Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái: Dưỡng sức dân, bền sức mạnh

20/09/2016 09:53:47 Xem cỡ chữ Google
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã qua thời gian 5 năm. Ý nghĩa hết sức tốt đẹp của chương trình là người nông dân có một cuộc sống chất lượng hơn, kinh tế phát triển, văn hóa lành mạnh, an ninh giữ vững, chính trị ổn định.

Thôn 6, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã lắp đặt xong 15 bóng điện chiếu sáng trên nhánh đường Bồ Đề dài 700 mét từ nguồn kinh phí nhân dân tự đóng góp.

Đảng, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ đối với chương trình mang tính chất lâu dài này, còn người dân chính là chủ thể xây dựng NTM. Vì thế, sức dân cần phải được huy động ở mức độ không hề nhỏ. Cũng vì mức độ không hề nhỏ ấy, nên cần quan tâm dưỡng sức dân. Để có thể dưỡng sức dân thì rất cần tránh vội vàng, không quá sức.

Đạt chuẩn NTM thực ra là việc công nhận quá trình một xã hoàn thành 19 tiêu chí đề ra theo yêu cầu. Vậy thì sau “đích đến” ấy, cuộc sống người dân ra sao? Có lẽ cần suy nghĩ, cần quan tâm hơn nữa. NTM, dân xây dựng, dân thụ hưởng. Người dân sẽ thực sự trọn vẹn niềm vui khi hoàn thành xây dựng NTM với chất lượng cuộc sống nâng cao một cách bền vững, phát triển.

Xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên phấn đấu đến cuối năm 2016 sẽ đạt chuẩn NTM. Hiện nay, địa phương đã đạt 15/19 tiêu chí. Đồng chí Chu Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã chia sẻ quan điểm của địa phương khi tiến hành triển khai xây dựng NTM là “Không làm gì quá sức dân”.

Với cách thức một chính sách hỗ trợ gắn liền cùng trách nhiệm, người dân Đào Thịnh có cơ hội để đóng góp tiền của hết sức phù hợp, không cố quá. “Kích cầu” và “tiếp lửa” chính là tạo điều kiện giúp nhân dân nâng cao đời sống kinh tế vì chỉ khi có sự “xông xênh” về kinh tế thì họ mới có thể dễ dàng đóng góp xây dựng quê hương, xây dựng NTM theo lý giải của người lãnh đạo này.

Tiết kiệm từ nguồn ngân sách xã để cấp miễn phí giống dâu tằm, hỗ trợ phân bón trả chậm cho người dân các thôn sản xuất nông nghiệp nhằm chuyển đổi đất soi bãi đã đưa đến hiệu quả thiết thực, giá trị thu nhập tăng cao. 9 ha trong tổng số 12,6 ha dâu tằm đã cho 2 tấn sản lượng kén của 6 tháng đầu năm nay đạt trên 170 triệu đồng. Tập trung phát triển ưu thế của các thôn trồng rừng sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng, địa phương tạo điều kiện cho nhân dân mở các cơ sở, hợp tác xã sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng và các sản phẩm từ cây quế thông qua việc quy hoạch mặt bằng sản xuất, tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Thôn 6, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã lắp đặt xong 15 bóng điện chiếu sáng trên nhánh đường Bồ Đề dài 700 mét từ nguồn kinh phí nhân dân tự đóng góp

Khi chỉnh trang Nghĩa trang Gốc Vối cuối năm 2015, xã đã huy động sức dân cùng với việc đóng góp rất “nhẹ nhàng” là 2 tạ xi măng. Dù còn một số hạng mục cần tiếp tục được hoàn thiện, nhưng địa phương quyết định tạm dừng để dành nguồn lực trong dân làm đường giao thông nông thôn năm 2016.

Tâm lý người dân muốn chỉnh trang cảnh quan thôn xóm sạch đẹp, lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng nhưng quan điểm của lãnh đạo xã chỉ đồng ý cho các thôn thực hiện trên cơ sở dự liệu kỹ lưỡng, cụ thể theo từng thời điểm phù hợp, không gấp gáp, không dồn dập để người dân lúc nào cũng đều đều, vừa sức với các khoản đóng góp.

Mùa hoa bưởi tháng Giêng, người dân Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình vui mừng khởi công xây dựng nhà văn hóa thôn. Không thể nói rằng ai vui hơn ai, nhưng có một niềm vui dường như lặng thầm, giản dị mà lại rất đỗi sâu xa của Trưởng thôn Trần Quang Khải. Ông nhận chức Trưởng thôn Khả Lĩnh năm 2011. Chỉ một năm sau đó, xã phát động phong trào xây dựng nhà văn hóa ở các thôn. Thì ai chả “thèm” có chốn để họp hành, gặp gỡ, giao lưu... chứ đâu muốn phải phiền hà, nhờ vả bất cứ gia đình nào.

Nhưng mà suy đi ngẫm lại, ông vẫn phải lắc đầu cương quyết nói “Không” dù lãnh đạo xã không ít lần vận động. Cái lý của Trưởng thôn Khả Lĩnh đơn giản thế này thôi: “Tôi không cần thành tích. Tôi không cần giấy khen. Thành tích làm gì, giấy khen làm gì khi người dân phải vay nợ để đóng góp”.

Thực ra bấy giờ, nếu xây nhà văn hóa, mỗi hộ sẽ phải góp chừng 2 triệu đồng. Xét kỹ toàn bộ các hộ, ông áng khoảng một phần ba số hộ sẽ phải vay nợ. Rất dễ hiểu vì đất ruộng thì quá ít ỏi, cây bưởi Khả Lĩnh nổi tiếng là thế, song đã nhiều năm mất mùa liên tục, nói sao không khó cho được!

Ông thì cứ tâm niệm, kiểu gì thì dần dà cây bưởi cũng sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ cho mỗi gia đình, đợi một chút cũng đâu muộn. Mong sao được vậy, thực tế đã đem lại điều ấy cho ông Trưởng thôn Khả Lĩnh. Vụ bưởi năm 2014, cả thôn “đút túi tiền tươi” gần 2 tỷ đồng, vụ 2015 là 2,3 tỷ đồng và vụ này cũng cỡ 3 tỷ đồng.

Đầu năm nay, động thổ nhà văn hóa, cùng kêu gọi sự ủng hộ của những người con xa quê, mỗi hộ chỉ đóng góp 1 triệu đồng. Ông cười sung sướng: “Miễn cho 4 hộ có hoàn cảnh khó khăn, chỉ có 3 hộ hơi “loay hoay” tý, còn lại 60 hộ thì cứ gọi là dễ như bỡn, có hộ lại còn đóng thêm, chúng tôi thuê làm hết cả. Ai cũng thoải mái mà như thế tôi cũng mới thật mừng!”. Dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, Khả Lĩnh chính thức khánh thành hội trường thôn đẹp đẽ, khang trang.

Dưỡng sức dân, bền sức mạnh - bài học muôn đời chưa cũ!

416 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h