Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp: Cần những giải pháp căn cơ

05/07/2015 07:39:03 Xem cỡ chữ Google
Sản xuất nông nghiệp (SXNN) Yên Bái trong những năm qua đã có những bước phát triển khá toàn diện và vượt lên “chính mình”. An ninh lương thực được bảo đảm, sản xuất bước đầu chuyển dịch theo hướng hàng hóa, tập trung, đã và đang hình thành một số vùng chuyên canh.

Sản xuất hàng hóa đòi hỏi các hộ nông dân phải liên kết lại thành hợp tác xã mới bền vững.

Song nhìn một cách tổng thể, SXNN, quan hệ sản xuất chưa là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất; tăng trưởng mới theo chiều rộng chứ chưa đi vào chiều sâu, thu nhập người nông dân thấp và chưa có một chiến lược bền vững.

Những bất cập kéo dài

Cho đến nay, không ai có thể phủ nhận thành quả nổi bật trong SXNN Yên Bái những năm qua là năng suất cây trồng được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo ngày một giảm, cơ sở hạ tầng ngày một khang trang; hình thành và phát triển rõ nét vùng sản xuất tập trung như vùng: lúa, chè, cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày.

Ai cũng biết, xuất phát điểm của nông nghiệp Yên Bái thấp nhưng bằng sự nỗ lực của mình, hôm nay, Yên Bái đã cơ bản bảo đảm an ninh lương thực, nhiều vùng còn sản xuất theo hướng hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng ngành giai đoạn 2006 - 2010 đạt 5,16%, giai đoạn 2010 - 2015 đạt 5,3%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, sự chuyển dịch đã có nhưng còn chậm, tỷ trọng trồng trọt vẫn chiếm 75,25% năm 2010 và đến hết năm 2014 chỉ giảm 3,34%.

Không chỉ vậy, SXNN còn rất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, phát triển sản xuất chuyên canh tập trung còn chậm, phần lớn chỉ nằm trên giấy. Chăn nuôi chủ yếu là nông hộ, chăn nuôi trang trại, gia trại chưa nhiều. Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, hình thức tổ chức sản xuất còn thiếu hiệu quả. Liên kết hộ, nhóm hộ, doanh nghiệp trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc dẫn đến hiệu quả thấp nếu không muốn nói là không có gì. Các giống tiến bộ đưa vào sản xuất còn hạn chế, nông dân phần lớn vẫn là sản xuất dựa vào kinh nghiệm, chăn nuôi quảng canh...

Từ các yếu tố trên dẫn tới giá trị sản xuất thấp, bình quân trên mỗi héc-ta trồng trọt đạt chưa đầy 50 triệu đồng, nuôi trồng thủy sản đạt 90 triệu đồng. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế, chính sách chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng đòi hỏi... Nhưng có lẽ, nguyên nhân cơ bản nhất là sự không tương thích của quan hệ sản xuất và tổ chức sản xuất với nền kinh tế thị trường. Nông dân là chủ thể sản xuất nhưng phần lớn đều nghèo, tiềm lực rất yếu lại sản xuất đơn lẻ, thiếu thông tin, không thích nghi với kinh tế thị trường hiện nay.

Tuy chưa có một thống kê cụ thể nhưng bình quân mỗi một hộ nông dân nằm trong cánh đồng Mường Lò cũng chỉ có khoảng 5 sào ruộng. Với diện tích chè khoảng 12.000ha nhưng có tới hàng chục vạn hộ làm chè, bình quân mỗi hộ cũng chỉ có trên dưới 1ha. Trồng trọt là vậy chăn nuôi cũng chẳng khá hơn, có tới trên 90% số hộ dân tham gia nhưng rất nhỏ lẻ, hộ vài ba con lợn, chục con gia cầm, thủy cầm...

Để liên kết các hộ nhỏ lại thành các đơn vị kinh tế lớn hơn thì đã có chủ trương nhưng chúng ta lại chưa làm được. Hiện, toàn tỉnh có trên 300 hợp tác xã (HTX) nhưng số này quy mô rất nhỏ, chưa tạo được niềm tin và chưa thể đứng vai trò “bà đỡ” cho nông dân. Các HTX nông nghiệp phần lớn làm dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống là chính, còn việc bao tiêu sản phẩm chưa quan tâm đến. HTX như vậy, doanh nghiệp cũng chẳng khá hơn.

Việc liên kết, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm không có ràng buộc gì dẫn đến phá vỡ hợp đồng là chuyện thường. Bên cạnh đó, nông dân cũng rất thiếu thông tin. Huyện, xã thì nói là quy hoạch, phát triển lúa gạo, chè, chăn nuôi hàng hóa nhưng thực tế nông dân chẳng hiểu gì, biết gì về thị trường. Có tới quá nửa nông dân hiện nay sản xuất theo phương thức tự quyết định trồng cây gì, nuôi con gì, bán sản phẩm không hợp đồng cho tư nhân, không biết trước ai mua, giá cả thế nào, số lượng bao nhiêu. Sản xuất tự phát, từ đó, dẫn đến hệ quả được mùa mất giá, trồng chặt, chặt trồng. Thử hỏi trong số hàng vạn hộ nông dân Yên Bái có bao nhiêu hộ có thể nghiên cứu thị trường, dự báo thị trường và biết lập kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường?

Liên kết để tái cơ cấu

Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là một chủ trương đúng, phù hợp với những đòi hỏi trong SXNN hiện nay. Tái cơ cấu là quá trình tiếp tục cải tiến nền nông nghiệp nhằm đưa tới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và định hướng của ngành nông nghiệp cả nước.

Như đã nói ở trên, nông nghiệp Yên Bái đã có bước phát triển mạnh mẽ nhưng mới theo chiều rộng, do vậy, giờ là lúc chúng ta phát triển theo chiều sâu và theo yêu cầu của thị trường bởi quá trình tái cơ cấu nông nghiệp sẽ hướng tới sản xuất quy mô lớn các sản phẩm chủ lực, sử dụng các giống chất lượng và năng suất cao, quy trình canh tác hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Như vậy, sản phẩm chủ yếu của nông nghiệp Yên Bái sẽ là chè, gỗ rừng trồng và lúa gạo... Đây được coi là những sản phẩm chính có thể tạo bước đột phá nếu được khai thác tốt! Với khoảng 12.000ha chè kinh doanh nhưng đã trải qua hơn 40 năm, người làm chè vẫn long đong lật đật.

Chè là ngành công nghiệp chế biến với giá trị trên 400 tỷ đồng mỗi năm nhưng sẽ không thể phát triển mạnh được khi vẫn làm nhỏ lẻ manh mún như hiện nay. Diện tích nhỏ lẻ, làm ăn theo phong trào, mạnh ai nấy làm, thông tin về thị trường, tiêu thụ không biết gì, giá cả nguyên liệu đều do doanh nghiệp tự quyết. Như cây chè, gần 300.000ha rừng kinh tế cũng vậy. Nhà nhà trồng rừng, giống, quy trình kỹ thuật cũng lôm côm, trồng theo phong trào là chính. Keo lên giá thì trồng keo, mai thấy keo mất giá, ta lại trồng bồ đề và cái vòng luẩn quẩn ấy cứ bám lấy người dân lam lũ hàng chục năm nay.

Sản xuất lúa gạo cũng chẳng khá hơn, nhìn trên bản đồ quy hoạch cũng tới mấy ngàn héc-ta vùng sản xuất hàng hóa nhưng thử hỏi thực chất có bao nhiêu là sản xuất hàng hóa? Mỗi hộ vài ngàn mét vuông trong khi vẫn phải lo cái ăn, cái mặc hàng ngày thì sản xuất hàng hóa thế nào? Muốn nâng cao hiệu quả sản xuất thì buộc chúng ta phải chuyển từ sản xuất hộ cá thể, đơn lẻ chủ yếu hiện nay sang sản xuất liên kết qua nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX, liên kết với doanh nghiệp qua HTX. Mỗi hộ dân nông nghiệp có vài ba sào ruộng, chưa đầy héc-ta đồi rừng, kinh tế phần lớn là khó khăn, thiếu vốn sản xuất, không tài sản thế chấp, không tư cách pháp nhân thì sao tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và vay theo các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Chỉ khi các hộ liên kết lại thành HTX và HTX hướng dẫn sản xuất theo kế hoạch, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng thì việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư mới dễ dàng.

Một vấn đề nữa, đối tác của các chính sách của Nhà nước về quản lý sử dụng đất, vốn, hỗ trợ kỹ thuật, liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp - các nhà khoa học phải là các HTX. Sản xuất sẽ phát triển và quy mô hơn, hiệu quả hơn phải là HTX và doanh nghiệp chứ không thể là các hộ nông dân như hiện nay với một hai lao động và vài ba sào ruộng. Chẳng hạn như mục tiêu của đề án đến năm 2020 lợi nhuận trên mỗi héc-ta canh tác chè đạt 50 triệu đồng. Mục tiêu đó không xa vời nhưng cũng sẽ khó thành hiện thực nếu chúng ta vẫn làm như hiện nay là trồng cải tạo thay thế chè già cỗi bằng giống mới, tăng mức đầu tư thâm canh, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Chè chỉ phát triển khi nông dân biết liên kết, biết đầu tư, chăm sóc và thu hái theo một quy trình kỹ thuật chuẩn và cùng doanh nghiệp ký kết tiêu thụ và định giá sản phẩm. VietGAP chúng ta đã làm và cũng có tới 4.000 hộ được cấp chứng chỉ nhưng giờ chè VietGAP cũng vẫn khó khăn về đầu ra sản phẩm bởi sản xuất theo hộ cá thể không có tư cách pháp nhân. Sản phẩm làm ra chủ yếu là thủ công, không ai bảo hộ, không ai xây dựng thương hiệu thì liệu sẽ trụ được bao lâu!

Từ các yếu tố đó cho thấy, phải có sự liên kết, thành lập các HTX và có phương hướng, quy mô, sản xuất theo kế hoạch mới phát triển được. Rõ ràng, tái cơ cấu SXNN là cần thiết và những mục tiêu của đề án tái cơ cấu phù hợp, tuy nhiên, chỉ hiệu quả và bền vững khi chúng ta cụ thể hóa từng lĩnh vực, từng hướng đi chứ không thể nói chung chung.

 

1825 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h