Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Từ cánh đồng một giống

11/05/2017 08:08:15 Xem cỡ chữ Google
Từ lâu, việc xây dựng mô hình thâm canh lúa cùng một giống, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để nâng cao giá trị lợi nhuận trên một đơn vị diện tích được huyện Văn Chấn đặc biệt quan tâm. Đây thực sự là đòn bẩy có tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn kiểm tra mô hình tại xã Phù Nham.

Là một huyện miền núi, Văn Chấn có địa hình khá phức tạp với diện tích trên 120.758 ha, chia thành 3 tiểu vùng kinh tế. Vùng ngoài gồm 9 xã, thị trấn có lợi thế về phát triển vườn đồi, vườn rừng và trồng lúa nước. Vùng thượng huyện gồm 10 xã, có độ cao trung bình 600 m trở lên so với mực nước biển, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, chăn nuôi gia súc.

Vùng trong (vùng cánh đồng Mường Lò) gồm 12 xã tương đối bằng phẳng, có cánh đồng Mường Lò rộng trên 2.400 ha, đứng thứ 2 trong 4 cánh đồng rộng và đẹp của vùng Tây Bắc, khí hậu nơi đây ôn hòa, có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc canh tác lúa nước do đất đai bằng phẳng, chủ động nguồn nước tưới tiêu, đây cũng là vùng lòng chảo không bị khuất bóng mặt trời, số giờ chiếu sáng trong ngày cao nên chất lượng gạo ngon hơn so với các khu vực khác. Bởi vậy, đã có câu ca: "Muốn ăn gạo trắng nước trong/  Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò".

Đồng chí Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết, tuy có nhiều lợi thế để sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao nhưng do tập quán canh tác của người dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, họ trồng nhiều loại giống lúa trên một diện tích nên khó khăn trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại, giá trị sản xuất chưa cao.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng cánh đồng Mường Lò trong việc sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao nhằm mục đích nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác theo hướng an toàn, bền vững theo chuỗi giá trị, hướng tới xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô lớn, có thương hiệu trên thị trường, UBND huyện Văn Chấn triển khai xây dựng mô hình "Cánh đồng một giống, sản xuất lúa Séng cù ở vụ đông xuân năm 2016 – 2017”. Mô hình thực hiện ở 2 xã Thanh Lương và Phù Nham, diện tích 100 ha với 369 hộ tham gia.

Ngay sau khi có Quyết định số 3707 ngày 23/12/2016 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt kinh phí thực hiện mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo phương thức cánh đồng một giống vụ xuân 2016 – 2017, UBND huyện Văn Chấn đã tổ chức họp và chỉ đạo 2 xã Thanh Lương và Phù Nham thực hiện mô hình này. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã ký hợp đồng mua 4.500 kg giống lúa Séng cù của Trung tâm Giống cây trồng - Vật nuôi tỉnh về cấp cho bà con.

Ngay sau khi nhận được lúa giống, UBND xã Thanh Lương và Phù Nham đã giao cho các tổ hợp tác phát giống cho các hộ để tiến hành ngâm ủ theo lịch gieo cấy của huyện. Căn cứ vào tình hình diễn biến của các đối tượng sâu, bệnh hại, Phòng đã tổ chức 2 lần cấp thuốc bảo vệ thực vật để các hộ phun kịp thời phòng trừ bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn và bệnh đạo ôn cổ bông gây hại.

Đồng chí Phùng Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã Phù Nham cho biết: "Xã thực hiện cánh đồng một giống, sản xuất lúa Séng Cù tại 4 thôn là: Cầu Thia, Bản Tèn, Bản Lọng và Năm Hăn 1 với diện tích 40 ha. Đến thời điểm này, lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một số diện tích lúa sinh trưởng và phát triển kém do người dân theo tập quán gieo mạ sớm, không theo lịch gieo cấy chung của huyện, gặp thời tiết ấm nên xảy ra tình trạng mạ già, thời gian sinh trưởng của cây lúa trên đồng bị rút ngắn, do vậy, cây lúa thấp, bông ngắn năng suất thấp. Nhiều hộ thu hoạch ngô đông muộn nên không có thời gian cày, bừa làm ải đất, khi cấy cây lúa phát triển kém, có hiện tượng bị nghẹt rễ do quá trình phân hủy tàn dư thực vật trong ruộng. Có những hộ tham gia mô hình phun thuốc trừ cỏ cho lúa quá liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất in trên bao bì sản phẩm dẫn đến lúa bị chết, cây không chết thì sinh trưởng kém".

Trên cánh đồng thôn Năm Hăn 1, ông Hoàng Đình Bắc chia sẻ: “Năm nay, thời tiết thất thường, không theo quy luật  đã làm gia tăng các loại dịch bệnh. Cây lúa đang trong giai đoạn ngậm sữa, chắc xanh, do vậy, chúng tôi phải thường xuyên ra đồng để kiểm tra phát hiện sớm sâu, bệnh hại và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Vụ này, gia đình gieo cấy 2.000 m2 ruộng bằng giống lúa Séng cù theo mô hình của huyện. Đến thời điểm này, cây lúa Séng cù vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, muốn đánh giá thì phải gần 2 tháng nữa, lúc ấy, thóc được đóng vào bao mới chính xác. Được biết, đây không phải lần đầu tiên gia đình ông gieo cấy giống lúa Séng cù nhưng toàn bộ cánh đồng gieo trồng bằng một giống lúa nên ông vẫn tin tưởng vào một vụ xuân thắng lợi".

Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, cuối giai đoạn cây lúa đẻ nhánh, bệnh đạo ôn phát triển gây hại trên một số diện tích tại cả 2 xã, do công tác kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, phát hiện sớm khi bệnh mới chớm kết hợp việc cấp thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng thuốc, sau khi cấp thuốc các hộ đã đồng loạt phun tập trung nên đã nhanh chóng khống chế được bệnh đạo ôn gây hại, không để bệnh bùng phát trên diện rộng. Giai đoạn lúa chuẩn bị trỗ bông, một số diện tích bị bệnh khô vằn gây hại.

Ngày 5/4/2017, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tiến hành cấp thuốc phun phòng trừ bệnh khô vằn kết hợp với cấp thuốc phun phòng đạo ôn cổ bông. Tuy nhiên giống lúa Séng cù khá mẫn cảm với sự thay đổi đột ngột của thời tiết, biểu hiện có một số diện tích có hiện tượng rụt ngọn, xoăn đầu lá khi thời tiết đang ấm trở lạnh đột ngột nhưng khi thời tiết thuận lợi thì cây lại sinh trưởng bình thường.

Có thể khẳng định, việc xây dựng mô hình cánh đồng một giống, sản xuất lúa Séng cù tại vùng cánh đồng Mường Lò là một chủ trương đúng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán và trình độ canh tác của người dân địa phương. Mặc dù, đây mới là vụ đầu tiên, triển khai với diện tích lớn 100 ha nhưng bước đầu mô hình đã đạt được những thành công nhất định, năng suất toàn mô hình ước đạt trên 50 tạ/ha, tổng thu nhập đạt 55 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng các giống lúa khác khoảng 8 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, mô hình giúp người dân tiếp xúc với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Điều đáng mừng là đã có một doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm gạo Séng cù cho bà con với giá tốt.

 

969 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h