Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái: Tập trung phát triển cây chè vùng cao giai đoạn 2016 - 2020

13/04/2016 07:47:33 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Để phát huy tối đa lợi thế của cây chè, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án phát triển chè vùng cao giai đoạn 2016-2020. Trong chuyên mục “Giải đáp chính sách” trên Cổng Thông tin điện tử Yên Bái, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp giải đáp về những nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Đề án.

*BTV: Xin ông cho biết thực trạng phát triển cây chè trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian qua?

* Ông Mai Mộng Tuân – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:

Chè Yên Bái được hình thành từ năm 1960, cho đến nay tổng diện tích hiện còn trên 11.000 ha, với khoảng trên 2 vạn hộ nông dân có thu nhập về chè. Sản xuất chè Yên Bái đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên trong bối cảnh chung của ngành chè Việt Nam, những năm qua sản xuất kinh doanh chè Yên Bái đã đối mặt với những khó khăn bất cập đó là: năng suất chè búp tươi thấp, chất lượng và loại sản phẩm chè chế biến mới chỉ phù hợp với một số thị hiếu tiêu dùng truyền thống, chưa đa dạng để phù hợp với các yêu cầu cao và thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng, công suất các cơ sở chế biến còn vượt quá khả năng cung cấp nguyên liệu, đời sống thu nhập của người làm chè còn chưa được nâng cao, đóng góp vào ngân sách của ngành chè còn thấp.

Với diện tích trên 11.000 ha, giống chè tiến bộ kỹ thuật đạt trên 5.000 ha (chiếm 48% tổng diện tích), năng suất đạt trên 85,0 tạ/ha. Sản lượng chè búp tươi bình quân hàng năm đạt trên 87.000 tấn, nhưng giá trị sản phẩm chè tươi mới đạt gần 300 tỷ đồng. Giá thu mua chè búp tươi bình quân 2.800- 3.500 đồng/kg (giá chè Shan Suối Giàng 12.000- 16.000 đồng/kg, giá chè Shan thâm canh 5.000-7.000 đồng/kg, giá chè nhập nội 10.000-15.000 đồng/kg). So sánh với mức độ giá chè búp tươi bình quân của cả nước thì giá chè Yên Bái cơ bản vẫn còn thấp, dẫn đến không khuyến khích được người tham gia phát triển sản xuất chè.

Về chế biến: Hiện tại toàn tỉnh có 107 doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở chế biến chè với công suất chế biến 1.145 tấn chè búp tươi/ngày. Hiện có khoảng 80 đơn vị tham gia chế biến (27 đơn vị tạm ngừng hoạt động) và trên 1.500 bom chè nhỏ. Chế biến khoảng 19.000 tấn chè khô các loại. Cơ cấu sản phẩm chế biến chủ yếu là chè đen chiếm 85%, chè xanh 15%. Giá tiêu thụ chè đen khoảng 20.000 – 30.000 đ/kg. Giá chè xanh trung bình đạt 50.000-70.000 đồng/kg, trong đó chè Suối Giàng đạt 200.000-800.000 đồng/kg.

Từ những vấn đề trên, đang đặt ra cho tỉnh Yên Bái cần có những bước bứt phá trong sản xuất kinh doanh chè trên tất cả các nội dung: Từ sản xuất nguyên liệu chè búp tươi đến chế biến, bảo quản, xúc tiến thương mại và tạo dựng thương hiệu, nhằm đưa ngành sản xuất chè tiến lên một bước mới: bền vững, chất lượng và hiệu quả.

* BTV: Được biết vừa qua UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án phát triển chè vùng cao giai đoạn 2016-2020. Xin ông cho biết những mục tiêu mà đề án này hướng tới trong giai đoạn 2016-2020?

* Ông Mai Mộng Tuân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:

Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh chè, ngày 18 tháng 01 năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 111/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển chè vùng cao tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó Đề án xây dựng những mục tiêu sẽ đạt được thời gian tới như:

- Ưu tiên đầu tư xây dựng, hỗ trợ các vùng trọng điểm, nòng cốt để thúc đẩy phát triển cho toàn vùng. Phát triển vùng chè gắn với bảo tồn văn hóa bản địa và phát triển du lịch. Từng bước hình thành các vùng Nông, Lâm nghiệp bền vững trên các khu vực phát triển chè ở vùng cao (Suối Giàng, Gia Hội, Nậm Búng, Phình Hồ, Làng Nhì...). Cùng với các cây trồng khác cải tạo môi trường sinh thái vùng cao và phát huy hiệu quả phòng hộ đầu nguồn.

- Phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích chè vùng cao là 3.385 ha (trong đó có 800 ha chè Shan công nghiệp). Sản lượng chè búp tươi đạt 8.000 tấn. Chế biến 1.600 tấn chè khô thành phẩm. Đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến công suất chế biến 5 tấn chè búp tươi/ngày. Giá trị thu nhập từ chè búp tươi ước đạt trên 35 tỷ đồng.

* BTV:  Xin ông cho biết phạm vi, đối tượng và thời gian thực hiện của đề án này?

* Ông Mai Mộng Tuân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:

- Phạm vi thực hiện Đề án: Thực hiện trên địa bàn 2 huyện:

+ Trạm Tấu (Xã Bản Công, Xà Hồ, Phình Hồ, Làng Nhì).

+ Văn Chấn (Xã Suối Giàng, Suối Bu, Suối Quyền, Sùng Đô, Nậm Mười, Nậm Lành, Gia Hội, Nậm Búng).

- Đối tượng thực hiện và hưởng chính sách hỗ trợ: Hộ, nhóm hộ thực hiện trên địa bàn phạm vi Đề án, có diện tích trồng chè từ 0,5 ha trở lên đối với hộ và 2 ha trở lên đối với nhóm hộ.

- Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2016 đến năm 2020.

* BTV: Để thực hiện hiệu quả Đề án phát triển cây chè vùng cao tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung vào những giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông? Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện các giải pháp đó?

* Ông Mai Mộng Tuân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:

* Nhằm thực hiện Đề án phát triển cây chè vùng cao có hiệu quả cần tập trung vào các giải pháp sau:

- Giải pháp về giống: Sử dụng giống chè Shan (hom giống, hạt giống) từ nguồn giống được chứng nhận cây giống, vườn giống đầu dòng (vùng chè Suối Giàng, Văn Chấn). Sử dụng kỹ thuật giâm cành đối với diện tích chè Shan công nghiệp. Sử dụng kỹ thuật gieo hạt trong bầu PE đối với diện tích mật độ 3.000 bầu/ha. Cây giống xuất vườn đảm bảo yêu cầu và đã được cấp chứng chỉ chất lượng. Có kế hoạch chủ động gieo ươm giống theo tiến độ đề án xây dựng.

- Giải pháp kỹ thuật: Chỉ đạo hướng dẫn chăm sóc thâm canh diện tích chè vùng cao hiện có, thu hái chè búp t­ươi nguyên liệu đúng kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm chè sau chế biến. Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt đối với diện tích chè Shan thâm canh. Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh chè theo hướng sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ.

+ Hạn chế thu hái búp chè 1 tôm làm ảnh hưởng đến năng suất, sinh trưởng nương chè.

+ Về mật độ trồng chè: Trồng chè Shan giâm cành mật độ cao 1,6 vạn cây/ha; trồng chè Shan giâm hạt trong bầu PE mật độ 3.000 bầu/ha.

- Giải pháp về chế biến và tiêu thụ, quảng bá sản phẩm: Khuyến khích các cơ sở chế biến đầu tư sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến để sản xuất ra được sản phẩm mặt hàng có chất lượng cao.

+ Tăng cường công tác khuyến công, đào tạo nâng cao tay nghề cho người chế biến chè. Đa dạng các sản phẩm, mẫu mã, chủng loại đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng, đặc biệt đối với các vùng chè gắn với du lịch.

+ Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tìm kiếm mở rộng thị trường, bạn hàng để có thị trường ổn định, giá trị sản phẩm cao. Nâng cao chất lượng từ khâu nguyên liệu đầu vào đến công nghiệp chế biến giữ uy tín chất lượng sản phẩm. Quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu chứng nhận đã được cấp.

- Giải pháp về vốn, cơ chế, chính sách: Hàng năm ngân sách tỉnh bố trí hỗ trợ khoảng 2 tỷ đồng, giúp người dân mua giống trồng chè. Tỉnh có cơ chế huy động mọi nguồn vốn hợp pháp để triển khai các nội dung Đề án. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển chè vùng cao, có chính sách hỗ trợ theo quy chế thu hút đầu tư của tỉnh.

* Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện các giải pháp đó?

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, các địa phương có liên quan để tổ chức, triển khai các giải pháp thực hiện  Đề án phát triển chè vùng cao.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác để đầu tư hỗ trợ thực hiện có hiệu quả nội dung của Đề án.

- Hướng dẫn, giúp đỡ các huyện xây dựng và thực hiện các nội dung chi tiết trong Đề án phát triển chè vùng cao tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020. Hàng năm đánh giá kết quả triển khai, tổ chức thực hiện Đề án, để đưa ra các giải pháp thực hiện Đề án có hiệu quả.

* BTV:Vâng xin cảm ơn ông Mai Mộng Tuân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái.

Quý vị và các bạn có câu hỏi, ý kiến với cơ quan chức năng xin mời gửi đến mục “Giải đáp chính sách” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh qua địa chỉ thư điện tử banbientapcong@yenbai.gov.vn.

Xem video Lãnh đạo Sở NN&PTNT giải đáp chính sách tại đây!

741 lượt xem
Thu Nga - Thanh Bình - Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h