Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh

20/11/2018 06:55:21 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong dạy và học. Nhân kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2018), phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh có cuộc trao đổi với ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo để tìm hiểu thêm về những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh

PV: Thưa ông, ông có thể đánh giá những nét nổi bật nhất mà Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái tập trung thực hiện trong thời gian qua. Những kết quả của việc đổi mới căn bản Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh?

Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo :

Trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể là việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tham mưu thực hiện các Nghị quyết của tỉnh cùng với việc triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp quan trọng trong phát triển Giáo dục và Đào tạo của địa phương. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng lên đáng kể; kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia được nâng lên; tỷ lệ học sinh bỏ học các cấp học giảm so với năm học trước. Kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được giữ vững và nâng cao chất lượng. Tích cực chuẩn bị đầu tư cơ sở vật chất cho năm học mới; triển khai công tác bồi dưỡng hè 2018; chỉ đạo các cơ sở trường học thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và chính thức giảng dạy chương trình năm học 2018-2019 theo kế hoạch thời gian; tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan rà soát quy mô trường, lớp, đội ngũ để tham mưu cho UBND tỉnh tuyển dụng giáo viên đáp ứng quy mô năm học mới.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được Đảng xác định là tất yếu khách quan xuất phát từ bối cảnh đất nước, từ đòi hỏi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, từ cuộc cạnh tranh chất lượng nguồn nhân lực giữa các quốc gia. Thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng, tỉnh Yên Bái đã xây dựng những giải pháp cụ thể, phù hợp, từng bước hiện thực hóa Nghị quyết trong cuộc sống.

Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 70-CTr/TU ngày 10/1/2014 về việc triển khai thực hiện “Đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, cùng với các kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục và Đào tạo trong Chương trình hành động và kế hoạch công tác hàng năm của UBND tỉnh, gắn mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục với các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và của từng địa phương đã xác định đường hướng chỉ đạo cho ngành giáo dục Yên Bái trên lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng về đổi mới Giáo dục và Đào tạo, trong năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã có nhiều cố gắng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Sau khi triển khai thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp, đầu năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 460 cơ sở giáo dục (Trong đó: có 01 trường Cao đẳng thuộc Sở GD&ĐT, 03 trường Cao đẳng thuộc UBND tỉnh, 01 trường Cao đẳng thuộc Sở LĐTB&XH, 01 Trung tâm Tin học ngoài công lập, 04 trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập). Riêng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên có 450 đơn vị với quy mô 6.780 lớp, 215.246 học sinh; so với năm học trước tăng 06 trường mầm non, giảm 02 trung tâm, tăng 82 lớp, tăng 6.985 học sinh.

Trong đó:

- Giáo dục mầm non: 175 trường (tăng 6 trường), 1.883 lớp (tăng 23), 56.197 trẻ ra lớp (giảm 816 trẻ ). Huy động trẻ nhà trẻ đạt 17,6%, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 89,8%. So với kế hoạch giao: Vượt 6 lớp (đạt 100,3%); đạt 100,8% số trẻ ra lớp.

- Giáo dục tiểu học: 52 trường, 2.774 lớp (tăng 35 lớp), 81.459 học sinh (tăng 3.874). Tuyển mới 18.981 trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,6%. So kế hoạch giao đạt 99,6% số học sinh.

- Giáo dục THCS: 189 trường, trong đó có 52 trường THCS độc lập, 117 trường TH&THCS và 19 trường TH&THCS có lớp mầm non, 01 trung tâm HTPT GDHN trẻ khuyết tật; 1.554 lớp (tăng 15), 54.224 học sinh (tăng 1.611). Tuyển mới 14.618 học sinh lớp 6 đạt 99,4% số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học năm học trước, đạt 99,7% kế hoạch giao.

- Giáo dục THPT: 25 trường, 476 lớp (tăng 03), 19.766 học sinh (tăng 1.080). Tuyển sinh vào lớp 10 THPT: 7.317 học sinh. So kế hoạch giao đạt 97,8% số học sinh.

- Giáo dục thường xuyên: 9 đơn vị (giảm 2 đơn vị), 93 lớp (tăng 6), 3.600 học sinh (tăng 1236). Tuyển sinh vào lớp 10 bổ túc THPT: 1.794 học sinh. So kế hoạch giao đạt 122,9% số học sinh.

Công tác tổ chức thi tiếp tục được thực hiện tốt, kỷ cương trường thi được tăng cường, các kỳ thi đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đặc biệt trong năm học qua, việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 được đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế thi và các quy định của Bộ. Ngành đã tham mưu với tỉnh trong việc chỉ đạo, huy động các lực lượng xã hội vào cuộc, hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi; tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội, chủ động tích cực chuẩn bị các điều kiện cho tổ chức kỳ thi tại địa phương. Làm tốt công tác phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Đại học công nghiệp Việt Trì, Cao đẳng sư phạm Yên Bái trong tổ chức kỳ thi.

Công tác kiểm định chất lượng cũng được quan tâm thực hiện sát sao. Tính đến tháng 5/2018, 100% số trường mầm non, phổ thông đã thực hiện tự đánh giá; trong đó có 97,9% hoàn thành tự đánh giá. Có 120 trường (Mầm non 58, 62 trường phổ thông) được đánh giá ngoài đạt 27,9%.

Cùng với đó, việc nâng cao các trường đạt chuẩn quốc gia cũng là một nhiệm vụ được ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung thực hiện đạt kết quả. Thời điểm tháng 9/2018, toàn tỉnh có 177/428 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia (Không thống kê trường MN, THPT ngoài công lập, Trung tâm HTPT GDHN trẻ khuyết tật), đạt 41,4%; trong đó: MN: 71 trường; TH 27 trường; THCS: 73 trường và THPT: 06 trường.

Việc giữ vững, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cũng được ngành tập trung thực hiện. Trong năm 2017, số xã duy trì đạt chuẩn PCGDMNTNT (phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi): 180/180 đơn vị cấp xã, 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGDMNTNT (tăng 01 xã); Số xã duy trì đạt chuẩn PCGDTH: 180/180 xã đạt chuẩn mức độ I, 180/180 xã đạt mức độ II; 179/180 xã đạt chuẩn mức độ III (tăng 5 xã). 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGDTH, trong đó: 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGDTH mức độ III; còn 01 xã đạt chuẩn PCGDTH mức độ II (xã Chế Tạo huyện Mù Cang Chải). Số xã duy trì PCGD THCS: 179/180 xã đạt chuẩn mức độ I (còn xã Nậm Có huyện Mù Cang Chải chưa đạt chuẩn mức độ I), 160/180 xã đạt chuẩn mức độ II (tăng 14 xã); 53/180 xã đạt chuẩn mức độ III (tăng 18 xã). 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS, trong đó: 9/9 huyện thị thành phố đạt chuẩn PCTHCS mức độ I; 3/9 huyện thị thành phố đạt chuẩn PCTHCS mức độ II. Đến nay 180/180 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ I, đạt 100%, trong đó có 125/180 đơn vị xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt 69,44%. Có 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ I, đạt 100%, trong đó 2/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt 22,22%.

PV: Năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái kỳ vọng sẽ có những bước tiến vững chắc, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, tạo được niềm tin đối với nhân dân trên địa bàn, đặc biệt nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để thực hiện mục tiêu trên, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ đẩy mạnh thực hiện những giải pháp gì thưa ông? Những giải pháp nào được xác định là trọng tâm, mang tính chiến lược để tạo bước tiến vững chắc và dấu ấn riêng của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, thưa ông?

Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo :

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định tốc độ phát triển và sự phồn vinh của đất nước. Khi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cuộc cách mạng 4.0) sẽ tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong đời sống, kinh tế - xã hội thì yêu cầu nguồn nhân lực ngày càng cao. Đây chính là thách thức của ngành giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu mới của thời đại.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29, trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường các giải pháp để triển khai Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Bộ, ngành, của tỉnh về công tác giáo dục. Tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện kỷ cương, lề lối làm việc, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao của các đơn vị, ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời những tiêu cực trong giáo dục. Trọng tâm là nâng cao hiệu quả của công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 29 và Chương trình hành động số 70 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục và Đào tạo.

Trước mắt, tập trung xây dựng Đề án “Xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016  - 2020” và điều chỉnh Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030 trình tỉnh phê duyệt trong cuối năm 2016. Ngành tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục.

Trong đó, tập trung đổi mới phương pháp, đổi mới công tác thi và đánh giá theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường và duy trì đến trường chuyên cần; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc và chất lượng giáo dục các trường phổ thông dân tộc bán trú, dân tộc nội trú; tăng cường các giải pháp để tiếp tục giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh dân tộc bán trú, phát động Phong trào “tương thân tương ái” trong toàn ngành để giúp đỡ vùng khó khăn, các trường dân tộc bán trú.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ; triển khai có hiệu quả việc đánh giá theo chuẩn; tăng cường công tác bồi dưỡng, từng bước đảm bảo đội ngũ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Đây được coi là một trong những giải pháp cơ bản, trọng tâm nhất để nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo. Ngành sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá, sắp xếp, sử dụng đội ngũ theo hướng tinh gọn, hiệu quả gắn với triển khai thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong các cơ sở giáo dục.

Chỉ đạo và thực hiện theo hướng giữ vững, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; chú trọng công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách về phát triển Giáo dục và Đào tạo.

Đặc biệt là giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị và của toàn xã hội; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn lực hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của HĐND tỉnh về Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; tích cực tham mưu với các cấp, các ngành để bố trí quỹ đất, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường dân tộc bán trú; trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình phụ trợ phục vụ nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt của học sinh.

PV: Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, là người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, ông có những lời nhắn nhủ nào đến với cán bộ, giáo viên ngành giáo dục trong toàn tỉnh - những người đã và đang thực hiện sứ mệnh “trồng người” cao cả?

Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo:

Đối với sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo.

Chính vì vậy, người giáo viên cần phải giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, xứng đáng là tấm gương để các thế hệ học sinh noi theo. Trong công tác Giáo dục và Đào tạo, muốn có trò giỏi thì phải có đội ngũ giáo viên tâm huyết với nghề, vì vậy các thầy, cô phải luôn trau dồi kiến thức, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; luôn luôn đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp và bắt kịp với sự phát triển của đất nước. Thực hiện dạy chữ gắn với rèn người, quan tâm đến giáo dục đạo đức, trang bị kiến thức về kỹ năng sống cho các em, đưa sự nghiệp giáo dục của tỉnh phát triển lên tầm cao mới.

Tôi mong rằng toàn thể cán bộ, công chức của ngành tiếp tục sẽ là lực lượng tiên phong trong việc thực hiện nhiệm vụ đột phá về đào tạo nguồn nhân lực trong sự nghiệp trồng người để xứng đáng với trọng trách và vinh dự cao quý của mình.

Cuối cùng, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin kính chúc các quý thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên nhà trường, những thầy cô đã và đang công tác trong ngành Giáo dục lời kính chúc sức khoẻ, hạnh phúc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị công tác của mình, tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của tỉnh nhà.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

2117 lượt xem
Thực hiện: Lan Hương

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h