Mảnh đất giàu tiềm năng du lịch
Mù Cang Chải là địa bàn giáp ranh với nhiều huyện, tỉnh bạn, đặc biệt là có trục Quốc lộ 32 với chiều dài gần 100km chạy qua, tạo thuận lợi cho việc đi lại giao thông, giao lưu văn hoá và các tour du lịch qua các địa danh nổi tiếng của huyện, tỉnh bạn như Mường Lò (Nghĩa Lộ), Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Sa Pa (Lào Cai) và các tỉnh Tây Bắc khác.
Là địa phương có tỷ lệ phủ rừng cao (đạt trên 60%) với những giá trị nguyên sơ của rừng nguyên sinh, cùng nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ, Mù Cang Chải có khu bảo tồn các loài sinh vật cảnh với trung tâm là xã Chế Tạo và vùng ngoại vi phía Bắc, phía Đông các xã Dế Xu Phình, Púng Luông, Nậm Khắt.
Tuy địa bàn bị chia cắt mạnh bởi núi cao và khe sâu, địa hình hiểm trở, nhưng các ngọn núi cao thấp trùng điệp bao quanh đã tạo thành khung cảnh hùng vĩ, cùng với những triền ruộng bậc thang tuyệt đẹp đang là điểm thu hút khách du lịch chiêm ngưỡng và khám phá nơi đây.
Mù Cang Chải có 700ha ruộng bậc thang trong đó hơn 47% tập trung ở 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình. Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh thắng cấp Quốc gia. Không chỉ ở 3 xã này, dừng chân ở bất kỳ nơi đâu vào mùa lúa chín, du khách cũng được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp các sườn đồi. Những ruộng bậc thang ấy không chỉ mang lại sự no đủ cho người dân bản địa mà giờ đây còn là cảnh quan làm mê đắm các du khách, điểm nhấn chủ đạo về du lịch cảnh quan, du lịch cộng đồng mang đặc thù rất riêng của Mù Cang Chải.
Bên cạnh đó, Mù Cang Cang Chải còn có nhiều địa điểm có tiềm năng khai thác du lịch sinh thái như khu du lịch Thác Mơ (thị trấn Mù Cang Chải), suối nước nóng Nậm Khắt, khu vực leo núi các xã Púng Luông, Nậm Khắt, hang động Nậm Khắt, bãi đá cổ xã Lao Chải, Chế Cu Nha, khu du lịch sinh thái Chế Tạo, Nậm Khắt, đặc biệt là địa điểm khai thác du lịch mạo hiểm dù lượn tuyệt đẹp tại đèo Khau Phạ.
Chiếm 90% dân số toàn huyện, người Mông ở Mù Cang Chải sống trên các sườn đồi núi cao, đoàn kết thành cộng đồng thôn bản. Họ có nền văn hóa dân gian phong phú, các nghi thức lễ hội gầu tào, lễ cúng cơm mới, lễ cưới hỏi, các lời ru, tiếng hát, điệu khèn, điệu múa, tiếng sao, tiếng khèn... mang nhiều ý nghĩa, chứa đựng tình tứ, ẩn hiện hoà quyện với thiên nhiên đất trời làm say đắm lòng người và thoả chí tò mò, khám phá cho du khách mỗi khi hoà nhập vào văn hoá của người Mông Mù Cang Chải.
Đặc biệt, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải là nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ (thành lập tháng 10/1946). Với những thành tích, chiến công trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đội du kích Khau Phạ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Cao Phạ được Đảng, Nhà nước phong trặng danh hiệu "Anh hùng lực lược vũ trang" trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 2013, nơi đây được nhà nước công nhận "Di tích lịch sử cấp Quốc gia nơi thành lập đội du kích Khau Phạ" để vinh danh công lao, tinh thần dũng cảm của đội du kích Khau Phạ và cũng là để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ con cháu ngàn đời sau.
Thị trấn Mù Cang Chải
Đánh thức tiềm năng
Nhằm phát huy những tiềm năng du lịch sẵn có, thu hút đầu tư tạo đột phá mới trong phát triển kinh tế, mới đây, UBND huyện Mù Cang Chải đã phê duyệt đề án "Phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ gắn với Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang và di tích Quốc gia nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2014 - 2015 và định hướng đến năm 2020".
Theo đó, trong giai đoạn 2014 - 2015, Mù Cang Chải sẽ tập trung cho việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về du lịch, phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch, khuyến khích đầu tư phát triển thêm và nâng cấp hệ thống khách sạn tư nhân, nhà nghỉ bình dân khu vực Nga Ba Kim, Nậm Khắt và trung tâm thị trấn Mù Cang Chải, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; Tăng cường quản lý củng cố thương hiệu, nâng cao chất lượng du lịch danh thắng ruộng bậc thang của các xã Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha; Xây dựng lại thương hiệu cho một số sản phẩm văn hoá, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện; Tiếp tục khai thác tiềm năng du lịch sinh thái đèo Khau Phạ, du lịch văn hoá xã Cao Phạ, du lịch cộng đồng bản Thái và du lịch thác Mơ của thị trấn Mù Cang Chải, thí điểm đưa vào khai thác du lịch khám phá hang động Nậm Khắt, du lịch leo núi các xã Púng Luông, Nậm Khắt và bãi đá cổ Lao Chải; Khai thác du lịch cụm thuỷ điện Khao Mang, Hồ Bốn.
Giai đoạn 2016 - 2020, sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ, du lịch, ưu tiên hoàn thành một số công trình trọng điểm về phát triển dịch vụ, du lịch như: ưu tiên nâng cấp đầu tư hạ tầng cơ sở đô thị của thị trấn Mù Cang Chải, Ngã Ba Kim, Khao Mang, Nậm Khắt và hạ tầng nông thôn các xã khu II, đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả xây dựng nông thôn mới; Đầu tư hạ tầng giao thông, các điều kiện cần thiết khác để khai thác các điểm du lịch các xã có ruộng bậc thang dọc Quốc lộ 32, nhất là đối với 3 xã Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, đường đến các điểm du lịch sinh thái của các khu bảo tồn sinh cảnh kết hợp với du lịch văn hoá đồng bào Mông của các xã; Đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác khu tắm khoáng nóng tự nhiên tại bản Làng Sang, thăm điểm truyền thuyết về mộ Vua Mèo, kết hợp du lịch sinh thái với du lịch văn hoá đồng bào Mông của xã Nậm Khắt; Đầu tư hạ tầng cơ sở chỉnh trang đô thị, phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi, giải trí, các cơ sở cho thuê taxi, xe ôm tại thị trấn Mù Cang Chải để thị trấn Mù Cang Chải từng bước có một diện mạo mới là một thị trấn du lịch.