Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

26/03/2016 08:19:51 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Sáng 25/3/2016, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua; việc triển khai sắp xếp tổ chức, bộ máy các phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở; việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh và những phương hướng, trọng tâm trong thời gian tới. Đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc còn có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực nông, lâm nghiệp; Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan; lãnh đạo UBND, trưởng phòng Nông nghiệp, Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua. Theo đó, trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, kinh tế có nhiều biến động song sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn vẫn duy trì và phát triển ổn định với các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2015 ngành đã hoàn thành thắng lợi toàn diện 10/10 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 300.000 tấn, vượt 8% so với kế hoạch; Tổng đàn gia súc chính tăng 3,5% so với cùng kỳ; Trồng rừng đạt gần 15.500 ha; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 1 xã so với kế hoạch; Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2015 đạt trên 6.200 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2014. Trong quý I năm 2016 toàn tỉnh đã gieo cấy được gần 20.000 ha lúa, đạt trên 103% kế hoạch. Nuôi trồng thủy sản ổn định ở diện tích 2.250 ha. Ở lĩnh vực lâm nghiệp, ngành quản lý tốt diện tích rừng hiện có, đồng thời trồng mới được trên 5.300 ha rừng, đạt 35% kế hoạch năm. Hiện có 2 xã đang trình thẩm định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là xã Minh Bảo, TP Yên Bái và xã Yên Hưng, huyện Văn Yên.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông lâm sản tập trung với quy mô ngày càng lớn như: Vùng thâm canh lúa, ngô, vùng cây nguyên liệu giấy, cây ăn quả, quế, chăn nuôi, thủy sản… tạo ra sản phẩm có giá trị cao trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Trên địa bàn toàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng ổn định và phát triển ở tất cả các lĩnh vực; kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng tăng dần công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là phát triển ngành nghề nông thôn đã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân.

Năm 2016 được xác định là năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua việc thực hiện các đề án, chính sách cụ thể đã được tỉnh phê duyệt. Ngành NN&PTNT đã chủ trì, chủ động tổ chức các hội nghị với các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan phân công nhiệm vụ cụ thể cho đồng chí lãnh đạo sở, các phòng, ban đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện đề án. Phối hợp với các ngành có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các đề án, chính sách gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tại cơ sở; tham mưu cho tỉnh phê duyệt hỗ trợ các mô hình mới có hiệu quả cao, tạo điều kiện giúp các địa phương triển khai đảm bảo được mặt thời vụ đúng thời gian đề ra. Các huyện, thị, thành phố chủ động phối hợp với các ngành, đặc biệt ở một số khâu như khâu giống, kỹ thuật, liên doanh, liên kết, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm…Bên cạnh đó, ngành đã chủ động phối hợp với một số sở, ngành liên quan để ban hành hướng dẫn về quy trình thực hiện hỗ trợ, nguyên tắc thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ; yêu cầu, quy mô kỹ thuật của từng hạng mục hỗ trợ...Đồng thời ngành cũng đề nghị các huyện chủ động đề xuất để kịp thời tham mưu cho tỉnh xem xét điều chỉnh các yêu cầu về hỗ trợ cho phù hợp với thực tế.

Về sắp xếp kiện toàn bộ máy, hiện nay Sở NN&PTNT bao gồm lãnh đạo Sở và 6 phòng chuyên môn, 16 đơn vị trực thuộc (8 chi cục và 8 đơn vị sự nghiệp). Hệ thống các đơn vị trực thuộc ngành tại các huyện, thị, thành phố gồm các hạt kiểm lâm, Trạm bảo vệ thực vật, Trạm Thú y và các trại giống cây trồng, thủy sản. Tổng số biên chế công chức hành chính, sự nghiệp và hợp đồng theo Nghị định số 68/NĐ-CP được giao là 649 chỉ tiêu. Trong thời gian tới, ngành NN&PTNT sẽ tổ chức sắp xếp kiện toàn bộ máy theo hướng giảm các phòng ban chuyên môn, sáp nhập một số chi cục. Cụ thể Văn phòng Sở NN&PTNT sẽ bao gồm lãnh đạo Sở và 5 phòng chuyên môn (giảm 1 phòng so với hiện nay); 7 chi cục (giảm 1 chi cục bằng cách hợp nhất Chi cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm thành một chi cục), 4 đơn vị sự nghiệp (giảm 4 đơn vị) trong đó có 3 đơn vị sự nghiệp công lập và 1 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động, giải thể Trung tâm Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về định hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ngành NN&PTNT xác định sẽ tập trung phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở khai thác, tận dụng tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương và gắn với xây dựng nông thôn mới; Đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển hình thức kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mới; Tăng cường thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn; Quan tâm nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp; Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng; Rà soát, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông, lâm nghiệp; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và đổi mới phương thức chỉ đạo sản xuất. Trong đó tập trung vào các giải pháp trọng tâm bao gồm tập trung thực hiện sắp xếp kiện toàn bộ máy ngành NN&PTNT nhằm ổn định tổ chức để triển khai nhiệm vụ; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp; Phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị, thành phố và các sở, ngành có liên quan triển khai các mục tiêu  8 đề án để thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; Tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn; Tiếp tục tham mưu cho tỉnh trong việc điều chỉnh giảm diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu và diện tích rừng sản xuất tự nhiên nghèo kiệt.

Tại buổi làm việc, ngành NN&PTNT đã có một số đề xuất, kiến nghị với tỉnh. Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất gieo cấy 2 vụ lúa; công tác quản lý các loại đất rừng, trồng cây lâm nghiệp phân tán; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tham gia cho ý kiến, đề xuất, kiến nghị và đề ra những giải pháp cụ thể để ngành Nông nghiệp tập trung lãnh đạo phát triển  Nông, lâm nghiệp một cách hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.


http://yenbai.gov.vn/vi/PublishingImages/Nga%20%C4%90%E1%BB%97/Trong%20t%E1%BB%89nh%202015/dc%20ptttra%20phat%20bieu.JPG
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh trong những năm qua tỉnh đã quan tâm đầu tư vào ngành Nông nghiệp một cách đồng bộ, toàn diện và khá cụ thể vì vậy nền nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, với một tỉnh nông nghiệp, dân số 80% là dân số nông thôn, 70% là lao động nông thôn nhưng thực chất giá trị, hiệu quả về lĩnh vực kinh tế nông, lâm nghiệp vẫn chưa đảm bảo được so với yêu cầu đặt ra. Vì vậy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh, quy hoạch lại hệ thống nông, lâm nghiệp. Rà soát bổ sung hoàn thiện quy hoạch để gắn sát với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở những chính sách này cần có hướng tính toán cụ thể cho một số sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, đặc biệt là sơn tra và quế. Hình thành và mở rộng các mô hình sản xuất có giá trị hàng hóa kinh tế cao. Đưa tiến bộ KHKT và tập đoàn cây, con giống có chất lượng cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại phương thức sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực lao động một cách cụ thể, căn cơ đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp; chuyển dịch dần từ lao động nông nghiệp nông thôn sang phi nông nông nghiệp và dịch vụ. Mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra giá trị sản phẩm có chất lượng cao. Đổi mới tư duy, nhận thức về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, rà soát, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay.

Phát biểu Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của ngành Nông nghiệp. Đồng chí nhấn mạnh trong 5 năm qua ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành của tỉnh, góp phần làm thay đổi căn bản sự phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở vùng cao, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Tuy nhiên, ngành NN&PTNT tỉnh nhà cũng còn một số tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như nhận thức, tư duy của ngành còn chậm đổi mới, chưa chủ động trong công tác tham mưu xây dựng ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông, lâm nghiệp; công tác kiểm kê, rà soát đánh giá các loại rừng; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm đổi mới; công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế…


http://yenbai.gov.vn/vi/PublishingImages/Nga%20%C4%90%E1%BB%97/Trong%20t%E1%BB%89nh%202015/dc%20pdc%20phat%20bieu.JPG
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường phát biểu kết luận buổi làm việc

Để phát triển nền nông nghiệp của tỉnh một cách hiệu quả và bền vững, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành Nông nghiệp cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Trong 5 năm tới cần xác định mục tiêu phát triển nông, lâm nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên trước mắt và lâu dài. Phấn đấu tăng trưởng đạt trên 5%/năm; tăng một số sản phẩm chế biến như: quế, tre măng, sơn tra, gỗ…, chú trọng phát triển sản phẩm chủ lực, mô hình phát triển chăn nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao; triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án gắn với xây dựng nông thôn mới; quan tâm quản lý tốt nguồn tài nguyên, thiên nhiên, công tác phòng, chống cháy rừng; quản lý đất rừng… Chủ động rà soát, điều chỉnh nâng cao chất lượng quy hoạch nông, lâm nghiệp phù hợp với thực tiễn. Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, dự án đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Huy động các nguồn lực đầu tư, phát huy nội lực trong nhân dân để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nghiên cứu xây dựng các nhiệm vụ, chương trình đề xuất đầu tư cho nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển giao thông nông thôn. Tham mưu xây dựng đề án cấp bách cho kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp và nông thôn; nghiên cứu hỗ trợ giống, vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ bảo quản các sản phẩm nông nghiệp…

Bên cạnh đó, ngành cần thực hiện tốt Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Rà soát, sắp xếp kiện toàn lại tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, phát huy trình độ, năng lực và hiệu quả của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Sáp nhập, cơ cấu lại các doanh nghiệp, nông, lâm trường; chuyển đổi các mô hình hợp tác xã kiểu mới; tăng cường đưa hàm lượng khoa học áp dụng vào thực tiễn sản xuất; thực hiện liên kết trong phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường đề nghị ngành Nông nghiệp cần tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, điều hành, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống dịch bệnh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Các địa phương cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ của tỉnh và của huyện nhằm khuyến khích các hộ nông dân đầu tư phát triển sản xuất. Thực hiện tốt các đề án phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương. Ngành Nông nghiệp xem xét điều chỉnh các  chỉ tiêu, kế hoạch đã giao; điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương; tổ chức tham quan, học tập trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình phát triển kinh tế nhằm ứng dụng vào thực tế của địa phương.

553 lượt xem
Thu Nga

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h