Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bình phát huy tiềm năng thế mạnh về du lịch

07/07/2015 15:22:42 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Với nhiều nỗ lực trong công tác quảng bá các sản phẩm du lịch đặc biệt là quảng bá mạnh mẽ các điểm du lịch sinh thái du lịch cộng đồng cũng như đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch như nhà hàng, khách sạn và đường giao thông, nên trong những năm qua, du lịch của huyện Yên Bình đã có những bước phát triển khởi sắc.

Phong cảnh hữu tình Hồ Thác Bà

Tiềm năng du lịch dồi dào

Điểm nổi bật nhất về du lịch của huyện Yên Bình đó chính là Hồ Thác Bà, đây là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Hồ là nguồn cung cấp nước chính cho nhà máy thủy điện Thác Bà - Nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam.

Hồ Thác Bà có diện tích tổng thể 23.400 ha, diện tích mặt nước khoảng 19.500 ha, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình xen kẽ hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ. Hồ Thác Bà từng được ví như vịnh Hạ Long trên núi cao của vùng Tây Bắc.

Vùng hồ Thác Bà còn có những hệ thống hang động tự nhiên ẩn sâu trong những dãy núi đá vôi thu hút rất nhiều khách tham quan du lịch như: Động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể, đền Thác Ông, đền Thác Bà, động Cẩu Quây…Tháng 9/1996 thắng cảnh hồ Thác Bà được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, tỉnh Yên Bái đã đưa vùng hồ Thác Bà vào quy hoạch phát triển Du lịch của tỉnh.

Đến với Hồ Thác Bà, ngoài việc hoà mình vào thiên nhiên thơ mộng, hữu tình, du khách còn được tìm hiểu về cuộc sống hằng ngày của người Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan… sống trên triền núi hoặc ven hồ. Họ vẫn giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa độc đáo với những tập tục, truyền thống, lễ hội mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Ngoài ra huyện Yên Bình còn có Khu du lịch cộng đồng Ngòi Tu, Đồng Tý; bản người Dao (xã Vũ Linh, Phúc An), hàng năm thu hút hàng trăm lượt khách du lịch nước ngoài và nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa như Đền thờ Mẫu Thác Bà, Đình Khả Lĩnh…

Nỗ lực phát triển du lịch

Để quảng bá và xúc tiến du lịch của huyện Yên Bình sâu, rộng tới các tỉnh, thành trong cả nước, trong những năm qua huyện Yên Bình đã phối hợp với các cơ quan ban ngành chức năng của tỉnh và các tỉnh lân cận tổ chức nhiều sự kiện mang tính tầm cỡ và có quy mô khá lớn nhằm quảng bá rộng rãi tiềm năng du lịch của huyện Yên Bình như phối hợp 8 tỉnh (Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu- Hà Giang – Hòa Bình) tổ chức chương trình Du lịch về cội nguồn, Âm vang hồ Thác Bà, Phối hợp với Hiệp hội Du du lịch các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội và Hiệp hội du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc khảo sát và xây dựng các tour du lịch. Phối hợp với các công ty lữ hành của các, thành phố, tỉnh để đưa, đón khách đến với tỉnh Yên Bái, huyện Yên Bình như: Công Ty Á Châu; Công ty AGIAPOT; công ty GP Chà Bồ; Công ty Minh Anh; công ty UYBICVI; công ty Hành Chính….

Hội chọi trâu tại lễ hội "Âm vang hồ Thác Bà".

Trong nỗ lực phát triển kinh tế du lịch, huyện còn chú trọng khôi phục các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, Cao Lan, Tày như lễ Cấp sắc, lễ Cầu mùa, lễ Mừng cơm mới, lễ hội Lồng tồng, lễ hội đền Mẫu Thác Bà; Khôi phục các làng nghề như: Mây tre song đan, Dệt thêu thổ cẩm, Đan rọ tôm của người Dao, người Tày, người Cao Lan tại xã Yên Thành, xã Xuân Lai.

Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích do phát triển kinh tế du lịch mang lại, những năm gần đây, cư dân vùng hồ Thác Bà cũng đã chủ động, tích cực tham gia phát triển loại hình kinh tế này bằng việc phát huy nét văn hóa bản địa, đổi mới dịch vụ phục vụ theo yêu cầu, sở thích của du khách với nhiều loại hình khác nhau như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…. Trong đó, loại hình du lịch gắn với cộng đồng theo xu hướng tích cực khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa, cùng làm, cùng sống, giao lưu trực tiếp giữa khách du lịch với người dân bản xứ (homestay) đã và đang rất được ưa chuộng. Bởi với loại hình du lịch này, du khách đến với hồ Thác Bà sẽ có một cảm giác mới lạ, thư thái, dễ chịu, thông qua việc được tự mình khám phá cảnh đẹp của hồ và các bản, làng ven hồ bằng thuyền độc mộc; Thưởng thức những món ăn dân dã như: cơm nương, hoa chuối rừng nộm, thịt gà nấu măng chua, gỏi cá, tôm nộm... hòa mình vào cùng những làn điệu dân ca, Xình ca, những điệu múa: làm chay, xúc tép, "chim gâu" của người Cao Lan, lễ cấp sắc, rước dâu truyền thống của dân tộc Dao.... Chiêm ngưỡng , mua các sản phẩm lưu niệm như vải thổ cẩm, đồ mây tre đan, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thưởng thức các điệu múa, các làn điệu dân ca, dân vũ, các loại hình văn hoá dân gian của các dân tộc...

Thời gian qua, huyện Yên Bình cũng đã chủ động phối hợp với các báo, Đài phát thanh - truyền hình, các Trang thông tin điện tử của 8 tỉnh Tây Bắc, Hà Nội, thành phố HCM, Hải Phòng để  quảng bá thu hút và kêu gọi đầu tư đến với huyện Yên Bình. Tổ chức in các ấn phẩm sách, tờ gấp, các cụm pano quảng bá, quảng cáo  để đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo nói…nhằm quảng bá về tiềm năng du lịch và cơ hội đầu tư vào du lịch.

Với nhiều nỗ lực trong công tác quảng bá các sản phẩm du lịch đặc biệt là việc quảng bá mạnh mẽ các điểm du lịch sinh thái du lịch cộng đồng cũng như việc đầu tư vào việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch như nhà hàng, khách sạn và đường giao thông, nên trong những năm qua du lịch của huyện Yên Bình đã có những bước phát triển khởi sắc. Bước đầu có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội của huyện nói chung và từng bước nâng cao đời sống và thu nhập của bà con nhân dân trong huyện nói riêng. Năm 2014, Yên Bình đã thu hút trên 10.000 lượt khách du lịch, trong đó có 2.100 khách nước ngoài, đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách địa phương.

Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn

Phát huy những kết quả đạt được, huyện Yên Bình dự kiến đến năm 2016 và đến năm 2020 bình quân mỗi năm thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch. Doanh thu của các cơ sở lưu trú tăng bình quân 10-15%/năm.

Để đạt được mục tiêu đó, huyện sẽ chú trọng đầu tư khai thác các tiềm năng du lịch sẵn có đặc biệt là khu du lịch vùng Hồ Thác Bà, khu du lịch sinh thái Tân Hương, khu du lịch cộng đồng Ngòi Tu (xã Vũ Linh). Tổ chức trùng tu và bảo tồn các di sản văn hoá tín ngưỡng như Đình Khả Lĩnh xã Đại Minh, Đền Mẫu Thác Bà, Đình Phúc Hòa xã Hán Đà, các khu di tích lịch sử văn hoá gắn với du lịch về cội nguồn và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái. Kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án khu nghỉ dưỡng và hệ thống khách sạn nhà hàng phục vụ khách tham quan du lịch. Đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và siêu thị tại thị trấn Yên Bình và thị trấn Thác Bà, xã Đại Minh, xã Cảm Nhân. Nâng cao chất lượng các dịch vụ tín dụng, ngân hàng, vận tải, bưu điện, cung ứng vật tư nông nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, để thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, phấn đấu đưa ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Trọng – Chủ tịch UBND huyện Yên Bình nhấn mạnh: "Trong những năm tới hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ được nâng cấp và mở rộng, các điểm vui chơi, thể thao và hệ thống cơ sở lưu trú, cửa hàng được quan tâm đầu tư. Đặc biệt quy hoạch và đầu tư phát triển khu du lịch Hồ Thác Bà trở thành khu du lịch Quốc gia tạo ảnh hưởng trực tiếp tới các khu, điểm phụ cận trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Bình giai đoạn 2016-2020. Khu Tân Hương, Ngòi Tu xã Vũ Linh được đầu tư với quy mô lớn sẽ trở thành khu du lịch sinh thái trong các tour du lịch hướng về cội nguồn."

1825 lượt xem
Hiền Trang

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h