Nằm cách trung tâm tỉnh 40 km về phía Bắc,
những năm còn chịu cảnh nô lệ dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc
huyện Văn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung đã cùng cả nước đã làm
nên thành công vang dội của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Bước vào xây
dựng CNXH ở miền Bắc, năm 1968, Văn Yên là huyện đầu tiên của tỉnh đạt năng
suất lúa bình quân hơn 5 tấn/ha. Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, huyện đã
giành được thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và trở thành huyện duy
nhất của Yên Bái lúc đó đạt danh hiệu thi đua "4 tốt"...
Đất nước thống nhất, non sông thu về một
mối, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện
Văn Yên đã đoàn kết một lòng cùng chung sức xây dựng quê hương phát triển và
lớn mạnh không ngừng về mọi mặt. Xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng
tâm, huyện đã tập trung khai thác các thế mạnh của kinh tế đồi rừng, phát triển
kinh tế hộ, kinh tế vùng thâm canh, chuyên canh gắn với chế biến sản xuất.
Theo đó, đã dần hình thành một số vùng sản
xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến như: vùng quế trên 23.000
ha, vùng cây nguyên liệu giấy trên 22.000 ha, vùng sắn cao sản trên 7.000 ha,
vùng lúa thâm canh, vùng ngô hàng hóa…, tập trung đầu tư, khuyến khích phát triển
công nghiệp chế biến nông, lâm sản với công nghệ mới, công nghệ sạch, tạo sản
phẩm có giá trị, như: nhà máy tinh dầu quế, tinh bột sắn ở xã Đông Cuông, nhà
máy gỗ ván ép ở xã An Thịnh và các hợp tác xã chế biến gỗ rừng, sản xuất giấy
đế xuất khẩu… góp phần tạo việc làm và ổn định đời sống cho nhân dân các dân
tộc trong huyện.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của
huyện đạt 14%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,2 triệu đồng/năm, vượt
1,2 triệu đồng so với chỉ tiêu nghị quyết và tăng gấp 2,2 lần so với năm đầu
nhiệm kỳ 2010 - 2015. Tổng sản lượng lương thực có hạt tăng cao, từ 46.199 tấn
năm 2011 lên trên 50.000 tấn năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 5,14% so với
năm 2013.
Đến nay, Văn Yên có 100% số xã đã đạt 5
tiêu chí xây dựng nông thôn mới trở lên, trong đó có 10 xã đạt từ 10 tiêu chí
trở lên. Riêng xã Đại Phác đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới,
nhờ đó bộ mặt nông thôn của huyện đã có bước khởi sắc rõ rệt. Huyện đã hoàn
thành quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020. Kết
cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ với 100% số xã trong
huyện đã có đường ô tô đến trung tâm, 70% tuyến đường đạt tiêu chuẩn đường cấp
5 miền núi.
Hệ thống giao thông đến thôn, bản đã được
mở rộng từ 3 - 5m, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và giao thông đi
lại của người dân. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến mạnh mẽ.
Huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ vào năm 1997, đạt phổ
cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2005 và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ
tuổi vào năm 2009. Đến nay, huyện đã thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ
5 tuổi tại gần 100% số xã, thị trấn; xây dựng và duy trì 28 đơn vị trường đạt
chuẩn quốc gia.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
được đặc biệt quan tâm với tỷ lệ 4,17 bác sỹ/1 vạn dân (chưa kể y tế tư nhân).
Chú trọng đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết, xây dựng
đời sống văn hoá", các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào
dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy, các di tích lịch sử, văn hóa được
khôi phục và tôn tạo. Huyện tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản
xuất sản phẩm hàng hóa. Thực hiện quy hoạch khu du lịch sinh thái Nà Hẩu, Ngòi
A trong năm 2014. Đặc biệt, từ khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai dọc theo
sông Hồng qua địa bàn 8 xã của huyện được đưa vào sử dụng đã góp phần tạo động
lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội và tiềm năng du lịch của huyện phát
triển.
Đi đôi với phát triển kinh tế, Văn Yên đã
thực hiện tốt "nhiệm vụ then chốt" trong củng cố hệ thống chính trị ở
cơ sở, đó là xây dựng Đảng vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ
chức. Nếu như ngày đầu thành lập, toàn huyện mới chỉ có 25 tổ chức cơ sở đảng,
673 đảng viên, thì đến nay con số này đã tăng lên 59 cơ sở đảng, gần 450 chi bộ
trực thuộc đảng bộ cơ sở với gần 6.000 đảng viên. Trung bình mỗi năm Đảng bộ
huyện kết nạp mới trên 300 đảng viên, đây thực sự là lực lượng nòng cốt, gương
mẫu đi đầu trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
những năm qua, song song với việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc
sống cho đồng bào các dân tộc trong huyện, Đảng bộ Văn Yên luôn chú trọng đẩy
mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các cuộc
vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 Khóa
XI; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh,
đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp “vừa hồng, vừa chuyên”. Những kết
quả đạt được trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát
triển kinh tế - xã hội địa phương đã góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Với những kết quả cao trong công tác lãnh
đạo nhân dân lao động, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, năm 2002, Đảng bộ,
nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Văn Yên đã được Đảng và Nhà nước phong
tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng Lực lượng vũ trang". Theo đó, năm
2005, Văn Yên tiếp tục được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu "Anh hùng Lao
động trong thời kỳ đổi mới". Riêng Hợp tác xã Cộng Lực, xã Viễn Sơn được
phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” cùng hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được
trao tặng bằng khen của tỉnh, huyện và các bộ, ngành Trung ương.
(Theo Báo Yên Bái)