Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ I năm 2017: Nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật

06/05/2017 09:28:30 Xem cỡ chữ Google
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 12/1/2016 về việc tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) từ năm 2017, Tháng hành động lần thứ I được tổ chức từ ngày 1 - 30/5/2017 trên phạm vi toàn quốc.

Người lao động cần chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Để làm rõ hơn mục đích, yêu cầu của Tháng hành động năm nay, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã phỏng vấn đồng chí Lê Văn Lương - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

P.V: Xin đồng chí cho biết mục đích, yêu cầu của Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay?

Đồng chí Lê Văn Lương: Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay có mục đích nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, thực thi có hiệu quả Luật ATVSLĐ, Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đẩy mạnh thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ - phòng chống cháy, nổ (PCCN) trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động; chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp. Yêu cầu của Tháng hành động là bảo đảm thiết thực, hiệu quả, huy động được sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, người lao động trong cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động.

P.V: Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay có chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các TNLĐ và bệnh nghề nghiệp”, vậy những nội dung gì sẽ được tỉnh tập trung triển khai đến các công ty, doanh nghiệp và người lao động, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Văn Lương: Qua các báo cáo tổng hợp, phân tích về TNLĐ chết người trong những năm qua cho thấy một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ TNLĐ xảy ra là do người lao động không được huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng làm việc ATVSLĐ. Công tác huấn luyện ATVSLĐ không chỉ cung cấp các lý thuyết về ATVSLĐ mà cần chú trọng vào việc huấn luyện thực hành, huấn luyện các kỹ năng tự đánh giá rủi ro, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động.

Đó chính là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhằm phòng ngừa và hạn chế các TNLĐ, bệnh nghề nghiệp xảy ra. Với ý nghĩa đó, Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ I năm 2017 sẽ có chủ đề là “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các TNLĐ và bệnh nghề nghiệp”. Để hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ, tỉnh tập trung triển khai các hoạt động cụ thể như sau:

- Các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ-PCCN: xây dựng, gửi, phát các thông điệp, tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền chủ đề, nội dung hoạt động của Tháng hành động (mục đích, ý nghĩa, vai trò của công tác huấn luyện ATVSLĐ…); tuyên truyền về Luật ATVSLĐ, Luật Phòng cháy, chữa cháy. Hướng dẫn huấn luyện ATVSLĐ-PCCN phù hợp với từng nhóm đối tượng; các hướng dẫn cụ thể về các quy trình, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động.

- Các hoạt động kiểm tra, thanh tra về ATVSLĐ: tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành hoặc liên ngành về ATVSLĐ-PCCN trong Tháng hành động. Nội dung kiểm tra, thanh tra tập trung vào các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; việc thực hiện các quy định pháp luật ATVSLĐ-PCCN, công tác huấn luyện ATVSLĐ; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trong các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Khen thưởng về ATVSLĐ-PCCN: tổ chức khen thưởng về ATVSLĐ-PCCN cho các tập thể và cá nhân có những kết quả, thành tích xuất sắc về ATVSLĐ trong năm 2016.

- Tổ chức một số hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ, hoạt động cộng đồng có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động: tổ chức các hoạt động tư vấn, huấn luyện, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động; hướng dẫn xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn; hướng dẫn, tư vấn cải thiện điều kiện lao động; tổ chức các cuộc tọa đàm, đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ-PCCN; về thực thi hiệu quả Luật ATVSLĐ, Luật Phòng cháy, chữa cháy trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ chức khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức một số hoạt động xã hội, cộng đồng lồng ghép về ATVSLĐ như: thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

P.V: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công ty, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm chỉnh Luật ATVSLĐ. Là cơ quan thường trực của tỉnh về lĩnh vực an toàn lao động, vậy ngành đã có những tham mưu, giải pháp gì để giảm thiểu tình trạng tai nạn lao động?

Đồng chí Lê Văn Lương: Triển khai Luật ATVSLĐ nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường hoạt động phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và mở rộng phạm vi, đối tượng của công tác ATVSLĐ được đến mọi người lao động trong cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động; thiết lập chặt chẽ hơn hệ thống kiểm soát rủi ro ở các cấp: nơi làm việc, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân, trong thời gian tới. Với vai trò là cơ quan thường trực của tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các sở, ngành liên quan sẽ tập trung tham mưu triển khai một số giải pháp chính sau:

Một là, tăng cường hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ-PCCN, tăng cường vai trò của tổ chức thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ, bảo đảm cho các đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng máy, thiết bị, vật tư, hóa chất độc hại phải được kiểm tra, thanh tra ít nhất mỗi năm một lần. Triển khai các chiến dịch thanh tra ATVSLĐ-PCCN trong xây dựng và trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, đồng thời cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm ATVSLĐ gây TNLĐ nghiêm trọng.

Hai là, xây dựng và triển khai các mô hình quản lý ATVSLĐ trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phù hợp với các cơ sở lao động trong làng nghề, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo đảm mỗi doanh nghiệp phải có người có chuyên môn phù hợp hoặc được bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về ATVSLĐ. Tại các doanh nghiệp có quy mô từ 300 lao động trở lên phải có biên chế cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hộ lao động tương ứng và phù hợp với số lượng lao động và mức độ nguy cơ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Ba là, phát huy vai trò và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức khác, kể cả của tư nhân vào hoạt động ATVSLĐ trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Bốn là, tập trung xây dựng chương trình hành động, kế hoạch và tổ chức triển khai các chính sách, chương trình, dự án ATVSLĐ-PCCN; tiếp nhận nguồn lực của trung ương và huy động nguồn lực tại chỗ; quản lý nhà nước các hoạt động sự nghiệp ATVSLĐ do trung ương chuyển giao về địa phương;

Năm là, hàng năm tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ nhằm hướng các nội dung được triển khai đầy đủ, toàn diện và cụ thể tại các doanh nghiệp, nơi làm việc. Đồng thời, triển khai các chương trình quốc gia ATVSLĐ giai đoạn 2016 - 2020 và các giai đoạn tiếp theo với các trọng tâm, ưu tiên cho lĩnh vực có nguy cơ cao và khu vực không có quan hệ lao động.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động

Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định tại Điều 7 như sau:

1. Người sử dụng lao động có quyền sau đây:

a) Yêu cầu người lao động (NLĐ) phải chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại nơi làm việc;

b) Khen thưởng NLĐ chấp hành tốt và kỷ luật người lao động vi phạm trong việc thực hiện ATVSLĐ;

c) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật;

d) Huy động NLĐ tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, tai nạn lao động (TNLĐ).

2. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:

a) Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho NLĐ và những người có liên quan; đóng bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ;

b) Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm ATVSLĐ; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ;

c) Không được buộc NLĐ tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra TNLĐ đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của NLĐ;

d) Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;

đ) Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác ATVSLĐ; phối hợp với ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác ATVSLĐ;

e) Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ;

g) Lấy ý kiến ban chấp hành công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ. 

 

 

782 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h