Xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ trong quy hoạch không đơn thuần là đào
tạo về chuyên môn mà còn giúp cán bộ có điều kiện thực hành kiến thức đã được
đào tạo để “gần dân, hiểu dân” - đây là cách làm bài bản của Đảng bộ huyện Văn
Chấn để đội ngũ cán bộ được nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành, thực
hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã đề ra những
mục tiêu, định hướng cụ thể, đào tạo theo từng giai đoạn, phù hợp với năng lực,
điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, trọng tâm là: nâng cao chuyên môn nghiệp
vụ, lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ ngành và kiến thức quản lý nhà nước…
Cán bộ được cử đi học tại các lớp học trong huyện, ngoài tỉnh vẫn đảm đương
nhiệm vụ được giao, “vừa học, vừa làm”.
Đồng chí Trần Văn Mộc - Bí thư Huyện ủy cho
biết: “Huyện tập trung bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ trẻ,
đặc biệt là người dân tộc thiểu số, đội ngũ này chiếm khoảng 60% cán bộ của
huyện hiện nay. Cùng với đó, huyện điều động, luân chuyển cán bộ, ngoài việc
thực hiện các chế độ chính sách theo quy định, huyện còn hỗ trợ ban đầu từ 3 đến
5 triệu đồng/người và trợ cấp thêm hàng tháng bằng 50% mức lương đang được
hưởng trước khi được điều động, luân chuyển về cơ sở.
Trong 5 năm (2010-2015), huyện đã điều động
luân chuyển 24 lượt cán bộ trong diện quy hoạch về cơ sở giữ các chức danh chủ
chốt như: bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tich UBND các xã. Trong đó, từ
huyện về xã công tác 12 đồng chí; từ xã về huyện công tác 2 đồng chí; từ xã này
sang xã khác công tác 3 đồng chí và huyện tăng cường về xã được điều động
về huyện công tác 9 đồng chí.
Đánh giá công tác điều động, luân chuyển
cho thấy, cán bộ đều nhanh chóng tiếp cận với tình hình thực tế của địa phương,
củng cố tổ chức Đảng và xây dựng chính quyền vững mạnh, trưởng thành hơn trong
công tác…
Toàn huyện hiện có 40,2% cán bộ có trình
độ đại học, tăng 13,4% so với năm 2010; 1,4% có trình độ cao cấp, cử nhân
chính trị; 12,9% có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Cán bộ cấp xã, thị
trấn trình độ văn hóa chuyên môn THPT chiếm 83,3%; tỷ lệ có trình độ đại học,
cao đẳng 36,6%... Trong 600 cán bộ, công chức cấp xã, dưới 30 tuổi có 129
người, từ 31 đến 40 tuổi có 232 người, từ 41 đến 50 tuổi có 152 người và từ
51 tuổi trở lên có 146 người.
|
Đồng chí Trịnh Xuân Thành - cán bộ UBND
huyện được điều động về công tác tại xã Thanh Lương năm 2012 cho biết: “Tôi
được điều động về xã giữ chức vụ Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, đây là
xã 2 năm liên tục (2010 - 2011) là Đảng bộ yếu kém. Với nhiệm vụ được
giao, ngay những ngày đầu nhận công tác, tôi cùng các lãnh đạo Đảng ủy tổ chức
nhiều cuộc họp nhằm củng cố và đánh giá năng lực cán bộ, xây dựng quy chế làm
việc. Đặc biệt là, tinh thần thái độ làm việc của cán bộ xã với nhân dân, chúng
tôi đã thường xuyên xuống thôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Hàng
tuần, tháng tổ chức họp đánh giá công tác quản lý điều hành. Với sự chỉ đạo
quyết liệt từ xã xuống thôn, năm 2013, Đảng bộ được xếp loại khá và từ năm 2014
đến nay đều được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Tinh thần làm việc của
cán bộ xã đã được nâng cao, niềm tin của nhân dân với xã được củng cố…”.
Lãnh đạo huyện trao đổi kinh nghiệm
với cán bộ trẻ.
Cùng với công tác điều động, luân chuyển
cán bộ, từ năm 2010 đến nay, huyện đã cử 22 đồng chí tham gia đào tạo lớp cao
cấp lý luận chính trị, 8 đồng chí học đại học chính trị (văn bằng 2), 21 đồng
chí học thạc sỹ, 56 đồng chí cán bộ công chức cấp xã, thị trấn tham gia lớp
trung cấp lý luận chính trị - hành chính, 69 đồng chí học đại học theo Đề án số
11 –ĐA/TU của Tỉnh ủy tổ chức. Huyện còn liên kết mở các lớp hệ đại học nông,
lâm nghiệp chuyên ngành cho cán bộ huyện và cấp xã, thị trấn cho 76 học viên;
hoàn thành đề án đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã, thị trấn 85 học viên; mở
lớp trung cấp quản lý nhà nước về đất đại cho 76 học viên; lớp đại học nông
nghiệp chuyên ngành phát triển nông thôn 70 học viên; lớp đại học luật chuyên
ngành kinh tế 94 học viên và 25 lớp sơ cấp lý luận chính trị cho 2.106 đảng
viên.
Tìm hiểu về công tác cán bộ, trẻ hóa cán bộ
ở cơ sở, chúng tôi cùng các đồng chí trong Ban Tổ chức Huyện ủy đến xã Nghĩa
Sơn - xã chiếm 72,4% dân số là dân tộc Khơ Mú. Đồng chí Lường Văn Si – Phó bí
thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết : “Tôi sinh năm 1983, người dân tộc Khơ Mú.
Là cán bộ trẻ công tác tại xã, được nhận nhiệm vụ trọng trách mới, bản thân
luôn nỗ lực phấn đấu cùng các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân
tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng giá trị kinh tế trên đất
canh tác. Diện tích đất trống, đồi núi trọc, tới đây xã sẽ vận động nhân
dân đưa cây bồ đề vào trồng vừa để phủ xanh đất trống, vừa tạo việc làm
tăng thu nhập cho người dân”.
Tại xã Thạch Lương, đồng chí Hà Văn Tuấn -
Chủ tịch UBND xã, sinh năm 1983, dân tộc Thái, đã tốt nghiệp đại học chuyên
ngành nông - lâm nghiệp cho biết: “Là cán bộ trẻ, được giao nhiệm vụ công tác
mới, bản thân luôn nỗ lực phấn đấu đưa những kiến thức đã học vào áp dụng cho phát
triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đặc biệt là, sẽ tạo đạo điều kiện tốt
nhất để hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất và tập huấn
chuyển giao KHKT cho nông dân; tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm
và vận động nhân dân tích cực trồng cây vụ 3 trên đất 2 vụ lúa bằng các giống
ngô lai, đỗ tương và các loại rau màu khác. Mục tiêu phấn đấu mỗi năm, xã giảm
7% hộ nghèo theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã năm 2015 - 2020 đề ra”.
Cán bộ trẻ xã Phù Nham, thường xuyên
bám sát chỉ đạo các chương trình phát triển kinh tế của người dân.
Nhiệm vụ đặt ra với Đảng bộ năm 2016 và
những năm tiếp theo là, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chuyên
nghiệp, vững về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ. Mục tiêu, yêu cầu của huyện
đề ra là 100% cán bộ cấp huyện qua đào tạo theo chuẩn quy định; 95% cán bộ giữ
chức vụ lãnh đạo phải được đào tạo theo chương trình quy định; 90% cán bộ lãnh đạo
cấp phòng phải được bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm và 70% cán bộ công chức thực
hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc hàng năm. Cấp xã, thị trấn, yêu cầu 95% cán bộ
phải có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định; 100% công chức cấp xã có trình
độ chuyên môn từ trung cấp trở lên…
Giải pháp trọng tâm là, Đảng bộ tiếp tục rà
soát, điều chỉnh quy hoạch cán bộ cho phù hợp, gắn với xây dựng kế hoạch
đào tạo, bồi dưỡng cụ thể theo từng chức danh, khắc phục tình trạng mất cân đối
ngành cần đào tạo, từng bước “chuẩn hóa cán bộ”; gắn công tác quy hoạch, đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ với điều động, luân chuyển cán bộ để tạo nguồn cho các
chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, xã, thị trấn, nhằm bổ sung và nâng cao
năng lực, trình độ cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, góp phần xây dựng Văn
Chấn trở thành Đảng bộ mạnh, đưa Văn Chấn trở thành trung tâm động lực phát
triển phía Tây của tỉnh.
Việc nâng cao trình
độ và trẻ hóa cán bộ ở Văn Chấn còn gặp khó khăn: một bộ phận cán bộ lãnh
đạo, người đứng đầu cấp ủy chưa thực sự tin tưởng vào đội ngũ cán bộ trẻ,
chưa quan tâm bồi dưỡng, giao việc thử thách. Số cán bộ tuổi cao, năng lực
hạn chế còn khá đông, nhưng huyện chưa có cơ chế để giảm số lượng này. Hàng
năm, số học sinh, sinh viên là con, em người địa phương, tốt nghiệp các
trường đại học, cao đẳng không hào hứng trở về địa phương công tác và nếu về
thì rất khó có việc làm phù hợp, dẫn tới tình trạng thiếu nguồn cán bộ trẻ có
trình độ cao của các xã, thị trấn hiện nay.
|
(Theo Báo Yên Bái)