Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

65 năm giải phóng Nghĩa Lộ: Mùa thu dưới chân tượng đài chiến thắng

18/10/2017 06:54:17 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trải qua những mất mát đau thương do hậu quả trận mưa lũ lịch sử, song với ý chí kiên cường, hành trang và niềm tự hào về lịch sử truyền thống, thị xã Nghĩa Lộ quyết biến khó khăn thành hành động, ổn định và gây dựng cuộc sống mới trên quê hương thị xã miền Tây.

Thị xã Nghĩa Lộ được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất

Nghĩa Lộ là một vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng với bề dày truyền thống lịch sử yêu nước và cách mạng. Truyền thống đó được đánh dấu bằng chiến thắng Nghĩa Lộ 18/10/1952 - Một mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn nói riêng. Chiến thắng Nghĩa Lộ đã tạo tiền đề, động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nhất là trong những năm đầu xây dựng quê hương sau chiến tranh và trong công cuộc đổi mới sau này.

Nhớ mùa thu lịch sử

Trong những ngày Tháng 8 mùa thu lịch sử, đứng dưới chân tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ, chúng ta như cảm nhận thấy âm hưởng hào hùng của bài hát “Qua miền Tây Bắc” vang lên với một khí thế đầy quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch Tây Bắc. Mà trận mở màn chính là trận đánh vào phân khu quân sự của thực dân pháp ở Nghĩa Lộ giành thắng lợi giòn giã, giải phóng Nghĩa Lộ ngày 18/10/1952.

17 giờ 5 phút ngày 17/10/1952, bộ đội ta bắt đầu tiến công vào cứ điểm Nghĩa Lộ. Trung đoàn 102 - Đại đoàn 308 tiến công cứ điểm Pú Trạng (tức Nghĩa Lộ đồi) - Nơi đặt sở chỉ huy phân khu của địch. 3 giờ 5 phút sáng ngày 18/10/1952, Trung đoàn 88 - Đại đoàn 308 nổ súng tiến công cứ điểm Nghĩa Lộ phố. Địch dựa vào hầm ngầm, lô cốt kiên cố điên cuồng chống cự nhưng với sức tiến công mạnh mẽ, áp đảo chỉ sau 2 giờ 20 phút chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 280 tên địch, thu nhiều vũ khí chiến lợi phẩm. 5 giờ 30 phút ngày 18/10/1952, sau 12 giờ chiến đấu ác liệt hai cứ điểm kiên cố nhất của phân khu Nghĩa Lộ đã bị xóa sổ. Đêm 18/10/1952, quân ta tiếp tục tiến công vị trí Cửa Nhì, tiêu diệt và bắt sống gần 250 tên địch. Địch ở Gia Hội vội rút lên Tú Lệ và tháo chạy sang Sơn La, bộ đội Sư đoàn 312 bám sát truy kích địch, tiêu diệt và bắt giữ gần 400 tên. Nghĩa Lộ và các xã trong huyện Văn Chấn được hoàn toàn giải phóng.

Trong tư liệu kể về ký ức giải phóng Nghĩa Lộ của Trung tướng Phạm Hồng Cư, thuộc Đại đoàn 308 là đơn vị đảm nhiệm trọng trách tiến công giải phóng Nghĩa Lộ đã viết: “Nghĩa Lộ được giải phóng, cánh đồng Mường Lò rập rờn sóng như một biển vàng. Đồng bào Thái, đồng bào Mèo đi lại hớn hở. Đêm 23/10/1952, Trung đoàn 88 phối hợp với Đảng bộ huyện Văn Chấn tổ chức cuộc mít tinh lớn mừng giải phóng và đón chính quyền huyện ra mắt. Quang cảnh nhộn nhịp như đêm liên hoan, đuốc sáng rực, đầu người nhấp nhô, khăn piêu rực rỡ, cúc bạc, vòng vàng lấp lánh”. Năm 2005 thị xã đã được Chính phủ tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược".

Phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí Đô thị loại 3 vào năm 2020

65 năm sau ngày giải phóng, Nghĩa Lộ từ một thị trấn nghèo nàn bị tàn phá bởi chiến tranh giờ đây đã từng bước trở thành Đô thị loại 3, Trung tâm Văn hóa - Thương mại và Dịch vụ - Du lịch phía Tây của Tỉnh.

Hệ thống giao thông được đầu tư mở rộng: Trung tâm thị xã có các tuyến đường Quốc lộ 32 và Điện Biên song song nhau nối với các tuyến đường nội thị. Tất cả đều dải nhựa, lát vỉa hè và lắp hệ thống điện cao áp chiếu sáng. Chưa kể đường tránh Quốc Lộ 32; đường vành đai suối Thia được hình thành càng thúc đẩy kinh tế, xã hội của thị xã phát triển. 100% tuyến giao thông trục chính nông thôn và hơn 80% đường liên thôn bản, tổ dân phố được bê tông hóa.

Các khu dân cư đô thị mới được hình thành; thị xã xây dựng mới sân vận động và trung tâm hội nghị; các trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế, bệnh viện được đầu tư xây dựng khang trang, nhà ở của nhân dân kiên cố.

Trong dịp trở về thăm chiến trường xưa, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm - Cựu chiến binh trực tiếp tham gia giải phóng Nghĩa Lộ cảm nhận: “Thị xã Nghĩa Lộ đã phát triển ngoài sức tưởng tượng của tôi, mỗi cựu chiến binh như tôi đều thấy vui mừng vô bờ và không khỏi tự hào, xúc động khi thăm lại di tích lịch sử văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ”.

Còn đối với cụ Trần Tính - Cán bộ tiền khởi nghĩa ở phường Pú Trạng sinh sống trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ từ những năm đầu giải phóng thì tâm đắc: “Cái đổi thay lớn nhất trong tôi đó là đời sống của nhân dân: Từ những người nông dân quanh năm đói ăn cơm độn rau rừng, rồi độn ngô, khoai sắn; chỉ biết sản xuất 1 vụ lúa; không biết chữ thì đến nay trên địa bàn không còn hộ đói; Tỷ lệ hộ khá giàu là chủ yếu, số hộ nghèo giảm theo từng năm cao. Người dân được nâng cao cả về vật chất, tinh thần, tri thức và ý thức".

Minh chứng cho cảm nhận đó là, đến nay 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 98% hộ dân được nghe đài, xem truyền hình Trung ương, của tỉnh và thị xã. Trình độ dân trí được nâng cao, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề và các trường chuyên nghiệp đạt trung bình trên 50%. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh được quan tâm. Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ được nâng cấp là bệnh viện tuyến 2 với quy mô 600 giường bệnh, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sỹ hơn 200 người phục vụ đáp ứng tốt nhu cầu khám và điều trị bệnh cho nhân dân các huyện thị phía Tây của tỉnh và các tỉnh bạn.

Kinh tế của thị xã phát triển ổn định đạt tốc độ tăng trưởng cao. Thương mại dịch vụ phát triển nhanh là ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã. Toàn thị xã có hơn 1.600 cơ sở kinh doanh tập trung vào các mặt hàng điện tử, điện lạnh; xe máy; kinh doanh bánh kẹo; bia rượu; hàng tạp hóa dịch vụ ăn uống, lưu trú. Thị xã đã xây dựng 2 tuyến phố văn hóa thương mại và văn hóa ẩm thực, có trên 200 nhà hàng, khách sạn. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển gắn với bảo vệ môi trường và phát huy được thế mạnh của địa phương như: Chế biến nông lâm sản, chế biến gỗ rừng trồng, cơ khí sửa chữa, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất nước sạch, khu công nghiệp may, nghề truyền thống… đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Trong sản xuất nông nghiệp, thị xã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa duy trì từ 500 ha trở lên mỗi vụ với các giống lúa Chiêm Hương; Séng Cù nổi tiếng đang được thị xã xây dựng thương hiệu và hoàn thiện bảo vệ dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý “Gạo Mường Lò”. Nhiều sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch được du khách ưa chuộng như: Ngô nếp ngọt; ngô nếp tím; cà chua; rau sạch súp lơ, bắp cải; rau bí... đã đem lại giá trị cao đưa giá trị thu nhập trên 1 ha đất 2 vụ lúa năm 2016 đạt  trên 132 triệu đồng, tăng hơn chục lần so với năm 1995.

Thực hiện Đề án xây dựng thị xã Nghĩa lộ Văn hóa - Du lịch, thị xã tập trung xây dựng xã văn hóa nông thôn mới, phường văn minh đô thị. Đến thời điểm này đã có 2/3 xã được thẩm định và đề nghị công nhận xã nông thôn mới và phấn đấu 1 phường đạt tiêu chuẩn phường văn minh đô thị năm 2017. Đồng thời chú trọng công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống: Xòe cổ và hội Hạn khuống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thị xã hỗ trợ xây dựng 2 bản làng truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Năm 2016 thị xã Nghĩa Lộ đã đón 58.000 lượt khách du lịch và năm 2017 phấn đấu đón 65.000 lượt khách.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã được Đảng bộ thị xã đặc biệt quan tâm. Hiện nay toàn Đảng bộ có 37 chi, đảng bộ cơ sở với trên 2.300 Đảng viên. Đảng bộ thị xã hàng năm đều được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Với truyền thống cách mạng, sự năng động sáng tạo trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ đã được Đảng và nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương lao động Hạng nhất, hạng nhì, hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và tỉnh Yên Bái tặng cho các tập thể, cá nhân trên địa bàn.

Đồng chí Lò Thị Huân - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; thực hiện nghiêm túc, có chất lượng hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Tập trung cho phát triển kinh tế đạt mức tăng trưởng ổn định, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trọng tâm là phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ; đặc biệt chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với sản phẩm du lịch. Không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân. Hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch phát triển không gian đô thị gắn với bảo tồn không gian cánh đồng Mường Lò. Xây dựng chiến lược đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn; đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án trọng điểm trên địa bàn, quy hoạch các khu dân cư đô thị mới. Quan tâm chỉ đạo thực hiện các tiêu chí của đề án thị xã Văn hóa - Du lịch. Đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân, phấn đấu hoàn thành Nghị quyết Đảng bộ thị xã đề ra hàng năm. Trước mắt thị xã tập trung khắc phục nhanh hậu quả do mưa lũ gây ra, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống”.

Mỗi độ thu về, dưới chân tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ nhịp đời vẫn chảy theo truyền thống cách mạng. Tự hào về quá khứ, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ thầm gửi lời biết ơn, tri ân đến các thế hệ đi trước và quyết tâm xây dựng Nghĩa Lộ sớm trở thành thị xã Văn hóa - Du lịch và trở thành Đô thị loại 3 vào năm 2020.

Trải qua những mất mát đau thương do hậu quả trận mưa lũ lịch sử, song với ý chí kiên  cường, hành trang và niềm tự hào  về lịch  sử truyền thống, thị xã Nghĩa Lộ quyết biến khó khăn thành hành động, ổn định và gây dựng cuộc sống mới trên quê hương thị xã miền Tây.

 

1214 lượt xem
CTV: Thu Hằng

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h