Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Cần mở rộng diện tích trồng quế

26/04/2016 10:05:12 Xem cỡ chữ Google
Là tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế đồi rừng, bình quân mỗi năm, nhân dân, các tổ chức kinh tế trong tỉnh trồng mới từ 13.000 - 15.000 ha rừng. Đưa diện tích rừng kinh tế lên hơn 200.000 ha song hiệu quả kinh tế mang lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Sản phẩm quế vỏ của huyện Văn Yên chuẩn bị đưa đi tiêu thụ trên thị trường. (Ảnh: Thanh Miền)

Người dân Yên Bái đã có thâm niên trồng rừng, vào những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, nhân dân dọc quốc lộ 70, nông - lâm trường quốc doanh đã đưa cây trẩu, cây sở, cây thầu dầu ve vào trồng cũng chỉ mong thoát đói nghèo.

Đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bà con nhân dân từ vùng thấp đến vùng cao nhận đất trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Liên tục từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm, nhân dân, lâm trường, các tổ chức kinh tế trồng từ 13.000 - 15.000 ha rừng, đưa diện tích rừng kinh tế, rừng tự nhiên sản xuất lên 207.000 ha năm 2015.

Năm 2010, độ che phủ mới đạt 58% thì hết năm 2015 đã đạt 63,5%. Kinh tế lâm nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, người trồng rừng đã sống được bằng nghề. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 1.400 tỷ đồng mỗi năm.

Nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 234 tỷ đồng, bên cạnh đó, các chủ rừng còn được hưởng trên 170 tỷ đồng từ phí dịch vụ môi trường rừng. Mỗi năm, toàn tỉnh khai thác 2 triệu mét khối gỗ các loại và hàng ngàn tấn nguyên liệu sợi dài.

Cùng với đó, đã có gần 400 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng vừa nâng cao giá trị vừa giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Phát triển lâm nghiệp không đơn thuần là xóa đói giảm nghèo mà nhiều gia đình đã trở nên giàu có từ rừng như gia đình các ông: Nguyễn Thế Bình, Triệu Tiến Lợi (Yên Bình), Triệu Tài Thăng (Văn Yên), Hoàng Đình Lâm (Trấn Yên)...

Đến nay, không ai có thể phủ nhận được hiệu quả kinh tế từ lâm nghiệp mang lại trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu từ vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đến vùng thấp, thậm chí ngay thị trấn, thị xã và thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những hạn chế cần tháo gỡ. Diện tích trồng và khai thác hàng năm bình quân khoảng 8.000 ha, sản lượng đạt 210.000 - 220.000 m3 gỗ lớn nhỏ, như vậy năng suất bình quân chỉ đạt trên dưới 50 m3/ha.

Một cán bộ của ngành lâm nghiệp phân tích rành mạch hai giống cây chính trong trồng rừng kinh tế hiện nay là keo và bồ đề: “Đối với cây keo, chu kỳ khai thác là 8 năm trên đất tốt, với mỗi héc-ta, vốn đầu tư hết 57.576.000 đồng; sau 4 năm, tiến hành tỉa thưa bán thu 16.500.000 đồng; số cây còn lại và khai thác trắng vào năm thứ 8 đạt 140 m3/ha, bán thu 98 triệu đồng. Như vậy, tổng thu trong chu kỳ 8 năm đạt 114.500 ngàn đồng, trừ chi phí còn lãi 56.924.000 đồng, bình quân thu nhập mỗi năm từ trồng keo đạt 7.115.000 đồng.

Đối với cây bồ đề cũng cách trồng ấy, với mỗi héc-ta, vốn đầu tư ít hơn, chỉ có 38.980.000 đồng, sau 8 năm khai thác trắng cùng với bán cây tỉa thưa cho thu đạt 96.500.000 đồng, trừ chi phí còn 57.520.000 đồng, chia trung bình mỗi năm cũng chỉ đạt 7.190.000 đồng”. Qua đó cho thấy, nguồn thu từ rừng đạt rất thấp, đây là một sự lãng phí công sức và tài nguyên đất đai cũng như lợi thế vùng.

Để giải bài toán nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, có nhiều ý kiến nên đưa cây quế vào trồng thay thế cây keo, cây bồ đề ở những vùng có điều kiện phù hợp với thổ nhưỡng đất đai, khí hậu. Nếu như trước đây cây quế chỉ có ở huyện Văn Yên và đây được coi là "thủ phủ” của quế thì vài năm trở lại đây, quế đã được trồng và mang lại hiệu quả khá cao ở Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái...

Trồng quế sau 10 năm cho thu hoạch đạt giá trị cao gấp nhiều lần so với trồng keo, bồ đề.

Rõ ràng, quế không phải là một cây xa lạ mà nó đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt ở Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn. Trước đây, quế chủ yếu được trồng ở xã Đại Sơn, Viễn Sơn (Văn Yên), nhờ tính hiệu quả kinh tế cao nên quế đã được trồng khắp các xã của huyện với diện tích trên 30.000 ha.

Theo tính toán của người trồng quế Văn Yên, với 1 héc-ta quế, chi phí cho trồng chu kỳ 10 năm, mật độ trồng 7 ngàn cây mất 179 triệu đồng (chi phí đầu tư ban đầu để trồng mới là 71.054.000 đồng, chi phí bảo vệ, chăm sóc 10 năm mất 108 triệu đồng); sau 5 năm trồng là tỉa thưa và cứ 2 năm tiếp theo tỉa thưa một lần và khai thác trắng sau 10 năm cho thu đạt 768.720.000 đồng (vỏ quế đạt 28,3 tấn, bán đạt 463 triệu đồng; lá quế 132 tấn, bán thu trên 264.740.000 đồng; thân quế 40 m3 củi và trên 3.430 cây chống, thu 40.300.000 đồng). Như vậy, sau trừ chi phí còn lãi 589.665.000 đồng/ha, bình quân mỗi năm đạt gần 59 triệu đồng/ha.

Ông Khổng Giang Lam - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Cây quế có mặt ở đất Văn Yên từ rất lâu đời, trước đây, bà con chỉ thu vỏ quế, còn lá và cành nhỏ gần như bỏ. Thân quế cũng không có giá trị lắm nên thu nhập từ một héc-ta quế cũng không lớn. Nhưng vài năm trở lại đây, người trồng quế gần như không bỏ phần nào, lá quế được thu gom bán cho nhà máy trưng cất tinh dầu có giá trị rất cao, thân quế được đưa vào chế biến mộc dân dụng, ván ghép thanh xuất khẩu rất tốt. Xét một cách toàn diện, trong sản xuất lâm nghiệp hiện nay, vẫn chưa có loại cây gì đạt giá trị cao và có đầu ra sản phẩm ổn định bằng cây quế".

Hiệu quả cây quế thì rất rõ, tuy nhiên, không phải vùng đất nào, địa phương nào cũng có thể trồng được quế, cùng với đó là suất đầu tư để trồng quế cũng cao hơn rất nhiều so với trồng bồ đề và keo. Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp, các huyện, thị cũng cần nghiên cứu và có những định hướng, cơ chế phù hợp giúp nông dân mở rộng diện tích trồng quế.

 

702 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h