Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Nâng cao giá trị sản phẩm quế Văn Yên

03/10/2016 16:03:16 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Với trên 40.000 ha quế, huyện Văn Yên đã trở thành vùng chuyên canh quế lớn nhất, nhì cả nước. Cây quế không chỉ gắn bó máu thịt với người dân nơi đây, mang lại giá trị kinh tế to lớn mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc.

Niềm vui trong mùa thu hoạch quế của đồng bào Dao Văn Yên

Vùng trồng quế của Văn Yên tập trung ở 8 xã vùng cao, là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Dao với nghề trồng quế lâu đời như Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Tân Hợp, Viễn Sơn và Đại Sơn. Với vị trí nằm trong vùng chuyển tiếp giữa địa hình núi cao và đồng bằng thấp ven sông Hồng, các xã này được thiên nhiên ưu đãi cho điều kiện khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây quế. Từ đó vùng trồng quế đã được hình thành và gắn liền với cuộc sống của người Dao vùng cao Văn Yên. Ông Triệu Tiến Bảo - Người dân xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên cho biết: “Cây quế với người Dao Văn Yên luôn đồng hành và không thể tách rời. Người Dao chúng tôi trồng Quế từ rất lâu đời trên đất Văn Yên. Bản thân tôi sinh ra và lớn lên cũng từ cây quế. Cây quế là nguồn thu chủ yếu của gia đình, dòng họ nhà tôi nói riêng, của người Dao đỏ huyện Văn Yên nói chung.

Với sự gắn bó khăng khít như vậy, đồng bào dân tộc Dao Văn Yên đã đúc rút ra những kinh nghiệm riêng trong việc trồng và khai thác quế. Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trồng quế, ông Bàn Kim Vạn ở thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn cho biết: “Cây quế được chúng tôi trồng gối nhau trong rừng để khi cây này được thu hoạch thì cây kia bắt đầu lớn. Nhờ vậy, rừng quế quanh năm cho thu hoạch và có thể trồng mới xen canh. Thông thường cây quế cứ trồng từ 5 đến 7 năm thì được thu. Hàng năm, cây quế sẽ cho thu hoạch 2 vụ là vào tháng 3 và tháng 8. Vỏ quế được thu hoạch bằng cách dùng dao sắc khoanh vòng trên thân quế, sau đó dùng một thanh tre mỏng tách nhẹ vỏ quế ra khỏi thân để hai đầu và mép của thanh quế hạn chế dập nát khi khai thác. Sau khi thu hoạch vỏ quế được bảo quản bằng cách phơi khô tự nhiên dưới bóng râm hoặc dưới nắng nhạt, tránh nắng gắt. Ban đêm phơi sương cho quế được mềm dẻo dễ uốn”.

Nhờ những kinh nghiệm trồng và khai thác đặc trưng như vậy nên cây quế Văn Yên được đánh giá là có hàm lượng tinh dầu lớn, chất lượng tốt. Các sản phẩm quế Văn Yên đã có danh tiếng trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, sản phẩm quế Văn Yên được xuất khẩu và để lại danh tiếng trên thị trường các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Băng La đét, các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Sản phẩm quế Văn Yên cũng đã được nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền đối với chỉ dẫn địa lý trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Để cây quế có sức cạnh tranh trên thị trường, huyện Văn Yên đã tập trung chỉ đạo duy trì diện tích trồng quế, đặc biệt là đối với các vùng quế đã được chứng minh và cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quan tâm phát triển diện tích quế trồng trong vùng có thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình phù hợp, bảo đảm thực hiện trồng cây có nguồn giống tốt. Bên cạnh đó huyện cũng đề nghị tỉnh cho phép và chỉ đạo thành lập Hội sản xuất chế biến và kinh doanh quế Văn Yên để thống nhất quản lý các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh quế trên địa bàn. Với vai trò của mình, Hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các hội viên trong từng khâu, từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao giá trị các sản phẩm từ quế, tạo ra sự liên kết giữa bốn nhà (nhà nông - nhà khoa học - nhà quản lý - doanh nghiệp) trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm quế. Tuy nhiên, việc hợp tác giữa 4 nhà còn chưa đáp ứng được tiềm năng sản xuất và kinh doanh quế trên địa bàn. Nhà nông vẫn còn trồng quế chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống, nhà quản lý đã có nhiều chính sách nhằm phát triển cây quế tuy nhiên vẫn còn những tồn tại trong việc quản lý chất lượng, xúc tiến thương mại, mời gọi các nhà đầu tư, chưa có nhiều công trình nghiên cứu sâu về trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản sản phẩm quế, vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp éo giá nông dân… vì vậy chưa thực sự phát huy tác dụng trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm về quế.

Trong thời gian tới, để nâng cao giá trị sản phẩm từ quế, ông Nguyễn Văn Tám - Phó Chủ tịch Hội sản xuất chế biến và kinh doanh quế Văn Yên cho biết: “Chúng tôi đã tập trung vào việc phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân duy trì và phát triển diện tích trồng quế, thực hiện canh tác theo quy trình trồng, chăm sóc bảo vệ nguồn gien quế địa phương. Tăng cường sự liên kết giữa bốn nhà (nhà nông - nhà khoa học - nhà quản lý - doanh nghiệp) trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm quế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có kiến nghị với chính quyền địa phương ưu tiên phát triển giao thông nông thôn để tạo thuận lợi cho người dân trong việc vận chuyển sản phẩm quế đi tiêu thụ; thực hiện khảo sát các thị trường trong và ngoài nước, sẵn sàng cộng tác với các bạn hàng, đáp ứng nhu cầu cho khách hàng và bảo đảm chất lượng của sản phẩm. Xây dựng những mô hình thu mua sản phẩm có đủ khả năng đáp ứng tốt với thị trường, có cơ chế cạnh tranh lành mạnh, tạo chính sách thu hút đầu tư, định hướng phát triển cho cây quế”.

692 lượt xem
Thu Nga

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h