Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Yên Bái nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý

08/07/2015 08:15:42 Xem cỡ chữ Google
Với phương châm coi cán bộ là gốc của công việc, nhiệm kỳ vừa qua, Tỉnh ủy Yên Bái đã tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó tạo nên chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, công tác đào tạo cán bộ của Yên Bái cần tiếp tục được đổi mới.

Cán bộ khuyến nông huyện Trạm Tấu (Yên Bái) hướng dẫn đồng bào Mông xã Tà Xi Láng cách chăm sóc ngô.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở

Theo lời giới thiệu của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái Tạ Văn Long, chúng tôi vượt gần 200 km về huyện vùng cao Mù Cang Chải để tìm hiểu những đổi thay sau một nhiệm kỳ đảng bộ và nhân dân trong tỉnh nỗ lực thực hiện nghị quyết Đại hội.

Mù Cang Chải là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước và cũng là huyện miền núi đặc biệt khó khăn nhất của Yên Bái. Ngoài địa hình núi cao, giao thông khó khăn thì đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện chiếm hơn 96%, chủ yếu là dân tộc Mông. Phó Bí thư Huyện ủy Vừ Thị Pàng thông báo, kết quả nổi bật nhất 5 năm qua là số hộ nghèo của Mù Cang Chải giảm từ 78% xuống dưới 50%, đời sống văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Từ trung tâm huyện về tới các xã Chế Cu Nha, Nậm Khắt... những con đường quanh co, dốc ngược đã được mở rộng, trải bê-tông vào tận thôn, bản. Trường học, bưu điện, trụ sở UBND xã xây dựng khang trang... Xã La Pán Tẩn ẩn hiện trong sương mù với những đồi sơn tra (táo mèo) xanh tốt. Theo ông Hảng Của Già, người dân trong xã, thì sơn tra đang là cây xóa nghèo của La Pán Tẩn. Gia đình ông có hơn 1.000 gốc, vụ vừa rồi thu về gần 200 triệu đồng. Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, đường từ bản xuống trung tâm chợ được thảm bê-tông, thương lái đã đến mua tận vườn.

Đồng chí Lý Chồng Di, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, trước nhiệm kỳ, đội ngũ cán bộ biên chế đầy đủ cả, thậm chí là thừa, nhưng cán bộ có trình độ thì thiếu, chỉ một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt có trình độ văn hóa hết cấp hai. Thiếu kiến thức cho nên làm gì cũng sợ, thiếu tin tưởng. Nhưng từ khi thực hiện chủ trương của tỉnh về tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, công tác cán bộ đã chuyển biến rõ nét. Số lượng cán bộ trẻ, có trình độ được nâng lên đồng nghĩa với tư duy lãnh đạo được đổi mới. Xã đã mạnh dạn triển khai một loạt dự án phát triển kinh tế, nổi bật là nhân rộng cây táo mèo, biến cây này thành loại cây hàng hóa, đem lại lợi ích kinh tế cao.

Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhiệm kỳ vừa qua xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, được đội ngũ cán bộ cơ sở có trình độ thực hiện. Đó là dự án măng tre Bát Độ do đồng chí Tô Văn Học, Phó Chủ tịch UBND xã triển khai tại xã Cao Phạ, huyện Yên Bình; dự án trồng quế do đồng chí Đặng Phúc Long, Phó Chủ tịch UBND xã tiến hành tại xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu...

Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa ở nhiều địa phương cũng có chuyển biến tốt. Tại xã La Pán Tẩn, bà con khen ngợi nữ Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Lam. Ở tuổi 24, khi về nhận nhiệm vụ phụ trách văn hóa, xã hội, chị đã xây dựng kế hoạch hạn chế, ngăn chặn tình trạng tảo hôn trong đồng bào Mông. Chị đã bỏ công điều tra nguyên nhân, thời điểm học sinh nữ bỏ học, lấy chồng; phối hợp với nhà trường ký cam kết với phụ huynh học sinh. Những trường hợp gia đình khó khăn như cháu Lý Thị Phương, chị đã vận động cán bộ xây dựng quỹ khuyến học, giúp đỡ để các em tiếp tục đến trường. Đến nay nạn tảo hôn trong đồng bào Mông tại La Pán Tẩn đã giảm hẳn.

Đồng chí Ngô Ngọc Tuấn, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái chia sẻ, trước thực trạng thừa cán bộ yếu, thiếu cán bộ mạnh của đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là tại các xã miền núi, Tỉnh ủy Yên Bái đã có chương trình nâng cao chất lượng đội ngũ này. Bên cạnh tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo thường xuyên, năm 2012, Tỉnh ủy đã triển khai Đề án đào tạo 500 cán bộ chủ chốt xã nhằm bổ sung cho mỗi xã từ hai đến bốn cán bộ chủ chốt có trình độ đại học. Hiện nay dự án đã cơ bản hoàn thành và thực tế cho thấy, sau đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung, đội ngũ cán bộ cơ sở đã phát huy năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; góp phần đưa Yên Bái trở thành một trong số ít tỉnh miền núi phía bắc duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,33%, trong nhiệm kỳ 2010-2015.

Không chỉ quan tâm bồi dưỡng cán bộ cơ sở, Tỉnh ủy Yên Bái còn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp. Năm 2014, tỉnh Yên Bái dành 90 tỷ đồng thu hút, đào tạo cán bộ khoa học, cán bộ quản lý; nhất là tập trung vào lĩnh vực y tế, giáo dục. Bác sĩ Vàng A Sàng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, từ năm 1994 đến năm 2011, Yên Bái không có dược sĩ đại học chính quy về tỉnh công tác. Sau khi có chính sách ưu đãi của tỉnh, ngành y tế đã thu hút 20 dược sĩ đại học hệ chính quy và 46 bác sĩ hệ chính quy về công tác. Chính sách này đã giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao tại bệnh viện, giảm chi phí điều trị, giảm tải cho tuyến trên. Với mục đích xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng nghiên cứu, tiếp cận với khoa học, công nghệ hiện đại, có năng lực thực tiễn và tổ chức, năm 2012, Tỉnh ủy Yên Bái triển khai dự án đào tạo 100 tiến sĩ, thạc sĩ, tuổi dưới 40. Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ Lò Thị Ánh Nguyệt, một trong số ít cán bộ của thị xã được tham gia đề án đào tạo 100 tiến sĩ, thạc sĩ của tỉnh, thời gian này bận rộn với việc tham mưu cho Thường vụ Thị ủy các phương án triển khai quy hoạch xây dựng thị xã trở thành trung tâm văn hóa du lịch. Gặp chúng tôi, chị tâm sự, việc được tham gia dự án đã giúp chị rất nhiều trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là khi thị xã đang chuyển từ cơ cấu chính quyền nông thôn sang đô thị với nhiều nhiệm vụ mới mẻ. Hiện chị đang cùng tập thể lãnh đạo Hội Phụ nữ tham gia xây dựng các đề án phục vụ phát triển du lịch văn hóa như phục hồi múa xòe cổ dân tộc Thái, làng nghề thêu ren truyền thống...

Cơ cấu và chất lượng, những vấn đề đặt ra

Nhờ những đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút mà tỉnh Yên Bái đã xây dựng, củng cố được đội ngũ cán bộ có chất lượng, đồng đều ở các cấp, các lĩnh vực. Nhưng qua khảo sát trên nhiều địa bàn, cho thấy vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Trước hết, về chất lượng, không thể phủ nhận đội ngũ cán bộ ở cơ sở đã tham gia tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, những dự án, mô hình kinh tế mới chỉ dừng lại ở phạm vi một bản, một xã, hay ở một vài giống cây, con nhỏ lẻ, chưa có một dự án công trình mang tính phát hiện, bứt phá thay đổi toàn diện kinh tế - xã hội của một địa phương. Khi đối mặt với những nhiệm vụ mới, khó khăn như xây dựng nông thôn mới, không ít cán bộ còn lúng túng. Chính vì thế, sau hơn bốn năm thực hiện Chương trình, Yên Bái mới có bốn xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sự chậm trễ này một phần do trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn yếu. Ngay từ việc nắm bắt chủ trương đã thiếu rõ ràng. Nhiều cán bộ vẫn cho rằng, đây là chương trình hỗ trợ của Nhà nước cho nên trông chờ, ỷ lại. Khi triển khai lại thiếu kiến thức, nhất là khâu quy hoạch. Thậm chí, bản thân cán bộ cấp huyện cũng chưa thật sự hiểu biết và nắm vững quy trình, kỹ thuật xây dựng quy hoạch tổng thể và chi tiết về những vấn đề cụ thể ở mỗi một địa phương. Vì vậy, xây dựng quy hoạch chung chung, rập khuôn máy móc, vừa thừa vừa thiếu.

Với đội ngũ cán bộ nghiên cứu, dù đã có chính sách thu hút nhưng vẫn thiếu những chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp. Trong đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh, vẫn chưa có nhiều sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi tại các trường đại học uy tín trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, dù Yên Bái có vị trí trung tâm vùng Tây Bắc, có nhiều tiềm năng lớn về kinh tế, du lịch nhưng vẫn thiếu những dự án liên kết vùng, liên kết ngành. Đây mới là điều mà Yên Bái đang cần để bứt phá, đưa nền kinh tế thoát nghèo, trở thành tỉnh khá theo mục tiêu nhiệm kỳ đề ra.

Một bất hợp lý nhìn thấy ở đội ngũ cán bộ tỉnh Yên Bái là cơ cấu. Yên Bái là tỉnh đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tỷ lệ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 29%, còn cán bộ lãnh đạo, quản lý dưới 10%. Thực tế cho thấy, cán bộ người dân tộc thiểu số khi được đào tạo tốt đã phát huy được thế mạnh riêng. Nhưng chính sách khuyến khích, thu hút, đào tạo chưa tạo sức hấp dẫn. Theo dự án thu hút, đào tạo cán bộ khoa học, cán bộ quản lý; hỗ trợ đào tạo cán bộ, học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014-2016; ngoài việc được xét tuyển đặc cách vào các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đi học đại học tại các cơ sở đào tạo công lập được hỗ trợ 400 nghìn đồng/người/tháng nếu học trong tỉnh; 500 nghìn đồng/người/tháng nếu học ngoài tỉnh. Thực tế cho thấy, quy định chưa có gì đột phá, chưa phù hợp với điều kiện khó khăn của đồng bào; cần phải thay đổi mới có thể nâng cao số lượng cán bộ người dân tộc thiểu số.

Cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ cũng không đồng đều tại nhiều địa phương. Số lượng cán bộ nữ là lãnh đạo chủ chốt ở Mù Cang Chải chiếm tỷ lệ thấp, dưới 10%, Huyện ủy giải thích do năng lực, trình độ thấp. Nhưng tại thị xã Nghĩa Lộ, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo chủ chốt chiếm hơn 50%. Như vậy, không thể đổ lỗi cho thiếu nguồn mà cần xem lại những chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ ở đây.

Đội ngũ cán bộ Yên Bái cũng còn bất cập trong đào tạo là cơ cấu ngành, lĩnh vực. Thị xã Nghĩa Lộ đang xây dựng đề án trung tâm văn hóa du lịch, nhưng lượng khách lưu trú trên địa bàn hầu như chưa có. Tìm hiểu được biết cả thị xã không có một cán bộ chuyên ngành du lịch nào. Trong đề án 100 tiến sĩ, thạc sĩ trẻ của tỉnh, không thấy có chỉ tiêu tiến sĩ về du lịch, dù du lịch là ngành mũi nhọn; những ngành, lĩnh vực thế mạnh khác như công nghiệp, thủy lợi, thủy sản chỉ tiêu đào tạo cũng rất thấp.

Sự phát triển chung của đất nước đang tạo cho Yên Bái nhiều cơ hội để phát triển. Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã đi vào hoạt động, có thể nói là cơ hội vàng của tỉnh. Đảng bộ Yên Bái cũng xác định sẽ đưa Yên Bái từ tỉnh nghèo trở thành tỉnh khá, trung tâm kinh tế vùng Tây Bắc vào năm 2020. Do vậy, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện nâng cao trình độ, đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp theo hướng vững vàng về tư tưởng, giỏi về chuyên môn, có năng lực lãnh đạo quản lý, có năng lực dự đoán và xử lý các tình huống phức tạp nảy sinh. Đây là điều kiện tiên quyết để Yên Bái có thể nắm bắt cơ hội, phát huy thế mạnh, thực hiện các mục tiêu đề ra. Cũng cần lưu ý, khi triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cần chú trọng điều tra kỹ thực trạng, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn để xây dựng, bổ sung đội ngũ cán bộ có cơ cấu hợp lý, tránh nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu; cần đồng bộ với các giải pháp khác như đánh giá cán bộ, bố trí, sử dụng và coi trọng kiểm tra, giám sát. Cần kiên quyết loại bỏ những cán bộ không đủ năng lực phẩm chất dù đã qua bồi dưỡng, chọn lựa. Nhất là, khi xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, thu hút cán bộ cần nghiên cứu sao cho phù hợp với Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa ban hành ngày 17-4-2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

1346 lượt xem
(Theo Nhân dân)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h