Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVII

26/07/2015 08:48:37 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVII, các đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái xin đăng tải nội dung trả lời chất vấn của ông Nguyễn Văn Khánh – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại kỳ họp.

Ông Nguyễn Văn Khánh – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVII

* Về kiến nghị của cử tri xã Âu Lâu đề nghị tỉnh sớm thu hồi đất tại khu vực quy hoạch Khu công nghiệp của tỉnh và cụm công nghiệp Âu Lâu vì thời gian quy hoạch Khu công nghiệp và cụm công nghiệp đến nay đã lâu nhưng chưa thu hồi. Làm ảnh hưởng đến công việc sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng quy hoạch. Đề nghị hỗ trợ cho các hộ dân trong vùng quy hoạch. 

Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

Ngày 12 tháng 5 năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 666/QĐ-UBND về việc xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) thành phố Yên Bái, trong đó tổng diện tích đất quy hoạch Khu công nghiệp Âu Lâu là 120 ha, cụm công nghiệp Âu Lâu là 30 ha. Do liên quan đến việc bố trí nguồn ngân sách tỉnh, việc thực hiện công tác thu hồi đất phải thưc hiện nhiều giai đoạn. Đến nay, công tác thu hồi thực hiện công trình cụm công nghiệp Âu Lâu đã hoàn thành; Riêng đối với công trình Khu công nghiệp Âu Lâu mới hoàn thành việc thu hồi được 10 ha và trong năm 2015 tiếp tục mở rộng thêm 17 ha (Theo Quyết định số 2821/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái).  Về việc quản lý, sử dụng đất liên quan tới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tại Khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai quy định: “Điều 49. Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

              Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Theo quy định trên, trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện (đối với 92,08 ha đất quy hoạch còn lại) thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm (đối với diện tích 17 ha thực hiện trong năm 2015) thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định; nếu được đưa vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của thành phố Yên Bái, sau 3 năm mà chưa có Quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì sẽ điều chỉnh, hủy bỏ dự án trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

* Về ý kiến sớm khắc phục bồi thường thiệt hại cho nhân dân do quá trình thi công đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường tránh ngập thành phố Yên Bái, khu công nghiệp phía Nam, Trung tâm sát hạch lái xe tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái.

Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

Thứ nhất: Biện pháp khắc phục chung đối với các công trình:

Qua tổng hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường được biết hiện nay trong quá trình thực hiện thi công một số công trình trên địa bàn tỉnh như công trình đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, công trình đường tránh ngập thành phố Yên Bái, công trình khu công nghiệp phía Nam, công trình Trung tâm sát hạch lái xe tỉnh... đã làm ảnh hưởng đến một số khu vực đất nông nghiệp, đất ở và đường đi lại của nhân dân, gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Diện tích đất trồng lúa của một số hộ dân bị đất vùi lấp hoặc bị ngập úng không canh tác được (như ở các xã Văn Phú, Tân Thịnh, Văn Tiến, thành phố Yên Bái; xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên...). Một số hộ dân còn bị ảnh hưởng đến nhà ở như bị nứt tường nhà, nhà nhiều chỗ bị ngập nếu mưa kéo dài (như 04 hộ tại Thôn 5, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái). Quá trình thi công còn làm mất đường dân sinh, một số khu vực không có cống thoát nước (như tại thôn Trấn Ninh 2, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái) hoặc có bố trí cống nhưng do vị trí lắp đặt không hợp lý nên không thoát được nước (như tại Tổ 7, xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái) làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân. Việc ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp, đất ở, đất giao thông đi lại của nhân dân là do việc thi công công trình gây ra. Do đó, đề nghị các Chủ đầu tư thực hiện công trình phải phối hợp với chính quyền địa phương có đất bị ảnh hưởng rà soát toàn bộ vùng ảnh hưởng, xác định số hộ bị ảnh hưởng do quá trình thi công công trình, đề xuất phương án xử lý theo hướng như sau:

- Đối với phần diện tích đất trồng lúa, hoa màu, đất ở có nhà ở bị ảnh hưởng có thể khắc phục được: Lập phương án hỗ trợ cho từng hộ trên cơ sở xác định mức độ ảnh hưởng từng khu vực báo cáo, trình Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái xem xét, quyết định.

- Đối với phần diện tích đất trồng lúa, hoa màu, đất ở có nhà ở bị ảnh hưởng không thể khắc phục được: Chủ đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân huyện, thành phố hoàn thiện thủ tục thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Đối với đất lúa, đề nghị tổng hợp cụ thể diện tích từng khu vực bị ảnh hưởng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái trình Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái xem xét, chấp thuận theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai năm 2013.

- Riêng đối với một số vướng mắc liên quan đến đường đi và cống của các hộ dân tại Trấn Ninh 2, xã Tân Thịnh; Tổ 7, xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái:

+ Tại thôn Trấn Ninh 2, xã Tân Thịnh: Đề nghị Chủ đầu tư nghiên cứu bố trí đường đi lại cho nhân dân (do làm mất đường dân sinh) và bố trí cống thoát nước tránh ngập úng, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

+ Tại Tổ 7, xã Hợp Minh: Đề nghị chủ đầu tư rà soát, lập hồ sơ thiết kế điều chỉnh xử lý cống chui do bị võng không thoát được nước để đảm bảo sinh hoạt của nhân dân tại khu vực.

Thứ hai: Đối với một số công trình cụ thể

- Công trình Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái: 

Trên địa bàn xã Phúc Lộc hiện nay có khoảng 3,6 ha đất canh tác gần khu vực thi công xây dựng Bệnh viện bị xô lấp, gần 04 năm nay, các hộ gia đình, cá nhân không thể canh tác được.

Về vấn đề này Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:

Sau khi được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Yên Bái đã lập phương án hỗ trợ cho các hộ gia đình trình Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái phê duyệt theo đúng quy định. Tuy nhiên, kinh phí hiện nay chưa chi trả cho các hộ. Lý do: Chưa bố trí được nguồn kinh phí. Sở Tài chính đã có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái bố trí nguồn kinh phí để làm cơ sở thực hiện. Do đó, sau khi được cấp kinh phí, Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái sẽ tiến hành chi trả kinh phí theo quy định.

- Đối với công trình Trường huấn luyện sỹ quan của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tại thôn Lương Thịnh 2, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái:

Trên cơ sở báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 163/STNMT-QLĐĐ ngày 09 tháng 02 năm 2015 đề xuất phương án hỗ trợ thiệt hại do hủy thông báo thu hồi đất và quyết định thu hồi đất, Ngày 21 tháng 4 năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã có Văn bản số 782/UBND-TNMT về việc hỗ trợ thiệt hại cho các hộ gia đình, cá nhân do hủy thông báo thu hồi đất và quyết định thu hồi đất.

Sau khi có văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái đã hoàn thiện việc lập và phê duyệt kinh phí theo quy định.

* Đối với nội dung chỉ đạo các địa phương trong quá trình quy hoạch đất, đối với diện tích đất trồng lúa chằm lầy, không sản xuất được, diện tích ruộng bị vùi lấp không khắc phục được do quá trình thi công các công trình thì cho phép nhân dân được chuyển đổi mục đích sản xuất để ổn định cuộc sống.

Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

Về quan điểm sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa:

- Tại Điều 134 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

“Điều 134. Đất trồng lúa

 Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

 Người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối và vào mục đích phi nông nghiệp nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ.”

- Tại Khoản 1, 2 Điều 4 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa quy định:

“Điều 4. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

 Điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản:

 Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại: Không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa;

 Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã (sau đây gọi là kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa);

 Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp với nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, nhưng phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa.

 Người sử dụng đất đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét sự phù hợp với các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này khi tiếp nhận bản đăng ký và thống kê theo dõi việc sử dụng đất trồng lúa.”

- Tại Điều 5 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa quy định:

“Điều 5. Chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp: Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai và phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Tùy theo điều kiện cụ thể tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức nộp cụ thể nhưng không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải chuyển sang đất phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất. Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất lập bản kê khai số tiền phải nộp, tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được nhà nước giao, cho thuê và nộp vào ngân sách cấp tỉnh theo quy định.

Từ những căn cứ trên, Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:

- Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20 tháng 5 năm 2015 về công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016- 2020) cấp quốc gia, Sở Tài nguyên và Môi trường với trách nhiệm là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, đang phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất để điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối theo quy định. Do đó, để đảm bảo theo quy định, Chủ đầu tư thực hiện các công trình làm ảnh hưởng đến phần diện tích đất lúa của người dân mà nay không thể khắc phục được, đề nghị phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để rà soát, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường để đưa vào chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái trình Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái xem xét, chấp thuận theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai. Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành hướng dẫn một số nội dung giao cho cấp tỉnh quy định tại Nghị định số 35/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.

*  Nội dung “Cử tri xã Minh An đề nghị kiểm tra, xem xét và xử lý theo quy định về việc Nhà máy giấy Minh An xả thải gây ô nhiễm môi trường nước tại khu vực suối Tho”.

Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

 Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan. Hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đều tiến hành kiểm tra và giám sát quá trình hoạt động sản xuất của thải Nhà máy giấy Văn Chấn (hay còn gọi là Nhà máy giấy Minh An), qua các lần kiểm tra, giám sát cho thấy Nhà máy thường xuyên vận hành công trình xử lý nước thải. Trong năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh Yên Bái, Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn, Ủy ban nhân dân các xã Cát Thịnh, Thượng Bằng La và Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn theo Quyết định số 1646/QĐ-STNMT ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra đột xuất và lấy mẫu nước thải Nhà máy giấy Minh An, mẫu nước mặt tại suối Hán (hay còn gọi là suối Tho) trước và sau điểm xả nước thải Nhà máy giấy Minh An  02 lần vào ngày 21 tháng 8 và 16 tháng 9, vào các thời điểm kiểm tra nêu trên, theo đánh giá bằng cảm quan của Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1646/QĐ-STNMT cho thấy nước suối Tho qua khu vực Nhà máy là trong, có một ít bọt trắng, nước thải tại cửa xả ra môi trường của Nhà máy giấy Minh An có mầu vàng nhạt. Trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá môi trường nước cho thấy các thông số trong nước thải Nhà máy giấy Minh An sau xử lý vượt giới hạn cho phép theo quy định tại QCVN 12:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy nhưng mức vượt không đáng kể. Đối với nước suối Tho, hầu hết các thông số chất lượng nước trước và sau điểm xả nước thải của Nhà máy giấy Minh An đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 08:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời báo cáo, đề xuất và được Uỷ ban nhân dân tỉnh chấp thuận đề xuất và chỉ đạo một số nội dung tại Văn bản số 2214/UBND-TNMT ngày 21 tháng 10 năm 2014 về việc gây ô nhiễm môi trường suối ngòi Lao tại khu vực huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Tại Văn bản này, Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã yêu cầu Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm có biện pháp cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải Nhà máy giấy Minh An đảm bảo nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; thường xuyên vận hành hệ thống xử lý nước thải. Đồng thời trong năm 2014, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trườngCông an tỉnh Yên Bái tiến hành kiểm tra, lấy mẫu chất thải trong đó có nước thải sau công trình xử lý Nhà máy giấy Minh An theo Quyết định số 1170/QĐ-TCMT ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Tổng cục Môi trường đã có Kết luận số 357/KLKT-TCMT ngày 26 tháng 3 năm 2015, tại kết luận cho thấy các chất ô nhiễm có trong nước thải của Nhà máy giấy Minh An sau hệ thống xử lý trước khi thải ra suối Hán đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 12:2008/BTNMT và QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.

 Hiện trạng hoạt động, thời gian, mức độ ảnh hưởng:

Trên cơ sở ý kiến của cử tri, ngày 09 tháng 7 năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức làm việc với Uỷ ban nhân dân xã Minh An và kiểm tra đối với Nhà máy giấy Minh An. Kết quả làm việc như sau: Hiện trạng hoạt động: Vào thời điểm kiểm tra Nhà máy giấy Minh An và công trình xử lý nước thải của Nhà máy hoạt động bình thường.  Hiện trạng nước suối Tho: Qua khảo sát và đánh giá bằng cảm quan cho thấy nước suối Tho qua khu vực Nhà máy là trong, có một ít bọt trắng.  Theo ý kiến của đại diện Uỷ ban nhân dân xã Minh An thì khoảng từ 7-10 ngày một lần lại xảy ra hiện tượng nước thải của Nhà máy giấy Minh An thải ra suối Tho có mầu đen, nhiều váng bọt, thời gian nước suối Tho có biểu hiện ô nhiễm thường diễn ra từ sau 21 giờ đêm.

 Nhận định về nguyên nhân: Từ khảo sát, đánh giá nêu trên có thể nhận định nguyên nhân việc xả thải gây ảnh hưởng tới môi trường nước tại suối Tho là do nước thải của Nhà máy có thời điểm được xử lý chưa đảm bảo, việc vận hành công trình xử lý nước thải có thời điểm chưa vận hành đúng quy trình xử lý (nước thải dịch đen không được xả theo định mức thường xuyên hòa trộn vào nước thải xeo trước khi chảy về công trình xử lý nước thải để ngăn ngừa hiện tượng quá tải, không đảm bảo hiệu quả xử lý của công trình xử lý nước thải).

 Giải pháp khắc phục: Tại buổi làm việc ngày 09 tháng 7 năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Nhà máy giấy Minh An nghiêm chỉnh thực hiện: Vận hành công trình xử lý nước thải đảm bảo quy trình, đặc biệt phải thường xuyên xả nước thải dịch đen với lưu lượng phù hợp hòa trộn vào nước thải xeo trước khi đưa về công trình xử lý nước thải. Tuyệt đối không được xả nước thải dịch đen với lưu lượng quá lớn về công trình xử lý nước thải gây quá tải cho công trình. Không được xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đảm bảo ra ngoài môi trường. Rà soát, đánh giá lại công trình xử lý nước thải để có kế hoạch thường xuyên duy tu, bảo dưỡng nhằm đảm bảo công trình hoạt động ổn định, hiệu quả. Yêu cầu Ủy ban nhân dân xã Minh An và xã Thượng Bằng La thường xuyên giám sát việc chấp hành của Nhà máy, trường hợp phát hiện có vi phạm thì phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, xử lý theo quy định. Trong thời gian tiếp theo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Văn Chấn và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện việc kiểm tra đột xuất Nhà máy giấy Minh An; nếu có vi phạm sẽ kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

* Cử tri xã Bảo Hưng đề nghị xử lý nước thải của khu dịch vụ đường cao tốc trên địa bàn xã gây ô nhiễm môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

Ngay sau khi nhận được yêu cầu của Hội đồng nhân dân tỉnh, trong hai ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trấn Yên và Ủy ban nhân dân xã Bảo Hưng tiến hành kiểm tra xem xét việc xả nước thải của khu dịch vụ tại Km 117 + 500 thuộc tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua xã Bảo Hưng theo ý kiến, kiến nghị của cử tri của xã Bảo Hưng.  Hoạt động khu dịch vụ thuộc tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua xã Bảo Hưng.  Hiện trạng công trình: Khu dịch vụ có 02 Nhà hàng ăn uống giải khát (mỗi nhà hàng có diện tích khoảng 1.200 m2) và 02 cửa hàng xăng dầu (mỗi cửa hàng có diện tích khoảng 540 m2) do Công ty Cổ phần Phú Thịnh - Phú Thọ làm chủ đầu tư. Tại thời điểm kiểm tra, khu dịch vụ (bao gồm 02 nhà hàng ăn uống giải khát và 02 cửa hàng xăng dầu) đang hoạt động bình thường. Thời điểm bắt đầu hoạt động là từ cuối tháng 3 năm 2015.

Ảnh hưởng đến môi trường và nguyên nhân: Tại thời điểm kiểm tra, không khí xung quanh khu vực dịch vụ, đặc biệt là tại các vị trí gần các cửa xả thải, có mùi hôi, thối khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường và các hộ dân sống xung quanh; nước thải sinh hoạt trong các rãnh thoát nước thải của nhà hàng ăn uống có màu đen, chảy vào và làm ảnh hưởng đến các mương thoát nước xung quanh khu dịch vụ (các mương thoát nước ở ngoài hàng rào khu dịch vụ). Theo ý kiến của lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Bảo Hưng, cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2015 do ảnh hưởng của mưa to đã gây vỡ rãnh thoát nước thải của khu dịch vụ, nên nước thải từ khu dịch vụ đã chảy tràn xuống ao cá của hộ gia đình bà Lê Thị Hiếu, thôn Đồng Quýt làm chết cá. Ủy ban nhân dân xã Bảo Hưng đã làm việc với gia đình bà Hiếu về nội dung trên nhưng đến nay Công ty Cổ phần Phú Thịnh - Phú Thọ chưa giải quyết dứt điểm việc này.

 Giải pháp khắc phục: Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty Cổ phần Phú Thịnh - Phú Thọ thực hiện một số nội dung sau: Trong thời gian trước mắt khi chưa đầu tư công trình xử lý nước thải đảm bảo theo quy định được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, phải thực hiện thu gom toàn bộ nước thải không được phép thải ra ngoài môi trường. Thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy và gia cố hệ thống kênh thoát nước để không thấm nước ra khu vực ao và ruộng lúa của người dân. Không được để tình trạng nước thải phát sinh từ hoạt động dịch vụ ăn uống ứ đọng tại các mương rãnh bốc mùi hôi thối khó chịu ảnh hưởng đến đời sng sinh hoạt của người dân xung quanh khu vực. Thời gian hoàn thành trước ngày 14 tháng 7 năm 2015.  Khẩn trương khắc phục và bồi thường thiệt hại (nếu có) các ảnh hưởng đến ao cá của hộ bà Hiếu tại Thôn Đồng Quýt, xã Bảo Hưng trong tháng 7 năm 2015. Khẩn trương lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản gửi Ủy ban nhân huyện Trấn Yên (thông qua phòng Tài nguyên và Môi trường huyện) để đăng ký và xác nhận theo quy định. Thời gian hoàn thành trước ngày 10 tháng 8 năm 2015.

* Về nội dung ý kiến, kiến nghị: “Cử tri xã Lương Thịnh đề nghị chỉ đạo Công ty Khoáng sản Tây Bắc khắc phục hậu quả vỡ đập xả thải, Xã và Công ty đã bàn, nhưng không thống nhất được hướng giải quyết”.

Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

 Khái quát sự cố: Vào hồi 18 h 00 phút ngày 30 tháng 9 năm 2014 xảy ra sự cố vỡ đập chứa bùn thải số 01 tại mỏ quặng sắt Núi 409, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái của Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Tây Bắc. Sự cố đã làm bùn đất bùi lấp diện tích đất lúa của 26 hộ gia đình với tổng diện tích 15.860 m2, bùn đất tràn vào chợ Trung tâm xã Lương Thịnh, nhà, bếp và toàn bộ diện tích đất của gia đình ông Nguyễn Tuấn Yêng, làm hư hỏng và ảnh hưởng đến đường điện, đường đi, giếng nước và hệ thống thoát nước của một số hộ gia đình thuộc thôn Đoàn Kết và thôn Lương Thiện.

              Việc khắc phục ảnh hưởng của sự cố: Ngay sau khi xảy ra sự cố, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các sở, ban, ngành của tỉnh và chính quyền địa phương phối hợp với Công ty tổ chức nhiều biện pháp để khắc phục nhanh hậu quả của sự cố. Cho đến nay, còn 02 vấn đề tồn tại chưa giải quyết đạt hiệu quả, cụ thể: Việc thương lượng, thoả thuận với gia đình ông Nguyễn Tuấn Yêng để thống nhất mức bồi thường về đất, nhà ở và chi trả tiền bồi thường cho gia đình (gia đình ông Yêng đã được bồi thường, hỗ trợ toàn bộ thiệt hại về tài sản bị ảnh hưởng bởi bùn đất sau vụ vỡ đập, gia đình đã nhận tiền và không còn thắc mắc gì. Nay gia đình ông Yêng tiếp tục yêu càu Công ty bổi thường toàn bộ nhà, đất vì cho rằng có nguy cơ bị ảnh hưởng và nguy hiểm nêu có sự cố vỡ đập tiếp tục xảy ra). Nguyên nhân chưa giải quyết được là do hộ gia đình ông Yêng ban đầu đòi mức đền bù là 1,7 tỷ đồng (theo định giá của các cơ quan chức năng ở địa phương thì giá trị nhà đất ở của ông Yêng theo giá thị trường là không quá 200 triệu đồng), đến nay hộ gia đình ông Yêng đã hạ mức yêu cầu bồi thường xuống dưới 1 tỷ đồng, tuy nhiên hai bên vẫn chưa thống nhất được mức bồi thường, do vậy đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.  Khắc phục thiệt hại về sản lượng đối với diện tích đất lúa 15.860 m2 đã bị vùi lấp.

 24/26 hộ gia đình đều đã được Công ty thực hiện đến hết vụ đông xuân năm 2014 - 2015; 01/26 hộ có đất tiếp tục canh tác nên không thực hiện bồi thường;  01/26 hộ (hộ ông Hà Văn Toát) chưa thực hiện bồi thường vì chờ giải quyết đối với diện tích ở một vị trí khác bị ảnh hưởng do mất nguồn nước.

 Khắc phục thiệt hại về đất sản xuất bị vùi lấp: Công ty đã lập hồ sơ để xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, xây dựng Nhà máy tuyển đuôi quặng tuyển thải tại vị trí đất nông nghiệp bị vùi lấp. Hồ sơ xin điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái xem xét, cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, Công ty phải thực hiện các thủ tục về đất đai, làm căn cứ để Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và cho Công ty thuê đất. Toàn bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng do Công ty chi trả theo quy định của pháp luật về đất đai. Trong thời gian chưa được điều chỉnh dự án, Công ty phải tiếp tục thực hiện bồi thường thiệt hại về sản lượng đối với diện tích đất lúa đã bị vùi lấp cho các hộ gia đình.

Giải pháp trong thời gian tới: Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 277/VPUBND-TCD ngày 17 tháng 6 năm 2015 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc giải quyết đơn của ông Nguyễn Tuấn Yêng và các hộ gia đình thuộc xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, cụ thể:  Vì đến nay giữa Công ty và gia đình ông Nguyễn Tuấn Yêng chưa đạt được thống nhất về mức bồi thường nên Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn ông Nguyễn Tuấn Yêng gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết. Tham mưu, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái phương án xử lý đối với phần diện tích đất bị ảnh hưởng do sự cố vỡ đập để xem xét, quyết định.

1418 lượt xem
Ban Biên tập Cổng TTĐT

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h