Là xã thuộc vùng 135, ngoài trục đường chính của tuyến Yên Thế - Vĩnh Kiên chạy qua thì giao thông tới các thôn bản vô cùng khó khăn. Cả xã chỉ có 52 ha ruộng nước, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản trên hồ, chăn nuôi và trồng rừng. Trong khi đó, nhận thức của người dân còn hạn chế, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ Nhà nước… đó là những hạn chế ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bí thư Đảng ủy xã Phúc An - Nguyễn Minh Việt, cho biết: “Các nguồn lực đầu tư của Đảng và Nhà nước dành cho các xã đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số là vô cùng quý giá và cần thiết. Đó thực sự là nền tảng thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương phát triển. Tuy nhiên, việc truyên truyền, động viên, khuyến khích để người dân được hưởng lợi từ chính sách này thay đổi tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư, chủ động thoát ra khỏi cái đói, cái nghèo cũng là việc rất quan trọng, làm tốt việc này, những khó khăn của địa phương mới mong được đẩy lùi”.
Xác định được những khó khăn đó, nhiệm kỳ vừa qua Đảng bộ xã Phúc An nhận thức nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là trọng tâm, mấu chốt là thay đổi tư duy làm kinh tế trong đội ngũ lãnh đạo xã và nhân dân. Tận dụng lợi thế về chăn nuôi thủy sản, chăn nuôi đại gia súc và lâm nghiệp, Đảng bộ xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đến Phúc An bây giờ rất dễ nhận ra dọc theo hai bên đường đi là những đồi bạch đàn xanh tốt. Đây là minh chứng cho những nỗ lực phát huy thế mạnh của địa phương để xây dựng, phát triển những mô hình kinh tế phù hợp.
Phong trào trồng rừng thâm canh và chăm sóc rừng trồng được nhân dân địa phương quan tâm phát triển. Năm 2015, xã đã hoàn thành trồng mới 110 ha rừng chủ yếu là bạch đàn mô, keo Úc. Với hơn 1.300 ha rừng trồng đã tạo ra vùng nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến, hiện nay trên địa bàn xã cũng đã hình thành 3 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.
Đến nay, toàn xã đã có gần 40 lồng cá, và 7,5ha mặt nước ao, đập nuôi thả cá cho hiệu quả kinh tế ổn định. Trong xã đã xuất hiện 20 cơ sở chăn nuôi theo mô hình gia trại, mỗi năm cho thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng.
Ngoài chỉ đạo, vận động thâm canh, tăng vụ, Đảng bộ, chính quyền xã còn vận động nhân dân chuyển đổi cách thức sản xuất, phương pháp chăn nuôi, đưa khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, tích cực phát triển chăn nuôi đại gia súc... Xã luôn chú trọng chỉ đạo làm tốt công tác phòng chống các loại dịch bệnh và chống rét cho vật nuôi. Hiện nay, đàn trâu có 450 con, đàn bò trên 200 con, lợn 2.700 con; bên cạnh đó, xã vận động nhân dân nuôi ong mật để tăng thu nhập với trên 100 tổ ong, cung cấp hàng trăm lít mật một năm với giá bán từ 180.000 - 200.000 đồng/ lít đã góp phần cải thiện đời sống cho người dân.
Du lịch cũng là một trong những tiềm năng mà Phúc An đang tập trung khai thác. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi năm có hàng trăm lượt khách du lịch đến tham quan, khám phá thiên nhiên, con người nơi đây. Với điều kiện tự nhiên ưu đãi, Phúc An nổi tiếng với cảnh đẹp núi Cao Biền, thác Ô Đồ, nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao, Tày, Cao Lan, đây chính là một trong những lý do để khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá. Hiện nay Phúc An có một điểm lưu trú với 2 nhà sàn khang trang, sạch đẹp do anh Tướng Văn Thành, thôn Đồng Tý đầu tư đón khách.
Từ năm 2008 đến nay cơ sở của anh mỗi năm đón từ 500 đến 700 khách du lịch lưu trú. Riêng 6 tháng đầu năm nay lượng khách đã đạt trên 300 lượt, chủ yếu là khách nước ngoài. Theo anh Tướng Văn Thành, khách đến Phúc An đặc biệt thích thú khi được leo núi Cao Biền ngắm cảnh đẹp của hồ Thác Bà từ trên cao và khám phá đời sống sinh hoạt, văn hóa của các dân tộc địa phương, có những đoàn khách người Hà Lan trở lại nhiều lần. Trong thời gian tới xã Phúc An sẽ tiếp tục khai thác thế mạnh của địa phương, vận động nhân dân tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng, xóa đói giảm nghèo nâng cao thu nhập.
Các tuyến đường giao thông nông thôn đã và đang được sửa chữa, mở mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa nên đời sống của 725 hộ dân nơi đây đã khá hơn nhiều. Năm 2014 đã có trên 30 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã xuống còn 18,16% năm 2015. Ông Nguyễn Minh Việt khẳng định: “Có sự đổi thay đó là do Phúc An đã biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, và điều quan trọng là vai trò của tổ chức cơ sở Đảng luôn được phát huy cao độ; đặc biệt nhờ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ mà hệ thống cơ sở vật chất điện - đường - trường - trạm của xã đến nay đã được đầu tư khá cơ bản, hoạt động giao thương nhờ đó phát triển hơn trước, đã kích thích phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa”.
Với những bước đi vững chắc, năm 2015, Phúc An sẽ tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, chú trọng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ, du lịch cộng đồng; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và triển khai một số dự án trọng điểm quy hoạch nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng của xã, quyết tâm đưa Phúc An trở thành xã phát triển mạnh ở vùng Đông Hồ.