Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Văn hóa - Phong tục >> Văn hóa - Xã hội

Đặc sắc chợ phiên của đồng bào Mông Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

08/05/2024 16:28:19 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Chợ phiên của đồng bào Mông Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái mang đậm nét độc đáo thể hiện bản sắc văn hóa bản địa. Hàng hóa được đồng bào mang đến chợ cũng rất đa dạng và phong phú. Chủ yếu là các mặt hàng do họ tự làm ra như ngô, khoai, sắn, sản vật địa phương: vài mớ rau, một ít mận, mấy gùi táo mèo, vài lít rượu thóc hoặc một vài chai mật ong rừng…

Hình ảnh chợ phiên của đồng bào Mông Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Cùng với ruộng bậc thang, phiên chợ vùng cao được xem như một điểm nhấn khó phai trên hành trình khám phá mảnh đất vùng cao Mù Cang Chải với 3 chợ chính là: Chợ ngã ba Kim, chợ huyện Mù Cang Chải và chợ Khao Mang. Mỗi chợ cách nhau khoảng 20 km dọc theo quốc lộ 32. Trên mảnh đất mù sương này đi chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào các dân tộc. Đây không chỉ là nơi để trao đổi hàng hóa mà còn mang yếu tố văn hóa tinh thần, là nơi gặp gỡ, giao lưu, tâm tình, văn hóa ẩm thực, trang phục, Những bà mẹ, những người vợ đi chợ để mua sắm. Các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn, trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ…và cũng từ những buổi chợ phiên như thế cũng đã có nhiều đôi trai gái đã bén duyên để rồi họ lại hẹn gặp nhau vào phiên chợ.

Chợ phiên khác chợ thông thường ở chỗ chỉ mở bán vào những ngày đặc biệt cố định. Cứ như một thói quen không thể thiếu, chợ phiên vùng cao thường họp vào cuối tuần. Để đến kịp chợ, từ sáng sớm tinh mơ, khi màn đêm vẫn còn bao phủ một lớp sương mù, sẽ bắt gặp cảnh người gùi, ngựa thồ hàng hóa nối đuôi nhau vượt qua những con đường mòn quanh co, uốn khúc. Để đến được chợ đồng bào phải đi bộ rất xa, nhưng không vì thế mà họ nản lòng. Trời sáng dần, những làn sương mong manh cũng bắt đầu hiện rõ hơn, dọc đường họ hân hoan kể cho nhau nghe những câu chuyện để quên đi mệt, tiếng cười nói râm ran như phá vợ sự tĩnh lặng ở phía trước con đường.

Chợ phiên là nét độc đáo thể hiện văn hóa bản địa. Hàng hóa được đồng bào mang đến chợ cũng rất đa dạng và phong phú. Chủ yếu là các mặt hàng do họ tự làm ra như: Chiếc lù cở đựng vài cân gạo, mớ rau hay nải chuối, là chiếc bao tải nhỏ đựng vài lưỡi cuốc, con dao, liềm, xẻng, kiềng bếp… hay dắt theo vài con bò, ngựa, mang theo vài con lợn, gà, ngan, ngô, khoai, sắn, một ít mận, mấy gùi táo mèo, vài lít rượu thóc hoặc một vài chai mật ong rừng sản vật địa phương… Những sản phẩm ấy là kết tinh của sự lao động cần cù, chịu khó của người dân vùng cao, đồng thời phản ánh nét văn hóa đặc trưng của đồng bào.

Hàng hóa mang đi rất đơn giản và cách bày bán cũng mộc mạc, không cầu kỳ - là những tấm bạt trải ra giữa đất, nơi nào tốt hơn chút thì là những chiếc lán nhỏ được làm bằng tre, nứa. Nổi bật là tập quán bán hàng một giá duy nhất. Tại đây, không hề có lời kỳ kèo ngã giá, mặc cả hay bớt một thêm hai. Người bán chỉ bán duy nhất một giá mà không hề thay đổi dù món hàng đó đến tan chợ không ai mua, rau quả có héo cũng không hạ giá, dù phải mang về cũng không bán đổ, bán tháo cho hết. Cách bán một giá này xuất phát từ phẩm chất thật thà, trung thực và thẳng thắn của đồng bào.

Bên cạnh việc bán một giá, ở phiên chợ còn có kiểu bán đôi. Cách bán này chủ yếu được áp dụng cho việc bán những con vật do đồng bào nuôi được. Chẳng hạn, bán đôi vịt, đôi gà, đôi lợn, đôi chó, đôi chim, đôi ngỗng... Khi đến chợ phiên, hiếm thấy khi nào đồng bào bán từng con vật mà phải bán cả đôi dù khách muốn mua chỉ một con vịt hay một con gà về dùng trong một bữa.

Chợ phiên ở đây thường chia thành các khu riêng, đầu chợ sẽ bày bán các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống thường nhật tiếp đến là khu bán hàng gia dụng, công cụ lao động, và cuối chợ thường là khu bán vật nuôi. Ngoài khu mua bán, giữa chợ là dãy hàng ăn, nơi những nồi nước dùng to bốc hơi nghi ngút. Sau khi đã mua sắm đầy đủ những vật dụng cần thiết cho gia đình, người thân, mọi người lại rủ nhau vào các quán ăn để cùng nhau thưởng thức những món ăn đặc trưng trong cuộc sống của người vùng cao. Sau một phiên chợ, đàn ông người Mông ngồi nhâm nhi mời nhau những chén rượu thơm lừng. Người Mông có câu: “Hầu mệnh tri hầu tàng” (Người Mông uống cạn không uống hết, uống cạn chén mà không bao giờ hết rượu). Đàn ông người Mông có cái hay trong sự uống rượu là mời nhau phải cạn chén, mời đi, mời lại, khi nào ngà ngà mới thôi. Những cô vợ trong lúc ngồi đợi chồng mình uống rượu, đôi tay còn mải miết thêu mà không hề tỏ ra khó chịu. Thi thoảng cũng có chàng quá chén đánh một giấc say sưa, ngon lành bên vệ đường.

Cùng với việc trưng bày các sản phẩm, chợ phiên Mù Cang Chải còn có màn trình diễn giã bánh dày của các xã: Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, Mồ Dề và Lao Chải; thi trình diễn giã cốm của các xã Nậm Có, Khao Mang, Cao Phạ và thị trấn Mù Cang Chải cùng các hoạt động văn nghệ vui chơi giải trí: đẩy gậy, múa khèn, múa sạp, hát giao duyên và các hoạt động vui chơi, giải trí vào các tối của chợ phiên. Đàn ông đi chợ phiên thường mặc quần áo đen, còn chị em thì xúng xính trong trang phục sắc màu rực rỡ, tạo nên nét đẹp và không khí vui tươi cho ngày chợ. Khi phiên chợ kết thúc, trên khắp các nẻo đường về bản, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân gùi hàng mua được dọc theo những con đường mòn trở về nhà. Cuộc sống của người dân nơi đây tuy có phần khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn luôn giữ được sự chân chất gần gũi trong lời ăn tiếng nói nên chợ phiên cũng vì thế mà trở nên đặc biệt. Người dân vùng cao giữ gìn từng phiên chợ như giữ nhịp thở của cuộc sống vốn dĩ là giản dị của họ. Bởi thế, mỗi phiên chợ vùng cao luôn để lại những ấn tượng khó quên trong lòng du khách mỗi khi có dịp ghé thăm. Với những nét văn hóa độc đáo riêng có của đồng bào các dân tộc huyện Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào Mông, Phiên chợ đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm. 

 

79 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h