Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

"Căng mình" chống hạn

22/07/2015 14:58:55 Xem cỡ chữ Google
Nắng hạn kéo dài nhiều tháng qua khiến hàng nghìn ha lúa của nhiều địa phương thiếu nước trầm trọng. Nông dân và chính quyền địa phương trong tỉnh đang phải "căng mình" chống hạn.

Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Tân Phú bơm nước chống hạn.

Mong mưa cứu lúa

Cơn mưa tối 15/7 được nhiều hộ dân ví là cơn mưa "vàng" giải cơn khát cho đồng ruộng. Tuy nhiên, nó không thấm vào đâu, nếu thời tiết vẫn tiếp tục nắng gắt như những ngày qua. Tìm hiểu những khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất mà nhà nông đang phải đối mặt, chúng tôi về huyện Trấn Yên.

 Giữa cái nắng như đổ lửa, trên cánh đồng thôn 1, xã Đào Thịnh, ông Đinh Văn Quyết ra thăm đồng, nhìn những thửa ruộng nứt nẻ, ngao ngán: "Chưa bao giờ đồng khô, mương cạn như thế này. Vụ này, gia đình tôi cấy 3 sào lúa Thiên Hương 8, nhưng do nhiều ngày không có mưa, kênh mương thì cạn kiệt nên ruộng nứt nẻ, lúa thì héo hắt. Nếu không có mưa chỉ chục ngày nữa là lúa sẽ không cứu vãn. Mong trời đổ mưa!". Chúng tôi lên cánh đồng ở thôn 3, nhìn hệ thống kênh mương đã được bê tông hóa, nhưng cũng cạn trơ đáy, những thửa ruộng gần đó đã có vết nứt chân chim, thậm chí nhiều thửa xa nguồn nước lúa lá đã vàng úa.

Chị Đỗ Thị Thu, thôn 3 Đào Thịnh, đang làm cỏ lúa cho biết: "Vụ hè thu năm nay thời tiết thật khắc nghiệt. Ngay từ đầu vụ, gia đình đã phải tự thuê máy bơm tư nhân bơm nước để làm đất gieo cấy lúa. Thửa này có nước như bây giờ là do sáng nay Công ty TNHH Tân Phú bơm nước từ đập lên. Còn hơn 1 sào xa nguồn nước thì mặt ruộng đã nứt nẻ. Hiện nay, do các đập chứa nước đều cạn nên giờ chỉ điều tiết nước hợp lý và ngóng chờ mưa xuống giải hạn cho lúa".

Nắng nóng kéo dài khiến hơn 1.500 ha lúa trên địa bàn tỉnh bị khô hạn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh cho biết: "Vụ này toàn xã đưa vào gieo cấy 93,9ha lúa. Tuy nhiên, do nắng nóng khô hạn kéo dài nên hiện toàn xã có trên 30ha thiếu nguồn nước, trong đó có 8ha hạn nặng. Xã phối hợp với đơn vị khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn bơm nước từ sông Hồng và các đập thủy lợi lên cứu lúa. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là trong số 5 công trình chứa nước phục vụ tưới tiêu trên địa bàn thì có đến 2 công trình đã hết nước, các đập còn lại cũng dưới mực nước chết".

Trước thời điểm có trận mưa đêm ngày 15/7, Công ty TNHH Tân Phú đã phải tổ chức bơm tưới ở 19/28 xã, phường của huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái, trong đó có 50 công trình thiếu nước, diện tích phải bơm cấp nước chống hạn là 629,26ha, trong đó huyện Trấn Yên 467ha, thành phố Yên Bái là 162,7ha. Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh tính đến ngày 14/7 toàn tỉnh có trên 1.500ha bị hạn, trong đó, diện tích hạn tập trung ở các huyện Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình... Nếu thời tiết tiếp tục nắng hạn, con số này sẽ không dừng lại ở đó, nguy cơ giảm năng suất cây trồng vụ hè thu đang hiển hiện trước mắt.

Tập trung chống hạn

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đã chỉ đạo hàng loạt các biện pháp chống hạn. Ông Phan Thái Bình - Trưởng phòng Thủy nông, Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: "Trước tình hình hạn hạn như hiện nay, chúng tôi đã đề nghị phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi, huy động nhân lực, phương tiện và sử dụng nhiều biện pháp lấy nước từ sông vào hệ thống kênh chính, vùng trũng, phân phối, điều tiết hợp lý vào kênh nhánh; vận động bà con nông dân tập trung lấy nước vào ruộng, thường xuyên kiểm tra giải tỏa vật cản, khơi thông dòng chảy để dẫn nước đến mặt ruộng, khoanh vùng để giảm lượng nước rò rỉ, thất thoát".

Để có kinh phí cho các đơn vị phục vụ chống hạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính trình đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí chống hạn với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng. Những ngày này, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Tân Phú (Trấn Yên) đang ngày đêm theo dõi, đôn đốc việc bơm nước cứu lúa.

Hơn 11 giờ trưa, nhưng anh Trần Đức Cường vẫn túc trực bên chiếc máy bơm đưa nước từ sông Hồng tưới cho cánh đồng thôn Minh Phúc, xã Nga Quán. Anh chia sẻ: "Hơn một tháng nay, cả ngày lo đôn đốc bơm nước cứu lúa, hết chạy lên đồng trên lại lội xuống đồng dưới. Lúa "khát", bà con than vãn không thể ngồi nhìn được". Tuy máy bơm nước hoạt động liên tục từ hơn tháng nay, nhưng lượng nước về vẫn không đủ chống chọi với sự khô hạn đang ngày một lan rộng, hạn lấn lướt các thửa ruộng ở xa nguồn nước và đập đầu nguồn thiếu nước.

Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Tân Phú bơm nước từ sông Hồng về hóa giải "cơn khát" cho lúa.

Đưa tôi vào cánh đồng thôn Hồng Thái, anh Cường chỉ một số ruộng lúa đang bị hạn uy hiếp, trong đó có mảnh đã chuyển sang màu vàng. Ông Trần Như Hoàn - Phó giám đốc Công ty TNHH Tân Phú cho biết: "Để hạn chế tình trạng khô hạn, Công ty đã phối hợp với các xã huy động toàn bộ máy bơm của dân và 26 máy bơm dã chiến bơm nước từ các hồ chứa dưới, khe suối, bờ sông nơi có nguồn nước để phục vụ tưới và làm đất ngay từ đầu thời vụ. Cán bộ, công nhân viên vận hành các tổ máy bơm dã chiến, cùng với 10 trạm bơm điện cố định, nhiều trạm vận hành 24/24h bơm phục vụ cho bà con nông dân làm đất gieo cấy và chăm sóc lúa. So với mọi năm, số giờ bơm đã tăng trên 40%. Tuy nhiên, nếu thời tiết cứ tiếp tục nắng hạn kéo dài sẽ không còn nguồn nước để bơm tưới phục vụ người dân sản xuất".

Chống hạn đang được các địa phương tích cực triển khai. Bên cạnh việc bơm tưới phục vụ làm đất, gieo cấy cho lúa, nhiều phương án chuyển đổi cây trồng cũng được các địa phương tính đến, với quyết tâm không để đất trống.  Ông Chu Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh cho biết: "Nếu thời tiết tiếp tục nắng hạn, diện tích lúa không thể cứu vãn, chúng tôi đã có phương án chuyển đổi diện tích sang trồng dâu, cây ăn quả có múi và một số rau màu khác với quyết tâm không để đất trống".

Có những hộ dân thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái) phải bỏ mạ không cấy được vụ mùa do thiếu nước. (Ảnh: Quyết Thắng)

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết: "Để chống hạn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo nhân viên quản lý thủy nông phụ trách xã quản lý và điều tiết nguồn nước hợp lý; các xã huy động nông dân nạo vét kênh mương, huy động máy bơm của dân tự bơm nước để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất. Đối với trà mạ đã xuống giống, thời vụ cho phép cấy chậm nhất tới ngày 25/7. Từ ngày 25/7 -  5/8, những diện tích khắc phục được nguồn nước, chỉ đạo gieo cấy bằng các giống lúa ngắn ngày như: Khang Dân 18, áp dụng công nghệ mạ khay, gieo thẳng, thời vụ chậm nhất vào ngày 5/8; đối với diện tích sau ngày 5/8 không thể khắc phục được nguồn nước, huyện chỉ đạo chuyển sang trồng ngô".

Theo dự báo nếu trong thời gian tới không mưa thì tình trạng khô hạn sẽ khốc liệt hơn và tiếp tục gây nên những tác hại không nhỏ. Bên cạnh những nỗ lực bơm nước cứu lúa, nhiều hộ nông dân cũng đang chờ nước trời để giải "cơn khát" cho đồng ruộng.

 

1487 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h