Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Thúc đẩy giáo dục vùng khó vươn lên

10/11/2020 13:43:35 Xem cỡ chữ Google
Cơ sở vật chất là một trong những yếu tố có tính quyết định trong đổi mới nâng cao chất lượng dạy học vùng cao. Từ khi dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 (Bộ Giáo dục và Đào tạo) được triển khai, nhiều trường học vùng cao Yên Bái được đầu tư khang trang, tạo điều kiện thuận lợi trong đổi mới phương pháp dạy học.

Thực hành ở phòng học bộ môn của thầy và trò Trường PTDTBT tiểu học và THCS La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái).

Đèo Khau Phạ vốn nổi tiếng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” bởi sự quanh co, cheo leo, mây mù bao phủ. Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải) nằm bên con đường ngoằn ngoèo giữa bản Tà Chơ lưng chừng đèo Khau Phạ. Thầy giáo Lê Hải Đăng, hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường có 481 học sinh, trong đó có 301 em bán trú. Với đặc thù vùng cao, hơn 90% số học sinh người H’Mông phải đi học xa; nhiều em nhà ở bản Kháo Nhà, Tà Dông, Lìm Mông cách trường 10 đến 13 km. Những năm học trước, cơ sở vật chất của trường còn hạn chế, thiếu phòng học cho nên dù là vùng núi nhưng vẫn có tới 40 học sinh/lớp. Cả trường chỉ có sáu phòng học cho nên phải bố trí học hai ca/ngày. Vì vậy, học sinh không có thời gian, không gian tham gia được các hoạt động ngoài giờ lên lớp hoặc các hoạt động tự học. Nhà trường muốn bồi dưỡng học sinh giỏi hay phụ đạo học sinh yếu kém cũng không có phòng học để thực hiện. Thế nhưng từ năm học 2020 - 2021, sáu phòng học và một phòng bộ môn cùng trang thiết bị được dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 đầu tư đưa vào sử dụng sẽ góp phần cải thiện đáng kể điều kiện dạy và học của trường. Đến nay, trường có đủ mỗi lớp một phòng để bố trí học sinh có thể tham gia học buổi hai; phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi. Quá trình tổ chức dạy học được bảo đảm theo đúng yêu cầu chương trình, chuẩn bị đón đầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Rời Cao Phạ, chúng tôi đến với Trường PTDTBT tiểu học và THCS La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) nằm giữa những thửa ruộng bậc thang điệp trùng nối tiếp nhau. Khuôn viên trường rộng rãi với những dãy phòng học, phòng bộ môn, khu bán trú được xây dựng kiên cố. Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây do hạn chế về cơ sở vật chất cho nên nhà trường phải bố trí học sinh bán trú ngay tại lớp học. Đến năm 2016, thực hiện chủ trương của tỉnh ghép các điểm trường lẻ vào điểm chính, áp lực về cơ sở vật chất, chỗ ở cho học sinh bán trú càng lớn. Tuy nhiên, với nhiều nguồn đầu tư khác nhau, Trường PTDTBT tiểu học và THCS La Pán Tẩn dần khắc phục được khó khăn. Trong đó dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 đầu tư xây dựng hai phòng học, một thư viện, một phòng bộ môn, sáu phòng bán trú cho học sinh, hai phòng công vụ cho giáo viên..., đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2018, bước đầu tạo thuận lợi cho đổi mới giáo dục của nhà trường.

Thầy giáo Thào A Chư, giáo viên môn Sinh học, Hóa học, phụ trách sách, thiết bị khối THCS Trường PTDTBT La Pán Tẩn chia sẻ, trước đây khi chưa có phòng học bộ môn, thời gian sắp xếp cho các giờ dạy thực hành của giáo viên tốn khá nhiều thời gian và công sức mà hiệu quả không cao. Từ khi phòng học bộ môn, thiết bị máy tính, máy chiếu được đầu tư, thầy và trò lên lớp không phải dạy học “chay”. Đáng chú ý, nhờ được xây dựng phòng bán trú cho nên số học sinh ở xa có điều kiện ăn ở tốt hơn. Năm học 2020 - 2021 này, trong số 1.104 học sinh của cả trường thì có 840 cháu ở bán trú (gồm 310 học sinh THCS, 530 học sinh tiểu học). Em Khang Thị Mao, học sinh lớp 7B ở bản Tà Chí Lừ, bán trú tại trường chia sẻ: Em rất thích đến trường vì có các bạn cùng chơi lại được thầy cô chăm sóc, dạy bảo. Trong đó, các giờ học thực hành có nhiều trang thiết bị lần đầu em được làm quen nên rất vui.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, Lê Minh Đức, trên địa bàn tỉnh Yên Bái được dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 đầu tư tại mười trường học gồm: 38 phòng học, 10 phòng bộ môn, 22 phòng ở học sinh, 18 phòng công vụ giáo viên, ba thư viện... Cùng với các nguồn đầu tư khác, nguồn đầu tư của dự án đã góp phần nâng cao điều kiện dạy và học của các nhà trường. Đáng chú ý là các trường khu vực đặc biệt khó khăn đã có điều kiện tốt hơn, đón đầu chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhờ được đầu tư kịp thời góp phần giúp tỉnh Yên Bái triển khai đề án sắp xếp lại trường, lớp học, giảm được điểm trường lẻ, tăng tỷ lệ học sinh ở bán trú. Toàn tỉnh hiện nay có 54 trường PTDTBT, 54 trường có học sinh bán trú và chín trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, hai trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh. Tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, ra lớp, nhất là vùng khó khăn ngày càng tăng lên. Cũng nhờ được sự đầu tư kịp thời góp phần tăng nhận thức của người dân về việc cho con em tới trường; tạo thuận lợi cho các thầy giáo, cô giáo có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học. Mặc dù là tỉnh vùng núi còn nhiều khó khăn, nhưng trong tổng số 444 trường học trên địa bàn, tỉnh Yên Bái đã có 239 trường (chiếm 53,8%) đạt chuẩn quốc gia.

Theo ông Phạm Xuân Luận (Dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2), không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, dự án còn hỗ trợ chuyên môn nâng cao nhận thức về giáo dục nói chung, giáo dục THCS nói riêng cho các địa phương. Trong đó, nâng cao nhận thức cộng đồng, tập huấn cho phụ huynh, học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ địa phương hiểu về giáo dục; nắm bắt được nghiệp vụ vận động con em đến trường. Ngoài ra, chương trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số; bồi dưỡng cán bộ quản lý về quản trị trường học; kỹ năng sống; ứng phó biến đổi khí hậu giảm nhẹ thiên tai... nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn.

 

603 lượt xem
Theo Báo Nhân dân

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h