Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái sẵn sàng cho cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2016

27/06/2016 07:51:11 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Cùng với cả nước từ ngày 1/7/2016, tỉnh Yên Bái sẽ tiến hành Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016. Cổng Thông tin điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Đinh Bá Toản - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 tỉnh về công tác chuẩn bị và triển khai cuộc Tổng điều tra này tại Yên Bái:

Ông Đinh Bá Toản - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 tỉnh Yên Bái

BTV: Thưa ông, cùng với cả nước, từ ngày 1/7/2016, tỉnh Yên Bái sẽ tiến hành Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016. Xin ông cho biết  mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra lần này?

Ông Đinh Bá Toản - Cục trưởng Cục Thống kê:

Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 để thu thập thông tin cơ bản về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và nông thôn nhằm: Đánh giá chính xác hiện trạng nông thôn, nông nghiệp, nông dân, làm căn cứ khoa học để xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trong từng địa phương và trên phạm vi cả nước; đồng thời làm cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu khu vực nông nghiệp và nông thôn.

Đối với ngành Thống kê, kết quả điều tra còn làm cơ sở xây dựng dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu và làm giàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra Thống kê định kỳ hàng năm của ngành và các yêu cầu thống kê khác.   

BTV: Cuộc Tổng điều tra bao gồm những nội dung chính gì, thưa ông?

Ông Đinh Bá Toản - Cục trưởng Cục Thống kê:

Cuộc Tổng điều tra này sẽ tập trung ba nội dung chính sau:

Thứ nhất: Thông tin về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản: Bao gồm số lượng đơn vị sản xuất, số lao động và cơ cấu lao động; quy mô sản xuất; năng lực sản xuất; tình hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; tác động của sản xuất nông nghiệp tới môi trường...

Thứ hai: Thông tin về nông thôn: Bao gồm thực trạng và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; thực trạng và những chuyển biến về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vệ sinh môi trường nông thôn và kết quả thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới...

Thứ ba: Thông tin về cư dân nông thôn: Bao gồm điều kiện sống của cư dân nông thôn; tích lũy, khả năng huy động, vay vốn, khả năng tiếp cận tín dụng của dân cư nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vai trò phụ nữ trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản...

BTV: So với những cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản trước đó, cuộc Tổng điều tra lần này có gì mới thưa ông?

Ông Đinh Bá Toản - Cục trưởng Cục Thống kê:

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 là cuộc Tổng điều tra lần thứ 5 thực hiện do ngành Thống kê chủ trì triển khai. Về nội dung điều tra của các năm cơ bản là giống nhau; tuy nhiên mỗi cuộc tổng điều tra của từng năm mục đích nghiên cứu và nhu cầu sử dụng  thông tin phù hợp với tình hình thực tế nên đòi hỏi có những điều chỉnh và bổ sung khác nhau. Cuộc Tổng điều tra năm nay có 05 điểm mới sau:

1. Khu vực thành thị: Trước đây chỉ điều tra những hộ được xác định là hộ nông nghiệp thì mới điều tra (Hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản là hộ có đa số lao động hoạt động trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hoặc có thu nhập về sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản cao nhất). Tổng điều tra lần này tiến hành điều tra tất cả các hộ có tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với quy mô do Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương quy định bao gồm:    

- Hộ có hoạt động trồng, thu hoạch sản phẩm cây nông nghiệp (cây hàng năm và cây lâu năm, riêng cây lâu năm bao gồm những hộ trồng cây lâu năm nhưng chưa cho sản phẩm) và có sử dụng đất sản xuất nông nghiệp từ 300 m2 trở lên;

- Hộ chăn nuôi từ 1 con trâu, bò hoặc từ 02 con dê, cừu, lợn hoặc từ 30 con gia cầm trở lên.

 - Hộ có hoạt động dịch vụ nông nghiệp (xử lý cây trồng, dịch vụ phòng trừ sâu bệnh, phun thuốc bảo vệ thực vật; làm đất, gieo, cấy, sạ, thu hoạch; cho thuê máy nông nghiệp có cả người điều khiển; tưới tiêu nước phục vụ trồng trọt...) và trồng nấm, rau mầm có ít nhất 1 lao động chuyên thực hiện các hoạt động dịch vụ trên.

- Hộ có hoạt động trồng hoặc chăm sóc cây lâm nghiệp và có diện tích đất lâm nghiệp từ 5000 m2 trở lên;

- Hộ dịch vụ lâm nghiệp có ít nhất 1 lao động chuyên thực hiện các hoạt động dịch vụ trên;

- Hộ có hoạt động nuôi trồng các loại thủy sản và có từ 300 m2 đất nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh trở lên hoặc có lồng bè nuôi thủy sản;

 - Hộ có hoạt động ươm nuôi giống thủy sản có ít nhất 1 lao động chuyên thực hiện hoạt động ươm nuôi giống thủy sản;

 - Hộ có hoạt động khai thác thủy sản và có từ 1 tàu thuyền có động cơ trở lên chuyên khai thác thủy sản; hoặc hộ có ít nhất 1 lao động chuyên khai thác thủy sản.

Như vậy đối tượng điều tra ở khu vực thành thị lần này rộng hơn so với trước đây.

2. Điều tra thu thập thông tin kết quả hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở cả các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Bổ sung thêm thu thập thông tin đánh giá kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp; 

3. Thực hiện thêm một số nội dung điều tra thứ cấp như: Số lao động sống tập thể trong khu nhà ở cho công nhân làm việc trong khu/cụm công nghiệp ở khu vực nông thôn; xã đạt các tiêu chí nông thôn mới; cánh đồng mẫu lớn; sản phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP. 

4. Đối với hộ được chọn điều tra mẫu thì sẽ thực hiện 1 loại phiếu, trong đó đã được ghép nội dung của phiếu điều tra giành cho hộ điều tra toàn bộ và nội dung phiếu điều tra chuyên sâu cho hộ mẫu (trước đây hộ được chọn mẫu phải thực hiện 2 loại phiếu khác nhau). 

 5. Công tác phúc tra đánh giá mức độ sai số của thông tin điều tra trước đây giao cho các địa phương tự tổ chức, nay công tác phúc tra do Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương sẽ thực hiện.

BTV: Để cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và Thủy sản năm 2016 tại tỉnh ta thành công và đạt kết quả tốt, công tác chuẩn bị, triển khai đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Bá Toản - Cục trưởng Cục Thống kê:

Để triển khai cuộc Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trên cơ sở phương án điều tra và hướng dẫn của Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương, đầu tháng 2/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh. Sau đó Ban chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh, hướng dẫn, chỉ đạo cấp huyện, cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ thường trực Tổng điều tra cấp cơ sở xong trước tháng 3/2016; đồng thời UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 27/5/2016 về triển khai Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 trên địa bàn tỉnh và xây dựng kế hoạch điều tra cụ thể của tỉnh và của từng huyện, thị, thành phố theo đúng phương án do Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương đề ra;

Ban Chỉ đạo các cấp đã thực hiện xong công tác rà soát phân chia địa bàn điều tra, lập bảng kê các đơn vị điều tra: Qua rà soát toàn tỉnh có 1.813 địa bàn, trong đó nông thôn 1.757 địa bàn, thành thị 56 địa bàn, với 168.980 hộ thuộc đối tượng điều tra, trong đó ở nông thôn là 161.781 hộ.

Công tác tuyển chọn điều tra viên, tổ trưởng điều tra và giám sát viên các cấp đã được Ban chỉ đạo các cấp thực hiện theo đúng quy định về tiêu chuẩn và số lượng. Tổng số điều tra viên và tổ trưởng là 2.343 người; giám sát viên các cấp là 670 người, chia ra: Cấp xã 500 người, cấp huyện 135 người, cấp tỉnh 45 người đảm bảo đủ lực lượng cho cuộc Tổng điều tra trên địa bàn toàn tỉnh.

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh đã tập huấn cho thành viên Ban Chỉ đạo, tổ thường trực cấp huyện và giám sát viên cấp tỉnh vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua. Hiện nay Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện đã và đang khẩn trương tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên, tổ trưởng điều tra và giám sát viên cấp huyện tham gia tổng điều tra.

Song song với việc tập huấn nghiệp vụ, Ban Chỉ đạo các cấp cũng tích cực tuyên truyền, làm rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung chính và kế hoạch thực hiện cuộc tổng điều tra đến các cấp, các ngành và các đối tượng điều tra. Dự kiến đến ngày 27/6/2016, cấp huyện sẽ tập huấn xong và đúng 7h30 ngày 01/7/2016 tất cả điều tra viên, tổ trưởng điều tra, giám sát viên các cấp đồng loạt ra quân xuống cơ sở để thu thập thông tin tại địa bàn điều tra. Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn điều tra là 30 ngày, sau đó các cấp tiến hành tổng hợp nhanh và thực hiện bàn giao tài liệu điều tra giữa các cấp theo đúng kế hoạch đề ra.

Để cuộc tổng điều tra thành công và đạt kết quả tốt, theo tôi cần tập trung làm tốt 4 vấn đề sau:

Thứ nhất: Đây là cuộc điều tra có quy mô lớn lực lượng tham gia điều tra đông với nội dung điều tra nhiều và phức tạp, vì vậy cần phải có sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có như vậy mới đảm bảo cho cuộc Tổng điều tra đạt kết quả tốt.

Thứ hai: Làm tốt công tác tuyển chọn điều tra viên và tập huấn đầy đủ nghiệp vụ điều tra cho điều tra viên. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Ban chỉ đạo điều tra các cấp. Vì điều tra viên chính là người quyết định đến mức độ chính xác của số liệu điều tra, cho nên điều tra viên phải chọn những người có sức khỏe, có tinh thần trách nhiệm, có trình độ và khả năng tiếp thu, nắm bắt đẩy đủ các nội dung về nghiệp vụ điều tra, thông thuộc địa hình, phong tục tập quán, sản xuất ở từng địa phương và phải được tập huấn kỹ càng nghiệp vụ điều tra.

Thứ ba: Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho Tổng điều tra bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo đài phát thanh, truyền thanh, truyền hình, treo các khẩu hiệu, băng zon, pano áp phích hoạc tổ chức họp thôn, bản, tổ dân phố để tuyên truyền cho người dân và các đối tượng cung cấp thông tin hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra, từ đó các đối tượng cung cấp thông tin có thái độ hợp tác khai đúng, khai đủ cho điều tra viên để ghi phiếu điều tra.

Thứ tư: Một nhiệm vụ không thể thiếu trong điều tra Thống kê nói chung và Tổng điều tra nói riêng đó là công tác kiểm tra, giám sát điều tra. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp cần có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phối hợp với Thanh tra Thống kê tổ chức kiểm tra giám sát thường xuyên hoặc đột xuất từ công tác rà soát lập bảng kê, tập huấn nghiệp vụ điều tra và nhất là khâu thu thập thông tin tại địa bàn điều tra. Cấp xã kiểm tra, giám sát điều tra viên, tổ trưởng điều tra ở xã mình; cấp huyện kiểm tra, giám sát ở tất cả các xã thuyện huyện; cấp tỉnh kiểm tra, giám sát ở tất cả các huyện và cấp Trung ương kiểm tra các tỉnh.

Làm tốt 4 vấn đề trên, tôi tin tưởng rằng cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 tỉnh Yên Bái sẽ thành công tốt đẹp.

BTV: Xin cảm ơn ông!

533 lượt xem
Hiền Trang (thực hiện)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h