Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Giới thiệu Kỹ thuật ghép Sơn tra

08/06/2016 11:18:38 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Để rút ngắn thời gian cho thu hoạch, tạo năng suất, chất lượng góp phần thực hiện mục tiêu trồng mới Sơn tra trong giai đoạn 2016 - 2020. Những năm qua ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái đã chỉ đạo thực hiện chuyển hóa được 31 ha rừng giống cây Sơn tra và công nhận 37 cây trội. Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái đã triển khai Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhân giống Sơn Tra (Táo mèo) bằng phương pháp ghép cành tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái nhằm tạo đòn bẩy, đẩy nhanh tiến trình cung ứng cây giống Sơn tra tốt phục vụ cho nhân dân trồng rừng tại huyện Trạm Tấu nói riêng và vùng cao Yên Bái nói chung để cho người dân có thu nhập cao hơn từ rừng trong những năm tới. Cổng Thông tin điện tử xin giới thiệu kỹ thuật ghép Sơn tra do Ths. Hà Văn Tiệp thuộc Trung tâm khoa học sản xuất Lâm nghiệp vùng Tây Bắc biên soạn.

1.Tạo gốc ghép

a. Thu hái và gieo hạt

Vào vụ thu hái quả Sơn Tra từ  tháng 9-11 hàng năm, lựa chọn những quả đã chín, to, hình dáng đẹp, bóc tách lấy hạt. Sau đó hong khô hạt nơi râm mát và tiến hành gieo ươm.

Hạt ngâm trong nước ấm (pha 2 phần nước sôi, 3 phần nước lạnh) trong 8 giờ. Vớt hạt ra, để ráo nước và ủ hạt trong túi vải. Hàng ngày rửa chua hạt 1-2 lần bằng nước ấm như khi ngâm hạt. Để túi ủ hạt nơi khô ráo, thoáng mát. Hạt sau khi ủ 10 -15 ngày bắt đầu nẩy mầm.

Hàng ngày, kiểm tra, chọn hạt đã nẩy mầm cấy trực tiếp vào bầu. Khi 2-3 ngày kiểm tra, không thấy hạt tiếp tục nẩy mầm thì loại bỏ những hạt này.

b. Đóng bầu và cấy hạt

Kích thước bầu, rộng 8cm, dài 12cm, bên dưới đáy bầu đục các lỗ nhỏ để thoát nước. Đất ruột bầu là hỗn hợp đất tầng mặt được đập và sàng nhỏ (chiếm 89%), trộn với phân chuồng hoai mục (chiếm 10%) và phân NPK (chiếm 1%). Bầu cây được xếp theo luống trong vườn ươm, rộng 1m, dài tùy từng hình dạng của vườn ươm. Các luống cách nhau 50-60 cm, để thuận tiện cho việc chăm sóc cây.

Vườn ươm nhỏ hộ gia đình nên làm ở nơi thoáng, mát, không bị che bóng, thoát nước và gần nguồn nước để tưới cây.

Dùng que tròn chọc một lỗ nhỏ ở giữa bầu và đặt 1 hạt đã nẩy mầm vào lỗ, sau đó lấp lên bề mặt hạt lớp đất dầy từ 0,5 cm đến 1cm.

Sau khi cấy hạt xong, mua lưới đen hoặc dùng vật liệu sẵn có tại địa phương như cỏ gianh, thân cây tế guột làm giàn che nắng và tưới nước thường xuyên giữ ẩm cho bầu để hạt sinh trưởng thành cây con.

c. Chăm sóc cây con

Sau khi cấy từ 7 đến 10 ngày, bắt đầu sinh trưởng thành cây con. Tiếp tục chăm sóc, tưới ẩm thường xuyên.  Theo dõi sâu bệnh hại, nếu xuất hiện sâu róm ăn lá hoặc sâu quấn lá có thể dùng tay bắt và diệt.

Khoảng 1 tháng sau khi gieo hạt, tiến hành phá váng mặt bầu và tưới nước phân lân pha loãng (1%) cho cây.

Cây con sau 3 đến 4 tháng gieo ươm có chiều cao trung bình 40-50 cm, lúc này túi bầu đã hết chất dinh dưỡng, ta tiến hành chuyển cây sang bầu to hơn, kích thước bầu rộng khoảng 15-18 cm, dài khoảng 20-22cm.

Cây con sau 12 đến 14 tháng gieo ươm, lựa chọn cây đạt chiều cao lớn hơn 1m, đường kính gốc 0,8-1cm, xếp sang luống riêng để tiến hành ghép.

Cứ xếp hai hàng cây sát nhau trong luống, ta để cách khoảng trống 15 đến 20 cm, sau đó lại xếp 2 hàng sát nhau tiếp.

Các luống rộng 0,8 m, cách nhau 50-60 cm để thuận lợi cho thao tác ghép.

Các cây con không đủ tiêu chuẩn được xếp dồn lại trong luống và tiếp tục chăm sóc để ghép cho lần sau.

2. Ghép cây

a. Chuẩn bị dụng cụ ghép


http://yenbai.gov.vn/vi/PublishingImages/Ti%E1%BA%BFn%20L%E1%BA%ADp/Nam%202016/Tin%20trong%20tinh/Thang%205/dung%20cu.jpg

Dụng cụ ghép bao gồm kéo cắt cành, dao ghép và đá mài dao, dây quấn ni lông, túi trùm ni lông, dây dứa buộc, xô đựng nước, và rổ đựng dụng cụ và cành ghép.

Dao ghép là dao chuyên dụng, luôn được mài thật sắc trong quá trình ghép.

Dây quấn ni lông được cắt từ tấm ni lông trắng, chiều dài từ 25-30cm, chiều rộng 1-1,5cm.

Bao ni lông trùm cành ghép màu trắng, chiều rộng từ 10-12cm, dài 17-20cm.

b. Chọn cành ghép


http://yenbai.gov.vn/vi/PublishingImages/Ti%E1%BA%BFn%20L%E1%BA%ADp/Nam%202016/Tin%20trong%20tinh/Thang%205/canh%20ghep%20bo%20trong%20bao.jpg

Cành ghép được lấy từ những cây mẹ trong rừng tự nhiên hoặc rừng trồng. Tiêu chuẩn cây mẹ lấy cành ghép là cây sai quả nhất, quả to đẹp, chất lượng quả tốt, cây to, thân thẳng, tán đều, không sâu bệnh (Tốt nhất là lấy cành ghép từ 37 cây trội đã được công nhận).

Đầu xuân tháng 1 đến tháng 3, khi cây chưa nẩy chồi, đâm lộc, dùng kéo cắt các cành trên đó đang có các mắt ngủ, chiều dài 20-30cm, đường kính cành từ 0,8 -1cm, tương đương với đường kính gốc ghép.

Cành ghép sau khi cắt được ủ trong tấm vải hoặc bao dứa đã nhúng ẩm bằng nước sạch và mang về vườn ươm để tiến hành ghép. Tốt nhất lấy cành ghép vào buổi sáng sớm và tiến hành ghép ngay sau khi lấy.

Trong trường hợp cây mẹ ở xa, trong điều kiện bảo quản thường, không nên để cành ghép quá 3 ngày.

c. Ghép cành


http://yenbai.gov.vn/vi/PublishingImages/Ti%E1%BA%BFn%20L%E1%BA%ADp/Nam%202016/Tin%20trong%20tinh/Thang%205/ap%20goc%20ghep.jpg

Cành ghép sau khi mang về vườn ươm, được cắt ra từng đoạn ngắn chiều dài 7-10cm, trên đó chứa 2-4 mắt ngủ.

Dùng kéo cắt ngang cây con, chỉ để thân cây cao 25-30cm tính từ mặt bầu. Duy trì các cành cây trên thân gốc ghép để cây quang hợp nuôi mắt ghép.

Dùng dao thật sắc cắt vát đầu trên của thân cây và cắt vát một đầu của cành ghép, độ dài vết cắt vát 3-5cm. Lựa làm sao cho vết cắt vát của gốc ghép và cành ghép tương đối như nhau, để vết ghép khít vào nhau.Tránh vết cắt bị dập nát.


http://yenbai.gov.vn/vi/PublishingImages/Ti%E1%BA%BFn%20L%E1%BA%ADp/Nam%202016/Tin%20trong%20tinh/Thang%205/quan%20nilong.jpg

Ngay sau đó ép sát vết cắt của cành ghép vào vết cắt của gốc ghép. Dùng  dây ni lông quấn chặt mối ghép từ dưới lên trên.

Sau đó trùm một túi ni lông bao lên toàn bộ cành ghép và vết ghép. Túm, buộc chặt đầu dưới túi ni lông vào thân cây ghép sát với đầu dưới của vết ghép, để tránh nước và vi khuẩn xâm nhập vào vết ghép.


http://yenbai.gov.vn/vi/PublishingImages/Ti%E1%BA%BFn%20L%E1%BA%ADp/Nam%202016/Tin%20trong%20tinh/Thang%205/trum%20nilong.jpg

d. Chăm sóc cây ghép


http://yenbai.gov.vn/vi/PublishingImages/Ti%E1%BA%BFn%20L%E1%BA%ADp/Nam%202016/Tin%20trong%20tinh/Thang%205/cham%20soc.jpg

Tưới nước giữ ẩm thường xuyên. Chú ý tưới nước bằng vòi lùa vào gốc cây, không tưới từ trên xuống, nước sẽ làm lay động cành ghép và giảm tỷ lệ sống của cành ghép.

Sau khi ghép được 15 đến 20 ngày, cành ghép bắt đầu nẩy chồi, và sau 25 ngày cành ghép liền sẹo, và mắt ghép nẩy chồi từ 2 đến 4 cặp lá, tiến hành tháo túi trùm ni lông. Dùng kéo cắt bỏ tất cả các cành còn lại của gốc ghép, để cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi cành ghép.

Các cây ghép mà cành ghép bị chết, được lọc ra và tiếp tục ghép đợt hai.

Tiếp tục chăm sóc cây ghép 2-3 tháng tiếp theo. Khi mắt ghép sinh trưởng tốt, chiều cao mắt ghép 30-50 cm, là có thể đem cây ghép đi trồng. Trước khi trồng 1 tháng, tiến hành đảo bầu và dỡ bỏ hoàn toàn giàn che nắng để cây quen với ánh sáng tự nhiên.


http://yenbai.gov.vn/vi/PublishingImages/Ti%E1%BA%BFn%20L%E1%BA%ADp/Nam%202016/Tin%20trong%20tinh/Thang%205/sau%20khi%20bo%20nilon.jpg

Sau khi trồng 1 tháng, dùng dao nhẹ nhàng cắt, tháo dây ni lông quấn quanh mắt ghép.

Thường xuyên tỉa, loại bỏ các cành dưới mắt ghép, chỉ để các cành cây của cành ghép sinh trưởng.

1654 lượt xem
Nguyễn Tư Khoa (Sưu tầm, tổng hợp)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h