Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hiệu quả với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh

03/07/2015 07:42:05 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Với tư tưởng chỉ đạo “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hiệu quả”, trong đó lấy phòng tránh là chính, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2015.

Các địa phương trong tỉnh thường xuyên tổ chức diễn tập để chủ động ứng phó với các tình huống bão lũ, thiên tai có thể xảy ra.

Với đặc điểm địa hình là một tỉnh miền núi địa hình phân cắt mạnh, núi cao sườn dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc nên thiên tai xảy ra rất phức tạp và bất thường khó dự báo. Nơi nào cũng có thể xảy ra gió xoáy, gió giật kèm theo mưa đá. Về mùa mưa nơi nào cũng có thể xảy ra sạt lở đất, ngoài ra còn có lũ ống, lũ quét gây thiệt hại đáng kể về người tài sản của nhân dân và của nhà nước.

Yên Bái rất ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, những cơn bão đổ bộ vào Việt Nam từ tỉnh Thanh Hóa trở ra thì tỉnh Yên Bái sẽ bị ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão gây mưa to đến rất to. Do mưa to, cường độ mạnh gây ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Đó là những đặc trưng lớn nhất và phổ biến nhất về tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Chính vì vậy, công tác phòng chống thiên tai của tỉnh thường phải kéo dài do diễn biến thời tiết phức tạp. Trong đó đáng chú ý là lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt.

Về lũ quét và sạt lở đất, đá đây là vấn đề hết sức nan giải đối với tỉnh Yên Bái vì do địa hình là một tỉnh miền núi, núi cao sườn dốc, ít mặt bằng để bố trí dân cư,  khoảng trên 70% các hộ dân cư toàn tỉnh đang sinh sống ở các sườn núi, chân đồi núi, ven các ta luy đường; Một bộ phận khá đông thì lại sống ở ven các sông suối, vùng trũng nên khi có mưa to gây lũ quét, sạt lở đất thiệt hại rất lớn về người, tài sản của nhân dân và của nhà nước.

Với tình hình thời tiết, khí hậu trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, thiên tai, bão lũ luôn tiềm ẩn, bất thường, khó lường. Cùng với đặc điểm địa bàn tỉnh rộng, địa hình phức tạp dễ bị cô lập đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Phương tiện Cứu hộ - Cứu nạn còn thiếu và chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ.

Chính vì vậy việc chủ động ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn cần được triển khai làm tốt ở mỗi cấp, ngành, địa phương trong tỉnh.

Phương án được tỉnh đưa ra là thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong mùa mưa bão, phối hợp cùng các lực lượng giữ vững An ninh chính trị - Trật tự an toàn xã hội (ANCT–TTATXH ) trên địa bàn, theo dõi nắm chắc tình hình khí hậu, thủy văn để chủ động có biện pháp phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, bão lũ có hiệu quả; Điều chỉnh bổ sung hệ thống kế hoạch sát với tình hình thực tế, tổ chức luyện tập, diễn tập thuần thục các phương án PCTT - TKCN, chủ động củng cố nhà cửa, kho tàng, quản lý tài sản, cơ sở vật chất bảo đảm an toàn địa bàn; Tổ chức lực lượng PCTT - TKCN theo quy định, hiệp đồng chặt chẽ với các các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra; Sẵn sàng huy động  lực lượng và một số phương tiện làm nhiệm vụ tăng cường ứng cứu PCTT-TKCN khi có lệnh của trên; Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng cơ động và phòng chống giảm nhẹ thiên tai; hiệp đồng chặt chẽ với địa phương và các đơn vị của Bộ, Quân khu đứng chân trên địa bàn, luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ An ninh chính trị địa bàn trong mùa mưa và các mục tiêu đơn vị được giao, bảo đảm cho các đơn vị của Bộ, Quân khu cơ động trên địa bàn; Tham mưu cho Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, xây dựng, bổ sung kế hoạch PCTT-TKCN và kế hoạch sơ tán, di dân, khắc phục hậu quả ở những vùng trọng điểm.

Nhiệm vụ cụ thể là thường xuyên có biện pháp phòng, chống lụt, bão tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, ứng cứu khắc phục hậu quả do thiên tai trên địa bàn, sẵn sàng cơ động khi có nhiệm vụ.

Các lực lượng tham gia phòng chống bão gồm lực lượng phòng chống  tại chỗ; Lực l­ượng, ph­ương tiện  cơ động; Lực lượng hiệp đồng; Lực lượng khắc phục hậu quả Lực l­ượng bảo vệ,  tuần tra; Lực lượng dự bị được trang bị đầy đủ các phương tiện, có phân công chỉ huy cụ thể.

Phương án cũng đề cấp đến mọi tình huống xảy ra tại địa bàn như Ngập lụt, sạt lở đất; Lũ ống, lũ quét; Nguy cơ vỡ đập, hồ chứa nước... Đối với mỗi tình huống đều có phương án hiệp đồng, xử lý, huy động lực lượng, phương tiện. Trong đó vận dụng phương châm 4 tại chỗ, huy động tổng lực người, phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời, cứu người trước, cứu tài sản sau, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của đơn vị và địa phương nơi đóng quân. Khi thiên tai xảy ra các đơn vị được quyền sử dụng lực lượng, phương tiện hoạt động thường xuyên thuộc quyền quản lý được phép ứng cứu trước đồng thời báo cáo lên cấp trên.

Trong bất cứ tình huống nào phương án đưa ra cũng đã đề cập đến việc bảo đảm thông tin liên lạc, bảo đảm tuần tra canh gác, bảo đảm cơ động lực lượng cũng như bảo đảm Hậu cần, Kỹ thuật cho công tác phòng, đối phó với bão.

Để thực hiện tốt các phương án đã đề ra, UBND tỉnh phân công cho các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương trong tỉnh căn cứ đặc điểm tình hình và chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai cụ thể, chủ động báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các tình huống phát sinh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra bão mạnh, siêu bão và khi có thiên tai trên địa bàn.  

Xem chi tiết Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn  tỉnh Yên Bái năm 2015.

1683 lượt xem
Thanh Bình

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h