Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Để người trồng cam bớt nỗi lo

23/02/2016 15:58:57 Xem cỡ chữ Google
Văn Chấn - nơi nổi tiếng với những vườn cam trĩu quả mang “thương hiệu” cam Văn Chấn nức tiếng gần xa. Tuy nhiên, toàn bộ sản phẩm cam ở đây đều do tư thương tự bao tiêu, vì vậy, trong tâm lý của người trồng cam bao giờ cũng nơm nớp nỗi lo được mùa - mất giá.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thông ở Khu 8, thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn) thu hoạch cam.

Những ngày đầu tháng 1/2016, chúng tôi có dịp trở lại các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn - nơi nổi tiếng với những vườn cam trĩu quả mang “thương hiệu” cam Văn Chấn nức tiếng gần xa.

Vừa tranh thủ thu hoạch cam bán cho thương lái, chị Vũ Thị Lợi trú tại thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La phấn khởi chia sẻ: “Vườn cam của gia đình hiện có hơn 1,7 ha đang cho thu hoạch với hơn 1.000 gốc cam các loại. Vụ cam năm ngoái, gia đình thu hoạch hơn 40 tấn cam các loại, thu về hơn 800 triệu đồng. Năm nay, gia đình rất vui vì cam được mùa, giá cả cũng ổn định, gia đình đã thu hoạch được khoảng 30 tấn, chất lượng quả được đánh giá cao, quả to, mọng nước, có vị ngọt mát.

Chúng tôi tiếp tục men theo những con đường len lỏi giữa mênh mông vùng cam để đến thăm vườn cam của gia đình anh Trần Minh Quyền ở thôn 5, xã Thượng Bằng La một trong những hộ điển hình đưa giống cam về phát triển ở địa phương. Ban đầu, anh sang thị trấn Nông trường Trần Phú học cách trồng cam và đưa giống cam về trồng thử nghiệm. Nhận thấy cây cam Đường canh hoàn toàn phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình anh có 500 gốc cam Đường canh đang trong giai đoạn thu hoạch. Vụ cam năm nay, gia đình thu hoạch khoảng trên 10 tấn, giá bán trên 30 nghìn/kg, thu về hơn 300 triệu đồng.

Anh Trần Minh Quyền cho biết: “Hiện nay, diện tích cam đã được phát triển mạnh ở một số thôn có điều kiện đất đai phù hợp, tuy nhiên bà con mong muốn có sự liên kết tạo ra sản phẩm giá trị đáp ứng nhu cầu của thị trường, cũng như đem lại nguồn thu cho nhân dân”.

Thị trấn Nông trường Trần Phú, được coi là “thủ phủ” của vùng cam Văn Chấn bởi luôn dẫn đầu về diện tích và sản lượng hàng năm. Hiện trên địa bàn có khoảng 400 ha cam các loại, năm 2015 sản lượng cam toàn thị trấn ước đạt 4.000 tấn. Cam là cây trồng có giá trị kinh tế cao và khả năng tiêu thụ tương đối ổn định, là cây chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương.

Gia đình anh Phạm Xuân Thắng ở tổ dân phố 8, thị trấn Nông trường Trần Phú đã cải tạo vườn tạp, chuyển những cây kém hiệu quả sang trồng cam. Hiện gia đình đang sở hữu gần 4 ha cam các loại, sản lượng bình quân từ 30 đến 40 tấn/năm, thu nhập từ 600 - 800 triệu đồng. Anh cho biết, gia đình và bà con trong tổ dân phố đã đa dạng hóa các giống cam chín sớm, chín muộn, thời vụ thu hoạch dài để phục vụ nhu cầu của thị trường. Mặt khác, các loại cam ở đây rất ngon nên được nhiều người biết đến và ưa chuộng. “Phong trào trồng cam ở đây đang phát triển mạnh, cây cam đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân. Chúng tôi cũng mong muốn có thương hiệu cam và được nhiều người biết đến” - anh Thắng nói.

Phía sau những kết quả nhất định, vùng cam Văn Chấn nói riêng, cam Yên Bái nói chung vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố chưa bền vững. Trước hết, trong sản xuất cam hiện nay ở Văn Chấn, chuỗi liên kết giá trị hàng hóa đối với sản phẩm cam còn thiếu “mảnh ghép” cho đầu ra bảo đảm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, toàn bộ sản phẩm cam ở đây đều do tư thương tự bao tiêu, vì vậy, trong tâm lý của người trồng cam bao giờ cũng nơm nớp nỗi lo được mùa - mất giá như các nông sản khác.

Vườn cam nhà anh Nguyễn Văn Thông ở thị trấn Nông trường Trần Phú (huyện Văn Chấn).

Anh Phạm Xuân Thắng chia sẻ: “Diện tích, sản lượng cam ngày càng tăng lên, trong khi đầu ra chỉ trông chờ vào tư thương nên về lâu dài chúng tôi có phần lo lắng. Vì khi cung vượt cầu thì người trồng cam rất dễ bị ép giá”. Nỗi lo lắng này của người trồng cam hoàn toàn có cơ sở, vì hiện nay, diện tích cam của toàn huyện Văn Chấn  đạt khoảng 2.000 ha, và tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Và người nông dân thì có những trăn trở rất thực tế, như anh Nguyễn Văn Thắng ở thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết: “Hiện nay, khó khăn nhất là việc mua đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc cho cây cam, vì trên thị trường có rất nhiều cửa hàng bán; chất lượng, nguồn gốc không ai dám chắc có đảm bảo hay không? Bên cạnh đó, do chưa có kênh phân phối chính thức nên có những tư thương hám lợi mua cam ở vùng khác trộn lẫn với cam Văn Chấn để bán, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu của cam Văn Chấn”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Chấn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa cho cam. Về những giải pháp để thực hiện, ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với các viện khoa học, các đơn vị dịch vụ để giúp cho bà con nông dân xây dựng các mô hình, các điểm cam VietGAP; hướng dẫn nông dân bảo quản sản phẩm cam được tốt. Từ nay đến cuối năm 2016, với sự ủng hộ của các sở, ban, ngành cũng như Cục Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu “Cam Văn Chấn” được công nhận thương hiệu sẽ giúp cho cam Văn Chấn nâng lên một tầm mới về giá trị, hiệu quả kinh tế”.

 

665 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h