Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Chào mừng Hội thảo xúc tiến đầu tư giữa Yên Bái với các cơ quan Chính phủ và Doanh nghiệp Nhật Bản: Yên Bái - Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

20/12/2015 09:06:58 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng với những chính sách ưu đãi về đầu tư, Yên Bái đã và đang là mảnh đất vàng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Giao thông thuận tiện

Nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc, tỉnh Yên Bái giữ vị trí là trung tâm kết nối giao thông giữa các tỉnh miền núi phía Bắc. Đặc biệt Yên Bái có tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai chạy qua nên đã rút ngắn khoảng cách từ Yên Bái đến các vùng kinh tế trọng điểm. Từ Yên Bái đến Thủ đô Hà Nội chỉ mất khoảng 1,5 giờ; đến cửa khẩu Lào Cai mất 1,5 giờ; đến Cảng Hải phòng hết 2,5 giờ; đến Bắc Ninh gần 2 giờ; đến Thái Nguyên hết 2 giờ. Việc giao lưu hàng hóa từ Yên Bái đến các vùng kinh tế phụ cận như Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Sơn La, Hòa Bình… trở nên thuận tiện. Bên cạnh đó, Yên Bái có hệ thống mạng lưới giao thông đa dạng, khá dày đặc với 14 tuyến tỉnh lộ và hàng chục ngàn km đường đô thị; đường giao thông nông thôn kiên cố phủ khắp tới các thôn, bản. Vì vậy việc di chuyển từ trung tâm thành phố đến các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận là vô cùng thuận tiện.

Thêm vào đó, tỉnh Yên Bái có tuyến đường sắt quốc gia chạy qua dài hơn 100 km, nối liền Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai - Trung Quốc với 9 ga nằm dọc theo địa bàn tỉnh, có năng lực xếp dỡ hàng hóa 3000 tấn một ngày. Đường thủy thuận lợi với tuyến dọc sông Hồng vận tải qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc về Hà Nội. Hiện tại Yên Bái quy hoạch xây dựng 02 cảng hàng hóa gắn với 02 khu công nghiệp là khu công nghiệp phía Nam và khu công nghiệp Âu Lâu của tỉnh.

Với những thế mạnh trên thì việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa từ Yên Bái đến các tỉnh lân cận và các vùng kinh tế trọng điểm là vô cùng thuận lợi trên cả đường bộ, đường sắt, đường thủy.

Tài nguyên khoáng sản phong phú thuận lợi cho phát triển công nghiệp

Với địa hình và kiến tạo địa chất đặc biệt, Yên Bái có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Tài nguyên đất dồi dào với tổng diện tích đất tự nhiên trên 6.880 km2. Trong đó, có gần 6.000 km2 đất nông nghiệp và trên 500 km2 đất phi nông nghiệp. Đây là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới.


Tài nguyên khoáng sản phong phú

Cùng với đó, tiềm năng khoáng sản của tỉnh vô cùng đa dạng và phong phú về chủng loại thuộc các nhóm năng lượng, vật liệu xây dựng, khoáng chất công nghiệp, kim loại và nước khoáng... Trong đó có một số khoáng sản có trữ lượng tương đối lớn như quặng grafit, quặng chì kẽm, quặng vàng gốc, thạch anh, đá ốp lát, mỹ nghệ, đá vôi xi măng và khoáng chất công nghiệp, đá vôi làm vật liệu xây dựng; đá vôi xi măng và khoáng chất công nghiệp... Đặc biệt tỉnh Yên Bái có trữ lượng đá vôi trắng trên 2,4 tỷ m3 với độ trắng trên 90%, quặng sắt có trữ lượng khoảng 200 triệu tấn.

Phát triển nông nghiệp thuận lợi

Thổ nhưỡng đa dạng cùng với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, Yên Bái rất thích hợp cho việc phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung cung cấp cho các ngành chế biến nông lâm sản xuất khẩu. Đặc biệt tỉnh đã xây dựng được các vùng sản xuất tập trung cung cấp nguyên liệu cho các ngành sản xuất chế biến nông lâm sản xuất khẩu như vùng chè với diện tích trên 12 nghìn ha; vùng quế với diện tích trên 30 nghìn ha; vùng cây ăn quả với diện tích 8.500 ha; vùng sản xuất cây sắn, ngô trên 40 nghìn ha và măng tre các loại trên 5 nghìn ha.

Bên cạnh đó, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm của tỉnh ngày càng phát triển với số lượng đàn gia súc không ngừng tăng theo các năm. Hiện nay, tỉnh đã phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp tạo giá trị hàng hóa lớn.

Cùng với đó, Yên Bái là tỉnh có độ che phủ rừng cao trên 63%, với diện tích trên 450 nghìn ha, sản lượng có thể khai thác trên 300 nghìn m3 gỗ các loại loại như keo, bồ đề... và trên 150 nghìn tấn tre, vầu, nứa. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú cho sản xuất đồ dân dụng và công nghiệp cao cấp từ tre gỗ.

Với những lợi thế trên, Yên Bái rất thuận lợi cho việc phát triển các ngành chế biến nông lâm sản xuất khẩu, chăn nuôi theo hướng hàng hóa và phát triển công nghiệp chế biến.

Tiềm năng lớn về du lịch

Không chỉ có lợi thế về kinh tế, Yên Bái còn được biết đến như một thảm tranh tươi đẹp sơn thủy hữu tình với khí hậu ôn hòa, trong lành, con người thân thiện và hiếu khách. Đầu tiên phải kể đến vẻ đẹp kỳ vĩ của những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. Vẻ đẹp của danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được đánh giá như một siêu phẩm nghệ thuật canh tác tinh tế của đồng bào Mông tỉnh Yên Bái. Cứ mỗi độ thu về, Mù Cang Chải trở thành những nấc thang vàng, tạo nên bức tranh thiên nhiên kì thú, làm mê đắm lòng người.



Vẻ đẹp kỳ vĩ của những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Đến với các huyện miền Tây của tỉnh, du khách còn được trải nghiệm với những món ăn dân tộc truyền thống, những câu khắp, điệu xòe nồng say tại vùng Mường Lò - Văn Chấn - Nghĩa Lộ. Hay tận mắt chiêm ngưỡng rừng chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, cùng thưởng thức chén trà với hương vị đặc sắc của vùng đất quanh năm có khí hậu trong lành, mát mẻ và những điệu khèn mê đắm của đồng bào người Mông.

Bên cạnh đó, đến với Yên Bái du khách cũng có thể thưởng thức những chuyến du lịch sinh thái trên hồ Thác Bà - hồ nhân tạo lớn nhất miền Bắc với diện tích trên 20 nghìn ha với 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ cùng các hang động kỳ vĩ. Hay dạo chơi trên hồ Vân Hội nơi được mệnh danh là vùng đất trời, mây quần tụ, sơn thủy hữu tình.

Đặc biệt, Yên Bái còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử mang dấu ấn của nền văn minh sông Hồng thời đại văn hóa Sơn Vi cùng nhiều di tích phục vụ cho du lịch văn hóa, tâm linh của du khách.

Nguồn nhân lực qua đào tạo dồi dào

Với dân số trên 780 nghìn người, Yên Bái có 64% dân số trong độ tuổi lao động. Năm 2015, toàn tỉnh có 45% lao động đã qua đào tạo. Xác định vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề là một việc làm vô cùng, những năm qua tỉnh Yên bái đã tập trung đầu tư, xây dựng và mở rộng các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 24 cơ sở đào tạo nghề bao gồm 1 trường cao đẳng nghề, 2 trường trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề trên khắp địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Trường cao đẳng Nghề Yên Bái đang được đầu tư xây dựng thành Trung tâm Đào tạo nghề của các tỉnh miền núi phía Bắc với một số nghề đạt chuẩn quốc tế và ASEAN.


http://yenbai.gov.vn/vi/PublishingImages/Nga%20%C4%90%E1%BB%97/Trong%20t%E1%BB%89nh%202015/nguon%20nhan%20luc%201812.JPG

Nguồn nhân lực của tỉnh đã qua đào tạo, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư

Nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng lên, tỉnh Yên Bái đủ điều kiện có thể đáp ứng nhu cầu của các dự án đầu tư sử dụng nhiều lao động như: dệt may xuất khẩu, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy, lắp ráp linh kiện điện tử...

Chính sách đầu tư ưu đãi

Mặc dù là một tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ áp dụng chung cho toàn quốc, tỉnh Yên Bái còn có các chính sách ưu đãi riêng cũng như định hướng đầu tư tập trung vào các lĩnh vực như sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại trong nông nghiệp; nghiên cứu, phát triển và ươm tạo công nghệ cao; phát triển các vùng sản xuất hàng hóa sinh thái sạch, công nghệ cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; Nuôi trồng, chế biến nông lâm, thủy sản (chế biến chè, quế, sơn tra, chế biến gỗ ván sàn, sản xuất bia không cồn...); sản xuất giống nhân tạo, giống cây trồng và giống vật nuôi mới; Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất phụ tùng và chi tiết cho ngành công nghệ ô tô, xe máy và các máy móc, thiết bị chuyên dùng; Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới; sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo; Đầu tư, khai thác du lịch sinh thái, văn hóa bản địa theo 3 vùng du lịch chính là vùng du lịch Hồ Thác Bà, vùng du lịch thành phố Yên Bái và vùng du lịch văn hóa Mường Lò; Phát triển ngành nghề truyền thống, những lĩnh vực sản xuất và dịch vụ khác.

Các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh bao gồm ưu đãi về thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ về san tạo, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động địa phương; hỗ trợ kinh phí cho nhà đầu tư thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại.

Song song với việc thực hiện các chính sách ưu đãi này, tỉnh còn ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính theo cách nhanh gọn nhất như: quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cấp giấy đăng ký thành lập chỉ trong vòng ba ngày. Cam kết rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 15 ngày xuống còn 5 đến 7 ngày. Thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng, thuê đất đai, cấp điện nước, đánh giá tác động môi trường và các thủ tục hành chính khác liên quan đến doanh nghiệp không quá 7 ngày...

Với những lợi thế đó, cùng với sự đồng hành, thân thiện và chia sẻ với doanh nghiệp và các nhà đầu tư, Yên Bái chính là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian tới.

873 lượt xem
Thu Nga

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h