Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Để phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa công nghệ cao

08/03/2016 14:25:47 Xem cỡ chữ Google
Con bò đang trở thành loài vật nuôi được người dân Yên Bái quan tâm, đầu tư do thực sự đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, rủi ro thấp. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những khó khăn tồn tại cần giải quyết để chăn nuôi bò thịt Yên Bái phát triển bền vững và hiệu quả.

Trong những năm gần đây, đàn bò của tỉnh sau một thời gian giảm mạnh, đã phát triển ổn định, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây đã có xu hướng tăng trở lại, tổng đàn bò hiện nay đã có tới trên 21.000 con.

Hàng năm đã có trên 2.000 bê lai hướng thịt (lai Brahman, Drought Master, BBB) ra đời bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo (TTNT). Những bê lai này có khả năng sinh trưởng phát triển vượt trội so với bê nội, nuôi 6 tháng tuổi có thể đạt 130 - 140 kg; nêu nuôi đền 12 tháng tuổi có thể đạt  300 kg.

Đặc biệt, đối với bê lai BBB, có khả năng sản xuất cao hơn hẳn, nuôi tại nông hộ mỗi ngày tăng trọng đến 1.000g (1kg);  nuôi đến 6 tháng tuổi có thể đạt  200 kg, nuôi 12 tháng tuổi có thể đạt 400 kg, đem lại hiệu quả cao.

Mặc dù trong thời gian qua nghề chăn nuôi bò tại Yên Bái đã có những bước phát triển về lai tạo giống; người chăn nuôi cũng đã phần nào trú trọng đến khâu thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng; tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục để cho đàn bò Yên Bái phát triển hiệu quả và bền vững.

Thứ nhất là: đại đa số các hộ chăn nuôi bò vẫn còn manh mún, mang tính tận dụng, quảng canh, diện tích cỏ trồng còn rất ít, chưa chủ động được nguồn thức ăn xanh cho bò, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào chăn thả; việc tận dụng các sản phẩm phụ nông nghiệp một cách hiệu quả vẫn chưa được người chăn nuôi trú trọng.

Việc chế biến các sản phẩm phụ nông nghiệp để nâng cao chất lượng thức ăn hầu như chưa được nông hộ áp dụng. Chính vì vậy, áp lực của việc thiếu thức ăn là một cản trở rất lớn trong việc phát triển đàn bò về số lượng và chất lượng.

Một trong những tồn tại phổ biến hiện nay là người chăn nuôi  bán bò thịt ở độ tuổi còn rất non (khi bê được từ 7-8 tháng tuổi); điều này đã gây ra một sự lãng phí rất lớn khi không khai thác được hết tiềm năng của đàn bò, bởi ở giai đoạn này bê đang trong thời kỳ lớn nhanh nhất, chỉ cần nuôi thêm 6- 7 tháng nữa có thể tăng trọng lên gấp đôi, đem lại lợi nhuận gấp 2 lần, góp phần tăng sản lượng thịt một cách đáng kể.

Cụ thể là khi trong vùng TTNT, nông hộ chỉ cần nuôi kéo dài thêm 7 tháng, thì mỗi bò có thể tăng trọng được tối thiểu là 150 kg, với khoảng 1.500 bò được bán thịt hàng năm thì sản lượng thịt hơi có thể tăng lên 225 tấn, thu nhập có thể tăng lên 18 tỷ đồng, cho lợi nhuận tăng lên  khoảng  9 tỷ đồng.

Nguyên nhân của việc bò bị bán thịt khi ở độ tuổi còn non là: Áp lực thiếu thức ăn và chuồng trại cho nên nông hộ phải bán bò non để đầu tư chăm sóc vào bò mẹ. Một nguyên nhân nữa là hiện nay do giống bò thịt được lai tạo lớn khá nhanh, 7-8 tháng tuổi có thể đạt trên 150 kg cho nên đã thu được giá trị  cao từ 14-15 triệu đồng.

Ngoài ra do thị trường bò thịt không có đầu ra ổn định, các thương lái thu mua để đáp ứng nhu cầu giết mổ tại chỗ cho một bộ phận người tiêu dùng thích ăn thịt bò non, những bò có trọng lượng lớn khó tiêu thụ hơn.

Trong xu thế mở cửa thị trường như hiện nay, sản phẩm chăn nuôi của các nước tiến tiến có giá thành thấp sẽ có nhiều cơ hội vào cạnh tranh với thị trường trong nước. Nếu chúng ta không mạnh dạn thay đổi công nghệ và phương thức chăn nuôi để tạo ra sản phẩm có, chất lượng tốt, giá thành thấp, nguồn hàng tập trung thì khó có thể cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, nếu đàn bò ở Yên Bái ít về số lượng thì việc nâng cao về chất lượng cho năng suất thịt cao sẽ bù lại sản lượng thịt bò bị thiếu hụt do tổng đàn thấp.

Vậy vấn đề hiện nay là chúng ta cần thiết phải tổ chức lại nghề chăn nuôi  bò từ khâu con giống, phương thức chăn nuôi, thức ăn và thị trường; tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật nhằm thay đổi tư duy sản suất cho người chăn nuôi; dần chuyển  chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa tập trung, công nghệ cao.

Vì thế cần khuyến khích việc giữ lại những bò lai Zebu để làm đàn cái nền. Tiếp tục duy trì công tác lai tạo bò thịt bằng các giống chất lượng và năng suất cao như hiện nay chúng ta đang thực hiện khá tốt là Brahman, Drought Master; đặc biệt cần đẩy mạng việc mở rộng lai tạo với giống bò chuyên thịt BBB một cách phù hợp.

Về phương thức chăn nuôi thì cần phải cải tiến mạnh phương thức chăn nuôi từ chăn thả sang nuôi nhốt là chủ yếu, kéo dài thời gian nuôi bò thịt lên tối thiểu 12 tháng đến 16 tháng hoặc cao hơn nữa.

Muốn như vậy chúng ta cần phải xây dựng những trang trại chuyên nuôi bò thịt tập trung từ 6 tháng tuổi trở lên. Những trang trại này sẽ thu mua bò thịt của những hộ nuôi bò sinh sản khi được trên 6 tháng tuổi về tiến hành nuôi và vỗ béo thêm  đến 12-16 tháng mới xuất bán.

Bằng hình thức tổ chức chăn nuôi này chúng ta nâng cao được hiệu quả nghề chăn nuôi bò, đồng thời cũng tạo một nghề mới là vỗ béo bò thịt, tạo ra được nguồn hàng có số lượng lớn, tập trung kích thích thị trường tiêu thụ.

Về thức ăn đối với những hộ chăn nuôi bò tập trung, phải xác định chủ động được nguồn thức ăn thô xanh thông qua trồng cỏ, tận dụng và chế biến các sản phẩm phụ nông nghiệp là chủ yếu.

Cần mạnh dạn chuyển đổi một phần đất mầu, đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ thâm canh để chủ động nguồn thức ăn thô xanh; tận dụng triệt để sản phẩm phụ nông nghiệp như rơm lúa, thân cây ngô và sử dụng các biện pháp chế biến để nâng cao chất lượng của thức ăn. Đồng thời phải đưa khẩu phần thức ăn tinh như sắn, ngô v.v vào khẩu phần ăn hàng ngày của bò thịt.
Về thị trường cần tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa người chăn nuôi và thương lái tiêu thụ sản phẩm, khi chúng ta nuôi vỗ béo bò lên đẻ bán ở trọng lượng 300 -400 kg/con với số lượng tập trung thì cần thiết phải thiết lập được kênh thu mua không những thị trường trong tỉnh còn phải mở rộng ra thị trường ngoài tỉnh, các đô thị lớn nơi có tập quán người tiêu dùng sử dụng bò lột (bò trưởng thành) thay vì bê non.

Để phát triển nghề chăn nuôi bò tập trung công nghệ cao thì người chăn nuôi cũng cần đầu tư không nhỏ về con giống, chuồng trại và đất đai để trồng cỏ; ngoài những chính sách hỗ trợ được tỉnh ban hành cho phát triển chăn nuôi hàng hóa hiện có, thì người chăn nuôi cũng cần phải được tiếp cận với những khoản tín dụng ưu đãi về lãi suất, mức vốn cao để đảm bảo có thể đầu tư vào sản xuất.

Quan tâm đầu tư phát triển nghể chăn nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa tập trung công nghệ cao sẽ góp phần đáng kể trong việc nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi, đạt được các mục tiêu đề ra trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016 - 2020.

Nguyễn Quốc Tuấn (Trung tâm Giống vật nuôi Yên Bái)


698 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h