Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

16/05/2016 14:30:55 Xem cỡ chữ Google
Đến đầu năm 2016, tỉnh Yên Bái có trên 2.600 tổ hợp tác với trên 9.000 tổ viên; có 316 hợp tác xã (HTX); trong đó, 60% HTX hoạt động tốt, đã có 184/316 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012.

Các tổ hợp tác chế biến gỗ rừng trồng góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Các HTX trong tỉnh đã thu hút trên 32.000 thành viên, giải quyết việc làm thường xuyên cho 7.200 lao động. Tổng số vốn điều lệ của các HTX đạt trên 349 tỷ đồng, vốn hoạt động đạt trên 1.100 tỷ đồng. Bình quân hàng năm, các HTX đóng góp cho ngân sách Nhà nước 22 tỷ đồng; riêng năm 2015, doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng, nộp ngân sách 26 tỷ đồng.

Toàn tỉnh đã có 29 xã đạt tiêu chí số 13 (tiêu chí tổ chức sản xuất) trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Kết quả này khẳng định tỉnh Yên Bái luôn xác định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương và triển khai Kết luận số 65-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Cụ thể, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tập thể. Đồng thời, tỉnh kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể tỉnh; thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh; phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế tập thể tỉnh giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến 2020; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trung hạn giai đoạn 2015 - 2020; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển HTX theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua tuyên truyền và tổ chức thực hiện, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về kinh tế tập thể được nâng lên, cấp ủy, chính quyền nhận rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo về kinh tế tập thể. Các huyện, thị, thành phố củng cố bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, thường xuyên chỉ đạo khắc phục những yếu kém của kinh tế tập thể.

Một số địa phương như huyện Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái... đã có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để kinh tế tập thể vươn lên, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ đã quan tâm theo từng lĩnh vực ngành để phát triển kinh tế tập thể.

Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hàng năm, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng bằng việc tổ chức 13 - 16 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho trên 65 cán bộ HTX. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh với số vốn điều lệ 3 tỷ đồng, đã cân đối hỗ trợ cùng với nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn giúp cho các HTX vay để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Về đất đai, đến nay đã có 35 HTX được giao đất, cho thuê đất để làm trụ sở, chiếm 11% tổng số HTX. Một số HTX ở Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Văn Chấn được giao 580.800 m2 đất và khoảng 680.000 m2 mặt nước để trồng cây và nuôi trồng thủy sản.

Về hỗ trợ HTX ở lĩnh vực khoa học - công nghệ, bình quân mỗi năm đã thực hiện 5 đến 7 dự án với kinh phí 50 - 70 triệu đồng/dự án và đã có sự hỗ trợ trong đổi mới công nghệ sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại được chỉ đạo thường xuyên thông qua tạo điều kiện để tham gia các hội chợ, khen thưởng đối với đơn vị có thành tích xuất khẩu…

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể ở Yên Bái còn khó khăn do quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều, chưa tạo được sự liên kết bền vững. Hoạt động của nhiều HTX thiếu vững chắc; vốn tự có hạn chế; số lượng và chất lượng lao động chưa cao. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay, khả năng tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh khó khăn, năng suất lao động và thu nhập của thành viên thấp.

Nhiều HTX cho rằng còn trở ngại trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước, việc tìm kiếm thị trường vẫn có vướng mắc. Trên địa bàn, số HTX làm ra những sản phẩm có thương hiệu, có giá trị xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường còn rất khiêm tốn…

Tỉnh Yên Bái đã có định hướng và đề ra nhiệm vụ để phát triển kinh tế tập thể với tốc độ tăng trưởng hợp lý; phấn đấu hết năm 2020, toàn tỉnh có trên 75% tổng số HTX hoạt động có lãi, giảm tỷ lệ yếu kém xuống 10%, trên 20% số lượng cán bộ quản lý HTX có trình độ đại học, cao đẳng trở lên. Các HTX phấn đấu tạo việc làm thường xuyên cho trên 7.000 lao động, nâng mức thu nhập bình quân lao động trong HTX đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, để kinh tế tập thể của Yên Bái vượt lên những hạn chế, yếu kém và góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đòi hỏi tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong phát triển kinh tế tập thể, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng xây dựng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Chính phủ song các cấp, ngành phải chú trọng thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; tiếp tục có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho HTX thuận lợi trong vay vốn, sử dụng đất đai, khoa học - công nghệ và xúc tiến thương mại.

Liên minh HTX nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm làm tốt công tác tư vấn, triển khai các chính sách hỗ trợ HTX, có cơ chế thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia trong các mô hình HTX phát triển sản xuất, phát triển nông thôn, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số. Các địa phương cần gắn việc phát triển HTX với xây dựng nông thôn mới, tạo cơ hội cho các HTX tham gia thực hiện các dự án, chương trình kinh tế - xã hội trên địa bàn, phấn đấu mỗi năm xây dựng 2 - 3 mô hình HTX kiểu mới ở các lĩnh vực khác nhau để nhân rộng, từ đó kinh tế tập thể mới có thể giữ vai trò quan trọng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

460 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h