Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Vượt lên nỗi đau da cam

08/08/2016 06:11:11 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng hậu quả từ chất độc da cam để lại vẫn gây nên bao nỗi đau, mất mát cho nhiều người lính và các thế hệ con cháu của họ. Vượt lên nỗi đau của “Vết thương không chảy máu”, trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính, đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương mà cựu chiến binh Vũ Xuân Túc ở thôn 6 xã Yên Hưng, huyện Văn Yên là một điển hình.

Gia đình bệnh binh Vũ Xuân Túc ở thôn 6 xã Yên Hưng, huyện Văn Yên.

Năm 1971 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh thanh niên Vũ Xuân Túc vừa tròn 18 tuổi rời quê hương Yên Hưng lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Miền Đông Nam Bộ. Đất nước thống nhất, năm 1976 ông Túc được phục viên trở về quê hương, mang theo trong mình một mảnh đạn và “vết thương không chảy máu”, đó là nhiễm chất độc da cam trong cơ thể mà không hay biết. Sau khi xây dựng gia đình với bà Lương Thị Mận, niềm ao ước lớn nhất của ông Túc và người vợ là sinh ra những người con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, sau này trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Năm 1978, niềm vui đến với vợ chồng ông Túc khi cô con gái đầu lòng Vũ Thị Thắm ra đời mạnh khỏe, bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng niềm hạnh phúc của hai vợ chồng vừa chớm nở đã vội tàn, khi cô con gái đầu lòng đến tháng thứ 6 thường xuyên bị sốt, co giật rồi câm điếc, đến 4 tuổi mới biết đi. Tiếp sau đó là những bất hạnh dồn dập, cô con gái thứ hai sinh năm 1982 bị thiểu năng trí tuệ, cậu con trai thứ ba sinh năm 1985 thì bị động kinh. Số phận nghiệt ngã đã làm cho 3 người con của ông Túc bị nhiễm chất độc da cam từ bố truyền sang. Bỏ biết bao công sức đưa con đi chạy chữa không hiệu quả, hai vợ chồng ông từng khóc cạn nước mắt nhưng rồi nghĩ đến tương lai của các con, ông bà đành nén nỗi đau, chấp nhận đương đầu với hiện tại để vươn lên.  Niềm an ủi duy nhất cho vợ chồng ông Túc là cô con gái thứ tư sinh năm 1989 là Vũ Thị Xiêm hoàn toàn khỏe mạnh và phát triển bình thường.

Quá buồn trước nỗi đau của mình và các con, bản thân ông Túc thường xuyên bị vết thương hành hạ, cuộc sống thì vô cùng khó khăn bởi phần lớn thời gian  dành chăm sóc 3 đứa con bệnh tật khiến cuộc sống của gia đình ông Túc rơi vào bế tắc và đói nghèo, lo ăn đã khó, lại phải lo tiền thuốc thang chữa bệnh cho con. Hàng ngày vợ chồng ông phải bón cho các con ăn, dọn vệ sinh, tắm rửa cho từng đứa.  Cô con gái cả Vũ Thị Thắm nay đã 38 tuổi nhưng cũng không thể tự mình làm vệ sinh cá nhân hay tự ăn uống. Cô con gái thứ hai là Vũ Thị Tươi, năm nay 35 tuổi có lớn nhưng chẳng có khôn, lúc nào cũng ngơ ngơ, ngẩn ngẩn cười nói, còn cậu con trai thứ ba là Vũ Đình Châu năm nay 30 tuổi thì dở điên, dở khùng suốt ngày đập phá đồ đạc trong nhà, rồi đi lang thang ngoài đường. Có lúc ông Túc tưởng chừng đã gục ngã bởi nỗi đau quá lớn của gia đình. Nhưng với ý chí kiên cường của người lính đã được tôi luyện trong chiến tranh cộng với sự hỗ trợ của địa phương đã không cho phép ông đầu hàng số phận. Nén nỗi đau vào lòng, bệnh binh Vũ Xuân Túc cố gắng làm lụng và động viên vợ nuôi các con khôn lớn. Ông Túc chia sẻ: Là người lính Cụ Hồ đã từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, tuy mang trong mình di chứng của chiến tranh nhưng tôi luôn cảm thấy mình còn may mắn hơn bao đồng đội đã ngã xuống. Lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế” đã thôi thúc tôi phải cố gắng vươn lên làm ra của cải, phát triển kinh tế gia đình để chăm lo cho các con.

Không ỷ lại trông chờ vào chế độ, ông Túc quyết tâm không thể gục ngã mà phải lao động để vươn lên thoát nghèo và có tiền để chữa bệnh cho con. Sức khỏe yếu do ảnh hưởng của chất độc da cam, ông đã mày mò, tìm mô hình phát triển kinh tế phù hợp với sức khỏe của mình và điều kiện gia đình. Ngoài một mẫu ruộng cấy giống lúa Chiêm Hương chất lượng cao, ông Túc còn trồng 2 ha keo, bồ đề, quế xen sắn cao sản. Với quan điểm “Tấc đất, tấc vàng”, mỗi một vuông đất trong vườn, đồi nhà ông Túc luôn được trồng xen một cách hợp lý, vừa nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích vừa đỡ mất thời gian làm cỏ. Tận dụng nguồn đất trống ở ven chân đồi, ông Túc trồng chuối. Những nơi đất ẩm ướt như bờ ruộng, bờ suối được trồng loại khoai chè có giá trị kinh tế cao. Tất cả các khoảng đất trống ở quanh nhà, trên nương, ven đường đi đều được ông Túc trồng cỏ voi để nuôi trâu. 3 sào đất vườn được ông Túc trồng ngô khoai, sắn để có nguồn lương thực chăn nuôi lợn, gà, ngan, trồng rau để cải thiện bữa ăn gia đình và trồng cây thuốc  để phục vụ bà con trong thôn xóm và chữa bệnh cho các con. Để tăng năng suất cây trồng vật nuôi, ông Túc luôn học hỏi kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng bệnh cho cây trồng vật nuôi từ cán bộ khuyến nông, qua ti vi, đài, báo để từ đó áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.  Nhờ vậy, năng suất lúa và hoa màu của nhà ông luôn cao nhất, nhì xã Yên Hưng.

Với mô hình VAC kết hợp, mỗi năm gia đình ông Túc có thu nhập trên 80 triệu đồng. Khoản thu nhập này không phải là lớn so với các gia đình bình thường khác, nhưng đối với một nạn nhân của chất độc da cam như  ông Túc thì đó là một sự cố gắng lớn. Cùng với sự nỗ lực của bản thân, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hiện nay ông Túc được trợ cấp 1.700.000 đồng/tháng, ba người con cũng được hỗ trợ 1.300 nghìn đồng/người/tháng. Khoản trợ cấp này đã giúp gia đình ông Túc có thêm điều kiện chăm lo cho 3 người con bị tật nguyền được sống an lành và nuôi cô con gái út là Vũ Thị Xiêm ăn học. Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp y tế đã được Trung tâm Y tế Văn Yên đã ưu ái nhận Xiêm vào làm việc, tạo điều kiện cho em tiếp tục học đại học. Thương bố mẹ vất vả, thương các anh chị tật nguyền, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, Vũ Thị Xiêm luôn dành thời gian để giúp đỡ bố mẹ và chăm sóc các anh chị của mình. Hiện em đã xây dựng gia đình và học Đại học Y khoa năm thứ 3, nghị lực của bố luôn là tấm gương để em phấn đấu vươn lên trở thành một cán bộ y tế giỏi.

Bằng nghị lực và ý chí của mình, bệnh binh Vũ Xuân Túc đã phát huy được phẩm chất người lính Cụ Hồ trên trận tuyến mới, trận tuyến xóa nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ông Trần Công  Lập - Chủ tịch UBND xã Yên Hưng, huyện Văn Yên cho biết: Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn bởi 3 đứa con bị tật nguyền do di chứng của chất độc da cam, nhưng đồng chí Túc luôn cố gắng vươn lên vượt qua nỗi đau, là người có ý chí nghị lực, biết tính toán để  phát triển kinh tế gia đình, sống trách nhiệm với con cái. Trong các phong trào tại địa phương đồng chí Túc luôn là một Đảng viên gương mẫu, một tấm gương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hàng năm đều được công nhận gia đình văn hóa, được cấp ủy, chính quyền tặng nhiều giấy khen trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Vượt qua nỗi đau da cam từ chiến tranh, bệnh binh Vũ Xuân Túc đã vươn lên sống có ích cho gia đình và xã hội, ông thật xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”./.

475 lượt xem
Hồng Vân: Đài TT - TH Văn Yên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h