Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Tập trung đầu tư phát triển mạnh du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh

31/01/2017 07:35:18 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong những năm qua tỉnh Yên Bái đã có nhiều chủ trương và giải pháp cụ thể để phát triển du lịch, nhất là tạo cơ chế thuận lợi, thu hút đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Để giúp quý vị và các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về bức tranh du lịch của tỉnh Yên Bái và những chủ trương của tỉnh về phát triển du lịch, Cổng Thông tin điện tử đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Hồ Thác Bà - Điểm du lịch sih thái nghỉ dưỡng lý tưởng.

* PV: Thưa đồng chí! Thưa đồng chí! Xin đồng chí cho biết những tiềm năng, thế mạnh về du lịch ở Yên Bái? Trong những năm qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh để khai thác những thế mạnh, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh như thế nào?

 * Đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái:

 

 

 

 

 

 

 

Đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái.

Nằm trong khu vực miền núi Tây Bắc Việt Nam, tỉnh Yên Bái được đánh giá là địa phương có tiềm năng để phát triển du lịch. Sự đa dạng về thiên nhiên kết hợp với truyền thống văn hóa lâu đời đã tạo cho  Yên Bái lợi thế trong phát triển du lịch. Yên Bái đã được biết đến với các địa danh như Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải kỳ vĩ, được tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bầu chọn là một trong những hệ thống ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới; hồ Thác Bà - một biển hồ trong lòng Tây Bắc; Vùng văn hóa Mường Lò - chứa đựng sự đằm thắm dịu dàng, quyến rũ của văn hóa dân tộc Thái; Đền Đông Cuông, Nhược Sơn, Tuần Quán, Chùa Am nổi tiếng linh thiêng… Ngoài ra, với vị trí nằm trên trục hành lang kinh tế: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Yên Bái có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch và đa dạng hoá các sản phẩm du lịch.

Trên cơ sở phát huy tiềm năng và lợi thế ca tỉnh, trong những năm qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh Yên Bái ban hành Nghị Quyết, Kế hoạch và Quy hoạch trong đó tập trung đầu tư vào bốn vùng du lịch trọng điểm: Vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; Vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận; Vùng du lịch Miền Tây của tỉnh; Vùng du lịch Trấn Yên và Văn Yên, ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng tại các khu du lịch trọng điểm như Mù Cang Chải, Hồ Thác Bà, Suối Giàng, Nghĩa Lộ ... Tổ chức các sự kiện thường niên như Tuần Văn hóa Du lịch Mường Lò; Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Yên Bái và thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, với mục tiêu cùng với các tỉnh Tây Bắc Yên Bái sẽ là một trong những điểm đến ấn tượng và thân thiện.

* PV: Xin đồng chí cho biết những điểm nhấn trong hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua? Một số kết quả nổi bật mà ngành du lịch tỉnh đạt được trong năm 2016?

* Đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái:

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến tiềm năng, thế mạnh về du lịch được quan tâm, hình thức tuyên truyền đa dạng: quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Yên Bái, các tỉnh bạn và Trung ương. Năm 2016 đã xây dựng đề cương cuốn sách giữa tỉnh Yên Bái (Việt Nam) và tỉnh Val de Maner (Cộng hòa pháp), Xuất bản 2.000 tập gấp giới thiệu về lễ hội truyền thống tỉnh Yên Bái; 2.000 tập gấp du lịch Mù Cang Chải; 1.500 tập gấp du lịch miền tây Yên Bái; 1.500 cuốn sách Du lịch Yên Bái, song ngữ Việt - Anh; sản xuất 200 đĩa DVD, VCD giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư du lịch của tỉnh; đăng bài trên tạp chí Viet Nam Today bằng tiếng Anh... giới thiệu hình ảnh, con người Yên Bái, những tiềm năng thế mạnh của tỉnh đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Thông qua tổ chức các sự kiện lớn như Tuần Văn hóa, Du lịch Mường Lò; Lễ hội danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Lễ hội Quế Văn Yên; Tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng, tiềm năng, giải pháp xây dựng các điểm du lịch cộng đồng kiểu mẫu 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, phối hợp tham gia tại sự kiện, lễ hội như: Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung tại Lào Cai; Hội chợ du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh; Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam tại Hà Nội (VITM); Ngày hội Văn hóa, Thể thao Du lịch các dân tộc Tây Bắc; Triển lãm ảnh đẹp Tây Bắc ... Phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức và đón các đoàn famtrip, mediatrip gồm các doanh nghiệp lữ hành trong nước và ngoài nước, hình ảnh du lịch Yên Bái đã được quảng bá tới đồng bào, du khách trong nước và quốc tế.

Màn đại xòe cổ ở Nghĩa Lộ

Một số kết quả nổi bật ngành du lịch Yên Bái đạt được năm 2016:

Năm 2016 toàn ngành du lịch Yên Bái đón và phục vụ 490.000 lượt khách (tăng 6,1% so với năm 2015 vượt 2,4% so với kế hoạch); doanh thu đạt 250 tỷ đồng (tăng  9,3% so với năm 2015). Trong đó khách quốc tế đạt 22.400 lượt, khách nội địa 467.600 lượt.

Tổ chức thành công Tuần Văn hóa Du lịch Mường Lò; Tuần Văn hóa, Du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được tổ chức từ ngày 15 - 20/9/2015 tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải thu hút gần 30.000 lượt khách du lịch.

Sản phẩm du lịch của tỉnh đang dần hình thành, từng bước được đa dạng và nâng cao chất lượng để khẳng định vị thế đối với du lịch cả nước và tạo tiền đề phát triển du lịch trong giai đoạn tiếp theo như các điểm tham quan di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội, các cảnh quan thiên nhiên, các tuyến du lịch văn hóa tâm linh, khu du lịch sinh thái, khu du lịch nghỉ dưỡng, các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, các làng nghề truyền thống.

* PV: Theo Quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 đã đặt ra những mục tiêu như thế nào thưa đồng chí?

* Đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái:

Với mục tiêu hình thành hệ thống hạ tầng then chốt, đồng bộ về dịch vụ du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Yên Bái... Phấn đấu để đến năm 2025, du lịch Yên Bái có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của vùng và cả nước, tạo tiền đề để đến năm 2030 du lịch Yên Bái cơ bản trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng.

 Mục tiêu cụ thể đó là: Tập trung phát triển 04 vùng du lịch trọng điểm với những sản phẩm đặc trưng theo từng vùng du lịch; 01 khu du lịch quốc gia; 07 khu du lịch cấp tỉnh; 63 điểm du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch cho vùng và toàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2020, đón 700.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 40.000 lượt, tăng trưởng bình quân đạt 8,5%/năm; Năm 2025, đón 1.200.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 90.000 lượt, tăng trưởng bình quân đạt 11,4%/năm; Năm 2020 doanh thu du lịch đạt 428,0 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 17,2 %/năm; Năm 2025 doanh thu du lịch đạt 978,0 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 18,0%/năm.

Về số lượng cơ sở lưu trú du lịch, năm 2020 có 2.500 buồng, hạng 3 sao trở lên đạt 15%; Năm 2025 có 3.600 buồng, hạng 3 sao trở lên đạt 15 %; Đến năm 2020 tạo việc làm cho 6.500 lao động trực tiếp, 6.000 lao động gián tiếp; Năm 2025 tạo việc làm cho 9.000 lao động trực tiếp, 7.500 lao động gián tiếp.

Về tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển du lịch đến 2025 là 11.839 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 là 5.086 tỷ đồng; giai đoạn 2020 - 2025 là 6.753 tỷ đồng.

Góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa; phát triển thể chất, nâng cao dân trí và đời sống tinh thần cho nhân dân, tăng cường đoàn kết các dân tộc; Tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với giữ gìn và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đảm bảo môi trường du lịch là yếu tố hấp dẫn, quyết định chất lượng, giá trị thương hiệu du lịch; Góp phần giữ vững an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

* PV: Để đạt được các mục tiêu trên tỉnh đã đề ra những giải pháp gì? Thưa đồng chí.

* Đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái:

Để thực hiện có hiệu quả những định hướng của quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Yên Bái giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, ngành du lịch tỉnh cần thiết phải thực hiện đồng bộ hệ thống các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, về quản lý, về đầu tư, về thị trường, về tuyên truyền quảng bá, về đào tạo nhân lực, về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch...trong đó các nhóm giải pháp về thể chế, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực giữ vai trò then chốt.

Cụ thể đối với giải pháp về cơ chế, chính sách trên cơ sở Luật Du lịch và các luật liên quan, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu hoàn thiện và áp dụng hệ thống các cơ chế chính sách đặc thù trong các lĩnh vực về đầu tư, về đào tạo nhân lực, thị trường,...nhằm tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư phát triển du lịch Yên Bái.

Đối với giải pháp về phát triển nguồn nhân lực: tiến tới thực hiện tiêu chuẩn hoá đội ngũ quản lý nhà nước về du lịch, có chính sách cử cán bộ trẻ đi đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ; sẵn sàng tiếp nhận và tạo điều kiện cho cán bộ giỏi đang công tác ở các nơi, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của các trường đại học về công tác tại tỉnh. Thu hút chuyên gia giỏi, nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài vào lĩnh vực hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch. Xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cho từng giai đoạn và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực tương ứng. Mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh: Từng bước chuẩn hóa chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo du lịch (Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Yên Bái, Trung tâm dạy nghề Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch, Trường Cao đẳng nghề Yên Bái,..), nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên và gắn đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội; thúc đẩy liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học có uy tín trong nước và quốc tế. Kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch bậc đại học, cao đẳng, trung cấp.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí.

837 lượt xem
Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h