Phát huy đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ
nguồn” của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Văn Chấn đã và đang có nhiều
hoạt động thiết thực giúp những gia đình người có công vượt khó vươn lên, ổn
định cuộc sống.
Bà Tạ Thị Chăm - cựu chiến binh (CCB) chống
Pháp, cư trú tại thôn Vũ Thịnh, xã Chấn Thịnh là hội viên thuộc diện khó khăn
của Hội CCB xã. Bấy lâu bà mong muốn sửa chữa, nâng cấp ngôi nhà tạm nhưng do
tuổi cao, sức yếu nên chưa thực hiện được. Năm 2014, thực hiện chương trình xóa
nhà tạm cho hội viên hội CCB, gia đình bà được hỗ trợ 30 triệu đồng từ Ngân hàng
cổ phần Thương mại Công thương Việt Nam cùng sự giúp đỡ của đồng đội, bà con
lối xóm, cộng thêm số tiền bà Chăm đã tích góp xây dựng được ngôi nhà cấp 4
rộng trên 60m2, trị giá gần 200 triệu đồng.
Phấn khởi khi được chuyển lên ngôi nhà mới
khang trang, bà Chăm xúc động chia sẻ: "Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn
các đồng chí, đồng đội và bà con đã ưu tiên, tạo điều kiện cho gia đình có được
ngôi nhà vững chãi để yên tâm lao động, sản xuất. Niềm mơ ước bây lâu của tôi
và gia đình đã thành hiện thực. Bây giờ, dù tuổi cao sức yếu nhưng tôi sẽ cố gắng
phát huy phẩm chất người lính, bộ đội Cụ Hồ, là tấm gương để con cháu học tập,
noi theo".
Gia đình bà Chăm chỉ là một trong số 17 hộ
gia đình hội viên Hội CCB huyện Văn Chấn được xóa nhà tạm trong năm 2014. Với
tổng số trên 5.800 hội viên, trong đó, 387 hội viên là thương binh, bệnh binh
những năm qua, thông qua các chương trình giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế,
đời sống của đa số hội viên đã có phần cải thiện. Tuy nhiên, Hội CCB huyện Văn
Chấn vẫn còn 824 hộ hội viên thuộc diện hộ nghèo. Trong đó, 37 hộ hội viên là
người có công với cách mạng đang sống trong những ngôi nhà tạm. Thực hiện
Chương trình "Đền ơn đáp nghĩa" của huyện, Hội CCB huyện đã chọn nội
dung xóa nhà tạm cho hội viên; cam kết với Huyện ủy Văn Chấn hưởng ứng thực
hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực hiện nội dung này,
Hội còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức chính trị, xã hội, các đơn
vị doanh nghiệp, hội viên ủng hộ, giúp đỡ các hội viên nghèo khó khăn về nhà ở.
Nhờ đó, trong năm 2014, với sự hỗ trợ của
Ngân hàng cổ phần Thương mại Công thương Việt Nam, sự giúp đỡ của hội viên và
nhân dân, 17 hộ hội viên đã được xóa nhà tạm. Ông Hà Minh Tiến - Chủ tịch Hội
CCB huyện Văn Chấn chia sẻ: "Nội dung đăng ký xóa nhà tạm cho hội viên đã
đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, toàn Hội vẫn còn 171 hộ hội viên ở nhà
tạm. Đây cũng là trăn trở của các cấp hội chúng tôi. Trong thời gian tới, Hội
CCB huyện tiếp tục kêu gọi sự chung tay đóng góp của các cơ quan, đơn vị và tổ
chức, đồng thời vận động hội viên tiếp tục ủng hộ để từng bước giúp các hộ hội
viên thoát nghèo và có điều kiện sống tốt hơn".
Với đặc thù là một huyện miền núi có địa
bàn rộng, đối tượng chính sách tương đối đông, thuộc nhiều diện khác nhau. Thực
hiện công tác "Đền ơn, đáp nghĩa", huyện Văn Chấn luôn xác định: chăm
sóc người có công là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong phát triển kinh tế
- xã hội của địa phương. Hàng năm, ngoài việc triển khai tốt các chính sách của
Đảng, Nhà nước đối với các gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách
mạng, huyện đã có những biện pháp cụ thể và hiệu quả, giải quyết dứt điểm những
tồn đọng về thực hiện chính sách đối với người có công và thân nhân của họ, bảo
đảm tất cả người có công đều được hưởng đúng, đủ, kịp thời chính sách ưu đãi
của Nhà nước. Trong năm 2014, huyện đã thực hiện chi trả trợ cấp và thanh toán
chế độ cho 1.797 đối tượng với tổng số tiền trên 19 tỷ đồng. Vận động ủng hộ được
400 triệu đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.
Vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của
đất nước, huyện đều tổ chức các đoàn đến thăm, tặng 1.325 suất quà, tổng trị
giá trên 600 triệu đồng, góp phần động viên các gia đình chính sách tiêu biểu,
cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, gia đình thương binh, liệt
sĩ trên địa bàn toàn huyện.
Thực hiện Chương trình tổng rà soát người
có công, trong năm 2014 - 2015, Văn Chấn đã rà soát 1.441 người, trong đó:
1.376 người người có công đang hưởng đúng chế độ chính sách, 2 người có công
đang hưởng chế độ chính sách chưa đầy đủ và không có đối tượng nào hưởng sai
chế độ chính sách. Đồng thời, xem xét, xác nhận, đề nghị bổ sung 63 trường hợp hưởng
chính sách. Trong đó, đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho
1 bà mẹ; truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 15 bà mẹ và bổ sung
thêm một số đối tượng được hưởng chính sách theo quy định hiện hành.
Theo bà Phạm Thị Hồng Điệp - Phó trưởng
Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) huyện Văn Chấn: Chương
trình tổng rà soát người có công là việc làm có ý nghĩa quan trọng, giúp các cơ
quan chức năng rà soát, thẩm định lại hồ sơ các đối tượng, đồng thời, bổ sung
những trường hợp chưa được hưởng đầy đủ chế độ, góp phần sẻ chia, mất mát, sự thiệt
thòi đối với người có công cùng thân nhân của họ".
Có thể khẳng định, thời gian qua các chính
sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã được cấp
ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân Văn Chấn đặc biệt quan tâm. Hầu hết
người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi, có đời sống
ổn định và từng bước được cải thiện. Sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành đã
góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tri ân tinh thần
cống hiến hi sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.