Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái: Kết quả bước đầu triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

29/07/2016 07:36:01 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là làm thay đổi căn bản về bản chất của sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chuyển từ thụ động sang chủ động; tiếp tục đổi mới nền sản xuất nông nghiệp nhằm đưa tới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Đồng chí Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT (Người đứng thứ hai từ bên trai sang) kiểm tra tiến độ thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà tại huyện Yên Bình

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Hội đồng Nhân dân tỉnh, ngày 10 tháng 6 năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 992/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ các cây trồng, vật nuôi có lợi thế.

Việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa được thực hiện trên cơ sở tiến hành xây dựng các Đề án cho các lĩnh vực, cây trồng, vật nuôi cụ thể để gắn thực hiện với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó tập trung vào các cây con thế mạnh, có tiềm năng phát triển, có lợi thế, để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và được cụ thể hóa trong 8 Đề án gồm: (1) Đề án phát triển chăn nuôi; (2) Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản; (3) Đề án phát triển cây ăn quả có múi; (4) Đề án phát triển chè vùng cao; (5) Đề án phát triển ngô Đông trên đất 2 vụ lúa; (6) Đề án phát triển cây Quế; (7) Đề án phát triển cây măng tre Bát độ; (8) Đề án phát triển cây Sơn tra.

Xác định triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phải gắn với quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đồng thời, ban hành Kế hoạch hành động và tuyên truyền, phổ biến trong toàn ngành; Thành lập Tổ điều chỉnh các quy hoạch ngành; Tổ xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; Tổ hướng dẫn xây dựng nông thôn mới; Tổ chỉ đạo thực hiện khảo nghiệm giống cây trồng; Tổ xây dựng đề án, phương án sắp xếp tổ chức, bộ máy của ngành để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kết luận số 82 của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với ngành. Hiện nay, các tổ đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, tham mưu, xây dựng các văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Để định hướng nội dung, giải pháp và lộ trình tái cơ cấu trong từng lĩnh vực cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu đối với Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án tái cơ cấu thuộc các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến nông lâm thủy sản. Các sản phẩm chủ lực được tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư phát triển và đạt kết quả bước đầu khá khả quan, tăng lên đáng kể cả về diện tích và quy mô, điển hình như:

1) Đề án phát triển chăn nuôi: các hộ dân đã đăng ký thực hiện 262 cơ sở/kế hoạch 81 cơ sở chăn nuôi trâu bò; 233 cơ sở/ kế hoạch 90 cơ sở chăn nuôi lợn; 56 cơ sở/34 cơ sở chăn nuôi gia cầm. Trung tâm Giống vật nuôi đã xây dựng 3 mô hình chăn nuôi bò BBB tại các huyện Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn.

2) Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản: các hộ dân đã đăng ký thực hiện 193 cơ sở/kế hoạch 76 cơ sở nuôi cá lồng; 45 cơ sở/kế hoạch 25 cơ sở nuôi cá eo ngách và chuyển đổi 20 ha đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.

3) Đề án phát triển cây ăn quả có múi: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì cùng Ủy ban nhân dân các huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình để phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu rau, quả Trung ương) để bàn về các giải pháp thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh; đến nay đã cung ứng giống cho 3 huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình trồng theo Đề án với diện tích là 594 ha/kế hoạch 400 ha. Việc chuẩn bị nguồn giống để chủ động sản xuất được quan tâm, các huyện đang tiến hành điều tra, bình tuyển cây đầu dòng, xây dựng vườn ươm cây đầu dòng và vườn ươm nhân giống cây ăn quả tại chỗ. Huyện Lục Yên dự kiến bình tuyển được 20 cây đầu dòng, đã chuẩn bị mặt bằng vườn ươm và ươm được 7.000 gốc ghép; huyện Văn Chấn đã chuẩn bị mặt bằng vườn ươm quy mô 0,3 ha; huyện Trấn Yên dự kiến bình tuyển 20 cây đầu dòng, đã ươm được 20.000 gốc ghép.

4) Đề án phát triển cây quế: Toàn tỉnh đã trồng được 3.334 ha/1.100 ha theo kế hoạch trong sản xuất vụ Xuân, vượt 3 lần kế hoạch đề ra.

5) Đề án phát triển cây măng tre Bát Độ: Toàn tỉnh đã trồng được 349,8 ha/500 ha theo kế hoạch. Diện tích chủ yếu tập trung tại huyện Trấn Yên, Lục Yên và Yên Bình.

6) Đề án phát triển cây Sơn tra: Đã tổ chức gieo ươm 1,471 triệu cây giống (trong đó: huyện Mù Cang Chải 1,015 triệu cây, huyện Trạm Tấu 0,456 triệu cây) đảm bảo đủ số lượng cây giống cho kế hoạch trồng mới 850 ha theo kế hoạch đề án năm 2016.

Kết quả bước đầu thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với triển khai thực hiện các chính sách, mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh, huy động mọi nguồn lực, triển khai tích cực mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tiếp tục triển khai các vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực (vùng Măng tre Bát Độ, vùng cây ăn quả có múi, vùng Quế, vùng Sơn Tra, chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản...) nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.

 

588 lượt xem
(Theo Trang TTĐT Sở Nông nghiệp &PTNT)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h