Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Phát huy tiềm năng, lợi thế của Yên Bái, đẩy mạnh thu hút đầu tư góp phần đưa đất nước hội nhập và phát triển

08/08/2015 17:26:37 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Phát huy những tiềm năng lợi thế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trong nhiệm kỳ qua tỉnh Yên Bái đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện về kinh tế - xã hội - QPAN. Bên cạnh đó tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư góp phần để Yên Bái hòa nhập cùng nhịp độ phát triển chung của đất nước.

Tỉnh đã thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu đầu tư công gắn với việc huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Trong những năm qua, Yên Bái đã rất chú trọng việc đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và nằm ở điểm giữa của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là cơ hội và điều kiện thuận lợi để Yên Bái phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Yên Bái còn có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành, lĩnh vực, như: Diện tích đất đồi núi chưa sử dụng còn lớn là tiềm năng để phát triển kinh tế đồi rừng; Diện tích mặt nước lớn thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản; Các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến nông lâm sản; Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú đa dạng phục vụ cho công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng; Hệ thống khe, suối với độ dốc lớn thuộc các huyện phía Tây là tiềm năng để phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ; Các danh lam thắng cảnh, kết hợp nguồn tài nguyên nhân văn phong phú với bản sắc văn hoá các dân tộc khác nhau là lợi thế để phát triển ngành du lịch...

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và những khó khăn của nền kinh tế trong nước. Song với việc tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, phát huy những tiềm năng lợi thế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Sản xuất công nghiệp đã có những chuyển biến đáng kể; Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; Các ngành dịch vụ phát triển khá; Xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng cao; Các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm; Quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đến nay, đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015. Trong 16 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, dự ước kết thúc năm 2015, so với mục tiêu Đại hội: có 14 chỉ tiêu đạt và vượt, 02 chỉ tiêu dự ước khó hoàn thành (Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 11,33%/mục tiêu 13,5% và Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 5 xã/mục tiêu 23 xã).

Kinh tế của tỉnh cơ bản ổn định và duy trì được đà tăng trưởng. Trong điều kiện suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, mặc dù không đạt mục tiêu về tăng trưởng, song đã giữ được mức tăng trưởng khá, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 25 triệu đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2010. Sản xuất nông lâm nghiệp thu được kết quả khá toàn diện, góp phần ổn định nền kinh tế và đời sống nhân dân. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, bước đầu hình thành một số sản phẩm có tiềm năng, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Các ngành dịch vụ có bước phát triển khá, chất lượng các dịch vụ được nâng lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh đã thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu đầu tư công gắn với việc huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công, tỉnh đã rà soát, điều chỉnh danh mục các dự án, công trình, thực hiện bố trí vốn theo hướng đầu tư tập trung cho một số công trình thiết yếu nhằm phát huy ngay hiệu quả sau đầu tư, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; đồng thời, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA, NGO; kết hợp thực hiện phân cấp, thay đổi phương thức đầu tư, khuyến khích, thu hút đầu tư, nhờ đó đảm bảo được nguồn vốn đầu tư cho các dự án then chốt, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Đường tránh ngập thành phố Yên Bái nối thành phố Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Đường Hoàng Thi; hệ thống giao thông nông thôn; Bệnh viện Đa khoa 500 giường; Trường Cao đẳng Nghề; Trường chuyên Nguyễn Tất Thành, hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú...

Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt 41.433 tỷ đồng (vượt 18,37% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVII); vốn ngân sách nhà nước trong cơ cấu vốn đầu tư đã giảm từ 41,69% năm 2011 xuống còn 37,88% năm 2015; vốn của dân cư và các thành phần kinh tế tăng từ 56,68% năm 2011 lên 58,82% năm 2015. Sau 5 năm đã đưa vào sử dụng 2.219 công trình, dự án; đã giãn, hoãn 38 dự án, công trình. Đặc biệt Đề án phát triển giao thông nông thôn đã thực sự đi vào cuộc sống, thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, toàn tỉnh đã huy động trên 790 tỷ đồng, làm 512 km đường bê tông, mở mới và mở rộng trên 1.000 km đường đất.

Cùng với đó, đã quan tâm phát triển văn hoá - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Sự nghiệp giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; quan tâm, chú trọng đầu tư cho trường bán trú, đảm bảo chế độ, chính sách cho trên 12.000 học sinh đồng bào dân tộc có điều kiện đến trường. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; chất lượng dịch vụ từng bước được nâng lên; đảm bảo công tác y tế dự phòng, duy trì nhiều năm không để xảy ra dịch bệnh lớn. Lao động việc làm và thực hiện các chính sách xã hội được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân trên 4%/năm. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, không để xảy ra vụ việc phức tạp.

Điểm nổi bật là tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn 2011 - 2015, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chính sách phát triển các lĩnh vực: sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển văn hóa xã hội; tài nguyên môi trường; quốc phòng an ninh... Trong đó Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND về khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ (thay thế Chính sách khuyến khích thu hút đầu tư theo Quyết định số 1322/2007/QĐ-UBND).  Từ năm 2011 - 2014 đã có 151 dự án đăng ký đầu tư mới, tổng số vốn đăng ký là 13.056 tỷ đồng và 98,4 triệu USD; trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có 14 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, tổng vốn đăng ký 3.543 tỷ đồng. Đã thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, như: Dự án đầu tư xây dựng thủy điện Pá Hu công cuất 30 MW; Dự án đầu tư trồng 10.000 ha cây cao su trên địa bàn huyện Văn Chấn, huyện Văn Yên; Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái; Dự án xây dựng nhà máy luyện chì kẽm công suất 40.000 tấn/năm tại Cụm công nghiệp Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn; Dự án xây dựng nhà máy tuyển nổi tinh quặng chì kẽm công suất 450.000 tấn/năm tại xã Xuân Lai, huyện Yên Bình; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy luyện kim, kim loại màu tại Khu Công nghiệp phía Nam; 4 dự án may xuất khẩu với tổng công suất 22,6 triệu sản phẩm/năm trên địa bàn huyện Trấn Yên, khu công nghiệp Âu Lâu và cụm công nghiệp Thịnh Hưng, Yên Bình; Dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố thương mại Shop - House của Tập đoàn Vingroup...

Nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững; trở thành tỉnh phát triển trong vùng Tây Bắc. Tỉnh đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ tới như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân thời kỳ 2016 - 2020 là 7%; Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2020: Nông lâm nghiệp 18,6% - Công nghiệp Xây dựng 32,8% - Dịch vụ 48,6%; Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người năm 2020 là 42 triệu đồng; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 là 3.000 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 5 năm 2016 - 2020 khoảng 60.000 tỷ đồng; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm là 3,5%; Tỷ lệ che phủ của rừng từ năm 2020 ổn định 63%.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh tập trung thực hiện một số chương trình trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó tập trung xây dựng một nền nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, hiệu quả và bền vững; tập trung vào phát triển một số mặt hàng chủ lực, có lợi thế của tỉnh. Tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên. Xác định công nghiệp là khâu đột phá, duy trì tốc độ tăng trưởng cao theo hướng sản xuất, chế biến sâu, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung vào các lĩnh vực chế biến nông lâm sản với các công nghệ tiên tiến. Phát huy lợi thế đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn, có tiềm năng để đầu tư phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là đầu tư các dịch vụ ở trung tâm thành phố Yên Bái: các khu vui chơi, giải trí, khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm...; các dịch vụ du lịch hồ Thác Bà, du lịch đầm Vân Hội; các tua du lịch phía Tây để khai thác tốt các tiềm năng về du lịch như: Mường Lò, Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Suối Giàng,... Tiếp tục đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển kinh tế - xã hội vùng cao (huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và huyện mới tách ra từ huyện Văn Chấn). Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sử dụng lao động tại địa phương và đủ điều kiện cho xuất khẩu, là khâu đột phá để phát triển kinh tế bền vững. Thực hiện đồng bộ chương trình cải cách hành chính, trọng tâm là đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, đồng thời tiếp tục khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, tin tưởng rằng trong tương lai tỉnh Yên Bái sẽ phát triển toàn diện và bền vững, sớm trở thành tỉnh phát triển trong vùng Tây Bắc.

1511 lượt xem
Thanh Bình

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h