Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh

22/08/2017 15:56:17 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tại kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về một số vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Cổng Thông tin điện tử tỉnh đăng nội dung trả lời chất vấn của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Đồng chí Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh

Đối với câu hỏi chất vấn của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh liên quan đến việc: "Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh còn một số hạn chế về tiến độ và chất lượng. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết vai trò; trách nhiệm của ngành trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, để hoàn thành sớm mục tiêu của Đề án với tiến độ và hiệu quả?”

Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời như sau:

Qua một năm rưỡi triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, bước đầu đã cho kết quả rất khả quan, thể hiện rõ việc xác định các lĩnh vực, sản phẩm trọng tâm và ban hành chính sách hỗ trợ của tỉnh, đã đáp ứng đúng với yêu cầu, sự cần thiết của các địa phương và được nông dân đón nhận ủng hộ thực hiện. Về sản xuất nông nghiệp trong thời điểm hiện tại. Cụ thể: Cơ bản tiến độ thực hiện đề án chi tiết ở các lĩnh vực sản phẩm đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức rất cao so với kế hoạch đề ra (Cụ thể một số hạng mục thực hiện so với kế hoạch giao trong năm 2016 như sau: Mô hình chăn nuôi trâu, bò với quy mô 10 con/hộ đạt trên 360% so với kế hoạch; mô hình chăn nuôi gia cầm với quy mô 1.000 con trở lên đạt trên 130%; mô hình nuôi cá lồng đạt trên 300%; diện tích trồng cây ăn quả đạt 163% so với kế hoạch...). Đến nay trên địa bàn tỉnh, đã hình thành nên một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng lúa chất lượng cao trên 8.000 ha, vùng cây ăn quả có múi gần 3.000 ha, vùng quế trên 60.000 ha, vùng tre măng Bát độ trên 3.500 ha, vùng cây sơn tra trên 4.000 ha, vùng phát triển nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh; đã từng bước hình thành phương thức sản xuất theo chuỗi, có sự liên kết giữa các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã; một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, một số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Cụ thể đã hình thành 8 chuỗi về chăn nuôi và 7 chuỗi về trồng trọt có giá trị hàng hóa cao và có nơi tiêu thụ ổn định. Cụ thể: Rau an toàn ở thành phố Yên Bái và Văn Chấn, Văn Yên; Chăn nuôi lợn ở thành phố Yên Bái, Lục Yên; Chăn nuôi gà ở Yên Bình; Chè ở Trấn Yên, Văn Chấn.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Ngành Nông nghiệp cũng nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá thực chất, việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:

(1) Có 02 lĩnh vực, sản phẩm còn thực hiện chậm và đạt rất thấp theo tiến độ, kế hoạch đề ra. Cụ thể: (1) Trồng tre măng Bát độ mới thực hiện đạt 65,9% kế hoạch năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 mới thực hiện được 22,3 % kế hoạch giao. Tổng cộng mới đạt 5,3% mục tiêu của đề án trồng mới là 7.600 ha; (2) Hỗ trợ phát triển ngô Đông trên đất 02 vụ lúa mới đạt 36,2% so với kế hoạch năm 2016. hiện tại mới đạt 7,6% so với mục tiêu đề án đề ra.

(2) Quá trình triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chúng ta đang làm tốt việc sản xuất vùng nguyên liệu để có số lượng, khối lượng sản phẩm, chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm và vấn đề tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến hiệu quả giá trị sản xuất còn chưa cao và phụ thuộc rất lớn vào biến động của thị trường. Cụ thể: Hiện tại, chúng ta mới chỉ có các chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, chưa có chính sách hỗ trợ tạo lập thương hiệu sản phẩm và chính sách tiêu thụ sản phẩm.

(3) Việc sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, để nâng cao hiệu quả sản xuất đã được quan tâm, nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều đơn vị sản xuất có quy mô lớn trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị cao.

(4) Dịch vụ công cho sản xuất  nông, lâm nghiệp và thủy sản kết quả chưa rõ nét; năng suất, chất lượng một số loại nông sản vẫn còn thấp, chi phí sản xuất cao. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, dẫn đến khả năng cạnh tranh của nông sản trên địa bàn tỉnh còn thấp.

(5) Vấn đề định hướng, dự báo, nắm bắt, theo dõi diễn biến về thị trường còn yếu, dẫn đến một số nông sản hàng hóa gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ.

(6) Việc ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh rất ít, mới chỉ thực hiện ở một số doanh nghiệp và ở một số lĩnh vực trong chăn nuôi, sản xuất rau an toàn. Dẫn đến các sản phẩm nông sản của tỉnh Yên Bái có mặt rất ít tại các trung tâm, siêu thị, thành phố lớn.

Nhằm giải quyết được những tồn tại, hạn chế trên, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp xin đề ra một số giải pháp như sau:

(1) Ngay sau đây ngành sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá, rà soát cụ thể các lĩnh vực, sản phẩm thực hiện còn chậm tiến độ; để phối hợp chặt chẽ với các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao trong năm 2017. Đồng thời chú trọng hướng dẫn việc triển khai sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định 956/QĐ-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2017.

(2) Tiến hành hướng dẫn doanh nghiệp và nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết; lấy giá trị sản phẩm làm mục tiêu thay cho số lượng. Hình thành một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tăng cường phối hợp với các ngành để mời gọi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để sản xuất.

(3) Tham mưu cho Tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cụ thể chính sách sẽ hỗ trợ tập trung vào các nội dung: Chứng nhận sản phẩm an toàn; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, đi sâu vào sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp thủy sản có chất lượng, chú trọng đầu ra cho sản phẩm.

(4) Tập trung thực hiện chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp; Xây dựng các mô hình khép kín từ sản xuất, thu mua, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp và tổ chức liên kết trong sản xuất của các hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại làm động lực, để kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường. Thu hút mạnh mẽ sự đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn và tích cực triển khai các chương trình hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp lớn.

(5) Thành lập Tổ công tác dự báo, dự tính thị trường, khảo sát, theo dõi giá các nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để khuyến cáo cho các địa phương, các cơ sở sản xuất, có phương án, kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.

(6) Tập trung triển khai thực hiện hoàn thành việc xây dựng dự án Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh trong năm 2017, để làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện; đồng thời mời gọi các doanh nghiệp tham gia xây dựng các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

 

* Đối với câu hỏi chất vấn: "Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bước đầu mới chỉ chú trọng đến việc sản xuất ra sản phẩm, chưa quan tâm đến chất lượng và vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Vậy, đề nghị cho biết các giải pháp của ngành để đẩy nhanh tiến độ phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh (như quế, sơn tra, măng tre Bát độ) gắn với tiêu thụ sản phẩm ngay trong quá trình triển khai thực hiện", Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời như sau:

Việc thực hiện nội dung tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Sau một năm rưỡi triển khai thực hiện thì đã được nhiều kết quả cao và cơ bản được nông dân đồng thuận và tiếp nhận vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn của tỉnh. Để phát triển nhanh các sản phẩm Quế, Sơn tra, măng tre Bát độ gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu, đề xuất với tỉnh cho chủ trương xây dựng, bổ sung các chính sách hỗ trợ để sản xuất sản phẩm an toàn theo hướng hữu cơ, chứng nhận sản phẩm an toàn; xây dựng thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu ra cho các sản phẩm, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất…

Các huyện, thị xã, thành phố cần tiến hành rà soát lại diện tích đất để trồng măng tre Bát độ, Sơn tra, Quế. Trong đó ưu tiên hỗ trợ cho các hộ gia đình, hay chủ cơ sở trồng Quế, măng tre Bát độ, Sơn tra có diện tích từ 0,5 ha trở lên, mặt khác vận động nhân dân tận dụng các diện tích đất đai trong vùng đã được quy hoạch để trồng phân tán măng tre Bát độ, Sơn tra.

Đề nghị các huyện chỉ đạo hệ thống khuyến nông hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng và bảo quản giống, tách mầm măng tre Bát độ và kỹ thuật giâm hom cành để đảm bảo chất lượng giống khi trồng. Đồng thời tập huấn kỹ thuật trồng từ khâu cuốc hố đến trồng và chăm sóc, thu hoạch măng tre Bát độ, Sơn tra.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyên môn, Chi cục Kiểm lâm để chọn vườn giống mẹ và cây đầu dòng để làm thủ tục công nhận diện tích, chất lượng vườn giống Quế, măng tre Bát độ, cây Sơn tra để ghép nhằm phục vụ cung ứng giống cho phát triển sản xuất.

Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai hướng dẫn đầy đủ và xác nhận nguồn gốc giống, cũng như công nhận thẩm định cây giống đủ tiêu chuẩn, chuẩn bị đủ số lượng cây giống để trồng theo đúng thời vụ và kế hoạch được giao. Tổ chức triển khai thực hiện việc nghiệm thu, đề nghị thanh toán kinh phí hỗ trợ kịp thời. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh xem xét điều chỉnh mật độ trồng đối với chính sách hỗ trợ trồng Quế để đảm bảo cho các hộ tham gia được thụ hưởng chính sách theo quy định.

Phối hợp tốt với các Sở, ngành liên quan để thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào sản xuất để thúc đẩy phát triển sản xuất theo quy mô lớn, tập trung và theo chuỗi giá trị sản phẩm. Tăng cường phối hợp, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, tập trung vào thị trường các thành phố lớn và các tỉnh lân cận, tham gia các hội chợ, các hoạt động quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông, lâm, thủy sản trong và ngoài nước.

Ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính sớm trình Ủy ban nhân dân tỉnh, vận dụng để phân bổ kế hoạch về diện tích, nguồn kinh phí hỗ trợ, để các huyện chuẩn bị sớm về cây giống và làm đất đúng thời vụ để trồng măng tre Bát độ, Sơn tra, Quế đạt hiệu quả cao.

Đối với vấn đề dự báo tiêu thụ các sản phẩm măng tre Bát độ, Sơn tra, quế khi phát triển sản xuất đến năm 2020 đạt, diện tích quế: 76.000 ha, Sơn tra: 10.000 ha, măng tre Bát độ: 10.000 ha. Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ cử một số cán bộ có năng lực để phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cập nhật, nắm bắt thông tin và tìm hiểu, nghiên cứu để khuyến cáo cho sản xuất và dự báo thị trường giúp nông dân sản xuất.

Về măng tre Bát độ, có 2 Công ty Yên Thành và Công ty Vạn Đạt tiêu thụ sản phẩm. Thị trường ở Đài Loan và Nhật có nhu cầu tiêu thụ lớn. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp đang đặt hàng tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ

Về cây Sơn tra: Là mặt hàng mà sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, được trồng dưới tán rừng có nhiều tác dụng tốt, nên rất giá trị. Hiện nay, có doanh nghiệp đang đầu tư để chế biến quả Sơn tra, thời gian tới sản phẩm Sơn tra sẽ được tiêu thụ ổn định và mang lại giá trị lớn cho người dân 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải

Về cây Quế thì tinh dầu được tiêu thụ hết. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp muốn xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế, nhưng chúng ta đã quy hoạch vùng chế biến để cân đối giữa chế biến gắn với vùng nguyên liệu, vì thế không cho sản xuất chế biến tinh dầu tràn lan sẽ phá vỡ vùng nguyên liệu, dẫn đến chất lượng sản phẩm kém. Còn vỏ quế thì thị trường tiêu thụ Châu Âu, Nhật, Ấn Độ, Mỹ cũng đã ổn định. Hiện nay, các Hợp tác xã và một số Doanh nghiệp đã có ký hợp đồng với hộ và nhóm hộ để cam kết là sản phẩm an toàn và thu mua toàn bộ sản phẩm vỏ với giá ổn định. Riêng mặt hàng vỏ quế thì chúng ta chưa xuất khẩu trực tiếp được, vẫn phải thông qua một số Doanh nghiệp ở Hà Nội và Bắc Ninh.

1022 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h