Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai: Triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3

18/08/2016 15:48:53 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngày 18/08, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp trực tuyến để triển khai các biện pháp ứng phó với Bão số 3.

Điểm cầu Yên Bái

Tham dự cuộc họp còn có các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các cơ quan liên quan; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan liên quan thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra.

Về phía tỉnh Yên Bái, dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và lãnh đạo các ngành thành viên.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết cơn bão số 3 có diễn biến khá phức tạp, hướng đi của bão có thể thay đổi và diễn biến khó lường. Gần khu vực bão liên tục xuất hiện áp thấp kể cả gần bờ và ven tâm bão. Do ảnh hưởng của bão, từ chiều nay 18/8 đến hết ngày 20/8 sẽ xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với lượng mưa từ 200 - 300mm, có nơi trên 500 mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; ngập úng ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng trũng thấp ở Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực phía Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao 2-4m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, ngày 16/8/2016, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã ban hành các công điện gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão và mưa, lũ. Ngay trong chiều 17/8/2016, Bộ trưởng - Trưởng ban đã chủ trì cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3. Các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Y tế, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã có công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão và mưa, lũ. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã thường xuyên theo dõi và thông tin về diễn biến của bão, mưa lũ đến thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị đã chủ động theo dõi diễn biến bão, mưa lũ để triển khai các biện pháp phòng tránh. Trong đó các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định đã có Công điện chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3 và mưa, lũ; các tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị đã có báo cáo nhanh về công tác triển khai ứng phó với bão.

Tại hội nghị, một số địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng mạnh từ cơn bão như Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Lào Cai đã báo cáo tình hình chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3. Đồng thời có một số đề nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về một số vấn đề như cần thông tin về cơn bão với mật độ dày đặc hơn nữa trên các phương tiện thông tin đại chúng, thành lập các đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế tại một số địa phương xung yếu…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh cơn bão số 3 được hình thành với diễn biến phức tạp. Theo dự báo cơn bão sẽ đổ bộ vào đất liền Việt Nam trong khoảng trưa và chiều ngày mai. Ngay khi có thông tin về cơn bão, Ban Chỉ đạo trung ương cùng các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực trong việc sơ tán, di chuyển người dân, tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm. Do tính chất phức tạp của cơn bão, dự kiến sẽ đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian xảy ra triều cường nên sẽ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các tuyến đê biển và nguy cơ xảy ra ngập úng ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Thêm vào đó, trong thời gian qua đã liên tục xảy ra mưa vừa, mưa to nên sẽ dễ dẫn đến nguy cơ sạt lở đất ở các vùng núi cao. Vì vậy, để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản ở những địa phương có bão đi qua, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cần tăng cường theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ; thường xuyên cập nhật thông tin đến các Bộ ngành, địa phương để chủ động phòng, tránh.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài thông tin Duyên Hải và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương cần tăng cường thời lượng phát sóng, thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa và khu vực bãi ngang ven sông, ven biển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; tổng kiểm tra hệ thống trạm bơm, kênh tiêu; chỉ đạo vận hành hệ thống công trình thủy lợi để chống ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp; sẵn sàng các giải pháp kỹ thuật, chuẩn bị dự phòng giống cho sản xuất nông nghiệp kịp thời khắc phục hậu quả sau bão, lũ.

Bộ Công Thương chỉ đạo việc tổng rà soát hệ thống điện lưới để đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất, tiêu nước chống úng, dân sinh trước, trong và sau bão; có phương án đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu cho các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng; chủ động phương án đảm bảo an toàn các hầm mỏ, hồ chứa thủy điện.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo việc đảm bảo an toàn các tàu vận tải, kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn; kiểm tra, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để khắc phục các sự cố sạt lở đường giao thông có thể xảy ra.

Bộ Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo an toàn hồ đập, hướng dẫn các địa phương biện pháp để đảm bảo các công trình dễ bị hư hỏng khi có thiên tai xảy ra.

Bộ Y tế cần chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, đề phòng dịch bệnh có thể xảy ra trong và sau mưa lũ, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn phối hợp cùng với chính quyền địa phương tổ chức sơ tán dân, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; căn cứ tình hình thực tế tổ chức triển khai lực lượng phương tiện bảo vệ các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ sau bão, đồng thời chỉ đạo rà soát các phương án và sẵn sàng ứng phó với các kịch bản bất lợi có thể xảy ra với tinh thần quyết liệt nhất.

623 lượt xem
Thu Nga

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h