Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Hội thảo tình hình quản lý, sử dụng đất đai tại các lâm trường quốc doanh – thực trạng và những vấn đề đặt ra

17/07/2015 17:45:11 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Ngày 17/7, tại Hội trường Tỉnh ủy, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo về tình hình quản lý, sử dụng đất đai tại các lâm trường quốc doanh – thực trạng và những vấn đề đặt ra. Dự và chỉ đạo Hội thảo có đồng chí Ksor Phước - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các thành viên Đoàn giám sát, Văn phòng Quốc hội, đại diện các bộ, ban ngành Trung ương, đại diện 10 tỉnh miền núi phía Bắc. Về phía tỉnh Yên Bái có đồng chí Dương Văn Thống – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngày 16/6/2003, Bộ Chính trị  đã ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết được chia làm 2 giai đoạn chính. Trong giai đoạn 2004 – 2008, cả nước có 02 Trung tâm nông – lâm nghiệp là các đơn vị sự nghiệp; 256 lâm trường (Công ty lâm nghiệp). Đến hết năm 2008, các lâm trường được sắp xếp thành 136 công ty lâm nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước; thực hiện giải thể 14 lâm trường quốc doanh. Trong giai đoạn 2008 – 2014, trong quá trình chuyển đổi các lâm trường gặp khó khăn,vướng mắc nhất là về mô hình tổ chức. Ngoài việc sắp xếp lại theo quy định tại Nghị định 200 của Chính phủ, các lâm trường còn phải điều chỉnh theo quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước. Đến nay, cả nước còn 148 công ty lâm nghiệp, trong đó công ty thuộc địa phương quản lý 141, công ty thuộc Trung ương 7, công ty cổ phần 3; thành lập mới 91 ban quản lý rừng phòng hộ, giải thể 14 lâm trường hoạt động yếu kém. Diện tích đất do công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ đang quản lý sử dụng là 3.572.925 ha.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hình thành khung pháp lý tương đối đầy đủ làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện thống nhất quản lý, sử dụng đất đối với công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Các lâm trường sau khi sắp xếp có nhiều công ty lâm nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, duy trì vùng sản xuất hàng hóa, hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn, tạo thêm việc làm, tiếp tục phát huy vai trò doanh nghiệp trên địa bàn nông thôn.

Về lĩnh vực quản lý, sử dụng đất của phần lớn các lâm trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là các đơn vị cổ phần hóa. Các lâm trường đã từng bước làm rõ hiện trạng sử dụng đất trên bản đồ; có lâm trường đã lập được phương án quy hoạch sử dụng đất gắn với phương án sản xuất kinh doanh, quy hoạch lại 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất); tình trạng lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất trái phép đã giảm và ở một số nơi đã chấm dứt; hiệu quả sử dụng đất được nâng lên, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động trong các lâm trường.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm và hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, ban quản lý rừng chưa cao, kém hiệu quả; việc rà soát, sắp xếp, đổi mới các lâm trường thực hiện còn chậm; việc rà soát hiện trạng sử dụng đất của các lâm trường chủ yếu thực hiện trên sổ sách mà không được rà soát trên thực địa; Tại một số đơn vị sau khi cổ phần hóa, công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, không được tăng cường; nhiều lâm trường giao khoán đất cho người lao động nhưng buông lỏng quản lý, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các lâm trường ở các địa phương còn chậm; tình trạng tranh chấp đất đai trong các lâm trường vẫn còn nhiều trường hợp kéo dài nhiều năm nhưng chậm được giải quyết; việc bàn giao đất cho địa phương quản lý thực hiện còn chậm.

Thực hiện Nghị quyết 28 ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định. Đã chuyển đổi Lâm trường Trạm Tấu và Púng Luông thành Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, chuyển đổi 4 lâm trường sang công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp 100% vốn nhà nước; đến nay còn 3 lâm trường chưa hoàn thành chuyển đổi là Lâm trường Lục Yên, Văn Yên và Văn Chấn.

Công tác quản lý sử dụng đất được củng cố, rà soát hiện trạng và lập quy hoạch sử dụng đất, rừng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất của địa phương; xác định diện tích cần giữ lại chuyển sang thuê và thực hiện các hình thức giao khoán sản phẩm với công nhân của công ty và người dân tại các địa phương; chuyển giao một phần diện tích đất không có nhu cầu sử dụng, sử dụng hiệu quả thấp về địa phương quản lý. Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác cơ bản theo chu kỳ kinh doanh của cây trồng, góp phần tăng tỷ lệ phủ xanh đất trống đồi núi trọc tại các địa phương.

 

 Đồng chí Dương Văn Thống – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội thảo..

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến tham luận, thảo luận tập trung vào một số vấn đề như: Công tác quy hoạch, đo đạc, xác định ranh giới, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các lâm trường quốc doanh, những kết quả đạt được, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; Thực trạng và giải pháp quản lý, sử dụng đất đai tại các lâm trường quốc doanh; Nhu cầu, kết quả thực hiện kinh phí đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các lâm trường và việc chấp hành nghĩa vụ tài chính về đất đai của các lâm trường quốc doanh từ năm 2004 – 2014; Thực trạng đất rừng và chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng tại các lâm trường quốc doanh; Quá trình phối kết hợp với địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai; Thực trạng tình hình chuyển giao đất từ các công ty lâm nghiệp về cho địa phương quản lý sử dụng; Những khó khăn vướng mắc trong việc xử lý đất đai của các hộ dân sinh sống ổn định tại khu vực do các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng; Việc phối hợp giải quyết tranh chấp đất đai giữa người dân và các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng; Tình hình tổ chức thực hiện phương án đổi mới công ty lâm nghiệp sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt của tỉnh Yên Bái…

 

Đồng chí Ksor Phước - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Ksor Phước - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu, đã làm rõ hơn về tình hình quản lý, sử dụng đất đai tại các lâm trường quốc doanh, nêu lên được thực trạng, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất hiện nay là do mỗi địa bàn, mỗi lâm trường, mỗi công ty lâm nghiệp đều có những khó khăn do nhiều nguyên nhân, về chủ trương chính sách chưa có sự thống nhất giữa Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp và phụ thuộc vào khả năng ngân sách trong quản lý, sử dụng đất lâm trường.  Qua nghe các ý kiến thảo luận, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu các ý kiến để nghiên cứu và đề xuất với Quốc hội. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội nhấn mạnh rừng chính là môi trường sống, là tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước, rừng còn có vai trò quan trọng trong bố trí sắp xếp các khu, điểm dân cư và có vai trò quan trọng trong bảo vệ quốc phòng an ninh đất nước do vậy cần phải quan tâm bảo vệ tốt rừng. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đề nghị sau Hội thảo, các cơ quan, Văn phòng Quốc hội cần phối hợp với các bộ ngành liên quan căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đất đai làm rõ những vấn đề về chính sách của Nhà nước về bảo vệ rừng./.

1275 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h