Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Kết luận của đồng chí Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính nhà nưóc tỉnh Yên Bái tại Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giai đoạn 2011-2020; nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2030

16/08/2020 07:24:08 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngày 31/7/2020, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giai đoạn 2011 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021- 2030. Đồng chí Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính nhà nước tỉnh Yên Bái chủ trì Hội nghị. Sau khi nghe các báo cáo tổng kết công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giai đoạn 2011 - 2020 và các báo cáo chuyên đề; tham luận của một số đại biểu dự Hội nghị tại các điểm cầu, đồng chí Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC nhà nước tỉnh Yên Bái kết luận như sau:

Kết quả thực hiện cải cách hành chính, giai đoạn 2011 - 2020:

Công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện quyết liệt, đồng bộ: Công tác cải cách hành chính, cải thiện đầu tư kinh doanh được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; là một trong ba đột phá chiến lược trong phát triển KT-XH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiệm kỳ 2016 - 2020; đặc biệt luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên, đồng bộ của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh cho đến cơ sở.

Tư tưởng, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh về CCHC có chuyển biến tích cực, thay đổi căn bản; nhận thức ngày càng sâu sắc hơn quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nền hành chính phục vụ, xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển. Các cấp chính quyền của tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân và lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, nhất là của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cải cách thể chế có những bước tiến quan trọng; đã rà soát, ban hành đầy đủ, kịp thời, đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Tỉnh đã thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, tích hợp hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu quản lý. Đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền trên cơ sở phát huy tinh thần trách nhiệm, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương kết hợp với với tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành pháp luật, tổ chức thực hiện.

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một điểm sáng, bước đột phá trong CCHC của tỉnh. Việc rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC, ban hành quy định về giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đưa vào vận hành hệ thống Trung tâm phục vụ hành chính công đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã đã tạo ra bước đột phá trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao, với tỷ lệ hài lòng đạt trung bình 99,8% - 99,9%.

Đã triển khai tích cực và hiệu quả việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Giai đoạn 2015 - 2020, đã sắp xếp, giảm được 409 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (26,15%); giảm 1.205 cán bộ lãnh đạo, giảm 4.373 biên chế, tương đương 16,9%. Đã điều chỉnh 02 đơn vị hành chính cấp huyện; sáp nhập 14 xã (giảm 07 xã); sáp nhập, giảm 985/2.349 (41,9%) thôn, bản, tổ dân phố; giảm 13.027 (59,9%) cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn bản, tổ dân phố.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách chế độ công vụ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh CCHC, cải cách chế độ công vụ; thu hút nhân lực trình độ cao (lĩnh vực y tế); hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cán bộ, luân chuyển, tăng cường cán bộ đến các địa bàn đặc biệt khó khăn; đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ (theo chính sách của Trung ương và chính sách riêng của tỉnh); triển khai Đề án số 11-ĐA/TU về xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Thường xuyên đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; thực hiện "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” lấy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kết quả phát triển KT-XH để đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp và năng lực người đứng đầu.

Quyết liệt cải cách tài chính công góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực Nhà nước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nguồn lực cho đầu tư phát triển: Đổi mới cơ chế giao dự toán ngân sách theo phương thức "khoán chi, đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ” trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, vị trí việc làm và tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Kết quả, kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên giai đoạn 2016 - 2019 là 1.355 tỷ đồng; chi phí trực tiếp cho bộ máy giảm từ 72,1% (năm 2015) xuống 58,9% (năm 2019); tỷ lệ tiết kiệm chi thường xuyên tăng từ 10% (năm 2016) lên 19% (năm 2019); bổ sung chi đầu tư đạt 300 - 350 tỷ đồng/năm. Thực hiện cơ cấu lại thu chi NSNN, cân đối ngân sách tích cực, bảo đảm tỷ lệ tích lũy hợp lý cho đầu tư phát triển.

Tích cực thực hiện các giải pháp hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và thu được kết quả quan trọng. Đã triển khai đồng bộ phần mềm quản lý văn bản và điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã; kết nối liên thông, thực hiện gửi, nhận văn bản từ Văn phòng Chính phủ đến 03 cấp chính quyền của tỉnh; phát huy hiệu quả tích cực của Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công của tỉnh với đầy đủ các nội dung cần thiết phục vụ người dân và doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến, tích hợp hệ thống một cửa điện tử liên thông, cập nhật 100% các TTHC theo nhóm dịch vụ công của địa phương, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Phê duyệt và triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 1.0; triển khai xây dựng Đề án Xây dựng đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử, chuyển đổi số.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng tỉnh Yên Bái đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Cụ thể:

Đã ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư gắn với những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

Thường xuyên đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong giải quyết TTHC (đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng), tháo gỡ khó khăn trong quá triển triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tổ chức thường xuyên, định kỳ hàng tháng, hàng tuần chương trình Cà phê doanh nhân, ngày thứ Bảy cùng doanh nghiệp và người dân.

Tích cực vận động, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh: Giai đoạn 2011 - 2020 đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 370 dự án (trong đó có 33 dự án FDI), tổng vốn đầu tư trên 48.100 tỷ đồng và 437 triệu USD. Nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn đã tham gia đầu tư, hoàn thành nhiều công trình, dự án lớn, gia tăng năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn (VinGroup, SunGroup, TH-TrueMilk, Tập đoàn Hoa Sen, Alphanam...). Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011 - 2020 tăng bình quân 10,4%/năm.

Kết quả đánh giá của Trung ương:

Năm 2019, Chỉ số CCHC của tỉnh tăng 08 bậc so với năm 2018, tăng 22 bậc so với năm 2015 và 30 bậc so với năm 2016 (xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố) và là năm đầu tiên Yên Bái lọt vào Top 30 tỉnh.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 tăng 06 bậc so với năm 2018 và tăng 15 bậc so với năm 2015, xếp thứ 36/63 tỉnh thành; thứ 5/14 trong nhóm các tỉnh khu vực Miền núi phía Bắc.

Chỉ số SIPAS năm 2019 của tỉnh đứng thứ 19/63 tỉnh thành, với tỷ lệ hài lòng là 86,84%, tăng 28 bậc (7,47%) so với năm 2018, đạt và vượt chỉ tiêu Kế hoạch đề ra.

Tồn tại, hạn chế:

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:

Một số chính sách ban hành còn có những nội dung bất cập, chưa đồng bộ. Một số sở, ngành, địa phương còn lúng túng, bị động trong việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định của luật, nhất là trong việc tham mưu ban hành các nghị quyết, quyết định của thể hóa các quy định của Luật thuộc thẩm quyền của địa phương.

Công tác rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính còn chậm, hiệu quả đạt được chưa cao. Công tác phối hợp giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông giữa các cơ quan, đơn vị còn yếu, gây khó khăn, phiền hà, tốn thời gian, chi phí cho các tổ chức, cá nhân (thủ tục cấp quyết định chủ trương đầu tư, đất đai, bảo hiểm...).

Năng lực điều hành của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở còn có mặt hạn chế; kiểm soát về chống tham nhũng, công khai minh bạch về tài chính ngân sách của cấp xã, quy hoạch sử dụng đất, thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, bình xét và công khai danh sách hộ nghèo chưa thực hiện tốt, dẫn đến đánh giá của người dân, doanh nghiệp đối với các lĩnh vực này còn ở mức trung bình và thấp. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn lúng túng, chưa sát sao, thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Việc chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động của đơn vị sự nghiệp công sang hoạt động tự chủ hoàn toàn hoặc hoạt động như doanh nghiệp triển khai, thực hiện chậm. Một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa tích cực đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng cho xã hội, vẫn còn tư tưởng thụ động, trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp từ ngân sách nhà nước.

Một bộ phận cán bộ công chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chất lượng và hiệu quả xử lý công việc chưa cao. Văn hóa công sở và đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm, còn biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành ở cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, do điều kiện cơ sở vật chất và khả năng công nghệ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở cấp xã còn hạn chế. Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, vẫn theo phong cách làm việc theo lối cũ, chậm đổi mới, làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả việc hiện đại hóa nền hành chính trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập.

Một số vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp chưa được các sở, ngành, địa phương giải quyết, tháo gỡ kịp thời, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối phó với những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2030

Xác định cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong ba đột phá của chiến lược phát triển KT-XH, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, kiên trì, nghiêm túc, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, năng lực lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cải cách hành chính gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, thường xuyên, đặc biệt là đồng bộ với việc sắp xếp tố chức, tinh gọn bộ máy, tin giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đảm bảo bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động thông suốt, hiệu quả cao.

Mục tiêu

Trong 10 năm tới, tỉnh Yên Bái phấn đấu là một trong những tỉnh tốp đầu của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc về cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) thuộc nhóm 10 tỉnh, Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) thuộc nhóm 20 tỉnh dẫn đầu của cả nước.

Về cải cách hành chính

Công tác chỉ đạo, điều hành

Xây dựng và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giai đoạn 2021 - 2030 và hàng năm của tỉnh. Căn cứ vào kết quả CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh, định hướng của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, xây dựng dự thảo Kế hoạch CCHC nhà nước tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng giai đoạn 2025 - 2030; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, xây dựng dự thảo Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cả giai đoạn và hàng năm, đảm bảo phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ban, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình, kế hoạch CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hàng năm và giai đoạn.

Về cải cách thể chế

Tập trung rà soát, đánh giá, xây dựng bộ cơ chế, chính sách phát triển KT- XH giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, liên thông với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, nhất là kinh tế tư nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, quản lý tài sản công...

Tổ chức triển khai đồng bộ các văn bản QPPL của Trung ương, địa phương trên địa bàn. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền các cấp.

Về cải cách thủ tục hành chính

Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo lộ trình, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc đề xuất bãi bỏ, sửa đổi các quy định, các thủ tục hành chính không còn phù hợp, chồng chéo, gây khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng các hình thức phù hợp.

Phát huy vai trò của hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp, kết hợp với cung cấp dịch vụ bưu chính công ích. Bố trí đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.

Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện liên thông giữa các cơ quan trong cùng cấp và các cấp hành chính nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch và giải quyết tốt TTHC, cung cấp dịch vụ công, dịch vụ công ích cho người dân, doanh nghiệp. Tăng tỷ lệ giải quyết TTHC trực tuyến cấp độ 3, 4.

Xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công, trong đó có cơ chế huy động sự tham gia của công dân, tổ chức và các phương tiện thông tin truyền thông vào theo dõi, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công. Tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính.

Thường xuyên kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính của các sở, ban ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Về cải cách tổ chức bộ máy

Tiếp tục rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế của các cơ quan hành chính ở từng cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp; các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy, MTTQ và các đoàn thế (sáp nhập, hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng) sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sắp xếp hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị.

Xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm; ban hành khung biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa. Thực hiện lộ trình đến hết 2025 giảm ít nhất 6% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức so sới năm 2021.

Thường xuyên thực hiện việc khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành, địa phương, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn.

Về cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức hợp lý gắn với vị trí việc làm.

Nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo; bố trí lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương; giảm số lượng cấp ủy viên, đại biểu HĐND, Phó Chủ tịch HĐND theo chỉ đạo chung của Trung ương.

Đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng công chức viên chức, để bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo. Áp dụng chi trả lương theo vị trí việc làm. Thực hiện cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo kết quả công việc, xây dựng cơ chế trả thu nhập và khen thưởng theo kết quả hoàn thành công việc.

Thực hiện đúng quy định về tuyển dụng công chức, viên chức; bảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, chọn người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, năng lực vào bộ máy nhà nước.

Ban hành, thực hiện các đề án, chính sách về phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị; chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị.

Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, kết hợp với tăng cường thực hiện "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, trì trệ, nhũng nhiễu, cản trở, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện cải cách hành chính.

Về cải cách tài chính công

Tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính nhà nước, tiến tới xóa bỏ chế độ giao dự toán kinh phí theo số lượng biên chế, thay thế bằng cơ chế cấp ngân sách dựa trên kết quả và chất lượng hoạt động, hướng vào kiểm soát đầu ra, chất lượng chỉ tiêu theo mục tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan; trước mắt tiếp tục áp dụng phương thức "khoán chi, đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ” đối với tất cả các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội.

Cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại thu, chi ngân sách theo hướng giảm tỷ trọng chi đầu tư khu vực nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư khu vực ngoài nhà nước; tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng và triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thực hiện phân cấp quản lý ngân sách phù hợp và tăng quyền chủ động trong huy động nguồn thu, thực hiện nhiệm vụ chi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Tiếp tục đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, tài chính... của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch; chuyển dần các hoạt động sự nghiệp sang cơ chế có thu, tự trang trải, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ công.

Từng bước thực hiện chính sách điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công phù hợp theo cơ chế thị trường, xóa bỏ cơ chế bao cấp hoặc trợ giá dịch vụ. Chuẩn hóa chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế; nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh.

Về hiện đại hóa hành chính

Triển khai hiệu quả mô hình đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử tỉnh, từng bước xây dựng kinh tế số, xã hội số; phát huy hiệu quả hoạt động của Cổng dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ với cổng dịch vụ công quốc gia.

Triển khai đồng bộ, trên diện rộng các phần mềm dùng chung, các phần mềm phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cấp huyện, từng bước đến cấp xã khi có đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung; kết nối liên thông, chia sẻ tài nguyên số giữa các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Triệt để ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công, dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công.

Duy trì, mở rộng và cải tiến việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào hoạt động của tất cả các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh.

Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh và Chỉ số DDCI của các sở, ngành, địa phương

Ban hành bộ cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 để thu hút đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý quy hoạch, công bố công khai các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án của tỉnh, của các ngành, lĩnh vực, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận, khai thác thông tin phục vụ xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp.

Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tích cực, chủ động tháo gỡ các trở ngại đối với các doanh nghiệp, nhất là về thủ tục gia nhập thị trường, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... theo hướng bình đẳng, công bằng, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và trong nước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế, giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa thực sự cần thiết; không thanh tra ngoài kế hoạch, kể cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm”.

Tập trung, nghiêm túc khắc phục những chỉ số thành phần còn hạn chế, chưa được đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp.

Về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)

Nâng cao hơn nữa tính minh bạch, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, đề cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở đối với người dân, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống nhân dân như: Công khai, minh bạch các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; các khoản thu, chi ngân sách của cấp xã; các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất...

Tổ chức thực hiện

Giao Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu xây dựng Kế hoạch CCHC nhà nước tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; định hướng giai đoạn 2025 - 2030 và kế hoạch hàng năm để trình UBND tỉnh xem xét ban hành (sau Đại hội Đảng bộ tỉnh và Hội nghị tổng kết Nghị quyết 30c/NQ- CP của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ).

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giai đoạn 2020- 2025 và hàng năm, trình UBND tỉnh ban hành.

Các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Gắn nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhiệm vụ chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí với các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương.

Lấy kết quả thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả hoạt động và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương hàng năm, cũng như đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng để góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở đối với người dân.

Phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng trong việc giám sát, phúc tra kết quả điều tra XHH, phối hợp thực hiện tốt các khâu trong đánh giá các chỉ số của tỉnh như: Chỉ số PAPI, SIPAS.

Đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp trẻ, Hội Nữ doanh nhân và Liên minh Hợp tác xã tỉnh nghiên cứu, bám sát các chủ trương, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển KT-XH của tỉnh để xây dựng chiến lược, kế hoạch SXKD trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và phù hợp với năng lực, sở trường của doanh nghiệp.

Tích cực tham gia nghiên cứu, phản biện, cùng cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất với chính quyền xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách phù hợp, sát thực tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, là cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, góp phần đưa cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh tới doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các quy trình, TTHC trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Yên Bái nói chung.

Kịp thời tiếp thu, phản ánh các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp đối với các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là những phản ánh về các cơ quan đơn vị, tổ chức, cán bộ gây khó khăn, nhũng nhiễu khi thực hiện TTHC làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; thông tin tới Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét, xử lý.

941 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h