Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> An ninh - Quốc phòng

Trang sử vẻ vang của thanh niên xung phong Yên Bái

13/07/2015 14:12:51 Xem cỡ chữ Google
Cùng với lịch sử ra đời và truyền thống anh hùng của lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam, các thế hệ TNXP Yên Bái đã đổ biết bao công sức, trí tuệ, xương máu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp không nhỏ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn cựu TNXP tỉnh trong chuyến hành hương về nguồn, thăm lại Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc.

Yên Bái là một tỉnh miền núi, cửa ngõ vùng Tây Bắc, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Cùng với việc đóng góp sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Yên Bái đã thành lập các đơn vị TNXP như: Đội TNXP công tác Yên Bái, Đội TNXP C236, các đại đội TNXP của các huyện Lục Yên, Trấn Yên… cùng 6.000 TNXP gồm 53 đại đội do Trung ương Đoàn điều động lên Yên Bái để xây dựng những con đường, công trình, vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm cung cấp cho bộ đội, tải thương, san lấp hố bom đảm bảo giao thông, khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ cuối năm 1952, Trung ương Đảng và Chính phủ giao tỉnh Yên Bái mở đường bến phà Hiên (Tuyên Quang) đi Ba Khe nối với đường 41 Sơn La và đảm bảo giao thông từ bến phà Âu Lâu đến đèo Lũng Lô. Tỉnh Yên Bái đã thành lập Đại đội TNXP C236 với gần 200 đội viên, tổ chức thành 3 trung đội, nhiệm vụ của đơn vị là đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống để vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tất cả đội viên TNXP C236 luôn được xác định rõ trách nhiệm, phải khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, ngày đêm, không sợ hy sinh phục vụ chiến dịch.

Để phá bom nổ chậm tháng 6/1953, Ban chỉ huy C236 đã cử 20 đội viên sang Thái Nguyên học phá bom nổ chậm. Ngày đầu chưa có kinh nghiệm, kết quả hạn chế, thậm chí còn gây thương vong cho đồng đội. Để đảm bảo an toàn, Ban chỉ huy đã chỉ đạo cho phá nổ từ bên ngoài quả bom (áp lượng thuốc nổ vào cạnh quả bom rồi cho kích nổ nhằm vô hiệu hóa sức công phá từ bên trong quả bom) nhằm hạn chế thiệt hại cho mặt đường, những việc làm đó đòi hỏi phải dũng cảm và không sợ hy sinh.

Nhiệm vụ của từng trung đội cũng được phân công cụ thể: B21 có 3 tiểu đội, một tiểu đội làm nhiệm vụ quan sát, lập trận địa trên đỉnh đèo ở vị trí có khoảng không và quan sát được mặt đường dưới chân đèo phía Sơn La. Đây là đoạn cua gấp khúc thành 6 đoạn bậc thang, đơn vị có trách nhiệm quan sát và nhận biết từng loại máy bay ném bom. Địch nhằm hướng đèo Lũng Lô, thả xuống hiện trường bom phá, bom nổ chậm, B21 theo dõi, xác định số bom nổ và chưa nổ, báo cáo về Ban chỉ huy để lập phương án xử lý cụ thể.

Hai tiểu đội còn lại luôn thường trực với dụng cụ là: lá cờ nhỏ và thuôn sắt, sẵn sàng theo lệnh của chỉ huy ra hiện trường tìm lỗ chui của bom nổ chậm, cắm cờ làm tiêu cho đồng đội đến xử lý vô hiệu hóa từng quả bom. Hai trung đội B24 và B26 thường xuyên có mặt trên hiện trường, suốt chiều dài từ chân đèo phía Yên Bái tới chân đèo phía Sơn La làm nhiệm vụ nổ mìn, phá đá, đập đá, xếp gọn theo từng cung đoạn để đảm bảo giao thông. Cùng với dân công, công nhân ngành giao thông vận tải phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị TNXP C236 đã kiên cường, dũng cảm và lập công xuất sắc.

Cuối năm 1953, bị bao vây chặt tại cứ điểm Điện Biên Phủ, trước sức mạnh tấn công của quân và dân ta, thực dân Pháp tăng cường bắn phá ác liệt cả ngày, đêm bằng nhiều loại bom. Đèo Lũng Lô là một trọng điểm bắn phá ác liệt, mặt đường ngày nào cũng có nhiều hố bom khoét sâu từ 4 - 5m, miệng rộng từ 10 đến 12m, có ngày chỉ một đoạn đường dài 400 - 500m có hàng chục hố bom, bom nổ chậm nằm sâu dưới mặt đường, taluy yêu cầu đối với TNXP và dân công là chỉ sau 2 - 3 giờ phải phá bom, san lấp mặt đường, đảm bảo giao thông và an toàn cho các đoàn quân ra mặt trận. Với yêu cầu nhiệm vụ, mọi người đều làm việc quên mình, bất chấp hiểm nguy. Có chiến sỹ TNXP dùng dây treo người trên ta luy để xả đất đá, phá mìn, có khi bom nổ làm sạt lở hàng ngàn mét khối đất đá xuống mặt đường, nhiều đồng chí bị vùi lấp.

Ngày 7/5/1954, quân và dân ta đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng và làm chủ cả vùng Tây Bắc rộng lớn. Những ngày sau đó giặc Pháp vẫn tiếp tục bắn phá các trọng điểm giao thông, nhiệm vụ đảm bảo giao thông lúc này lại càng gay go, quyết liệt cho bộ đội hành quân trở về, xe pháo vận chuyển lương thực, thương binh, dẫn giải tù binh, thu chiến lợi phẩm… TNXP lại ngày đêm lao động quên mình, dũng cảm vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hơn 700 ngày đêm chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lực lượng TNXP Yên Bái đã đoàn kết, vượt qua gian khổ, hy sinh, ở những nơi ác liệt nhất như: bến phà Âu Lâu, cầu Đá Trắng, đèo Voi Vượt, Đát Thiến, Ba Khe, ngầm Ngòi Lao, đặc biệt là đèo Lũng Lô, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Giờ các địa danh đèo Lũng Lô, Bến Phà Âu Lâu đã được công nhận là di tích lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Đó là những trang sử hào hùng, những đóng góp vô cùng quan trọng của TNXP tỉnh nhà trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

 

2801 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h