Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái: Đồng chí Trần Đức Sắc với phong trào cách mạng ở Yên Bái

28/06/2015 10:21:20 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Đồng chí Trần Đức Sắ đã có nhiều công lao, cống hiến với phong trào cách mạng ở Yên Bái. Với nhiệt huyết của một người chiến sỹ cách mạng, đồng chí đã có những đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của tỉnh Yên Bái, người dẫn đầu đoàn quân giành chính quyền về tay nhân dân tại ba châu, huyện xa xôi và trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái trong thời điểm cam go nhất nhưng cũng sôi động và hào hùng nhất trong thời điểm bình minh cách mạng ở Yên Bái.

Căn cứ cách mạng Vần - Hiền Lương, nơi đồng chí Trần Đức Sắc đã cùng với các đồng chí cán bộ do Xứ uỷ Bắc Kỳ cử lên xây dựng cơ sở cách mạng tại hai tỉnh Yên Bái – Phú Thọ.

Đồng chí Trần Đức Sắc , sinh năm 1913 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn Kim Hoàng, xã Thọ Nam (Vân Canh), huyện Hòai Đức, thành phố Hà Nội.

Năm 1929, Trần Đức Sắc đã giác ngộ tham gia cách mạng và được kết nạp vào Nông hội. Vì tham gia hoạt động chống chính quyền thuộc địa nên năm 1930, ông bị kết án 7 năm tù. Năm 1937, sau khi ra tù, ông bắt tay vào hoạt động, tham gia biên tập các báo công khai của Đảng như Thời Thế, Thời Báo, Tin Tức và làm biên  tập viên sách Dân Chúng của Đảng.

Năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt đưa giam tại nhà tù Sơn La rồi chuyển sang căng Nghĩa Lộ. Tháng 2 năm 1945, đồng chí Trần Huy Liệu – Bí thư chi bộ nhà tù giao nhiệm vụ cho các đồng chí bị giam tại đây làm công tác tuyên truyền cách mạng. Đồng chí Trần Đức Sắc được bố trí ra ngoài lao động đã tranh thủ tiếp xúc với lính gác qua đó bắt mối liên lạc với  quần chúng nhân dân địa phương. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí đã nhanh chóng chiếm được cảm tình và sự giúp đỡ của họ. Một số gia đình ở gần nhà tù vốn là dân nghèo di cư từ Thái Bình, Nam Định, Nghệ An – quê hương của cách mạng nên rất dễ hoà đồng với tù chính trị. Sau khi được tuyên truyền, giác ngộ, các gia đình đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ về thuốc men, lương thực, thực phẩm, giấy, bút, mực và trao đổi tin tức từ bên ngoài với tù chính trị.

Với chủ trương biến nhà tù thành trường học cách mạng, đồng chí Trần Huy Liệu quyết định ra báo “Đường Nghĩa” để tuyên truyền cách mạng và hướng dẫn công tác cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Báo phát hành tới từng tổ đảng trong chi bộ nhà tù và đưa ra bên ngoài tuyên truyền đến quần chúng dân dân. Đồng chí Trần Đức Sắc được phân công viết báo Đường Nghĩa. Nội dung các số báo đều tập trung vào việc vách tội ác của Nhật – Pháp, thông báo tin tức, phổ biến một số kinh nghiệm  xây dựng và phát triển cơ sở Đảng. Nhờ có báo này, tình hình trong nước, thế giới, kinh nghiệm tổ chức đấu tranh những gương chiến đấu vì dân, vì nước, sự phát triển phong trào cách mạng của các địa phương đã được truyền đạt tới cơ sở góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng. Thông qua đó, đường lối của Đảng được phổ biến và thấm sâu vào quần chúng, góp phần củng cố các cơ sở Đảng ngày một vững vàng.

Ngoài việc tuyên truyền đường lối chính sách, đồng chí Trần Đức Sắc còn tham gia đấu tranh trực tiếp như đưa yêu sách với phủ, đồn làm lễ truy điệu cho một số đồng chí đã hy sinh tại "vườn ổi", cho tù nhân của các trại thăm hỏi, gặp gỡ nhau. Nhân dịp tết Nguyên Đán, đồng chí cùng anh em đấu tranh đòi tổ chức đón Tết chu đáo. Anh em tù chính trị đã treo cờ Tổ quốc ở vị trí cao, trang trọng; làm kỳ đài, căng khẩu hiệu; chăng đèn lồng, kết hoa; tổ chức diễn kịch, triển lãm báo Đường Nghĩa mời đồng bào tới xem. Những hoạt động ấy là nguồn động viên, cổ vũ tình cảm cách mạng của các tầng lớp nhân dân. Ảnh hưởng cách mạng ở  nhà tù Nghĩa Lộ không chỉ ở khu vực xung quanh mà đã lan tràn mạnh mẽ đến các khu vực khác trong toàn huyện Văn Chấn.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, Tướng Sa-ba-chuy-ê đang chỉ huy mặt trận Sơn Tây chạy xe tới đồn Nghĩa Lộ (ngay cạnh nhà tù) và bỏ xe chạy theo hướng Tú Lệ tìm đường tháo sang biên giới Việt - Trung. Trước tình hình đó,  tại Căng Nghĩa Lộ, chiều ngày 12 tháng 3 năm 1945, đồn trưởng Xi-vê mời đại diện anh em tù chính trị đề nghị một số người biết tiếng Pháp, hiểu tình hình giúp chúng rút chạy trước khi quân Nhật tràn vào. Đại diện tù chính trị đã thuyết phục quân Pháp phải thả tù chính trị và trang bị vũ khí để cùng chống Nhật nhưng không được chấp nhận. Cuộc thương thuyết không đạt kết quả. Trước thực tế như vậy, Chi bộ nhà tù đã họp bàn và quyết định phá căng tự giải thoát.

Ngày 17 tháng 3 năm 1945, Pháp định chuyển nữ tù chính trị ở nhà tù  Nghĩa Lộ đi nơi khác nhưng vấp phải sự phản đối của tù chính trị nam. Khi tên Phó sứ Yên Bái là Pen-li-ê và tên Xi-vê trưởng đồn Nghĩa Lộ vào kiểm tra căng, anh em giữ chặt tên phó sứ buộc tên này ra lệnh giải phóng tù chính trị. Sự bạo động đã không đem lại kết quả. Pháp nổ súng làm 9 đồng chí hy sinh tại chỗ. Trong lúc rối ren, có 11 đồng chí thoát được ra ngoài trong đó có đồng chí Trần Đức Sắc.  Sau đó, đồng chí Trần Đức Sắc đã bị chúng bắt lại  (do chân yếu không đi nhanh và xa được) và chuyển về giam tại nhà lao thị xã Yên Bái. Cuối tháng 5 năm 1945, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở Việt Minh ở Minh Quân - Hiền Lương và cơ sở Việt Minh thị xã Yên Bái trực tiếp là những y sỹ, cai của nhà lao Yên Bái có cảm tình với cách mạng đã giải thoát thành công cho đồng chí Trần Đức Sắc và hai đồng chí khác về chiến khu cách mạng Vần - Hiền Lương an toàn. Tại đây, đồng chí đã cùng với các đồng chí cán bộ do Xứ uỷ Bắc Kỳ cử lên xây dựng cơ sở cách mạng tại hai tỉnh Yên Bái – Phú Thọ. Mặc dù mới ở tù ra, sức khoẻ còn rất yếu, song đồng chí Trần Đức Sắc đã nhanh chóng và hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng là một trong những đồng chí cán bộ nòng cốt lãnh đạo phong trào kháng Nhật, giành chính quyền cách mạng của tỉnh Yên Bái.

Thời cơ cách mạng đã đến, ngày 30/6 /1945, tại chiến khu cách mạng Vần Hiền Lương đồng chí Ngô Minh Loan (cán bộ do Xứ uỷ Bác Kỳ cử lên Yên Bái) đã công bố quyết định do đồng chí Lê Thanh Nghị ký thành lập ban cán sự Đảng Phú Yên (Phú Thọ - Yên Bái). Cũng trong ngày hôm đó, Ban cán sự Đảng Phú Yên thành lập ban quân sự. Đồng chí Trần Đức Sắc là uỷ viên ban quân sự.

Trước tình thế cách mạng dâng lên mạnh mẽ, chính quyền tay sai Nhật từ tỉnh đến cơ sở lung lay, rệu rã, hàng loạt lính bảo an bỏ hàng ngũ. Thời cơ cơ để khởi nghĩa từng phần ở các châu, phủ và cơ sở đã chín muồi.

Đầu tháng 7 năm 1945, Ban cán sự Đảng Phú – Yên đề ra các chủ trương xây dựng lực lượng chính trị, tổ chức các đoàn thể cứu quốc, củng cố vững chắc khu căn cứ cách mạng từ đó mở rộng hoạt động ra các vùng khác; tổ chức lại du kích thành các đội, chỉ để lại một bộ phận nhỏ bảo vệ chiến khu còn phần lớn tiến vào giải phóng một vùng rộng lớn phía Tây tỉnh Yên Bái.

Thực hiện chủ trương này, lực lượng vũ trang được tổ chức thành 9 trung đội và được lệnh tiến vào Nghĩa Lộ theo ba mũi. Đồng chí Trần Đức Sắc phụ trách mũi  thứ ba, theo đường Vần, Dọc, Mỵ. Trên đường tiến quân đã tiến hành phá  kho thóc ở Mỵ (500 tấn) chia cho nhân dân. Cuộc hành quân biến thành cuộc võ trang tuyên truyền rầm rộ, đi đến đâu ta cũng tố cáo tội ác của đế quốc và phong kiến tay sai, tuyên truyền chính sách của Mặt trận Việt Minh và thành lập các đoàn thể cứu quốc.

Ba mũi tiến công hội quân tại tại Vực Tuần rồi tiến thẳng vào giải phóng Nghĩa Lộ. Ngày 15/7/1945, Nghĩa Lộ đã hoàn toàn giải phóng. Chính quyền đã hoàn toàn về tay cách mạng. Đồng chí Trần Đức Sắc được phân công đưa quân ra Cửa Nhì đánh lui toán quân Nhật buộc chúng phải rút về thị xã Yên Bái. Tại đây đồng chí đã tuyển thêm lực lượng, củng cố lại các đơn vị, mở lớp đào tạo cán bộ tiểu đội  trưởng cho các đội du kích chuẩn bị  cho việc giải phóng các châu, lỵ và thị xã.

Trên đà thắng lợi, đồng chí Trần Đức Sắc phụ trách một đại đội vượt núi Lùng Cúng sang giải phóng Văn Bàn (ngày 5/8/1945) rồi tiến sang giải phóng Than Uyên (7/8/1945).

Chỉ trong vòng gần một tháng, hầu hết các châu, huyện, phủ của tỉnh Yên Bái đã được giải phóng, Ban cán sự Đảng Phú Yên chủ trương giành chính quyền ở thị xã Yên Bái - thị xã tỉnh lỵ. Lúc này, đồng chí Trần Đức Sắc từ Than Uyên trở về Nghĩa Lộ được phân công  đưa hai đại đội ra Lương Tàm huấn luyện quân sự và chính trị. Được báo cáo, tinh thần quân Nhật ở thị xã Yên Bái hoang mang, uể oải, đồng chí Trần Đức Sắc được lệnh đưa quân ra đóng ở Âu Lâu, cửa ngõ thị xã tỉnh lỵ gấp rút chuẩn bị cho việc giành chính quyền ở tỉnh Yên Bái.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945,  4 trung đội vũ trang đến tập  kết ở bên hữu ngạn sông Hồng, đối diện với thị xã, chuẩn bị thuyền, mảng sẵn sàng hành động. Cũng trong ngày ngày hôm đó,  Đỗ Văn Bình - tỉnh trưởng Yên Bái gửi thư báo cho biết quân Nhật muốn đàm phán với Việt Minh. Sáng 16 tháng 8 năm 1945,  đồng chí Trần Đức Sắc đại diện cho Uỷ ban quân sự cách mạng  đàm phán với đại diện của quân Nhật được tổ chức tại Dinh tri phủ Trấn Yên. Cuộc đàm phán diễn ra trong bầu không khí căng thẳng suốt nhiều giờ, song  hai bên không đạt được thỏa thuận.

Đêm 16 rạng ngày 17 tháng 8 năm 1945,  đồng chí Trần Đức Sắc - uỷ viên Ủy ban quân sự cách mạng lệnh cho 4 trung đội vũ trang vượt sông Hồng vào trại lính bảo an tước vũ khí địch. Cuộc chiến đấu diễn ra căng thẳng trong suốt hơn một ngày nhưng không phân thắng bại.

Sáng ngày 18 tháng 8 năm 1945, Tỉnh trưởng Yên Bái có thư gửi đại diện Việt Minh đề nghị đàm phán tại Dinh tỉnh trưởng. Đồng chí Trần Đức Sắc tham dự cuộc đàm phán. Sau một thời gian đàm phán mọi thoả thuận đã được hai bên chấp nhân. Với thành công của lần đàm phán này, cuộc khởi nghĩa của nhân dân Yên Bái đã toàn thắng.

Sáng 22 tháng 8 năm 1945, Ban cán sự Đảng tổ chức cuộc mít tinh quần chúng ở sân căng thị xã Yên Bái với gần một vạn người tham dự. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái làm lễ ra mắt nhân dân.

Ngay sau khi giành được chính quyền ở tỉnh lỵ, được sự phân công của cấp trên, đồng chí Trần Đức Sắc đã chỉ huy 2 trung đội theo đường xe lửa lên Phố Lu - Lào Cai phối hợp với các đơn vị vũ trang chống lại quân của Tưởng Giới Thạch chuẩn bị tràn qua biên giới vào nước ta.

Mặc dù thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Đức Sắc từ khi ra khỏi nhà lao ở Yên Bái là rất ngắn, chỉ trong thời gian khoảng 3 tháng, song với nhiệt huyết của một người chiến sỹ cách mạng, đồng chí đã có những đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của tỉnh Yên Bái, người dẫn đầu đoàn quân giành chính quyền về tay nhân dân tại ba châu, huyện xa xôi  và trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái trong thời điểm cam go nhất nhưng cũng sôi động và hào hùng nhất trong thời điểm bình minh cách mạng ở Yên Bái.

Hôm nay, trên mảnh đất Yên Bái, nơi đồng chí Trần Đức Sắc có nhiều công lao, cống hiến đã có nhiều khởi sắc vượt bậc. Đảng bộ, chính quyền va nhân dân các dân tộc tỉnh luôn luôn nêu cao quyết tâm chính trị, đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy cao độ nội lực, chính trị ổn định,  kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, an ninh quốc phòng được tăng cường, hệ thống chính trị vững mạnh và tiếp tục thực hiện hiệu quả “Học tâp và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái luôn khắc ghi công lao của đồng chí. Tại thành phố tỉnh lỵ có một con đường mang tên Trần Đức Sắc. Di tích nhà tù Nghĩa Lộ, nhà lao Yên Bái, nơi đã chứng minh khí tiết của người chiến sỹ cách mạng Trần Đức Sắc khi bị thực dân giam giữ, tù đày trân trọng ghi danh đồng chí. Nhà tù Nghĩa Lộ đã được công nhận là Di tích lịch sử, cách mạng cấp quốc gia, thường xuyên được tu bổ, là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng để các thế hệ sau luôn tự hào, biết ơn, học tập và noi theo tấm gương của đồng chí Trần Đức Sắc – người chiến sỹ cách mạng dũng cảm, kiên trung./.

2029 lượt xem
Ngọc Lan

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h