Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái: Tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016 - 2020

15/07/2016 15:45:25 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sáng ngày 15/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố triển khai Kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016 - 2020. Chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế.

Tỉnh Yên Bái tham dụ Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016 - 2020.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có Lãnh đạo Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh; các đồng chí là lãnh đạo các cơ sở y tế, các phòng khám trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Năm 1960, y học gia đình ra đời ở Mỹ, Anh và một số nước, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu. Ở nhiều nước 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân do bác sĩ gia đình đảm nhận.

Tại Việt Nam, từ năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I - Y học gia đình. Hoạt động bác sĩ gia đình đã bước đầu được tổ chức tại một số thành phố nhưng còn nhỏ, lẻ, chưa đầy đủ nguyên lý của y học gia đình.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh trình bày báo cáo Kế hoạch phát triển phòng khám bác sĩ gia đình ở Việt Nam. Hiện nay, mô hình bệnh tật ở nước ta là mô hình bệnh tật kép, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, trong khi nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng. Việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mãn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi hỏi việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách. Mô hình hoạt động bác sĩ gia đình tại nước ta hiện nay là mô hình mới, chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, chưa có chức danh bác sĩ gia đình ở các cơ sở y tế, hoạt động còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý và hiệu quả chưa cao.

Xuất phát từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục giúp sàng lọc bệnh, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án: "Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020".

Theo đó, trong giai đoạn 2013 - 2015, Bộ Y tế đã triển khai xây dựng thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại 8 tỉnh, thành phố đó là: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ và Tiền Giang. Sau 03 năm triển khai đã đạt được kết quả bước đầu và khả năng nhân rộng là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên rất cần sự vào cuộc của toàn ngành y tế và chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Về Kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020 đã đề ra mục tiêu chung đó là: Nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện. Trong đó, hoàn thiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình phù hợp với thực tiễn Việt Nam, ưu tiên phát triển mô hình gắn với trạm y tế; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy về hoạt động của bác sĩ gia đình; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y học gia đình; Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh.

Về kế hoạch năm 2016, tiếp tục kiện toàn, thành lập phòng khám bác sĩ gia đình tại 8 tỉnh, thành phố thí điểm, Ngoài 8 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương nếu có điều kiện và nhu cầu triển khai phòng khám bác sĩ gia đình cần xây dựng kế hoạch trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và báo cáo Bộ Y tế để tổ chức thực hiện theo đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Y tế, các địa phương, các chuyên gia y tế cộng đồng đã tiến hành thảo luận về việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình như: Các vấn đề về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, cơ chế hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng để triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển phòng khám bác sĩ gia đình cần phải rà soát lại tổng thể các quy định, chỗ nào khó phải tháo gỡ khó khăn để đạt được mục đích cuối cùng là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là phải quan tâm đến cơ sở, đến vùng nông thôn miền núi. Bên cạnh đó, cần xem xét tạo điều kiện cho các bác sĩ ở các trạm y tế, ngoài thời gian khám chữa bệnh bình thường tại trạm, có thời gian khám bệnh ngoài giờ để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Về lĩnh vực chuyên môn ngành Y tế cần khảo sát, triển khai tập huấn trước, khi chính sách đã rõ rồi mới tổ chức thực hiện.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sau Hội nghị này, Bộ Y tế và các địa phương cần có cơ chế phù hợp và xem xét lại lộ trình triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đã đề ra.

484 lượt xem
Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h