Thực trạng từ cơ sở
Không phải chuyện thiếu bác sỹ, dược sỹ đại
học của Yên Bái bây giờ mới trở thành vấn đề “nóng” và được đưa ra bàn thảo mà
câu chuyện này đã có từ nhiều năm trước. “Chảy máu” là cụm từ được nhắc đến rất
nhiều với ngành y tế, cao điểm là trong các năm 2007 - 2009. Hàng loạt các bác
sỹ giỏi về trình độ chuyên môn nghiệp vụ đã đệ đơn xin thôi việc hoặc chuyển
công tác với hàng trăm lý do khác nhau, chiếm số đông vẫn là lý do “hợp lý hóa
gia đình”. Theo số liệu thống kê của ngành y tế, trung bình mỗi năm tỉnh có
trên 30 trường hợp xin “hợp lý hóa” như vậy và việc này tiếp tục kéo dài. Sang
năm 2011, vẫn còn 5 trường hợp và năm 2012 là 1 trường hợp. Thời điểm đó,
các bệnh viện và trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố, rơi vào cảnh
thiếu cán bộ nghiêm trọng, đặc biệt là đội ngũ bác sỹ và dược sỹ.
Ông Đỗ Lâm Phúc - Phó giám đốc Bệnh viện Đa
khoa Văn Chấn nhớ lại: “Dạo ấy, trung bình mỗi ngày Bệnh viện đón trên 100 lượt
bệnh nhân đến khám và điều trị, chưa kể 7 phòng khám đa khoa khu vực cũng tiếp
nhận 80 đến trên 100 bệnh nhân mỗi ngày. Trong khi đó, Bệnh viện chỉ có 5 bác sỹ.
Để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị cho bệnh nhân, thì bác sỹ làm công tác quản
lý cũng trực tiếp tham gia khám và điều trị cho bệnh nhân và thường xuyên đến
các phòng khám khu vực khi có những việc cần phải giải quyết theo chuyên môn.
Thời điểm khó khăn vất vả đã tạm qua, hiện
nay Bệnh viện có 114 cán bộ, trong đó có 27 đồng chí có trình độ đại học gồm:
11 bác sỹ, 3 dược sỹ đại học, còn lại là đại học khác. Cả huyện chỉ còn duy
nhất Phòng khám Đa khoa khu vực Chấn Thịnh là chưa có bác sỹ. Hiện nay Bệnh
viện vẫn cần thêm 11 bác sỹ nữa để đảm nhiệm chuyên môn ở các khoa: Hồi sức cấp
cứu, Sản - Nhi, Mắt, Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt và bác sỹ Đông y… Rất
mong được ngành quan tâm trong thời gian tới”.
Không chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa Văn Chấn
thời điểm đó thiếu bác sỹ mà ngay cả Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn cũng không
ngoại lệ. Ông Hoàng Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Khi đã
rơi vào tình cảnh khó khăn thì đụng đến cái gì cũng thiếu. Từ con người đến
trang thiết bị, thuốc men phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh đều thiếu. Anh
em cán bộ trung tâm chỉ biết động viên nhau quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ
được giao.
Từ chỗ có trên 10 đồng chí có trình độ đại
học năm 2010, đến nay Trung tâm có tổng số 210 người, trong đó trình độ đại học
32 người, trung học 154 người và sơ học 24 người. Về mạng lưới y tế cơ sở, hiện
nay 100% số xã có y sỹ, 21/31 trạm y tế xã có bác sỹ và 374 thôn, bản của huyện
đều có nhân viên y tế hoạt động. Trung tâm còn thiếu 10 bác sỹ cho 10 trạm y tế
xã. Hiện nay, huyện Văn Chấn đạt tỷ lệ 3,06 bác sỹ/1 vạn dân, tỷ lệ này thấp so
với mục tiêu của Bộ Y tế đề ra. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc
hoàn thiện, củng cố hệ thống y tế cơ sở, tăng cường công tác đào tạo và phấn
đấu 100% số xã có bác sỹ vào năm 2020”.
Thu hút và đào tạo lời giải quan trọng
Những năm gần đây, ngành y tế Yên Bái đã
chủ động tham mưu cho tỉnh nhiều đề án, dự án và các chính sách liên quan đến
công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, là Dự án Điều chỉnh
và quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp y tế giai đoạn 2011 - 2020 và tầm
nhìn 2025; Đề án Chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành y tế giai đoạn 2009
- 2015… nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế trong
việc thực hiện các nhiệm vụ công tác. Từ việc thực hiện hiệu quả các dự án, đề
án, đã góp phần để lực lượng cán bộ ngành y tế không ngừng được bổ sung cả về
con người và chất lượng chuyên môn nghiệp vụ.
Hiện nay, toàn ngành có 3.255 cán bộ, trong
đó: 610 bác sỹ đạt tỷ lệ 7,78 bác sỹ/1 vạn dân; 66 dược sỹ đại học đạt tỷ lệ
0,84 dược sỹ đại học/1 vạn dân; 111/180 xã phường có bác sỹ đạt 61,67% và
99,43% thôn bản và tổ dân phố có cán bộ y tế hoạt động. Về tổng thể, đội ngũ
cán bộ trong ngành y tế đã có thời điểm thiếu về số lượng và bất cập về
cơ cấu trình độ. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây nhờ việc điều chỉnh, luân chuyển,
sắp xếp lại bộ máy tổ chức nên đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đã phù
hợp và đáp ứng về khả năng và yêu cầu nhiệm vụ công tác đề ra.
Công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ nhất
là các chuyên khoa sâu, các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới… từng bước đáp ứng được
nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Đặc biệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực
y tế giai đoạn 2011 - 2015” được HĐND tỉnh thông qua năm 2011 với mục tiêu xây dựng
đội ngũ cán bộ y tế đảm bảo về số lượng, đồng bộ về cơ cấu trình độ và chất
lượng là lời giải khá hiệu quả. Đề án đề ra mục tiêu đào tạo 230 bác sỹ, trong
đó liên kết đào tạo 180 bác sỹ chính quy theo địa chỉ và 50 bác sỹ hệ liên
thông 4 năm; đào tạo 31 dược sỹ đại học và 300 cán bộ y tế có trình độ đại học,
chuyên môn y tế khác. Đối tượng được áp dụng là cán bộ công chức, viên chức và
học sinh đào tạo, tuyển dụng, hợp đồng trong tỉnh và các trường đại học y, dược
trong và ngoài nước.
Về cơ chế chính sách từ nguồn ngân sách của
tỉnh hỗ trợ đào tạo: tiến sỹ chuyên khoa II bằng 80 lần mức lương tối thiểu;
thạc sỹ, bác sỹ nội trú bằng 50 lần mức lương tối thiểu; chuyên khoa I bằng 40
lần mức lương tối thiểu… Đối với bác sỹ, dược sỹ đại học, ngân sách tỉnh hỗ trợ
100% kinh phí đào tạo (không gồm học phí). Điều kiện là sinh viên, học sinh và
người có bảo lãnh phải ký hợp đồng và cam kết sau khi tốt nghiệp đại học về
công tác tại Yên Bái ít nhất 10 năm, nếu vi phạm phải bồi thường bằng 300% các
khoản kinh phí đã được hỗ trợ… Năm 2014, HĐND tỉnh tiếp tục sửa đổi và bổ sung
chính sách thu hút và đào tạo cán bộ có trình độ đại học và sau đại học thuộc
lĩnh vực y tế.
Theo đó, các bác sĩ có trình độ đại học trở
lên về công tác tại tỉnh 5 năm trở lên tại các cơ quan y tế thuộc huyện Trạm
Tấu, Mù Cang Chải hoặc các chuyên khoa: Lao, Phong, Tâm thần, Ung bướu, Pháp y,
Truyền nhiễm tuyến tỉnh, huyện ngoài việc được hỗ trợ 1 lần còn được hỗ trợ thêm
70 triệu đồng/người; sinh viên đại học y, dược nếu tốt nghiệp loại khá được hỗ
trợ thêm 15 triệu đồng/ người; loại giỏi 20 triệu đồng và loại xuất sắc 25
triệu đồng/người…
Nói về kết quả của các chính sách này, ông
Nguyễn Văn Tuyến - Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Sau 4 năm triển khai, ngành
y tế đã thu hút về Yên Bái được 53 bác sỹ và 21 dược sĩ có trình độ đại học.
Toàn bộ đội ngũ cán bộ này được phân công và tuyển dụng vào các đơn vị sự
nghiệp y tế trực thuộc ngành và chủ yếu đưa vào làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
và Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ. Hiện, toàn tỉnh có 610 bác sỹ, trong đó:
tuyến tỉnh 300, tuyến huyện 199, tuyến xã 111. Tới đây, từ năm 2015 - 2018, Yên
Bái tiếp tục tiếp nhận 160 bác sỹ và 13 dược sỹ đại học đang được đào tạo theo
chương trình liên kết tại các trường đại học y, dược. Như vậy, cơ bản khắc phục
được yêu cầu thiếu bác sỹ như hiện nay.”
Cùng với việc triển khai các chính sách thu
hút và đào tạo cán bộ, hiện nay ngành đang tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực
cho Bệnh viện 500 giường tại xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái. Đây là bệnh viện
quy mô 33 khoa phòng, tăng 4 khoa phòng so với Bệnh viện Đa khoa tỉnh gồm: Y
học cổ truyền - Phục hồi chức năng; Thận nhân tạo; Nội - Tim mạch, Da liễu.
Nói về tổ chức bộ máy và biên chế con người
của Bệnh viện 500 giường, ông Lại Mạnh Hùng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của
Sở Y tế cho biết: “Nhu cầu cán bộ theo cơ cấu chuyên môn thì bệnh viện cần tới
625 biên chế, trong đó 122 bác sỹ, 10 dược sỹ đại học, 21 dược sỹ trung học và 357
cán bộ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên… Với số cán bộ hiện có 440 cán bộ từ
Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển sang thì Bệnh viện còn thiếu tới 262 cán bộ,
trong đó 39 bác sỹ, 2 dược sỹ đại học và 162 hộ sinh, kỹ thuật viên và 59 người
có trình độ khác. Công tác tuyển dụng năm 2015 dự kiến tổ chức vào đầu tháng
9/2015, người trúng tuyển được bố trí làm việc chủ yếu tại Bệnh viện 500
giường, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2016.”
Lời kết
Chính sách thu hút cán bộ có trình độ đại
học và sau đại học thuộc lĩnh vực y tế đối với Yên Bái hiện nay đang là vấn đề
cấp thiết và cấp bách. Việc tăng cường đào tạo cán bộ theo hướng chuyên sâu,
liên kết tổ chức đào tạo đại học và sau đại học tại địa phương; mở rộng các
hình thức đào tạo mới, đào tạo lại; tiếp tục thực hiện tốt dự án đào tạo, luân
chuyển cán bộ đồng thời giải quyết tốt chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ y
tế… là nhiệm vụ rất quan trọng đến năm 2020 và năm 2025 của ngành y tế Yên Bái.
Yên Bái có chính sách ưu đãi nào vượt trội
hơn nữa để thu hút bác sỹ giỏi về công tác? Chế độ ưu đãi đối với bác sỹ như
hiện tại đã thỏa đáng chưa? Mức thu nhập hiện nay có đảm bảo để bác sỹ yên tâm
công tác và cống hiến? … Qua trao đổi với nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong
lĩnh vực tuyển dụng thu hút cán bộ, đa phần cho rằng việc đào tạo bác sỹ chính
quy theo địa chỉ là giải pháp “điều trị” hiệu quả nhất cho tình trạng “chảy máu
chất xám” trong ngành y tế.