Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Hiệu quả thiết thực từ Chương trình 135 ở Văn Chấn

31/03/2016 16:09:40 Xem cỡ chữ Google
5 năm qua, Văn Chấn đã thực hiện có hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn III (2011 - 2015). Theo đó, kinh tế - xã hội ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn từng bước phát triển.

Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Văn Chấn nắm tình hình sản xuất và đời sống của người dân xã Thanh Lương.

Nằm ở phía Tây của tỉnh, Văn Chấn có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 65%, toàn huyện có 17 xã và 215 thôn, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK).

Đây là một trong những địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với nhiều dự án từ Chương trình 135, kết quả bộ mặt nông thôn của huyện từng ngày được khởi sắc, hàng ngàn lượt hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Nền kinh tế của huyện đạt được nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 12%, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng và ngành thương mại dịch vụ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đồng chí Phạm Nguyên Bình - Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Chấn cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, Chương trình 135 giai đoạn 2011 - 2015 ở Văn Chấn đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách lồng ghép, không chỉ là động lực để người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế mà còn góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, tạo điều kiện để các xã ĐBKK có điều kiện phát triển”.

Thực tế cho thấy, trong thực hiện các Dự án hỗ trợ sản xuất cũng như hỗ trợ cơ sở hạ tầng, các hộ nông dân được tham gia bình xét và tự quyết định lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác, sản xuất của gia đình và địa phương.

Đồng thời, đưa các loại máy móc thiết bị và những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư đúng địa bàn, đảm bảo chất lượng, sử dụng hiệu quả phục vụ người dân. Chương trình 135 đã giúp cho người dân tại các địa phương cũng như 17 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện kéo được điện lưới quốc gia về đến gia đình. Những con đường 135 đã nối gần các thôn, bản xa với trung tâm xã, giúp bà con rút ngắn khoảng cách đi lại, thuận lợi trong việc giao thương, buôn bán phát triển kinh tế.

Từ đó, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, mở mang ngành nghề dịch vụ, buôn bán kinh doanh. Nhiều hộ lựa chọn phát triển theo mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trang trại tổng hợp để thay đổi cuộc sống. Từ nguồn vốn của dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong 5 năm là trên 112 tỷ đồng, huyện đã chỉ đạo thực hiện đầu tư xây dựng 179 công trình.

Trong đó, 121 công trình giao thông, 25 công trình thủy lợi, 14 nhà sinh hoạt cộng đồng, 3 công trình điện, 2 trường học và 12 công trình duy tu bảo dưỡng. Nếu như, hợp phần hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đã mang lại một diện mạo mới cho các xã còn khó khăn, thì hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất lại là cơ sở cho bước tiến trong nâng cao đời sống của bà con. Chương trình 135 đã giúp cho các hộ nghèo trong huyện được hỗ trợ cây, con giống, vật tư phân bón và tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Gia đình anh Sầm Văn Khoa ở thôn Cò Cọi 2, xã Sơn A là 1 trong 6 hộ dân trong xã vừa được nhận sự hỗ trợ từ Chương trình 135 bằng một chiếc máy cày. Anh Khoa phấn khởi cho biết: “Mình được Nhà nước hỗ trợ “con trâu sắt” này sản xuất thuận lợi lắm, hàng năm còn được chính quyền cho đi tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi nên mùa màng theo đúng khung lịch thời vụ, gia súc, gia cầm, không bị dịch bệnh. Mình đã hiểu, Nhà nước cho mình “cần câu” chứ không phải là cho “con cá”, mình phải tập trung để lao động sản xuất”.

Cũng nằm trong diện được hỗ trợ từ Chương trình 135 gia đình bà Bùi Thị Chi - xã Thanh Lương thuộc diện hộ nghèo đã được nhận tiền hỗ trợ hộ nghèo, lúa giống, tiền điện thắp sáng, được tạo điều kiện vay vốn sản xuất.

Bà Chi cho biết: “Năm 2013, được Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ cho vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi mua một con nghé trị giá 16 triệu đồng về nuôi. Cuối năm vừa rồi, tôi bán được 29 triệu đồng, gia đình đã trả được hết gốc cho ngân hàng và lại mua được một con nghé khác để phát triển chăn nuôi”.

Anh Sầm Văn Khoa ở thôn Cò Cọi 2, xã Sơn A giới thiệu với các đồng chí lãnh đạo xã về chiếc máy cày mới được Nhà nước hỗ trợ.

Từ việc thực hiện nhiều giải pháp, lồng ghép Chương trình 135 với các chương trình, dự án khác trên địa bàn, nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tổng nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án trên địa bàn huyện Văn Chấn trong 5 năm đã đạt được trên 700 tỷ đồng.

Đây chính là nguồn lực quan trọng để giúp các địa phương thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nếu như năm 2011 toàn huyện có 13.812 hộ nghèo, chiếm gần 39%, thì đến hết năm 2015 số hộ nghèo đã giảm còn 7.660 hộ, bằng 19,92%, giảm 50% so với đầu kỳ.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/năm, tăng 2,03 lần so với năm 2011; cơ bản trên địa bàn huyện không còn hộ đói, bộ mặt nông thôn từng ngày khởi sắc. Đến nay, 31/31 xã trong huyện có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% các xã có điện lưới quốc gia và có trạm y tế. Các công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ sản xuất cho trên 80% diện tích trồng lúa nước; 100% các xã có trường lớp học kiên cố, có lớp bán trú ở nơi cần thiết.

Chương trình 135 là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có tác động tích cực đến đời sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK trong tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn Chương trình này vẫn tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất và nâng cao năng lực cho cộng đồng, cán bộ cơ sở để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo trên địa bàn, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào nghèo ở các xã, thôn, bản ĐBKK, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh và huyện Văn Chấn.

518 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h