Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Nhọc nhằn cây lúa

20/07/2015 16:33:17 Xem cỡ chữ Google
Xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình (Yên Bái) vốn được coi là địa bàn trọng điểm thâm canh lúa khu vực thượng huyện vùng Đông hồ Thác Bà, với diện tích 183ha vụ xuân và trên 190ha vụ mùa. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, người dân ở địa phương này lại đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất. Vụ mùa 2015 đã bắt đầu hơn 1 tháng nay, thế nhưng, nông dân Cảm Nhân vẫn thấp thỏm ngóng nước trời...

Lãnh đạo xã Cảm Nhân kiểm tra cánh đồng thôn Làng Dự đến nay vẫn chưa có nước để làm đất.

Tôi trở lại xã Cảm Nhân khi đợt nắng nóng cuối tháng 6 đã có phần dịu vợi. hồ Thác Bà mùa nước cạn chẳng thơ mộng đảo nổi, đảo chìm mà xác xơ, nhọc nhằn như chính cuộc sống của người dân nơi đây - những người đã tự nguyện hiến cả “bờ xôi ruộng mật”, thắt ruột, thắt gan để lại cả mồ mả tổ tiên mình dưới lòng biển hồ mênh mông để nhường đất xây dựng nên công trình Nhà máy Thủy điện Thác Bà kỳ vĩ - đứa con đầu lòng của thủy điện Việt Nam. Dưới cái nắng như rang, những cánh đồng khô khốc, trơ rạ. Vụ lúa xuân 2015 vừa thu hoạch xong nhưng nông dân chẳng mấy mừng vui về thành quả lao động “một nắng hai sương” bởi tiếng là làm nhiều mà hạt thóc, hạt ngô thu về lại chẳng được là bao, nếu không muốn nói là cứ phải cố mà làm theo kiểu lấy công làm lãi, vì nông nghiệp là nguồn sống chính của gần 90% dân số ở địa phương này.

Chị Mai Thị Thắm ở thôn Tích Chung 1 thở dài nghe đến não ruột khi chúng tôi hỏi về năng suất thu hoạch vụ này. Chị bộc bạch: “Cả nhà có 7 sào thì 3 sào là ruộng cạn, mương máng thủy lợi không đủ nước về ruộng nên đành bỏ, chuyển sang trồng ngô, lạc nhưng không có đủ nước tưới nên năng suất cây màu vụ này cũng rất kém. Đáng lẽ đủ nước sản xuất thì một sào lúa cũng thu được một tạ tám đến hai tạ thóc, đằng này, gặt về, quạt sạch chỉ được trên dưới một tạ, thậm chí là vài chục cân. Trước thu mười thì vụ vừa rồi chỉ được thu năm, đủ ăn là may lắm rồi. Năm nay bại thu, chỉ chờ vào vụ mùa nhưng giờ vẫn chưa có nước sản xuất…”.

Trà 1 gieo cấy lúa mùa sớm đã đi qua mà chẳng mấy hộ dân trong xã kịp làm mạ để xuống giống, lý do là không có nước. Những trận mưa hiếm hoi cuối tháng 6 chẳng đủ để làm ướt con mương chính dẫn nước từ đập Đát Hùng về phục vụ nước tưới cho cánh đồng thuộc 11 thôn của xã. Những chân ruộng cạn khô, nứt nẻ, đất cứng đanh chờ nước, còn người dân Cảm Nhân thì cứ thấp thỏm, khắc khoải ngóng đợi nước trời.

 Đội nắng chang chang gánh nước từ dưới con suối cạn trước nhà lên tưới cho những gốc phật thủ được trồng thay thế trên đất ruộng 2 vụ, anh Ma Văn Sâm ở thôn Làng Dự lo lắng: “Đáng nhẽ bây giờ đã phải gieo mạ cấy rồi thì mới kịp làm ngô đông, thế nhưng, đến giờ, còn chưa có nước để cày bừa thì chẳng biết trồng cấy được cây gì. Mương máng thủy lợi xây dựng kiên cố về tận ruộng nhưng nước thì chẳng có cho sản xuất. Nếu cứ nắng hạn như thế này thì đành chịu, chẳng thể cấy được, chỉ có trông cả vào thiên nhiên thôi”.   

Với trên 600ha đất trồng lúa và trồng màu, trong đó diện tích gieo cấy lúa hàng năm là 339ha, Cảm Nhân trước đây từng được biết đến là vựa lúa của huyện Yên Bình với năng suất bình quân đạt từ 52 - 54 tạ/ha. Từ năm 1974, Nhà nước đầu tư đắp đập, ngăn nước Đát Hùng để cung cấp nước tưới cho trên 80ha ruộng cấy của xã. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, rừng đầu nguồn dần chuyển thành rừng kinh tế nên nguồn sinh thủy phục vụ công trình này bị giảm sút nghiêm trọng. Đầu tháng 7/2015, lưu lượng nước đo được tại đập Đát Hùng nơi đầu nguồn là 50 - 55m3/s, chỉ đủ phục vụ nước tưới cho 80ha ruộng, trong khi theo đúng thiết kế thì lưu lượng phải bảo đảm từ 130 - 150m3/s mới đủ cung cấp nước tưới cho 130ha, đó là chưa kể toàn bộ diện tích 201ha gieo cấy vụ này của toàn xã. Đây cũng là lý do mà đến thời điểm này, toàn xã Cảm Nhân mới chỉ có trên 50ha ruộng ở 7/18 thôn có đủ nước để cấy trà 2. Diện tích hơn 120ha bà con đã hoàn thành khâu làm đất nhưng sẽ khó có khả năng đặt cây lúa xuống nếu trời không mưa.

Đưa chúng tôi đi thăm tuyến mương chính dẫn từ đập Đát Hùng đến thôn Làng Dự - một trong những địa bàn khó khăn nhất về nước sản xuất, đồng chí Lý Ánh Dương - Phó bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch UBND xã không giấu được vẻ lo âu: “Kế hoạch trồng ngô đông năm nay của địa phương khả năng phá sản mất. Thời điểm này mà còn chưa có nước để xuống giống thì cây ngô có trồng được đi chăng nữa cũng chẳng hy vọng gì đạt năng suất cao. Các cụ xưa đã đúc kết: “Một cây mạ tháng Năm bằng trăm cây mạ tháng Sáu”. Năng suất vụ này hẳn là sẽ kém, vì hết tháng Năm Âm lịch rồi mà như gia đình mình cả 7 sào ruộng vẫn chưa có nước để cày bừa. Thôn Làng Dự phần lớn nông dân vẫn chưa làm được đất. Không có mưa, đất cũng khó mà cày bừa được...”. 

Vụ mùa 2015, xã Cảm Nhân chỉ đạo gieo cấy trên 190ha lúa nước, trong đó tập trung làm mùa sớm để bảo đảm kế hoạch gieo trồng từ 70 - 80ha ngô đông. Theo kế hoạch lịch thời vụ, trà 2 của vụ mùa sẽ phải cấy xong trong trung tuần tháng 7, thế nhưng, đến thời điểm này, toàn xã Cảm Nhân mới cấy được hơn 40ha, trong đó trà 2 là gần 30ha. Người dân vẫn đang phải đối mặt với nghịch cảnh sống bên hồ Thác Bà nhưng lại thiếu nước sản xuất. Giải quyết vấn đề nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, theo lãnh đạo xã thì cần thiết phải xây dựng đập thủy lợi tại khu vực rừng đầu nguồn Suối Mây. Đây là khu vực hội tụ nguồn sinh thủy của nhiều khe nước, lưu lượng lớn. Giải pháp xây dựng đập Suối Mây có thể xem là hợp lý trong bối cảnh năng lực tưới tiêu của đập thủy lợi Đát Hùng đã xuống cấp; diện tích tưới tiêu bảo đảm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của nhân dân trong vùng ngày càng trở nên khan hiếm.

Ước muốn có một công trình thủy lợi hiệu quả phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Cao Lan, Hoa nơi đây là hoàn toàn chính đáng, cần hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành. Đó âu cũng là việc nên làm để tri ân, trả nghĩa đối với những hy sinh, cống hiến của đồng bào vì lợi ích lớn lao chung của cộng đồng.       

Ông Hà Đình Trị - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảm Nhân

Công trình thủy lợi Đát Hùng đã được đầu tư sử dụng hơn 40 năm, đến nay, năng lực tưới tiêu đã giảm sút nghiêm trọng. Một, hai năm trước, đã có đoàn đến khảo sát xây đập, bà con rất mừng nhưng kinh phí đầu tư quá lớn, ngoài khả năng của địa phương. Bà con chúng tôi mong đợi sự quan tâm đầu tư của Nhà nước để cuộc sống của đồng bào ổn định.

 

 

 

Ông Trương Quang Tuấn - Trưởng thôn Lạnh 1, xã Cảm Nhân

Cả thôn Lạnh 1 và Lạnh 2 có trên 160 hộ nhưng bình quân mỗi khẩu chỉ có khoảng 8 thước ruộng. Bà con sống chủ yếu bằng diện tích đất dưới cốt 58 hồ Thác Bà nhưng năm nay nước hồ rút muộn, quá thời vụ, còn ruộng trên cốt 58 thì không có nước để cấy nên phần lớn diện tích phải bỏ hoang. Số diện tích trồng cây màu cho thu cũng chỉ khoảng 30%, năng suất giảm một nửa. Làm ruộng mấy năm nay rất khó khăn, giỏi thì mới đủ ăn. Nếu không duy trì tốt thì khả năng tăng hộ nghèo là điều dễ thấy... Nhất thiết phải có một công trình thủy lợi hiệu quả thì sản xuất nông nghiệp của địa phương mới ổn định.

Ông Nông Đình Giới - nông dân xã Cảm Nhân

Nông dân chúng tôi lo nhất bây giờ là làm sao có đủ nước tưới để làm cho kịp thời vụ. Cả đêm đi “bắt” nước, máy bơm bơm suốt đêm ngày, suối cũng cạn mà nước về ruộng chẳng đủ ngấm đất; mương máng thủy lợi để không, đợi nước trời. Cuộc sống của bà con rất khó khăn...

                    

 

 

1556 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h