Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Cử tri hài lòng về một kỳ họp đổi mới, dân chủ, trí tuệ

08/07/2015 15:08:20 Xem cỡ chữ Google
Ông Đặng Nam Cát - phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) nhận định: "Đây là kỳ họp rất chất lượng, trung thực, thẳng thắn. Về vai trò đại biểu của dân, tôi thấy cơ bản các đại biểu Quốc hội nắm rất rõ mọi vấn đề của địa phương mình phụ trách...".

Đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trao đối với cử tri xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.

Ngay sau khi kỳ họp thứ 9 kết thúc, thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái đã tiến hành tiếp xúc cử tri tại các địa phương để báo cáo với cử tri về kỳ họp.

Qua báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và qua theo dõi về kỳ họp trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhìn chung, cử tri trong tỉnh đã bày tỏ phấn khởi, hài lòng về chương trình, nội dung của kỳ họp và đánh giá đây là kỳ họp hợp lòng dân, sôi động, dân chủ, trí tuệ, đoàn kết, tạo được niềm tin, ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri. Ông Đặng Nam Cát - cử tri phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) nhận định: "Phải nói, đây là kỳ họp rất chất lượng, trung thực, thẳng thắn. Về vai trò đại biểu của dân, tôi thấy cơ bản các đại biểu Quốc hội nắm rất rõ mọi vấn đề của địa phương mình phụ trách. Đồng thời, các đại biểu đã lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri và thẳng thắn đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội".

Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thảo luận, thông qua 11 luật, 9 nghị quyết và cho ý kiến vào 15 dự án luật khác. Các luật quan trọng được Quốc hội thông qua như: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm hoàn thiện các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước từ trung ương tới cơ sở, tiếp tục đổi mới công tác bầu cử, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp trong nhiệm kỳ tới; khắc phục những bất cập, tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ của việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế trong bộ máy nhà nước. Vì thế, việc thông qua các luật này, được các cử tri hoan nghênh, ủng hộ, đánh giá cao.

Quốc hội cũng đã lắng nghe ý kiến của cử tri, xem xét báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014. Quốc hội tiếp tục khẳng định mục tiêu bảo đảm chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động. Tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của một bộ phận người lao động, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động, trong đó xác định: người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2014; trường hợp người lao động có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần, tạo điều kiện để người lao đọng được lựa chọn phù hợp. Đây cũng là một nội dung được nhiều cử tri quan tâm theo dõi ngay từ khi đặt lên bàn nghị sự.

Anh Nguyễn Văn Hanh - cử tri ở phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) bày tỏ: "Là người lao động có công việc không mấy ổn định, quả thực trước đó tôi đã rất sát sao theo dõi vấn đề này và hồi hộp chờ kết quả cuối cùng. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết này cho thấy, Quốc hội đã rất lắng nghe ý kiến của cử tri, tôn trọng quyền lựa chọn của người lao động. Người lao động như chúng tôi rất hiểu ý nghĩa của lương hưu nhưng trong điều kiện thực tế hiện nay, rất nhiều người lao động công việc bấp bênh, thôi việc khó tìm kiếm việc trở lại... thì việc được lựa chọn hưởng BHXH một lần hay không là rất cần thiết, phù hợp".

Nhiều cử tri cũng bày tỏ sự hài lòng hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội về "Tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật". Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về vấn đề này, ghi nhận nỗ lực của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo chuyển biến căn bản, không để xảy ra oan, sai và bồi thường cho người bị thiệt hại trong tố tụng hình sự.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên.

Ông Nguyễn Văn Thiệu - cử tri xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình) cho biết: "Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự" là vô cùng quan trọng. Người dân chúng tôi mong nghị quyết này được thực hiện triệt để nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc phòng, chống oan, sai, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tránh gây nên những nỗi đau mà có khi tiền bạc cũng không bù đắp nổi cho người bị oan, gia đình như một số vụ án oan trong thời gian qua".

Hoạt động chất vấn tại Quốc hội luôn là một nội dung được đông đảo cử tri quan tâm theo dõi. Tại kỳ họp này, có 3.854 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 157 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Quốc hội đã tiến hành chất vấn 5 thành viên Chính phủ về những vấn đề quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân quan tâm.

Ông Đặng Tài Ngữ - cử tri phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) không bỏ qua theo dõi một cuộc chất vấn nào của Quốc hội và ông cho biết: "Quốc hội lựa chọn những vấn đề về nông nghiệp, thương mại, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo để chất vấn là rất đúng, trúng và đều là những vấn đề được đông đảo cử tri, người dân quan tâm, theo dõi, đòi hỏi có những giải pháp vừa cho trước mắt vừa lâu dài".

Nhìn chung, cử tri đều cho rằng, các phiên chất vấn là có chất lượng, các đại biểu nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có giải pháp tích cực để khắc phục. Phần trả lời của các thành viên Chính phủ được dư luận đánh giá là đã trả lời trực tiếp vào nội dung được hỏi, không né tránh những vấn đề phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu ra; nhận trách nhiệm cá nhân; đề xuất giải pháp và thể hiện sự quyết tâm thực hiện để làm chuyển biến tình hình.

Hài lòng về một kỳ họp nhiều đổi mới, chất lượng, qua tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cử tri trong tỉnh cũng tiếp tục có nhiều ý kiến, kiến nghị thông qua đại biểu Quốc hội muốn gửi tới Quốc hội thời gian tới.

Ông Nguyễn Đình Hải - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Văn Yên:

Cử tri chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có chính sách đẩy mạnh chương trình hỗ trợ sản xuất, xây dựng nông thôn mới; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là những địa phương giao thông khó khăn, đặc biệt là hệ thống cầu treo, cầu cứng qua suối; tăng cường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tạo củng cố niềm tin của người tiêu dùng; chăm lo hơn nữa đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.

Ông Đặng Nam Cát - cử tri phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ):

 Qua nghe chất vấn các bộ trưởng, tôi thấy việc buộc trách nhiệm cho bộ trưởng về một số việc là chưa khách quan. Vì vậy, Quốc hội cần quy định rõ về cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu ở tất cả các cấp, từ cấp cơ sở. Quốc hội, Nhà nước cũng cần nghiên cứu để có chế tài xử phạt nghiêm minh hơn nữa trên một số lĩnh vực, đặc biệt là việc việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, sự phát triển của nền kinh tế. Tôi cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước xem xét nâng mức hưởng lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1993 để bảo đảm tính công bằng xã hội, không để chênh lệch nhiều so với người về hưu giai đoạn hiện nay. 

Ông Dương Đức Thịnh - cử tri xã Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn):

Đề nghị Quốc hội và các cấp có thẩm quyền giám sát chặt chẽ việc đầu tư công, tránh tình trạng tràn lan, thất thoát; giám sát chặt chẽ hơn nữa việc sử dụng đất đai, tránh lãng phí, bỏ hoang trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Đồng thời, đề nghị xử lý nghiêm, đồng bộ xe quá tải, xử lý nghiêm người sử dụng bằng giả, bảo đảm công bằng xã hội trong đào tạo, tuyển dụng. 

 

 

 

Ông Chang Thế Sửu - cử tri xã Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải):

Qua thực tế thấy, thủ tục đưa người nghiện đi cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện như hiện nay là khá rườm rà, nhiều khi gây khó khăn cho việc thực hiện. Đề nghị Nhà nước xem xét lại các quy định, thủ tục này, để tạo thuận lợi hơn trong việc đưa người mắc nghiện đi cai. Đây là việc rất cần thiết đối với những địa phương có số người nghiện khá nhiều như xã Nậm Khắt chúng tôi. 

 

 

Ông Lý A Tủa - cử tri xã Púng Luông (huyện Mù Cang Chải):

Là cử tri hoạt động trong tổ chức đoàn thanh niên, tôi thấy hoạt động Đoàn ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc vốn đã khó khăn, trong khi đó bí thư chi đoàn các thôn, bản lại không có phụ cấp gì. Vì vậy, đề nghị Nhà nước nghiên cứu có chế độ phụ cấp đến cán bộ đoàn cấp thôn, bản để, góp phần thúc đẩy hoạt động đoàn ở các cơ sở đoàn vùng miền núi, đồng bào dân tộc.

Tôi cũng đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội nghiên cứu nâng mức vay vốn và kéo dài thời hạn vay vốn của hộ cận nghèo. Bởi vì, kinh tế hộ nghèo và hộ cận nghèo không chênh nhau mấy, trong khi hộ nghèo được nhiều ưu đãi hơn trong vay vốn. Như thế, sẽ không khuyến khích được hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

 

1613 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h