Yên Bái là một tỉnh nằm ở trung tâm vùng
núi và trung du Bắc Bộ, là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, tổng diện tích tự nhiên
khoảng 6.900 km2. Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính, 180 xã, phường, thị trấn và
30 dân tộc cùng chung sống. Yên Bái là tỉnh trung chuyển và là cửa ngõ kết nối
giao thông, hợp tác giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh
vùng Tây Bắc, tạo vị trí đặc biệt quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn
Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Yên Bái có đầy đủ hệ thống giao thông đường
sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không trong tương lai, rất thuận lợi
cho việc vận chuyển hành khách cũng như vận tải hàng hóa đi tới các vùng miền
và các địa phương trong khu vực.
Với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội
tập trung vào ba mũi nhọn chính là phát triển công nghiệp dịch vụ, phát triển
hạ tầng giao thông và đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh Yên Bái xây dựng môi trường
kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các nhà đầu tư đến
đầu tư tại địa phương.
Để thực hiện mục tiêu này, Yên Bái đã bổ
sung nhiều chính sách, tạo môi trường thông thoáng để thu hút nhà đầu tư; hỗ
trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh công tác tìm kiếm
thị trường; tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng tập trung,
đầu tư phát triển những sản phẩm nông, lâm, khoáng sản là lợi thế của địa phương.
Cụ thể, năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 05 quy định chính sách ưu
đãi, thu hút đầu tư trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn, trong
đó có các chính sách ưu đãi về đơn giá thuê đất, mặt nước; hỗ trợ san tạo, giải
phóng mặt bằng; hỗ trợ xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; hỗ trợ kinh phí đào
tạo lao động địa phương và đặc biệt là giảm thiểu các thủ tục hành chính.
Với nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút
đầu tư và phát triển doanh nghiệp nên năm 2014, toàn tỉnh có 1.357 doanh
nghiệp, 328 hợp tác xã và 20.781 hộ kinh doanh cá thể. Một số dự án lớn hiện
nay đã hoàn thành đưa vào hoạt động như: Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất
phân bón hữu cơ công suất 150 tấn/ngày; Dự án tuyển quặng sắt công suất 96.000
tấn/năm; 9 nhà máy thủy điện tổng công suất gần 250MW. Dự kiến đến hết năm
2015, có thêm khoảng 30 dự án sẽ hoàn thành đầu tư.
Xây dựng được niềm tin với nhà đầu tư và
các doanh nghiệp nên có 22 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã tìm đến Yên
Bái, trong đó có 20 dự án nằm ngoài khu công nghiệp và 2 dự án nằm trong khu
công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký là 139,6 triệu USD. Tổng số tiền thuế
các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách Nhà nước trên 723 tỷ đồng, chiếm 56% tổng
thu cân đối trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm
cho trên 23 nghìn người lao động, mức thu nhập bình quân của người lao động
khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Kim Sangho - Giám đốc điều hành Công ty
TNHH Daeseung Global chia sẻ: “Chọn Yên Bái là nơi đầu tư dự án vì ở đây, chúng
tôi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất tích cực và toàn diện của lãnh đạo UBND
tỉnh, UBND huyện và các ban, ngành, đoàn thể cũng như chính quyền địa phương cơ
sở. Đặc biệt, trong quá trình tuyển dụng lao động, Công ty đã được các sở, ban,
ngành phối hợp giúp đỡ để có thể nhanh chóng tuyển dụng được lượng lao động
theo nhu cầu. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái đã chỉ
đạo các trung tâm dạy nghề đào tạo và tuyển dụng lao động trực tiếp cho Công
ty. Lực lượng lao động địa phương khá dồi dào, chịu khó, nhanh chóng tiếp thu
và nắm bắt, làm chủ các máy móc, kỹ thuật tiên tiến. Với sự quan tâm, hỗ trợ đó
đã giúp đỡ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục về mặt pháp lý cũng như công tác
tuyển dụng lao động. Chúng tôi hứa sẽ đưa dự án đi vào hoạt động trong thời
gian sớm nhất, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh Yên Bái”.
Hiện nay, để đáp ứng mong muốn của nhà đầu
tư, UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối hướng dẫn,
giúp đỡ các doanh nghiệp, nhà đầu tư; cải cách các thủ tục hành chính trong thu
hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tiếp tục cải thiện môi
trường kinh doanh; đổi mới, cải tiến phương pháp quản lý Nhà nước đối với các dự
án sau cấp giấy chứng nhận đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động
theo đúng cam kết và quy định của pháp luật.
Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng
và hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, nắm bắt kịp thời khó khăn và tổng hợp
ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trình UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc cho
nhà đầu tư trong các lĩnh vực lao động, môi trường, đất đai... Qua đó, bảo đảm
các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ và tiếp tục củng cố lòng tin của
các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh Yên Bái; tạo hiệu
ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới; tăng cường phối hợp giữa
các cơ quan Nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp!
Để xây dựng niềm tin và tạo thuận lợi cho
các doanh nghiệp, tại Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp năm 2015 diễn ra trong
tháng 4 vừa qua, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch
UBND tỉnh khẳng định: “Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ thành lập tổ công tác chuyên
giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Một đồng chí Phó chủ
tịch UBND tỉnh sẽ phụ trách kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
dựa trên căn cứ pháp lý thuộc thẩm quyền của tỉnh đồng thời phân công, phân
cấp, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành để tránh chồng chéo, đùn đẩy trách
nhiệm trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp”.
Những quyết tâm không ngừng của cả hệ thống
chính trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách môi trường đầu tư, xây
dựng niềm tin với các doanh nghiệp sẽ là tiền đề để xây dựng Yên Bái trở thành
tỉnh phát triển toàn diện trong khu vực.