Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội: Không nhất thiết đặt ra chỉ tiêu cao, sau đó điều chỉnh liên tục

06/11/2020 10:31:58 Xem cỡ chữ Google
Chiều 5/11, tại hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng.

Đại biểu Dương Văn Thống (Đoàn Yên Bái) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 5/11 về dự báo tình hình và tăng trưởng kinh tế năm 2021. (Ảnh: TTXVN)

Mở đầu phiên thảo luận chiều 5/11, đại biểu Dương Văn Thống (Đoàn Yên Bái) nêu vấn đề: về dự báo tình hình và tăng trưởng kinh tế năm 2021, cách đây hơn 5 tháng, Chính phủ dự kiến hai kịch bản tăng trưởng năm 2020 xấu nhất là đạt 3,6%, cao nhất đạt 5,2%. Nhìn lại cả 2 kịch bản đều chưa sát thực tế.

Đồng tình với dự báo tình hình năm 2021 của Chính phủ về đại dịch Covid- 19 và tác động tiêu cực tới kinh tế đầu tư, thương mại toàn cầu, đại biểu Dương Văn Thống cho rằng, những ngày gần đây tình hình đại dịch có vẻ xấu đi. Chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% so với năm 2020. "Tôi đồng tình nhưng vẫn phân vân”, đại biểu Dương Văn Thống nói.

Gần đây, một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới u ám hơn so với dự báo cách đây 1 - 2 tháng. Đại biểu Dương Văn Thống đề nghị trong tăng trưởng kinh tế có thể chậm hơn nhưng bền vững, hiệu quả, hài hòa, làm cho dân hài lòng, hạnh phúc.

Đồng thời, đại biểu Dương Văn Thống cho rằng: "không nhất thiết đặt ra chỉ tiêu cao, sau đó điều chỉnh liên tục”.

Về ngân sách nhà nước, theo đại biểu Dương Văn Thống, một số nhận xét của các Ủy ban của Quốc hội "rất đáng suy ngẫm”, như thuế thu nhập doanh nghiệp trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 giảm so với giai đoạn trước; thu ngân sách Trung ương mấy năm không đạt và các địa phương đều đạt hoặc vượt rất cao. 

Ông Dương Văn Thống cũng cho rằng, chi ngân sách thường xuyên có giảm, khoảng 64% nhưng đây vẫn còn rất cao. Thực tế là vẫn còn thấy lãng phí, có thể cắt giảm để dồn cho chi đầu tư phát triển. Từ năm 2021, nhất là trong xây dựng kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2022, năm 2025 cần rà soát, cắt giảm mạnh hơn nữa chi thường xuyên. Một số chính sách quy định kiểu đặc thù với một số ngành phải được rà soát lại, không để dư luận lâu nay râm ran là đặc quyền. "Phải kiên quyết xóa bỏ những bất hợp lý, không nể nang”, đại biểu Dương Văn Thống nhấn mạnh.

Về đầu tư công, theo đại biểu Dương Văn Thống, "Quốc hội đã thảo luận nhiều, Chính phủ, các địa phương đã chỉ đạo rất gắt gao nhưng vẫn có nhiều bất cập, kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả chất lượng đầu tư công”. Vì thế, cần tập trung rà soát các khâu: chuẩn bị phân bổ dự toán, chuẩn bị đầu tư, cấp vốn, thời gian cấp vốn. Đồng thời, làm tốt và kiên quyết giải tỏa được mặt bằng cho các dự án. Cùng với đó, phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi công. Những bất cập trong chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị phân bổ dự toán rất phức tạp, tinh vi mà không loại trừ là có không lành mạnh, cho nên cần phải kiểm tra, giám sát các khâu, đại biểu Dương Văn Thống đề nghị.

Về cải cách bộ máy và cán bộ, đại biểu Dương Văn Thống cho biết, vừa qua chúng ta đã làm kiên quyết có kết quả, nhất là giảm tổ chức, giảm biên chế, giảm đơn vị hành chính ở cơ sở và tổ chức dưới cơ sở chắc chắn là tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với sự vận hành của cả bộ máy thực thi công vụ của cán bộ, công chức, một bộ phận nhân dân và doanh nghiệp vẫn không hài lòng. Mấy năm gần đây chúng ta hay ví von, "trên ga dưới phanh, trên nóng dưới lạnh”.

Đại biểu Dương Văn Thống cho rằng, "nói thế chỉ đúng một phần, không toàn diện, dường như chỉ thấy cấp dưới trì trệ, làm chậm, không quyết liệt. Nhìn thẳng vào sự thật chúng ta thấy, một bộ phận nhân dân không hài lòng vì cán bộ nhiêu khê và không ít nơi, không ít cán bộ cấp dưới thấy một bộ phận cán bộ cấp trên, cơ quan cấp trên cả địa phương và Trung ương là cấp trên quản lý và tham mưu nhiêu khê”.

Đại biểu Dương Văn Thống đề nghị, phải bổ sung các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức gắn với áp dụng công nghệ hiện đại và công khai, minh bạch trong công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ.

Chúng ta bảo đảm sẽ cố gắng tốt nhất để rừng ngày một có chất lượng

Giải trình những vấn đề đại biểu nêu về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, được phê duyệt từ năm 2009, trong đó có 2 phần hợp thành do Bộ NN và PTNT quản lý thực hiện. Còn hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Nghệ An chủ trì thẩm định, phê duyệt cả về phía diện tích của Nghệ An.

Tại thời điểm năm 2009, theo Nghị quyết 66, dự án không thuộc dự án quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Năm 2011, dự án phải tạm dừng vì lúc đó không có kinh phí theo tình hình chung. Năm 2017, sau khi dự án được bố trí tiếp tục vốn để triển khai, Bộ đã yêu cầu các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa tổng rà soát lại diện tích đất sử dụng, đặc biệt là đất rừng vì diện tích rừng phòng hộ nâng lên là 312,95 ha. Chính vì thế, dự án phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công. Lý do của rừng phòng hộ tăng từ 94 ha lên 312,95 ha do hai lý do.

Một là, tại thời điểm phê duyệt dự án năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An cập nhật thiếu số liệu rừng phòng hộ của tỉnh Thanh Hóa. Hai là, theo quy định của pháp luật, sau 10 năm có nhiều thay đổi. Ví dụ, tiêu chí về rừng, theo luật cũ là 0,5 ha, theo luật mới bây giờ là 0,3 ha.

Liên quan đến thẩm quyền và thủ tục pháp lý, theo quy định tại Khoản 7, Điều 1 Nghị định số 02 đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án có tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia, thì Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến tháng 8.2020 hai tỉnh Ninh Thuận và Nghệ An mới hoàn thành bộ hồ sơ này. Chính vì thế, đến thời điểm này, Chính phủ mới báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, việc Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của dự án Sông Than của Ninh Thuận và dự án bản Mồng của Nghệ An là phù hợp với quy định hiện hành. Sau khi Quốc hội đồng ý về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Bộ NN và PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bản Mồng. Đối với dự án sông Than, thì UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ trình với HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Giải trình vấn đề đại biểu nêu về việc có phải dự án này làm tăng diện tích rừng hay không, Bộ trưởng cho biết, nhiệm vụ của dự án là tạo hồ chứa nước 225.000.000 m3 cấp nước cho 18.000 ha đất nông nghiệp, cấp tạo nguồn cho hạ lưu của lưu vực sông Cả với tốc độ là 22 m3/s để cấp cho hệ thống Bắc và Nam thủy lợi của Nghệ An. Hợp phần thủy điện chỉ kết hợp tận dụng lưu lượng xả về hạ du để phát điện theo lịch cấp nước của thủy lợi. "Đây là trường hợp chúng ta tận dụng, không liên quan đến tăng dung tích của hồ chứa, vì vậy không tăng diện tích rừng phải chuyển đổi”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Chưa hài lòng với phần giải trình của Bộ trưởng, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nêu vấn đề: Ngày 28/6/2017, Bộ NN và PTNT đã có Quyết định số 2749 phê duyệt điều chỉnh dự án. Theo báo cáo của Bộ trưởng, dự án này gồm 2 hợp phần: xây dựng công trình và di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng… Khi điều chỉnh dự án này, rõ ràng diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn phải chuyển đổi tăng từ 90 ha lên hơn 312 ha. Theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 7 Luật Đầu tư công, trước khi sửa đổi cũng đã quy định rất rõ là chuyển đổi từ 50 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, thì Quốc hội phải có ý kiến.

"Dù có hợp phần nào thì đây cũng là một dự án. Trong quá trình điều chỉnh dự án mà điều chỉnh chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn lớn như vậy mà chưa có ý kiến của Quốc hội, thì căn cứ nào để Bộ ra quyết định điều chỉnh tại Quyết định số 2749 năm 2017” - Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, đồng thời, cho rằng, đây là quy trình đầu tư xây dựng cơ bản, cho nên cần làm rõ tại sao giải ngân đầu tư công chậm như vậy? Có phải do mắc ở luật không? Hay do trong quá trình thực hiện còn có những vấn đề mà chúng ta làm chưa hết? Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm rõ.

Liên quan đến thông tin Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu là trong 30 năm qua, diện tích rừng tăng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha là tăng diện tích rừng tự nhiên, hay chủ yếu là rừng trồng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong tổng diện tích rừng 14,6 triệu ha hiện nay, rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha. Như vậy, so với cách đây 30 năm, lúc đó chúng ta chỉ có 9 triệu ha, thì đương nhiên chỗ này tăng diện tích rừng tự nhiên đã tới 1,3 triệu ha. Tuy nhiên, phải khẳng định chất lượng rừng tự nhiên hiện nay chưa được tốt, vì trong tổng số 10,3 triệu ha rừng tự nhiên chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, còn 50% là rừng trung bình và 35% rừng nghèo kiệt. "Đây là thực tế mà chúng ta phải có trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyên Xuân Cường nói.

Chính vì thế, Quốc hội yêu cầu tới đây, rừng tự nhiên bằng chính sách khoanh nuôi, bảo vệ phải tăng hơn nữa định mức để người dân tham gia trồng rừng, chăm sóc, ngày một bảo đảm độ giàu về đa dạng sinh học... "Chúng ta bảo đảm sẽ cố gắng tốt nhất để rừng ngày một có chất lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Chưa hài lòng với nội dung giải trình này với lý lẽ Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói diện tích rừng tăng từ 9 triệu ha lên hơn 14 triệu ha là con số đáng phấn khởi là "rất vô lý và có cái gì đó thực sự là sai sai”, đại biểu K’sor H'Bơ Khắp (Gia Lai) phân tích: không thể nào có con số đó, vì ít nhất trong nhiệm kỳ Quốc hội này, tại các kỳ họp Quốc hội liên tục được nghe những dự án, công trình có nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Đó là rừng tự nhiên. Làm gì có chuyện con số rừng tự nhiên tăng lên hơn 14 triệu ha, trong khi thực tế, cây cao su, cà phê, tiêu… cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng... Cây cao su không chỉ trồng ở Tây Nguyên mà còn là những dự án ở Tây Bắc nữa.

"Bộ trưởng cần phải nghiên cứu lại, xem các dự án này phải điều chỉnh như thế nào đối với cây gỗ, rừng tự nhiên”, ĐB K’sor H'Bơ Khắp đề nghị.

Cần có kịch bản phát triển trong năm 2021 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Trước khi Covid - 19 xuất hiện, chúng ta đã thành công, đạt được hầu hết các chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua. Kinh tế liên tục tăng trưởng từ 6,2 - 6,8 - 7,0%, bình quân đạt 6,8%. Điều quan trọng hơn là chúng ta đã tạo ra nền kinh tế vĩ mô ổn định khá vững chắc. Chúng ta đã kiểm soát lạm phát, bình quân dưới 4%, đã tạo được các cân đối lớn của nền kinh tế, dự trữ ngoại hối tăng và cải thiện rất tốt, từ đó bảo đảm cho sự ổn định tiền tệ và tăng niềm tin vào sức mua, giá trị đồng tiền Việt Nam. Khẳng định những kết quả nổi bật nêu trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ: "Chúng ta đã tạo ra dư địa rất tốt cho nợ công để cơ sở tăng đầu tư và tạo điều kiện tăng trưởng bền vững hơn”.

Tuy nhiên, đến năm 2020, đại dịch Covid - 19 ập đến, đã cướp đi sinh mạng của 1,2 triệu người trên thế giới và đã lấy đi 7 - 8 % GDP của toàn cầu, tương ứng với khoảng 6.000 - 7.000 tỷ USD. Với Việt Nam, thu ngân sách năm 2020, kế hoạch đưa ra phải thu được 1.512.000 tỷ đồng, nhưng nếu bây giờ phấn đấu tích cực sẽ thu được khoảng 1.300.000 tỷ đồng, như vậy chúng ta sẽ thất thu khoảng 189.000 tỷ đồng. Cho nên, bội chi ngân sách đã tăng thêm trên 84.000 tỷ đồng.

"Nói như vậy để thấy thiệt hại của Covid - 19 là quá lớn. Thời gian tới, khi chúng ta xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, cũng như xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021 - 2025 phải thận trọng với đại dịch Covid -19”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

Về phương hướng, nhiệm vụ của năm 2021, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ nên xây dựng nhiều kịch bản, trong đó kịch bản tốt nhất là Covid - 19 được kiểm soát, vaccine có hiệu quả và kinh tế thế giới là phục hồi. Trong điều kiện này thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 trên 6% khả thi. Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân: "Tuy nhiên, chúng ta phải có kịch bản trong trường hợp điều kiện diễn biến không thuận lợi, đó là chưa tìm ra vaccine, Covid - 19 có thể tái phát trở lại và kinh tế thế giới suy thoái kép -trong trường hợp này thì tăng trưởng chỉ có thể đạt khoảng 4 - 4,5% như dự báo."

Với câu chuyện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, thiên tai, lũ lụt đang hoành hành ở nhiều địa phương miền Trung, đồng tình với việc Chính phủ phải trích Quỹ dự phòng tài chính của năm nay để chi cho các địa phương đang gặp khó khăn do lũ lụt, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng "phải giải quyết bài toán căn cơ hơn”. Vì năm nào chúng ta cũng chứng kiến lũ, lụt, bão tố ở khu vực miền Trung; phải tính đến yếu tố quy hoạch, chuyển người dân đến nơi an toàn...

 

(Theo kinhtedothi.vn)

 

1555 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h