Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Giao thông nông thôn Yên Bái - kỳ tích đáng tự hào

23/06/2015 16:28:39 Xem cỡ chữ Google
Cái khó khăn nhất của tỉnh miền núi là đường giao thông, Yên Bái cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó.

Nhân dân xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn kiên cố hóa đường giao thông nông thôn.

Cũng một thời Yên Bái gặp muôn vàn khó khăn trong phát triển giao thông, nhất là giao thông nông thôn (GTNT), khi 180 xã, phường thì chỉ có khoảng 30% số xã là có đường ô tô đến trung tâm, còn lại là "cuốc bộ". Cán bộ xã muốn đến huyện phải đi từ mờ sáng cho tới quá trưa mới tới, nhiều xã phải đi cả ngày đường. Vậy mà đến nay 100% các địa phương đã có đường ô tô đến trung tâm xã.

Kết quả, thành tựu đó đã hiện hữu, nhưng cho đến nay nhiều người vẫn tưởng như trong mơ hay có một phép mầu nào. Đúng là khó có thể tin nổi những xã vùng cao như: Phình Hồ, Tà Si Láng (Trạm Tấu), An Lương, Suối Quyền, Suối Giàng (Văn Chấn), Lao Chải, Mồ Dề, Chế Tạo (Mù Cang Chải)… giờ đã có đường ô tô đến trung tâm trong khi nguồn kinh phí cho làm đường GTNT còn rất hạn chế. Đó là kết quả sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh với các bộ, ngành và sự vào cuộc tích cực của người dân từ vùng thấp đến vùng cao. Chưa bao giờ phong trào làm đường GTNT lại sôi động và thu được kết quả to lớn như 5 năm trở lại đây.

Ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Yên Bái phấn khởi cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh đã có 6.386km đường GTNT, trong đó đường huyện 1.360km, đường xã 2.877km và 2.147km đường thôn bản. Tính từ năm 2010 đến 2014, tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường GTNT đạt 2.484 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 805 tỷ đồng, ngân sách địa phương 515 tỷ đồng, vốn do dân đóng góp đạt 595 tỷ đồng, còn lại là vốn ODA, vốn huy động xã hội khác. Từ những nguồn vốn đó, đã mở mới 1.594km đường; nâng cấp, cải tạo, kiên cố hóa  1.034 km (bê tông xi măng 955km, mặt đường láng nhựa 79 km) và xây dựng 42 cầu bê tông, 19 cầu treo, 26 ngầm tràn các loại. Hiện nay, đang triển khai xây dựng 26 cầu treo dân sinh, đã đưa vào sử dụng 5 cầu và từ nay đến cuối năm 2015 bàn giao đưa vào sử dụng 6 cầu nữa. Có thể nói, số vốn trên 2 ngàn tỷ đồng có lẽ chỉ đủ xây dựng được hơn một ki-lô-mét đường ở thủ đô hay đường cao tốc nhưng với người dân Yên Bái, đó là một kỳ tích đáng tự hào”.

Vẫn biết, phát triển GTNT là phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền, song nguồn vốn đầu tư cho giao thông có hạn. Trước những thực trạng đó, Yên Bái đã phát huy nội lực, vận động nhân dân dấy lên phong trào làm đường GTNT. Tùy điều kiện cụ thể của mỗi địa phương để huy động, vận động nhân dân tham gia phù hợp, nơi có đá thì góp đá, có cát, sỏi thì góp cát sỏi, góp ngày công san nền, đánh đất rồi tiền mặt... Những giải pháp đó đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và tạo nên một phong trào làm đường GTNT rộng khắp. Những tuyến đường bê tông, đường nhựa đạt tiêu chuẩn đường miền núi ngày một nối dài và vươn đến tất cả các xã, các bản làng vùng cao.

Đường huyện, đường xã và đường thôn, bản đã hoà nhập vào mạng đường của tỉnh, quốc lộ tạo một vòng khép kín. Xe đi, mắt thấy những con đường GTNT không chỉ thuận lợi, mà còn đẹp, còn đông vui. Giao thông phát triển, cũng đồng nghĩa với sự thúc đẩy phát triển  kinh tế - xã hội địa phương. Khi không có đường, mọi sản phẩm hàng hóa do nông dân sản xuất ra chủ yếu là "tự sản, tự tiêu", đường mở ra rồi, nông sản trở thành hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế.

Bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở huyện Văn Chấn.

Tuyến đường Đông hồ là một minh chứng rõ nét đó. Nếu như, trước đây, cả vùng Đông hồ huyện Yên Bình như một vùng lõm,  đường cụt thì từ khi có tuyến đường đã mở ra cơ hội giao lưu giữa các xã vùng Đông hồ - Thác Bà với huyện Lục Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái và các tỉnh lân cận, tạo mối giao lưu kinh tế, văn hó. Để rồi có sức vươn kỳ diệu. Hàng ngày, xe từ Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang chở hàng đến trao đổi buôn bán rồi lại chất đầy hàng hóa, lúa gạo, lâm sản đi khắp nơi tiêu thụ.

Sự vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội là nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân, nhưng chắc chắn đã có đóng góp không nhỏ từ những tuyến đường giao thông. Đường mở đến đâu, kinh tế phát triển đến đó. Tiêu biểu trong phong trào làm đường GTNT trong những năm qua phải nói đến các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Mù Cang Chải, Yên Bình...

Phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình - Nguyễn Đức Điển phấn khởi khẳng định: "Sự đóng góp của nhân dân trong làm đường GTNT những năm qua là rất đáng trân trọng và tự hào. Có nhiều tuyến đường người dân tham gia lao động rất vất vả và không thể tính bằng tiền mà phải tính bằng những giọt mồ hôi, công sức của họ đổ xuống. Một trong những yếu tố tạo nên phong trào và sự đồng thuận của người dân là trong quá trình thi công các nguồn vốn được minh bạch, nhất là vốn đóng góp của nhân dân; 100% tuyến đường đều có sự giám sát chặt chẽ của người dân".

Những địa phương làm tốt phong trào là những địa phương biết quan tâm, sâu sát, tuyên truyền vận động và minh bạch trong các khoản đóng góp của nhân dân, người dân đã tích cực góp công, góp của, sức lực làm đường, nhiều xã tỷ lệ đóng góp lên tới 60 - 70% giá trị công trình. Đường giao thông phát triển là tiền đề để các địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Những thành tựu đã đạt được trong phát triển GTNT thực sự đáng được gọi là kỳ tích. GTNT đã mang lại những đổi thay rõ nét, sự phát triển về mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội ở mỗi miền quê. Đó là động lực để chúng ta tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa phong trào làm đường GTNT để ngày càng có nhiều tuyến đường nối dài và vươn xa, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.

 

1583 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h