sắn, sắn lát khô đã được xuất sang thị trường nhiều nước lớn
như: Trung Quốc, Philippin, Hàn Quốc... với trị giá gần chục triệu đô mỗi năm.
Thế nhưng, ít ai biết rằng cách đây hơn 15
năm, cây sắn ở Văn Yên cũng chỉ được trồng xen canh, làm thức ăn chăn nuôi như
bao địa phương khác, diện tích cũng chẳng lớn. Nhưng rồi, bằng cái nhìn chiến
lược, sự vào cuộc mạnh dạn của doanh nghiệp, sự đồng lòng của nông dân, Văn Yên
đã hiện thực hóa tiềm năng to lớn của “cây triệu đô” trên vùng đất này. Đến
giờ, người ta vẫn rỉ tai nhau rằng: hồi đó các vị lãnh đạo Công ty cổ phần Nông
lâm sản Yên Bái đã cùng với các vị lãnh đạo tỉnh đi khắp trong Nam ngoài Bắc
để tìm giống sắn tốt cho huyện. Rồi lại lấy mẫu đất ở Văn Yên đưa sang tận Thái
Lan phân tích, nghiên cứu xem có phù hợp với cây sắn cao sản hay không. Nhiều
giống sắn cao sản KM94, KM60 và HN124... lần lượt được đưa về để thay thế giống
sắn địa phương. Xa hơn, doanh nghiệp quyết định bỏ ra gần 50 tỷ đồng đầu tư nhà
máy chế biến tinh bột.
Sắn đã lên đồi, nhưng để chúng bén rễ
và phát triển ổn định như hôm nay không thể không nói tới sự vào cuộc quyết
liệt của các cấp chính quyền và nhân dân huyện Văn Yên. Đó là cả một quá trình
dài với những khó khăn và cả những câu chuyện dở khóc, dở cười. Anh Trần Thống
Nhất, khi ấy là cán bộ khuyến nông trẻ tuổi rất năng nổ, nhiệt huyết (nay đã chuyển
về Phòng Tài nguyên -Môi trường huyện) đem cái kỹ thuật “canh tác sắn bền vững”
đến với từng hộ dân. Anh vẫn chưa quên kỷ niệm lần đầu hướng dẫn một hộ
dân xã An Bình làm canh tác sắn bền vững. Mọi việc sẽ suôn sẻ nếu hôm đó trời
không mưa bão làm cuốn bay toàn bộ diện tích sắn và đường băng của hộ dân đó xuống
ao dưới chân đồi. Vậy là, kết quả chả thấy đâu mà mỗi lần gặp lại anh vẫn bị
chủ hộ nhắc lại kỷ niệm khóc dở, mếu dở này.
Rồi ngay cả chị Trần Thị Bích Huề - Trạm
trưởng Trạm Khuyến nông huyện cũng nhiều năm phải bám đất, bám đồi từ Mậu Đông,
Đông Cuông cho đến An Bình, Đông An để làm canh tác sắn bền vững. Đi đến đâu,
chị cũng phải trả lời những thắc mắc của người dân: “Tại sao phải làm đường
băng, phải trồng cây cốt khí, trong khi vừa làm mất hàng sắn, lại mất thời gian
làm, chăm sóc…?”.
Thế nhưng, bằng sự kiên trì trong tuyên
truyền, vận động, bằng hiệu quả rõ rệt từ những mô hình điểm và bằng những gốc
sắn ngày càng sai củ những người làm nông nghiệp, chính quyền địa phương đã làm
thay đổi nhận thức của người dân. Đến nay, diện tích sắn được duy trì ổn định
với gần 8.000 ha. Trong đó, 3.792 ha được nông dân sử dụng biện pháp canh tác bền
vững. Mỗi năm Văn Yên thu về hàng triệu đô từ việc xuất khẩu tinh bột sắn và
sắn lát khô. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và các đồng chí lãnh đạo tỉnh
cây sắn ở Văn Yên thành công, cho hiệu quả kinh tế cao là do huyện đã xây dựng
được mô hình hoàn thiện từ canh tác đến chế biến. Cây sắn không chỉ trở thành
cây mũi nhọn xóa nghèo mà còn làm giàu cho nông dân trong huyện.
Vị thế của cây sắn đã được khẳng định,
không chỉ là cây xóa nghèo, làm giàu cho nông dân mà còn là sản phẩm nông sản
xuất khẩu chủ lực của huyện Văn Yên nói riêng và Yên Bái nói chung. Vậy nhưng,
thực tế cây sắn thường xuyên rơi vào cảnh bấp bênh, “được mùa, rớt giá”. Ngay
như niên vụ sắn 2014 - 2015 vừa qua, giá sắn xuống thấp, bình quân từ 1.100
đồng đến 1.200 đồng/kg khiến nhiều người dân không dám thu hoạch vì lỗ. Vì thế,
trong khi hàng năm cứ đến tháng 2, tháng 3 là nông dân tất bật phát dọn thực
bì, trồng vụ mới nhưng năm nay nương đồi im lìm, cỏ cây ngổn ngang như khi vừa
thu hoạch xong, thậm chí một số diện tích còn chưa thu hoạch.
Theo nhiều người, thực trạng trên bắt nguồn
từ nhiều nguyên nhân: trước hết đó là sự phát triển ồ ạt, không theo qui hoạch,
mạnh ai nấy làm. Trong khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng trên địa bàn hoạt
động hết công suất cũng chỉ tiêu thụ khoảng 80.000 tấn sắn củ tươi/niên vụ, tức
khoảng 50% sản lượng sắn của Văn Yên. Số còn lại trông chờ vào các lò sấy sắn
thủ công và phụ thuộc vào tư thương. Bên cạnh đó, các sản phẩm xuất khẩu từ sắn
mới chỉ dừng lại ở dạng thô như tinh bột sắn, sắn lát khô giá trị thấp, và phụ
thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sắn là “cây triệu đô”, mỗi năm mang về trên
200 tỷ đồng cho nông dân Văn Yên, thế nhưng “bài toán” được mùa mất giá của
loại cây này vẫn chưa có lời giải. Điều này, cho thấy rõ ràng cây sắn vẫn chưa
được nhìn nhận một cách công bằng. Bao năm qua, cây sắn vẫn chịu tiếng xấu là
thủ phạm làm bạc đất và chưa được quan tâm khi các chính sách hỗ trợ cho cây
sắn vẫn thiếu và ít, khiến năng suất, canh tác, sản xuất sâu sau chế biến vẫn
vấp phải những hạn chế lớn.
Cán bộ xã An Bình hướng dẫn người
dân trồng cỏ voi làm đường băng canh tác sắn bền vững.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong hơn 12
năm bén rễ ở Văn Yên, đến nay cây sắn vẫn là cây có năng suất, giá trị kinh tế
cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Còn nếu bảo sắn là cây làm sói
mòn, cạn kiệt tài nguyên đất thì rõ ràng đây là nhận định không chính xác. Bởi,
đã trồng sắn thì phải gắn với canh tác bền vững, phải tái đầu tư dinh dưỡng cho
đất chứ không phải kiểu làm được chăng hay chớ. Ở đây, nguyên nhân của sự thoái
hóa là do phương pháp canh tác, chứ không phải cây sắn. Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát mới đây cũng thừa nhận rằng:
“Sắn là cây trồng đem lại cơ hội lớn để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho
nông dân. 10 năm trước tôi đã ký chỉ thị yêu cầu các địa phương kiểm soát diện
tích trồng sắn vì hại đất. Tuy nhiên, vài năm gần đây, chúng tôi đã khẳng định
cây sắn không có lỗi, do đó chúng ta phải có cách tiếp cận mới về cây sắn, ứng
xử phù hợp”.
Rõ ràng, để cây sắn phát triển bền vững,
trước mắt và lâu dài cần đưa vào sản xuất những giống sắn có năng suất cao cũng
như đầu tư thâm canh, xen canh hiệu quả. Hiện năng suất bình quân của cây sắn
Văn Yên đạt khoảng 22 tấn/ha, bằng với mức trung bình của cả nước nhưng so với một
số tỉnh ở Tây Nguyên và nhiều nước trên thế giới năng suất trên vẫn còn rất
thấp. Cùng với đó, các địa phương cần quản lý, quy hoạch tốt diện tích sắn và
phải có chế tài quản lý, tuyệt đối không phá vỡ quy hoạch. Gắn vùng nguyên liệu
với chế biến để bảo đảm khâu tiêu thụ.
Ngoài ra, về lâu dài mối liên kết giữa nông
dân với doanh nghiệp chế biến cần chặt chẽ, thống nhất như: tăng cường hỗ trợ
giống, các biện pháp canh tác, thu mua sản phẩm… Ngược lại, nông dân cũng cần
nghiêm túc thực hiện các biện pháp canh tác bền vững và bán sản phẩm cho nhà
máy như đã cam kết. Giai đoạn 2011 - 2015, Văn Yên thực hiện canh tác bền vững
trên đất dốc được khoảng 3.792ha, nghĩa là mới chỉ bằng gần 50% diện tích sắn
toàn huyện, trong đó chỉ có 1.524ha là canh tác lâu dài. Điều này, đòi hỏi phải
có nhiều hơn chính sách, sự hỗ trợ để đưa toàn bộ cây sắn vào canh tác bền
vững, đảm bảo sự ổn định và nâng cao năng suất.
Ông Doãn Văn Thủy - Phó chủ tịch UBND huyện
Văn Yên cho biết: Thời gian tới, huyện Văn Yên tập trung hướng tới chất lượng
của các biện pháp canh tác bền vững, thực hiện sao cho vừa bảo vệ môi trường,
bảo vệ độ phì của đất, hạn chế rửa trôi đất vừa nâng cao năng suất, chất lượng
sắn củ bằng các biện pháp bón phân cân đối để nâng cao hàm lượng tinh bột trong
củ sắn tươi. Quan trọng hơn, Văn Yên tăng cường xây dựng mối liên kết giữa nhà
nông và nhà doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhà máy chế
biến sắn, bảo đảm vùng nguyên liệu và hoạt động chế biến của nhà máy một cách
bền vững.